Tổ chức cung cấp cho chiến dịch được chia thành hai tuyến: Tuyến hậu phương do Tổng cục Cung cấp và Hội đồng cung cấp Liên khu Việt Bắc, Liên khu III và Liên khu IV đảm nhiệm. Tuyến chiến dịch do Tiền phương Tổng cục Cung cấp và Hội đồng cung cấp Khu Tây Bắc đảm nhiệm. Tuyến hậu phương bàn giao dân công, phương tiện, vũ khí, đạn dược, thuốc quân y, xăng dầu, gạo, muối… cho tuyến chiến dịch ở Ba Khe (Nghĩa Lộ) trên đường số 13 hướng từ Việt Bắc sang và ở Suối Rút, Bãi Sang trên đường số 41. Khi chiến dịch bắt đầu các tuyến hậu cần có sự điều chỉnh bảo đảm sát với thực tế và sát trận địa hơn. 

Chiều ngày 13-3-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn bằng trận tiến công Him Lam. Các tuyến hậu cần bước vào phục vụ bộ đội chiến đấu. Khó khăn lớn nhất của công tác bảo đảm chiến dịch là các tuyến vận tải rất dài, qua địa hình rừng núi hiểm trở, sông suối chia cắt, đường xấu... Để vận chuyển khối lượng lớn vật chất lên mặt trận, hậu cần chiến dịch thực hiện phương châm “lấy vận tải cơ giới là chủ yếu, triệt để phát huy cơ giới, đồng thời tranh thủ mọi phương tiện thô sơ”. 16 đại đội ô tô vận tải (534 xe) của Tổng cục Cung cấp được huy động, có thời gian còn được tăng cường 94 xe của các đơn vị pháo binh, phòng không. Phong trào thi đua “Vượt cung, tăng chuyến, tiết kiệm xăng dầu, giữ gìn xe tốt” phát triển sâu rộng trong các đơn vị vận tải… Hơn hai vạn xe đạp thồ được các địa phương huy động phục vụ chiến dịch. Nhà báo Giuyn Roa, nguyên đại tá quân đội Pháp viết: “…không phải viện trợ của Trung Quốc đánh bại tướng Nava mà đó là những chiếc xe đạp Pơgiô thồ 200-300kg hàng, do những dân công ăn không no, ngủ trên những tấm nilon trải ngay trên mặt đất. Tướng Nava bị đánh bại bởi trí thông minh và quyết tâm chiến thắng của đối phương”.

Để bảo đảm sức khỏe cho bộ đội chiến đấu liên tục, dài ngày trong điều kiện khó khăn, hậu cần chiến dịch chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp, như: Chế biến các loại thực phẩm khô (vừng, đỗ, lạc), ướp muối thịt, muối dưa… gửi lên mặt trận. Hậu cần Đại đoàn 316 đưa được nhiều đàn bò từ Thanh Hóa lên Điện Biên Phủ. Hậu cần Đại đoàn công pháo 351 ướp muối hàng chục tấn thịt bảo đảm cho các đơn vị. Hậu cần Đại đoàn 312 tổ chức đội xe thồ 100 chiếc vận chuyển thực phẩm từ Phú Thọ lên mặt trận. Đại đoàn 308 khai thác tại chỗ 52 tấn củ mài, 32 tấn rau rừng, đánh bắt 32 tấn cá… Trong đợt 2 chiến dịch, bộ đội đào hào đánh lấn dưới làn hỏa lực ác liệt của địch, số lượng thương, bệnh binh tăng gấp đôi dự kiến, ngành quân y đã huy động toàn bộ lực lượng của 7 đội điều trị (Cục Quân y), 4 đội điều trị của các đại đoàn tham gia chiến dịch, trong đó 5 đội điều trị được xây dựng thành bệnh viện mặt trận, 3 đội triển khai ở tuyến hậu cần hỏa tuyến. Nhiều giáo viên, sinh viên Trường Đại học Y-Dược cũng được điều động lên phục vụ mặt trận.

Sau 56 ngày đêm liên tục kiên cường chiến đấu, chiều ngày 7-5-1954, lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” của Quân đội ta tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Cát, Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngành hậu cần đã huy động toàn bộ lực lượng, bảo đảm cho hơn 87.000 người tham gia chiến dịch (lực lượng chiến đấu 53.830 người); khối lượng vật chất phục vụ chiến dịch lên tới 20.000 tấn: 1.200 tấn đạn, 1.733 tấn xăng dầu, 14.950 tấn gạo, 268 tấn muối, 577 tấn thịt, 1.034 tấn thực phẩm và 177 tấn vật chất khác... Với tinh thần “Tất cả cho mặt trận, tất cả để chiến thắng”, quân và dân ta vượt mọi khó khăn, bảo đảm cho Chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi.

Công tác hậu cần Chiến dịch Điện Biên Phủ có bước tiến vượt bậc và để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý, trong đó phát huy thế trận hậu cần nhân dân là bài học lớn nhất, quyết định làm nên chiến thắng của chiến dịch. Từ thực tiễn và kinh nghiệm bảo đảm hậu cần trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, phát huy thế trận hậu cần nhân dân trong chuẩn bị thế trận và tiềm lực hậu cần các cấp trong điều kiện mới, cần chú trọng một số vấn đề chủ yếu sau:

Một là, thường xuyên quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về chiến tranh nhân dân, hậu cần toàn dân. Xây dựng thế trận hậu cần lấy tạo nguồn, khai thác tiềm năng tại chỗ là cơ bản. Hình thành các khu vực hậu cần tại chỗ có khả năng độc lập bảo đảm cho lực lượng vũ trang hoạt động, tác chiến trong mọi tình huống. Trên cơ sở đó, quy hoạch, xây dựng thế trận hậu cần chiến lược, chiến dịch, hậu cần khu vực phòng thủ vững chắc, có khả năng cơ động cao, tạo thế liên hoàn, vững chắc. Thực hiện quy hoạch đi trước một bước, bảo đảm sự thống nhất giữa quy hoạch căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần các vùng, miền với phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân trên từng hướng (địa bàn) chiến lược. Ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng căn cứ hậu phương, nhất là hệ thống mạng lưới giao thông vận tải đường bộ, đường thủy để triển khai phương thức vận tải linh hoạt, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa căn cứ hậu phương với căn cứ hậu cần và lực lượng hậu cần các cấp trên từng địa bàn... 

Hai là, tiếp tục nghiên cứu thực hiện sáng tạo Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị, Nghị định 152 của Chính phủ về xây dựng hậu cần khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố trong tình hình mới. Tập trung chỉ đạo, đầu tư nguồn lực tổng hợp xây dựng hậu cần khu vực phòng thủ địa phương vững mạnh toàn diện đi vào chiều sâu theo phương châm hậu cần gắn với dân và kinh tế theo địa bàn; chú trọng địa bàn chiến lược trọng yếu. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh; định kỳ diễn tập và có giải pháp đồng bộ không ngừng nâng cao khả năng bảo đảm tại chỗ của từng khu vực phòng thủ.

Ba là, có chiến lược và kế hoạch thu hút các dự án, các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển trước một bước cơ sở hạ tầng vùng căn cứ, tạo điều kiện phân bố lại dân cư, phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường tiềm lực hậu cần ở địa bàn chiến lược, vùng rừng núi, vùng sâu, vùng xa... Tính toán các phương án, lộ trình thích hợp trong xây dựng các công trình hậu cần trong các căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế đất nước.

Bốn là, chủ động nghiên cứu, xây dựng và từng bước hoàn thiện các phương án tổ chức, bố trí, sơ tán, di chuyển, phòng tránh, bảo toàn các cơ sở hậu cần chiến lược, duy trì sản xuất tạo nguồn trong các căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần đã xác định. Tổ chức dự trữ vật chất, trang bị hậu cần tại các căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần các cấp hợp lý, phù hợp với khả năng của địa phương, kết hợp với dự trữ quốc gia, trong các ngành kinh tế và trong nhân dân trên từng địa bàn. 

Hậu cần quân đội là cầu nối chuyển sức mạnh của đất nước tới lực lượng vũ trang để bảo đảm cho tác chiến thắng lợi. Kế thừa và phát triển các bài học hậu cần nhân dân bảo đảm cho Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, ngành hậu cần quân đội luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần cùng toàn quân, toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thiếu tướng TRẦN DUY GIANG, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần