Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa là quốc gia nước ngoài đầu tiên nhận được chiến đấu cơ Su-27SK và Su-27UBK. Các cuộc hội đàm cung cấp máy bay mới cho Trung Quốc bắt đầu từ thập niên 90. Các phi công Nga đã trình diễn khả năng của chiến đấu cơ Su-27 và MiG-29 tại Bắc Kinh vào tháng 3/1991. Sau những đánh giá toàn diện, Trung Quốc đã chọn Su-27 và đặt hàng mua 20 chiếc Su-27 phiên bản 1 chỗ ngồi và 6 chiếc phiên bản 2 chỗ ngồi. Những máy bay này có mặt tại Trung Quốc năm 1992. Chúng được trang bị cho tiểu đoàn hàng không số 3 thuộc Lực lượng Không quân của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đồn trú tại căn cứ không quân Wuhu, tỉnh Anhui.
Năm 1993, Trung Quốc bày tỏ quan tâm đến việc mua lô hàng Su-27 thứ hai. Hợp đồng trị giá 710 triệu USD đã được hoàn tất vào năm 1996. Không quân PLA đã nhận 22 chiếc: 16 chiếc Su-27SK và 6 chiếc S-27UBK. Chúng phục vụ trong tiểu đoàn số 2 đồn trú tại căn cứ không quân Suixi, tỉnh Guangdong.
Năm 1995, Nga và Trung Quốc đã kí thỏa thuận sản xuất theo giấy phép máy bay Su-27SK tại Trung Quốc. Một năm sau, công ty xuất khẩu vũ khí lớn nhất của Nga, Sukhoi và nhà máy sản xuất hàng không Komsomolsk-on-Amur và tập đoàn Shenyang Aircraft Corporation (SAC) đã kí hợp đồng trị giá 2,5 tỷ USD sản xuất theo giấy phép 200 chiến đấu cơ Su-27SK. Đồng thời, SAC lắp ráp máy bay từ bộ phận do nhà máy Komsomolsk-on-Amur cung cấp.
Nhưng hợp đồng chỉ xem xét sản xuất theo giấy phép máy bay một chỗ ngồi. Vì vậy, năm 1999, Trung Quốc phải mua thêm 28 chiếc Su-27UBK phiên bản 2 chỗ ngồi. Việc cung cấp lô hàng này đã hoàn tất vào năm 2002. Chúng đã gia nhập tiểu đoàn hàng không số 33, đồn trú tại Baishiduo, tỉnh Chongqing.
Như vậy, Không quân PLA đã nhận 3 lô hàng Su-27 gồm tất cả 76 chiếc. Máy bay Su-27SK do nhà máy Komsomolsk on Amur cung cấp còn máy bay Su-27UBK phiên bản 2 chỗ ngồi do nhà máy Irkutsk cung cấp.
Su-27 là chiến đấu cơ đầu tiên mà Trung Quốc mua có khả năng chiến đấu tương đương với những máy bay hiện đại nhất của phương Tây. Lần đầu tiên, vào năm 1996, công chúng được biết đến Su-27 qua truyền hình. 4 chiếc Su-27 của Trung Quốc đã tấn công những mục tiêu trên mặt đất bằng bom và tên lửa. Điều này đã khiến chính quyền Đài Loan phải kính nể. Mùa hè năm 1999, Su-27 của Trung Quốc lượn quanh vịnh Đài Loan trong thời gian huấn luyện của PLA.
Việc sao chép theo giấy phép máy bay Su-27SK được mang tên J-11 (Jianji-11 hoặc Jian-11). Những seri J-11 đầu tiên do tập đoàn SAC thực hiện hoàn toàn giống với Su-27SK.
Chiếc J-11 đầu tiên - được SAC lắp ráp từ những bộ phận chi tiết của Nga - đã xuất xưởng vào tháng 12/1998. Nhưng phải mất 2 năm để việc sản xuất seri đi vào ổn định. Trước năm 2002, đã có 48 chiếc được xuất xưởng, năm 2002-2003, SAC cũng xuất xưởng số lượng tương tự. Tuy nhiên, năm 2000, Trung Quốc đã quyết định không sử dụng quyền lắp ráp 200 chiến đấu cơ nữa mà chỉ thực hiện lắp ráp 1 nửa số này. Việc cung cấp bộ phận máy bay của nhà máy Komsomolsk on Amur đã bị ngừng lại. Có có ý kiến cho rằng, máy bay được lắp ráp từ bộ phận của Nga không đáp ứng được yêu cầu của Không quân PLA.
Theo đánh giá của các chuyên gia, có một vài nguyên nhân dẫn đến việc ngừng sản xuất seri J-11 tại Trung Quốc. Thứ nhất, thỏa thuận cấp phép sản xuất không xem xét việc chuyển giao công nghệ sản xuất kỹ thuật điện tử hàng không và động cơ. Những hệ thống này hoàn toàn là của Nga. Thứ hai, hệ thống điều khiển vũ khí của Nga không hoạt động phù hợp với tên lửa Trung Quốc. Kết quả là, Không quân Trung Quốc phải nhập khẩu thêm tên lửa R-27 và R-73 của Nga để đảm bảo khả năng chiến đấu của chiến đấu cơ J-11 đã lắp ráp. Thứ ba, Su-27SK chỉ có thể tấn công những mục tiêu “đơn giản” trên mặt đất bằng vũ khí không điều khiển. Điều này không làm lãnh đạo Không quân Trung Quốc hài lòng.
Năm 2003, Sukhoi bắt đầu tích cực đẩy mạnh việc đưa Su-27SKM – phiên bản đa chức năng nâng cấp của Su-27SK – sang thị trường Trung Quốc. Su-27SKM đã được lắp đặt radar Zhuk-27 giống như trên Su-30KM. Tuy nhiên, Không quân PLA chế tạo phiên bản riêng J-11 với tên gọi J-11B.
Năm 2002, tập đoàn SAC đưa ra sáng kiến chế tạo phiên bản nâng cấp máy bay J-11 và trưng bày ngoài trời hình mẫu máy bay mới và đặt tên lửa không-đối-không cũng những tên lửa điều khiển không-đối-đất xung quanh nó. Điều đó có nghĩa là, máy bay đã trở thành chiến đấu cơ đa chức năng, còn số lượng bộ phận do Trung Quốc sản xuất lắp đặt trên máy bay đã tăng thực sự. Hơn thế, trong tương lai, tập đoàn SAC còn dự định trang bị cho máy bay này động cơ nội địa WS-10A. Vũ khí trang bị trên máy bay bao gồm tên lửa không-đối-không PL-8 và PL-12 do Trung Quốc sản xuất, bom điều khiển LT-2 và LS-6 và tên lửa không-đối-đất YJ-91 (Kh-31P) và KD-88.
Ít nhất, có 3 mẫu may bay J-11B (số hiệu 523,524 và 525) đã được chuyển đến Viện nghiên cứu bay CFTE để tiến hành thử nghiệm bay vào năm 2006.
Sau đó, nhà máy tại Shenyang đã bắt đầu sản xuất phiên bản máy bay J-11B hai chỗ ngồi mang tên J-11BS. Phiên bản này giống với Su-27UBK của Nga nhưng động cơ, điện tử hàng không và vũ khí lại là của Trung Quốc sản xuất.
Năm 2006, xuất hiện thông tin về khả năng nâng cấp Su-27 của Trung Quốc. Trung Quốc dự định lắp đặt động cơ có công suất lớn hơn – AL-31F-M1 và động cơ 117S - trên máy bay nâng cấp. Dự kiến, ban đầu, Trung Quốc sẽ mua 52 động cơ trị giá 180 triệu USD để nâng cấp 26 máy bay. Trong tương lai, Trung Quốc có kế hoạch trang bị động cơ mới cho toàn bộ máy bay Su-27, Su-30MKK và J-11 gồm 273 chiếc. Giá trị hợp đồng được đánh giá đạt khoảng 2 tỷ USD.
Trước tháng 3/2008, chiến đấu cơ dòng Su-27 đã trang bị cho 11 đơn vị chiến đấu của Không quân PLA.
|