“Xã hội Iraq hiện nay đang có nhiều biến động. Nhiều tổ chức phe phái đang cố gắng nắm giữ quyền lực nhà nước và các khu vực khai thác dầu, trong đó có Tổ chức nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Từ thực tế chiến trường, chính quyền Baghdad đã có kinh nghiệm sử dụng các phương tiện chiến đấu của cả Nga và Mỹ. Và vũ khí Nga lại được yêu thích hơn”, chuyên gia quân sự Andrei Koshkin đánh giá.
Sự “yêu thích” trên đã hiện thực hóa bằng hợp đồng cung cấp xe tăng T-90S/SK mới đây giữa Moscow và Baghdad và nhiều trang bị quân sự khác. Đây chỉ là điểm khởi đầu cho việc mở rộng hợp tác giữa hai bên với tổng giá trị các hợp đồng dự kiến tới hàng tỷ USD. Một điều đáng ngạc nhiên tại Iraq là việc dù Mỹ đang hiện diện quân sự tại đây, nhưng số lượng xe tăng có nguồn gốc Nga qua nhiều nguồn cung cấp khác nhau đang hiện diện với số lượng lớn trong biên chế Quân đội Iraq. Câu trả lời thực tế rất đơn giản: Xe tăng Nga từ lâu đã thể hiện rõ hiệu quả của mình trên chiến trường Cận Đông, trong đó có Iraq.
Thiết kế của xe tăng T-90 rất phù hợp khi tác chiến ở môi trường sa mạc.
“Khu vực Trung Đông từ lâu đã đánh giá cao khả năng hoạt động của xe tăng Liên Xô và Nga. Các dòng xe tăng T-62, T-72 tỏ ra rất phù hợp với khí hậu sa mạc, bán sa mạc và khô nóng tại Trung Đông”, chuyên gia A. Koshkin đánh giá.
T-90 và các biến thể hiện là dòng xe tăng hiện đại nhất của Quân đội Nga. Khi tham chiến ở Syria, dòng xe tăng này đã thể hiện khả năng tác chiến và sống sót cao hơn hẳn dòng xe tăng Abrams của Mỹ và Leopard-2 của Đức. Xe tăng T-90 có thể coi là “bước chuyển tiếp” trước dòng xe tăng thế hệ mới T-14 Armata.
Xe tăng Abrams và Leopard không phải “đối thủ”
“Mỹ luôn quảng cáo xe tăng M1 Abrams là dòng xe tăng hiệu quả tác chiến nhất thế giới, nhưng thực tế chiến trường mấy năm trở lại đây tại Iraq đã chỉ ra, xe tăng Mỹ dễ tổn thương và hiệu quả tác chiến thấp”, chuyên gia A. Koshkin cho biết. Tại chiến trường Trung Đông, xe tăng Mỹ và Đức đã nhiều lần bị bắn cháy bằng súng phóng lựu hoặc tên lửa chống tăng cầm tay được phát triển từ những năm 1970.
Bản thân Mỹ cũng nhận rõ các yếu điểm của dòng xe tăng M1 Abrams và đã bắt tay vào phát triển dòng xe tăng mới. Tuy nhiên, để hình thành các yêu cầu kỹ thuật và phát triển thế hệ xe tăng mới cho Quân đội Mỹ sẽ mất từ 10 đến 15 năm. Giới chuyên gia quân sự nhận định, nhiều khả năng Mỹ sẽ phát triển dòng xe tăng có nhiều tính năng tương đồng và ưu việt hơn so với T-14 Armata của Nga, nhưng điều này không thể diễn ra trong một sớm, một chiều.
Xe tăng Abrams (ảnh trên) và xe tăng Leopard-2A4 bị bắn hạ bởi vũ khí chống tăng cá nhân tại Iraq và Syria.
Hiệu quả thương mại của xe tăng Abrams chủ yếu có được nhờ hoạt động quảng bá và truyền thông mạnh mẽ của các hãng chế tạo Mỹ, nhưng tại chiến trường Iraq, xe tăng Mỹ đã còn màn thể hiện không mấy ấn tượng. Xe tăng Leopard-2A4 (Đức) của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tham chiến tại Syria và xe tăng Leclerc (Pháp) của Saudi Arabia tham chiến tại Yemen cũng tương tự.
“Thực tế sử dụng phương tiện chiến đấu trên chiến trường có sức thuyết phục rất lớn. Chính thực tế chiến trường đã chứng minh xe tăng Nga (T-90) có hiệu quả hơn hẳn xe tăng của các quốc gia khác. Điều này cũng giải thích tại sao xe tăng Nga đang được rất nhiều quốc gia Cận Đông quan tâm và đặt mua”, chuyên gia A. Koshkin nhận định.
Chung ý kiến, chuyên gia quân sự Victor Murakhovsky đánh giá, điều kiện địa hình sa mạc, bán sa mạc tại Syria và Iraq với không gian mở rất phù hợp với tác chiến xe tăng: “Xe tăng T-90 hoàn toàn có thể sử dụng tên lửa bắn qua nòng pháo chính với độ chính xác cao để tấn công mục tiêu ở khoảng cách 5km, nhất là tại không gian mở trên sa mạc. Ngoài ra, xe tăng T-90 còn có nhiều vũ khí hiệu quả khác”.
Tại chiến trường Syria đã ghi nhận nhiều trường hợp xe tăng T-90 trúng đạn chống tăng vác vai, nhưng không hề hấn gì.
Hiệu quả tác chiến của T-90 tại Syria là "lời quảng cáo" có sức thuyết phục cao đối với các quốc gia Cận Đông.
Khi nói về khả năng sống sót của xe tăng T-90, chuyên gia phân tích quân sự Nga Igor Korotchenko cho biết: “Trong thực chiến tại Syria, đã ghi nhận trường hợp xe tăng T-90 vài lần trúng đạn vũ khí chống tăng, nhưng vẫn sống sót và kíp điều khiển không hề hấn gì. Điều này vẫn đúng tại chiến trường Iraq”.
Đôi bên cùng có lợi
Đối với Nga, hợp đồng cung cấp xe tăng T-90 cho Iraq giúp Moscow từng bước chiếm lĩnh thị trường vũ khí tại Cận Đông, nơi vốn nổi tiếng với các hợp đồng vũ khí cả gói tỷ đô. Hiện tại, Mỹ và phương Tây vẫn nắm giữ phần lớn các đơn hàng vũ khí cung cấp tại thị trường này.
Bước đầu, Nga đã có các hợp đồng vũ khí mới với nhiều quốc gia trong khu vực Cận Đông như Kuwait, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc A rập thống nhất, Ai Cập, Iraq… Điều này hứa hẹn trong tương lai sẽ có thêm các hợp đồng tỷ đô mới cho Moscow. Hầu hết các dòng vũ khí các quốc gia Cận Đông đặt mua đều là dòng sản phẩm đã qua “thử lửa” tại chiến trường Syria với hiệu quả tác chiến cao như: Xe tăng T-90, máy bay chiến đấu Su-35S, tiêm kích-bom Su-34, tổ hợp tên lửa phòng không S-400…
Vũ khí Nga đang có nhiều "bước tiến" lớn tại Cận Đông trong thời gian gần đây.
Về phía Iraq, bên cạnh hiệu quả thực tế do vũ khí Nga có thể mang lại, Baghdad cũng mong muốn qua các hợp đồng vũ khí lớn, Nga có thể hỗ trợ Iraq tích cực hơn trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, tương tự như đã làm thực hiện tại Syria.
Cần nhấn mạnh rằng, vũ khí là mặt hàng đặc biệt. Nó bao hàm cả các ý đồ chính trị trong đó. Việc đặt Iraq mua vũ khí Nga bao hàm luôn ý nghĩa mong muốn Moscow hỗ trợ Baghdad giải quyết các vấn đề nội tại quốc gia này đang vướng mắc. Điều này cũng đúng với nhiều quốc gia Cận Đông khác. Hiệu quả các vấn đề này tới đâu sẽ vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp một sớm, một chiều!
TUẤN SƠN