QĐND - Theo Kyodo, ngày 21-9 vừa qua, Mỹ đã tiến hành các chuyến bay thử nghiệm đầu tiên loại máy bay quân sự MV-22 Osprey tại Nhật Bản. Cuộc thử nghiệm đã mở đường cho chiến dịch triển khai loại vũ khí hiện đại tối tân bậc nhất của Mỹ trên đất nước Mặt trời mọc - chiến dịch giúp thắt chặt thêm mối quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật. Do vậy, không phải ngẫu nhiên mà dòng máy bay đa chức năng này, dù dính nhiều tin đồn “mất an toàn”, vẫn được triển khai tại Nhật Bản...

Máy bay Osprey thực hiện các chuyến bay thử nghiệm tại Nhật Bản hôm 21-9. Ảnh: AP

 

Từ siêu vũ khí đắt giá…

Không ai có thể phủ nhận Osprey là một trong những “siêu vũ khí” đắt giá nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ. Bởi dòng máy bay trực thăng vận tải này được Công ty Bell Helicopter Textron và Tập đoàn Boeing của Mỹ phối hợp sản xuất từ năm 1983 với giá thành lên tới 110 triệu USD mỗi chiếc và toàn bộ dự án sản xuất 458 chiếc Osprey đã ngốn hết hơn 50 tỷ USD từ ngân sách quốc phòng Mỹ. Theo trang Wikipedia, chiếc máy bay đa năng này có khả năng cất cánh thẳng đứng như trực thăng nhưng di chuyển với vận tốc của một máy bay chiến đấu và hạ cánh trên đường băng như các máy bay phản lực thông thường. Dòng máy bay Osprey có nhiều phiên bản khác nhau như V-22A, HV-22, SV-22, MV-22B, MV-22C và CV-22B. Trong đó, V-22A là phiên bản thử nghiệm ra đời năm 1985.

Osprey được đánh giá rất cao về hiệu quả trong vận tải cũng như khả năng triển khai quân và tham gia tấn công ở nhiều chiến trường khác nhau. Chiếc máy bay này có thể chở 24 lính chiến đấu cùng với 9.072kg hàng hóa ở khoang trong mà vẫn đạt tốc độ 443km/giờ, nhanh gấp đôi máy bay trực thăng thông thường. Osprey được trang bị súng máy M240, súng nòng xoay đạn 7.62 mm và một tháp pháo gắn phía bụng để sử dụng trong các trường hợp phải chiến đấu. Đây còn là loại máy bay có khả năng tiếp nhận nhiên liệu trên không và được trang bị hệ thống điện tử tiên tiến. Ngoài ra, với 2 cánh quạt có khả năng gấp gọn, Osprey là loại máy bay tiết kiệm diện tích bậc nhất trên các tàu sân bay. Do vậy, có thể nói Osprey là niềm tự hào của không quân Mỹ, là một sản phẩm trực thăng hoàn hảo có hình dáng cũng như cấu tạo vô cùng đặc biệt.

Trang mạng Yomiuri (Nhật Bản) trích dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lê-ôn Pa-nét-ta (Leon Panetta) rằng, máy bay Osprey là loại máy bay “không thể thiếu đối với các lực lượng Mỹ" và đã được quân đội Mỹ triển khai ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có cả các khu vực xung đột. Với những tính năng và thiết kế vượt trội như vậy, Osprey là loại “siêu vũ khí” giữ một vị trí chủ chốt trong việc tái bố trí lực lượng Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, kế hoạch đóng vai trò nòng cốt trong chính sách ngoại giao của Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma (B. Obama) từ tháng 1-2012.

…Tới máy bay gây nhiều tranh cãi nhất thế giới

Với nhiều điểm mạnh như vậy nhưng trong quá trình nghiên cứu và thử nghiệm từ năm 1991-2000, Osprey lại gây nhiều tai nạn khác nhau làm 30 người thiệt mạng. Kyodo cho biết, hồi tháng 4-2012, một chiếc MV-22 Osprey rơi ở Ma-rốc đã khiến hai binh sĩ Mỹ thiệt mạng. Đến tháng 6, một chiếc MV-22 Osprey lại rơi ở bang Phlo-ri-đa (Mỹ) khiến 5 người bị thương. Mối quan ngại về an toàn đối với loại máy bay này ngày càng tăng cao khi mới đây một chiếc MV-22 Osprey phải hạ cánh khẩn cấp với nguyên nhân được cho là trục trặc động cơ tại khu căn cứ quân sự ở Bắc Ca-rô-lai-na hôm 6-9. Hàng loạt vụ tai nạn đã khiến Osprey từ loại siêu vũ khí đắt giá nhất trở thành mối lo ngại với những người sử dụng. Thậm chí, đầu tháng 9 vừa qua, hơn 100 nghìn người dân Nhật Bản tập trung tại phía nam đảo O-ki-na-oa, biểu tình phản đối Mỹ triển khai máy bay vận tải Osprey tại đảo này.

Theo trang Wikipedia, nguyên nhân thường gây ra các vụ tai nạn đối với máy bay Osprey chính là các cánh quạt có thể khép quá sát sườn trong lúc chuyển hướng bay khiến nó dễ mất thăng bằng và bị lật. Do vậy, các phi công cần phải được đào tạo để tránh tình huống này. Một vấn đề nữa của Osprey là hệ thống dẫn chất lỏng bằng ti-tan có thể cọ sát vào nhau gây cháy nổ; đây chính là nguyên nhân của vụ tai nạn năm 2000 khiến 5 lính thủy đánh bộ thiệt mạng. Lỗi chip máy tính gây mất kiểm soát cũng đã từng xảy ra với loại máy bay này. Hiện các lỗi về kỹ thuật đều đã được điều tra và khắc phục.

Một điểm trừ nữa dành cho Osprey chính là giá thành sản xuất và vận hành của loại máy bay này quá cao. Chi phí cho mỗi giờ bay của Osprey lên tới 10.000 USD, trong khi dòng máy bay tương tự là Sea Knight chỉ tiêu tốn khoảng 4.600 USD mỗi giờ.

Tuy nhiên, dù “mất an toàn” hay giá thành không hề rẻ nhưng hiện nay Osprey vẫn được nhiều quốc gia như các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Ca-na-đa đặt hàng để trang bị cho quân đội của họ.

Chiến lược đảm bảo an ninh của Nhật Bản

Mới đây, Nhật Bản đã đồng ý cho phép Mỹ triển khai một loạt máy bay Osprey tại khu căn cứ quân sự Futenma của Mỹ tại Ô-ki-na-oa. "Triển khai máy bay Osprey không chỉ là nhu cầu chiến lược của Mỹ, mà còn là nhu cầu chiến lược bảo đảm an ninh của Nhật Bản” – AFP dẫn lời Ngoại trưởng Nhật Bản Cô-i-chi-rô Gem-ba (Koichiro Gemba).

Ở chiều hướng ngược lại, Mỹ cũng cho rằng máy bay Osprey có mặt tại O-ki-na-oa là để “bảo vệ” Nhật Bản thực hiện các hoạt động hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai và hoàn thành các vai trò liên minh khác. Tờ Nhật báo Yomiury (Nhật Bản) từng trích lời phát biểu tương tự của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lê-ôn Pa-nét-ta (Leon Panetta) trong buổi họp báo ngày 19-9 nhân chuyến thăm Nhật Bản. Ông cho rằng, việc điều MV-22 Osprey tới căn cứ Mỹ ở Ô-ki-na-oa rất cần thiết cho an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương và nhấn mạnh rằng, "Osprey đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm an ninh cho Nhật Bản". Thêm vào đó, việc triển khai Osprey cũng giúp tăng cường sự khăng khít trong mối quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật, Bộ trưởng Pa-nét-ta nhận định.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, trong khi căng thẳng Nhật-Trung đang có dấu hiệu gia tăng thì một loạt các động thái nhằm “tăng cường an ninh chung” xuất phát từ Nhật Bản rất có thể là kế sách để lôi kéo đồng minh Mỹ. Còn đối với phía Mỹ, với việc được sử dụng lại Osprey trong khu vực Đông Bắc Á, nước này đã gần như đặt được một chân của mình vào khu vực có vị trí chiến lược quan trọng này, tạo đà cho những bước tiến tiếp theo trong tương lai.

NGỌC THƯ