QĐND -Trung tuần tháng 5 vừa qua, 4 nước Đông Âu gồm Ba Lan, Hung-ga-ri, Xlô-va-ki-a và Cộng hòa Séc đã tuyên bố thành lập liên minh quân sự mới. Liên minh quân sự này được gọi là Nhóm Visegrad (V4) với hành động đầu tiên là thành lập “Nhóm chiến đấu” dưới sự chỉ huy của Ba Lan. Nhóm chiến đấu này sẽ đi vào hoạt động vào năm 2016 như một lực lượng quân sự độc lập không nằm trong cơ cấu chỉ huy của NATO.
Tên của liên minh quân sự mới này được đặt theo tên của lâu đài Visegrad của Hung-ga-ri, nơi đã diễn ra 2 hội nghị của các Vương quốc Ba Lan, Hung-ga-ri và Bô-hêm-mi-a thời Trung cổ. Năm 1991 sau Chiến tranh Lạnh, Nhóm Visegrad lại được tái hợp với 3 nước thành viên gồm Hung-ga-ri, Ba Lan và Tiệp Khắc (Séc và Xlô-va-ki-a lúc này còn nằm chung trong thành phần Tiệp Khắc).
 |
Xe tăng của Quân đội Ba Lan chuẩn bị tham gia một cuộc tập trận. Ảnh: armyrecognition.com
|
Để có thể hoạt động một cách độc lập, Bộ Quốc phòng của 4 nước này đang chuẩn bị tích cực cho các hoạt động diễn tập quy mô lớn nhằm hợp luyện một cách thuần thục. Theo kế hoạch, bắt đầu từ năm 2013, Nhóm Visegrad sẽ có các cuộc tập trận chung với Lực lượng phản ứng nhanh của NATO.
Nhận định về quyết định thành lập nhóm Nhóm Visegrad, một quan chức tình báo của Mỹ cho rằng, tuy đây không phải sự kiện lớn, nhưng Nhóm Visegrad thực sự quan trọng và thậm chí có tầm ảnh hưởng để có thể tạo ra bước ngoặt đối với châu Âu trong tương lai. Nhóm Visegrad ra đời cũng phản ánh tình hình an ninh khá phức tạp của châu Âu trong thời gian gần đây. Đó là: sự chia rẽ của NATO trong các vấn đề đối ngoại; tranh cãi căng thẳng của các cường quốc như Nga và Mỹ về hệ thống phòng thủ tên lửa được đặt tại châu Âu….
Bàn về tầm quan trọng của Nhóm Visegrad, một quan chức cao cấp của Ba Lan cho biết, quá trình hình thành Nhóm Visegrad được tính toán rất kỹ để tránh sự phản ứng của Nga cũng như những hoạt động chồng chéo với NATO có thể xảy ra. Theo quan chức này, sau sự sụp đổ của Liên Xô vào những năm 90 của thế kỷ 20, 4 quốc gia trong Nhóm Visegrad luôn thể hiện quyết tâm gia nhập NATO và Liên minh châu Âu (EU). Trong suốt một thời gian dài, Nhóm Visegrad cho rằng, tương lai kinh tế của họ sẽ gắn với EU và việc gia nhập NATO sẽ giúp họ bảo vệ được các lợi ích chiến lược ở châu Âu và trên thế giới. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, giải thích lý do thành lập Nhóm Visegrad, quan chức này cho biết, quan điểm trên đã có những thay đổi nhất định theo sự biến đổi của môi trường chiến lược châu Âu. Trong khi tình hình tại châu Âu và nội bộ NATO ngày càng phức tạp, Nhóm Visegrad muốn tự bảo vệ mình trước khi đợi được sự bảo vệ từ bên ngoài. Theo lý luận của các chuyên gia quân sự Nhóm Visegrad, cơ chế của NATO hiện đang bộc lộ vấn đề khi chưa thể bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các nước thành viên trong khối. Hơn thế nữa, học thuyết chiến lược của NATO vừa được thông qua vào tháng 11-2010 đang làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn và những hoài nghi về mức độ cam kết của Mỹ đối với châu Âu, cũng như khả năng của châu Âu trong tham gia phòng thủ khu vực..
Không chỉ nghi ngờ khả năng bảo vệ của NATO khi khu vực Đông Âu xảy ra sự biến, các nước thành viên Nhóm Visegrad còn nghi ngờ cả những thiên vị trong ngoại giao. Chính vì vậy, thành lập liên minh quân sự mới sẽ là một mũi tên trúng hai đích: Vừa có thể độc lập về quân sự lại có thể nâng cao vai trò của các nước này trong EU.
XUÂN VINH