QĐND - Tổng thư ký NATO An-đớt Phốc Ra-xmút-xen (Anders Fogh Rasmussen) mới đây đã tuyên bố hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) ở châu Âu sẽ tiếp tục được mở rộng tới khả năng tác chiến tối đa sau khi các nước thành viên NATO họp tại Chi-ca-gô (Mỹ) trong hai ngày 20 và 21-5 tới. Tuyên bố này không khỏi gây lo ngại sẽ một lần nữa làm quan hệ Nga-Mỹ vốn sẵn căng thẳng xung quanh vấn đề NMD “nổi sóng”.

Trước đó, vào đầu tháng này, Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga, Đại tướng Ni-cô-lai Ma-ca-rốp (Nikolai Makarov) tuyên bố, Nga không loại trừ tấn công phủ đầu nhằm vào hệ thống NMD của Mỹ và NATO ở châu Âu nếu các kế hoạch triển khai NMD này được xúc tiến. Ông bày tỏ lo ngại kế hoạch này sẽ “vô hiệu hóa” hoàn toàn các vụ phóng tên lửa xuyên lục địa của Nga. Đặc biệt, Mát-xcơ-va luôn lo ngại hệ thống này sẽ đe dọa tới an ninh của Nga. Mát-xcơ-va đã nhiều lần cảnh báo rằng, nếu trong trường hợp các cuộc đàm phán giữa Nga và NATO về vấn đề này thất bại, Nga sẽ thực thi một loạt biện pháp mang tính kỹ thuật, quân sự và ngoại giao để đáp trả, trong đó có việc triển khai tổ hợp tên lửa Iskander tại tỉnh Ca-li-nin-grát. Hiện các cuộc đàm phán giữa Nga, Mỹ và NATO về hợp tác trong vấn đề NMD vẫn lâm vào bế tắc kéo dài do hai bên chưa tìm được tiếng nói chung và tâm lý nghi ngại lẫn nhau vẫn bao trùm.

Mặc dù Mỹ luôn có các động thái nhằm xoa dịu và tìm kiếm sự hợp tác với Nga trong vấn đề NMD nhưng kết quả vẫn chưa ngã ngũ do Oa-sinh-tơn từ chối đề nghị của Nga cần có một văn bản của NATO bảo đảm không dùng hệ thống này để chống lại vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga. Cũng trong tháng này, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách châu Âu và các vấn đề Á-Âu, ông Phi-líp Go-đơn (Philip Gordon) tuyên bố, Mỹ và NATO sẽ thúc đẩy chương trình NMD ở châu Âu bất chấp mối quan hệ của Nga. Tuy nhiên, ông Go-đơn cũng đồng thời khẳng định cùng với việc triển khai NMD, Mỹ và NATO sẽ vẫn tiếp tục tìm kiếm mối quan hệ hợp tác với Nga trong vấn đề này.

Hiện nay, Mỹ và NATO đang xúc tiến kế hoạch triển khai NMD ở châu Âu. Mỹ và NATO cho biết, hệ thống NMD ở châu Âu sẽ hoạt động đầy đủ vào năm 2020 nhằm chống lại mối đe dọa từ tên lửa I-ran. NMD ở châu Âu khi hoàn thành sẽ gồm các tên lửa đánh chặn được đặt ở Ba Lan và Ru-ma-ni; hệ thống ra-đa ở Cộng hòa Séc, Thổ Nhĩ Kỳ và một loạt tàu khu trục được trang bị hệ thống đánh chặn tên lửa Aegis tối tân ở Tây Ban Nha. Trong khuôn khổ kế hoạch, theo ông Rát-xmút-xen, Hà Lan đã công bố các kế hoạch nhằm nâng cấp 4 tàu khu trục phòng không với ra-đa phòng thủ tên lửa. Đức cũng đã đề nghị cung cấp các tên lửa Patriot và đồng ý để NATO đặt trung tâm chỉ huy và kiểm soát tại Ram-xtên. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ, Ru-ma-ni, Ba Lan và Tây Ban Nha đều đã chấp thuận việc đặt các thiết bị của NMD châu Âu trên lãnh thổ nước mình.

Ông Ra-xmút-xen đồng thời cho biết, liên minh quân sự này đã thực hiện thành công một cuộc thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa cho châu Âu vào tháng 4 vừa qua. Trong cuộc thử nghiệm này, một tàu chiến Mỹ, ra-đa, vệ tinh và các tên lửa đánh chặn bố trí trên lãnh thổ Đức và Hà Lan đã tiến hành một loạt tình huống giả định nhằm thử nghiệm khả năng của NATO trong việc phòng thủ trước các cuộc tấn công bằng tên lửa.

Tổng thư ký Ra-xmút-xen cho biết, tại hội nghị Chi-ca-gô tới đây, NATO dự định tuyên bố về “khả năng hiện tại” của hệ thống phòng thủ tên lửa giúp tập hợp sự đóng góp của các nước thành viên cho hệ thống này dưới sự chỉ huy và kiểm soát của NATO. Theo ông, hệ thống phòng thủ chống tên lửa sẽ vẫn còn “hạn chế”, nhưng việc phát triển lá chắn tên lửa đó đánh dấu một “bước thực sự” đầu tiên hướng tới việc bảo vệ toàn bộ các nước thành viên NATO ở châu Âu.

ĐỨC ANH