QĐND - Mỹ vừa công bố kế hoạch rút 11.000 quân khỏi Đức và I-ta-li-a trong thời gian tới. Kế hoạch rút quân khỏi châu Âu của Mỹ phù hợp với kế hoạch chuyển trục chiến lược sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ, đồng thời đáp ứng được các trách nhiệm tài chính mà quân đội nước này phải gánh vác.

Lính Mỹ trong buổi huấn luyện tại căn cứ Gra-phen-vâu-ơ của Đức. Nguồn: Flick.com

 

Lầu Năm Góc cho biết, trong năm nay sẽ rút Lữ đoàn Bộ binh 170 đóng tại Bau-hôn-đơ (Đức) và trong năm sau sẽ rút tiếp Lữ đoàn Bộ binh 172 ở Gra-phen-vâu-ơ. Về lực lượng không quân, Lầu Năm Góc cũng sẽ tinh gọn phi đội chiến đấu 81 chống xe tăng A-10 thuộc căn cứ Xpang-đa-lem (Đức) và phi đội kiểm soát trên không 603 thuộc căn cứ A-vi-a-nô (I-ta-li-a). Được biết mỗi lữ đoàn có khoảng 3.850 quân, còn hai phi đội bay có hơn 850 phi công. Ngoài ra, Oa-sinh-tơn cũng cho biết sẽ đóng cửa các đơn vị đồn trú quân sự ở Xchuên-phuốc, Bam-béc và Hây-đen-béc ở Đức trước năm 2015 và rút khoảng 2.500 quân thuộc các đơn vị hỗ trợ trong 5 năm tới. Các căn cứ của quân đoàn 5 tại Uy-ét-bây-đân cũng sẽ bị đóng cửa. Như vậy, tổng quân số của Mỹ ở châu Âu sẽ giảm xuống còn 70.000 quân so với 81.000 quân hiện nay và 270.000 quân từ thời Chiến tranh Lạnh.

Việc cắt giảm hai lữ đoàn lớn tại châu Âu, thay thế bằng các đơn vị hậu cần nằm trong kế hoạch xây dựng quân đội tinh gọn, phản ứng nhanh của Lầu Năm Góc, giúp tiết kiệm gần 500 tỷ USD ngân sách trong thập niên tới. Theo kế hoạch cắt giảm chi tiêu quân sự được Lầu Năm Góc công bố, các lực lượng bộ binh, gồm lục quân và lính thủy đánh bộ, sẽ phải chịu sự cắt giảm mạnh nhất. Theo đó, quân đội Mỹ từ nay tới trước tháng 9-2017 sẽ cắt giảm khoảng 100.000 binh sĩ. Lục quân giảm từ mức 570.000 binh sĩ hồi năm 2010 xuống còn 490.000 binh sĩ, và lực lượng lính thủy đánh bộ giảm từ 202.000 binh sĩ xuống còn 182.000 binh sĩ. Trước đó, Oa-sinh-tơn đã thảo luận kế hoạch này với các nước đồng minh của mình trong NATO và châu Âu.

Theo Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Gioóc-giơ Lít-tơn (George Little), kế hoạch rút quân này không làm thay đổi cam kết của Oa-sinh-tơn trong quan hệ đối tác chiến lược với các đồng minh NATO. Ông cho rằng không nên đánh đồng việc giảm số lượng binh sĩ đồn trú lâu dài tại châu Âu với việc giảm bớt sự can dự của Mỹ với các đối tác tại đây, đồng thời tái khẳng định cam kết duy trì quan hệ quân sự mật thiết với các đồng minh tại lục địa này. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Thô-mát Đơ Mai-xi-e-rơ (Thomas de Maiziere) nhận định động thái này của Mỹ chỉ là bước chuyển “số lượng sang chất lượng” và không có gì phải phàn nàn, bởi Béc-lin cũng đang cắt giảm lực lượng quân sự của mình.

Bình Nguyên