Mỹ hy vọng kim ngạch xuất khẩu vũ khí cho Ấn Độ sẽ tăng mạnh trong năm 2013, đặc biệt là sau chuyến thăm chính thức quốc gia Nam Á này của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lê-ôn Pa-nét-ta (Leon Panetta) với cam kết sẽ cung cấp các dòng vũ khí thế hệ mới cho quân đội Ấn Độ...
QĐND - Mỹ hy vọng kim ngạch xuất khẩu vũ khí cho Ấn Độ sẽ tăng mạnh trong năm 2013, đặc biệt là sau chuyến thăm chính thức quốc gia Nam Á này của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lê-ôn Pa-nét-ta (Leon Panetta) với cam kết sẽ cung cấp các dòng vũ khí thế hệ mới cho quân đội Ấn Độ.
 |
Ấn Độ là quốc gia đầu tiên trên thế giới được Mỹ cung cấp máy bay tuần tra hải quân P-8I Poseidon. Ảnh: brahmand
|
Hiện tại, Mỹ và Ấn Độ đã có những hợp đồng vũ khí quan trọng như mua máy bay tuần tra hải quân thế hệ mới P-8I Poseidon, trực thăng tấn công AH-64D Longbow. Ngoài ra, Mỹ cũng đang tích cực vận động cho khả năng cung cấp chiến đấu cơ thế hệ 5 F-35 Lightning II cho Ấn Độ với vai trò là một trong những đối tác chính trong chiến lược hướng về châu Á của Mỹ. “Chúng tôi hy vọng, kim ngạch xuất khẩu vũ khí cho Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng. Hợp tác giữa Ấn Độ và Mỹ trong lĩnh vực quốc phòng đã có mức tăng trưởng ấn tượng trong thập kỷ qua”, Cố vấn Ngoại trưởng Mỹ về vấn đề ngoại giao quốc phòng A. Sa-pi-rô (A. Shapiro) cho biết trong một buổi họp báo.
Tỷ trọng vũ khí có xuất xứ từ Nga trong biên chế quân đội Ấn Độ vẫn chiếm tỷ lệ lớn, trên 70%, nhưng quốc gia Nam Á này vẫn đang nỗ lực tìm kiếm thêm nguồn cung vũ khí mới và tăng cường phát triển các dòng vũ khí nội địa. Các đối tác chính của Ấn Độ trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng hiện là Nga, I-xra-en, Pháp và Mỹ. Ngoài ra, Ấn Độ vẫn đang trong giai đoạn “cân nhắc” các dòng vũ khí thế hệ mới của Mỹ với mục đích đa dạng hóa nguồn cung vũ khí của mình và nâng cao khả năng tiếp cận các công nghệ vũ khí tiên tiến trên thế giới từ Mỹ. Trong lĩnh vực phát triển vũ khí nội địa, Ấn Độ cũng đạt được thành tựu nhất định khi cho ra mắt chiến đấu cơ hạng nhẹ Tejas, tự đóng mới tàu ngầm nguyên tử và tàu sân bay…
Ngoài các hợp đồng quân sự với Ấn Độ, ông A. Sa-pi-rô cũng khẳng định, Mỹ đang thực hiện nhiều hợp đồng quân sự lớn với nhiều quốc gia khác. Đáng chú ý là gói hợp đồng cung cấp vũ khí cho A-rập Xê-út trị giá 29,4 tỷ USD, cung cấp chiến đấu cơ F-35 cho Nhật Bản trị giá 10 tỷ USD và nhiều hợp đồng quạn trọng khác. Dự kiến, tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Mỹ trong năm 2012 có thể tăng lên 50 tỷ USD so với 20 tỷ USD vào năm 2011.
TUẤN SƠN