Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lê-ôn Pa-nét-ta (Leon Panetta) ngày 29-5 đã nhắc lại việc Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện hải quân tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời khẳng định xây dựng lực lượng hùng mạnh tại khu vực này sẽ là trọng tâm chính mà các sĩ quan hải quân Mỹ thế hệ mới cần phải hướng đến...
QĐND - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lê-ôn Pa-nét-ta (Leon Panetta) ngày 29-5 đã nhắc lại việc Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện hải quân tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời khẳng định xây dựng lực lượng hùng mạnh tại khu vực này sẽ là trọng tâm chính mà các sĩ quan hải quân Mỹ thế hệ mới cần phải hướng đến.
Phát biểu trước các quân nhân vừa tốt nghiệp tại Học viện Hải quân Mỹ, ông Pa-nét-ta rói rằng, tương lai của Mỹ phụ thuộc vào việc bảo đảm an ninh khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. “Mỹ là một quốc gia biển, và chúng ta đang trở lại với cội nguồn của chúng ta. Một trong những vấn đề quan trọng mà thế hệ các bạn sẽ phải đối mặt là duy trì và tăng cường sức mạnh của Mỹ trên khắp vùng biển rộng lớn của châu Á-Thái Bình Dương”, ông Pa-nét-ta nói.
Bộ trưởng Pa-nét-ta cũng nhấn mạnh nhiệm vụ tập trung củng cố và tăng cường mối quan hệ quốc phòng với Trung Quốc, đổi mới và phát triển mối quan hệ vững mạnh với các đồng minh truyền thống Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như xây dựng quan hệ đối tác mới với các nước trong khu vực. Theo ông, việc nỗ lực xây dựng và củng cố sức mạnh của Mỹ trên khắp khu vực Thái Bình Dương là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thế hệ sĩ quan mới. “Chúng tôi muốn các bạn củng cố quan hệ quốc phòng với Trung Quốc. Quân đội Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh và đang được hiện đại hóa. Nhưng điều then chốt trong khu vực này là phải phát triển một kỷ nguyên hợp tác quốc phòng giữa các quốc gia - nhất là với quốc gia mà chúng ta cùng chia sẻ gánh nặng về an ninh nhằm thúc đẩy hòa bình tại châu Á - Thái Bình Dương và trên khắp thế giới”, ông Pa-nét-ta nhấn mạnh. Nhưng ông Pa-nét-ta nói thêm, việc phát triển một thời kỳ mới của quan hệ hợp tác quân sự với Trung Quốc có vai trò quan trọng, trong đó hai quốc gia “chia sẻ các gánh nặng an ninh nhằm thúc đẩy hòa bình tại châu Á-Thái Bình Dương và khắp thế giới”.
Trong thời gian gần đây, Mỹ liên tiếp có những động thái được giới phân tích quốc tế nhận định là nhằm tăng cường sự hiện diện của mình tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, như việc điều 200 binh sĩ đầu tiên thuộc lữ đoàn lính thủy đánh bộ số 3 của Mỹ tới căn cứ quân sự thành phố Đác-uyn (Ô-xtrây-li-a) và tuyên bố cử các tàu chiến tới Xin-ga-po để tiến hành tập trận chung nhằm thúc đẩy quan hệ quân sự song phương. Mới đây nhất, 4.500 binh sĩ Mỹ đã được triển khai luân phiên tới Phi-líp-pin để tiến hành cuộc tập trận chung thường niên từ ngày 16 đến 27-4 vừa qua.
Bài phát biểu của ông Pa-nét-ta đã nhấn mạnh tới trọng tâm chiến lược mới của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, giữa lúc có những lo ngại rằng sự lớn mạnh của Trung Quốc và tuyên bố chủ quyền biển của nước này có thể ảnh hưởng tới khu vực. Trong chuyến thăm Ô-xtrây-li-a hồi tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma tuyên bố khu vực châu Á-Thái Bình Dương giờ đây là “ưu tiên hàng đầu” của chính sách an ninh Mỹ. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, chiến lược và mục tiêu của Mỹ có thể gặp cản trở không nhỏ bởi Trung Quốc chắc chắn không ngồi yên chứng kiến cảnh các đội tàu chiến Mỹ hiện diện sâu rộng ở “sân sau” của họ. Ngoài ra, việc Mỹ tập trung tăng cường các ưu thế cho hải quân, lặp đi lặp lại các nội dung của Chiến lược hợp tác hải lực trong thế kỷ 21, theo một số chuyên gia phân tích, có khả năng dấy lên một cuộc Chiến tranh Lạnh mới trên các đại dương.
Việt Anh