Cơ quan phụ trách các dự án nghiên cứu tương lai (DARPA) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố kết quả phân tích nguyên nhân thất bại của mẫu thử tên lửa Falcon HTV-2 trong chuyến bay thử nghiệm đầu tiên ngày 20-4-2010...
QĐND Online - Cơ quan phụ trách các dự án nghiên cứu tương lai (DARPA) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố kết quả phân tích nguyên nhân thất bại của mẫu thử tên lửa Falcon HTV-2 trong chuyến bay thử nghiệm đầu tiên ngày 20-4-2010. Theo Defense Aerospace, nguyên nhân của vụ bay thử thất bại nói trên vẫn chưa được xác định một cách chính xác. Có thể vụ bay thử đầu tiên của tên lửa Falcon HTV-2 thất bại do trục trặc ở thiết bị điều khiển tên lửa.
Theo DARPA, nguyên nhân thất bại của vụ phóng thử tên lửa Falcon HTV-2 có thể là do lỗi của thiết bị điều khiển tên lửa dẫn tới việc xác định không đúng trọng tâm và khả năng ổn định thông qua các cánh của tên lửa trong khi bay. Trong chuyến bay của mình, có thể tên lửa Falcon HTV-2 đã chuyển động xung xoay tròn xung quanh trục dọc của tên lửa. Thông thường, thiết bị điều khiển tên lửa phải ngăn chặn được hiện tượng này. Tuy nhiên, do không khắc phục được hiện tượng trên, tên lửa đã phải nhận lệnh tự hủy.
 |
Mẫu thử tên lửa Falcon HTV-2. Ảnh: ifpafletcherconference.com
|
Ngày 20-4, tên lửa đẩy Minotaur IV mang theo Falcon HTV-2 đã rời bệ phóng từ căn cứ không quân Vandenberg, bang California. Theo kế hoạch, trong chuyến bay thử nghiệm đầu tiên, Falcon HTV-2 sẽ phải bay qua khoảng cách 7.600 km trong 90 phút và rơi xuống vùng đảo Kwajalein Atoll thuộc Thái Bình Dương. Dự kiến, mẫu thử tên lửa siêu thanh thế hệ mới này sẽ đạt tốc độ tới 20 Mach (gấp 20 lần tốc độ âm thanh) khi bay trên tầng cao nhất của bầu khí quyển trái đất. Tuy nhiên, trong chuyến bay nói trên, tên lửa Falcon HTV-2 đã mất liên lạc với trung tâm chỉ huy bay, vì thế mất toàn bộ thông tin về tên lửa.
Chuyến bay tiếp theo của Falcon HTV-2 dự kiến sẽ tiến hành trong mùa hè năm 2011. Trong đó, kết cấu của mẫu thử Falcon HTV-2 trong lần bay tới sẽ có một số thay đổi nhỏ. Cụ thể, các kỹ sư sẽ làm thay đổi trọng tâm của tên lửa, giảm góc tấn khi bay và thay đổi các thành phần thiết bị điều khiển.
Bắt đầu phát triển từ năm 2003, chương trình Falcon HTV-2 là một phần trong khái niệm thực hiện các nhiệm vụ tấn công trên quy mô toàn cầu với độ chính xác cao. Khái niệm này xác định khả năng tấn công bất kỳ vị trí nào trên toàn cầu bằng vũ khí thông thường trong thời gian ngắn của Mỹ. Theo đó, Falcon HTV-2 có thể mang theo đầu đạn thông thường và thay thế vai trò của tên lửa đạn đạo. Ngoài ra, không quân Mỹ cũng đang xem xét sử dụng dòng tên lửa siêu thanh mới này cho các nhiệm vụ viên thám, trinh sát.
Tuấn Sơn (theo Lenta)