 |
VINASAT-I được chuyển tới bãi phóng tại Trung tâm vũ trụ quốc tế Guiana (CSG) ở Kourou, French Guiana an toàn |
QĐND Online - Dự án phóng vệ tinh viễn thông Việt Nam VINASAT là dự án cấp quốc gia, được Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm. Từ năm 1998 Chính phủ đã thông qua Báo cáo tiền khả thi Dự án phóng vệ tinh Việt Nam – VINASAT của Tổng cục Bưu (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) và VNPT. Đến năm 2005 Chính phủ đã ban hành Quyết định 1104/QĐ-TTg về đầu tư dự án, giao VNPT làm chủ đầu tư và thực hiện.
Ngày 12-4-2008vệ tinhđàu tiên của Việt Namđược phóngvào quỹ đạo
Dự kiến vào lúc 05h30 phút ngày 12-4-2008, tại sân bay vũ trụ Kourou (Nam Mỹ), một tên lửa đẩy Arian-5 sẽ được phóng lên quỹ đạo mang theo vệ tinh viễn thông đầu tiên của Việt Nam VINASAT-I. 30 phút sau, vệ tinh VINASAT-I sẽ tách riêng ra khỏi tên lửa, và trong 8 ngày sau đó, VINASAT sẽ "tới" quỹ đạo đã "giữ chỗ" tại vị trí 132 độ Đông trên quỹ đạo địa tĩnh của trái đất, ở độ cao 35.768 km so với trái đất. Vệ tinh VINASAT-I được phóng lần này được sản xuất với công nghệ tiên tiến nhất, cao 4m, nặng 2.600 kg có dung lượng 20 bộ phát đáp ứng băng tần C và Ku với tuổi thọ từ 15-20 năm. Vệ tinh sẽ đảm bảo các chỉ tiêu về kỹ thuật, chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc tế, không gây can nhiễu đến các hệ thống thông tin khác trong quá trình khai thác qua vệ tinh. Nhà thầu sản xuất vệ tinh là Tập đoàn sản xuất thiết bị công nghệ vũ trụ Mỹ- Lockheed Martin và Công ty Vận tải hàng không vũ trụ Châu Âu- Ariane Space sẽ phóng vệ tinh. Sau khi lên quỹ đạo, trong vòng 3 tuần, vệ tinh sẽ được tổng kiểm tra trước khi đi vào hoạt động. Vào ngày 8-5-2008, nhà sản xuất Lockheed Martin (Mỹ) sẽ chính thức bàn giao VINASAT-I cho phía VNPT, và dự kiến VNPT sẽ chính thức tiến hành khai thác từ tháng 6-2008.
Ông Bùi Quốc Việt- Giám đốc Trung tâm thông tin Bưu điện cho biết, việc phóng vệ tinh viễn thông của riêng Việt Nam, xuất phát từ việc các doanh nghiệp và tổ chức của Việt Nam đã và đang phải chi trả một khoản ngoại tệ lớn thuê vệ tinh của Nga, úc, Thái Lan… để sử dụng cho các yêu cầu cung cấp dịch vụ và thông tin chuyên ngành. Nếu có vệ tinh riêng, Việt Nam sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí bởi giá cho thuê thương mại một kênh vệ tinh thường cao hơn giá thành từ 1,3 đến 3 lần so tuỳ thuộc vào cung cầu và băng tần sử dụng. Ngoài ra, khi có vệ tinh riêng, Việt nam sẽ có điều kiện tự chủ và có nhiều cơ hội thuận lợi để nâng cao năng lực mạng lưới và chất lượng các dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin và truyền thông, rút ngắn khoảng cách số giữa nông thôn và thành thị, giữa biển đảo và đất liền.
Để sẵn sàng cho việc khai thác VINASAT-I, VNPT cũng đã thành lập Trung tâm Thông tin vệ tinh VINASAT với hai trạm điều khiển đặt tại Hà Tây và Bình Dương.Đến nay, mọi công đoạn chuẩn bị cho việc phóng vệ tinh đã hoàn thành. Hiện vệ tinh VINASAT-1 đã được chuyển từ Philadenphia (Mỹ) tới bãi phóng tại Trung tâm vũ trụ quốc tế Guiana (CSG) ở Kourou. Ông Hà Minh Mạnh, trưởng phòng Đầu tư - Thương mại, Ban VINASAT (thuộc VNPT) cho biết, VINASAT-1 đã đạt điều kiện kỹ thuật và đang nạp khoảng 1,5 tấn nhiên liệu để duy trì thời gian sống tối thiểu trong vòng 15 năm.
Tự chủ, nâng cao năng lực chất lượng dịch vụ viễn thông
Việc phóng vệ tinh VINASAT-I là sự kiện khẳng định chủ quyền quốc gia của Việt Nam trên quỹ đạo không gian; đồng thời nâng cao hình ảnh, uy tín của Việt Nam nói chung và viễn thông công nghệ thông tin Việt Nam nói riêng. Khi VINASAT-I đi vào hoạt động sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc, nâng cao năng lực mạng lưới, chất lượng dịch vụ viễn thông công nghệ thông tin, phát thanh, truyền hình của Việt Nam. Với dung lượng truyền dẫn tương đương 10.000 kênh thoại/ internet/ truyền số liệu hoặc khoảng 120 kênh truyền hình; VINASAT-I sẽ giúp Việt Nam sớm hoàn thành việc đưa các dịch vụ viễn thông, internet và truyền hình đến các đến tất cả các vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo…Đây là những nơi mà phương thức truyền dẫn khác khó có thể vươn tới được. Đặc biệt, với chiến lược phát triển kinh tế biển thì việc khai thác vệ tinh VINASAT-I sẽ phục vụ cung cấp thông tin cho ngư trường, tàu thuyền đánh bắt xa bờ…Ông Nguyễn Bá Thước, Phó Tổng Giám đốc VNPT cho biết.
Ngoài ra, VINASAT-I sẽ hỗ trợ hiệu quả cho công tác thông tin phục vụ phòng chống và ứng cứu trong các trường hợp đột xuất xảy ra bão lũ, thiên tai, giám sát các sự cố ô nhiễm môi trường, cháy rừng… Từ trước tới nay, hầu hết ảnh chụp từ vệ tinh phục vụ cho nghiên cứu, cảnh báo, dự báo các biến động của thời tiết, thiên tai… ở Việt Nam đều phải mua ở nước ngoài với giá cao. Để đáp ứng nhu cầu sẽ có 2 loại dịch vụ cơ bản được VINASAT-I cung cấp phục vụ khách hàng gồm: cho thuê băng tần vệ tinh (cung cấp đến trọn bộ phát đáp trên băng tần vệ tinh hoặc thuê lẻ dung lượng) và các dịch vụ trọn gói như kênh thuê riêng; phát hình lưu động, đào tạo từ xa, truyền hình DTH, truyền hình hội nghị, truyền dữ liệu ngân hàng, đường truyền ISP, kênh thuê riêng cho di động, điện thoại vùng sâu, vùng xa.
Ngoài mục đích thương mại sẽ hỗ trợ công ích, phục vụ mục đích an sinh xã hội. Theo tính toán khả năng cạnh tranh và chi phí thì thời gian hoàn vốn sẽ khoảng 9-10 năm. Ông Thước cho biết thêm, Tập đoàn đang trình Ban chỉ đạo quốc gia đề nghị Bộ Thông tin và truyền thông miễn cước sử dụng tần số trong 10 năm; Đồng thời xây dựng các cơ chế hỗ trợ khách hàng, hỗ trợ các doanh nghiệp đang thuê vệ tinh nước ngoài các thiết bị khai thác thông tin mặt đất phù hợp với băng thông của VINASAT-I.
Việc phóng vệ tinh là tổ hợp các công việc với công nghệ cao đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ đồng bộ, và cũng có thể xảy ra rủi ro. Chính vì vậy, VNPT và Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam và công ty CP Bảo hiểm Bưu điện đã ký hợp đồng cung cấp dịch vụ bảo hiểm vệ tinh VINASAT-I trị giá 177 triệu USD. Đây là 2 công ty bảo hiểm gốc với phạm vi bảo hiểm là những tổn thất hoặc hư hại xảy ra cho vệ tinh trong thời gian phóng vệ tinh và thời gian vệ tinh ở trên quỹ đạo một năm dẫn đến việc vệ tinh bị mất hoặc bị giảm sút thời gian sống hoặc năng lực cung cấp dịch vụ…
Trần Lan