Trong báo cáo thường niên về xu hướng trong lĩnh vực vũ khí, giải giáp vũ khí và an ninh toàn cầu mới công bố, Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Xtốc-khôm (SIPRI) cho biết, kho vũ khí hạt nhân của 8 nước...
QĐND - Trong báo cáo thường niên về xu hướng trong lĩnh vực vũ khí, giải giáp vũ khí và an ninh toàn cầu mới công bố, Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Xtốc-khôm (SIPRI) cho biết, kho vũ khí hạt nhân của 8 nước gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pa-ki-xtan và I-xra-en đã giảm xuống còn 19.000 đầu đạn hạt nhân so với con số 20.530 trong năm 2011. Tuy nhiên, nếu như biết rằng các thành viên câu lạc bộ hạt nhân của thế giới vẫn đang tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí của mình, những con số nói trên thực chất chỉ mang tính chất tượng trưng để xoa dịu mối lo ngại từ phần còn lại của thế giới.
Báo cáo của SIPRI cho biết, trong số 19.000 đầu đạn hạt nhân mà 8 nước nói trên đang sở hữu, chỉ có khoảng 4.400 đầu đạn hạt nhân đang trong chế độ trực chiến. Riêng kho vũ khí của Mỹ hiện có 8000 đầu đạn hạt nhân và hơn 1/4 trong số đó đang được lắp sẵn trên các bệ phóng. Nga cũng có 1.800 đầu đạn hạt nhân sẵn sàng chiến đấu trong tổng số 11.000 đầu đạn mà nước này nắm giữ. Trong khi đó, tổng số vũ khí hạt nhân của Anh hiện là 225, Pháp 300, Trung Quốc 240, Ấn Độ 100, Pa-ki-xtan 110 và I-xra-en là 80. Nga và Mỹ vẫn là hai quốc gia thực hiện phần lớn việc cắt giảm vũ khí hạt nhân, bởi phải tuân theo các điều khoản trong Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) mới và tiêu hủy vũ khí hết thời hạn sử dụng. Theo START mới, đến năm 2018, cả Nga và Mỹ sẽ phải cắt giảm số đầu đạn hạt nhân được triển khai xuống còn 1.550 đơn vị. Tuy nhiên, S. Cai (S. Kile), một chuyên gia của SIPRI đã từng nhận định rằng: “Cả Nga và Mỹ vẫn có các dự án kéo dài cả chục năm nhằm hiện đại hóa vũ khí hạt nhân, đồng thời coi đó là chính sách phòng thủ của mình”.
Hơn nữa, dù “được tiếng” là cắt giảm vũ khí hạt nhân, nhưng các nước nói trên chưa phải là sẽ cắt giảm hoàn toàn và dường như, đó thực chất chỉ là bước đi ban đầu nhằm xoa dịu mối quan ngại về vũ khí hạt nhân và nỗ lực giải giáp vũ khí của cộng đồng quốc tế.
TRUNG DŨNG