QĐND Online - Tám quốc gia thường được biết đến là “Câu lạc bộ hạt nhân”, gồm: Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Israel, bắt đầu từ năm 2012 sẽ nâng cấp, cắt giảm số lượng đầu đạn hạt nhân hiện có. Theo thông tin từ Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm,Thụy Điển (SIPRI), nếu năm 2011, tổng số lượng đầu đạn hạt nhân toàn cầu là 20.053 đơn vị, thì sang năm 2012, số lượng đầu đạn sẽ giảm còn 19.000, trong đó khoảng 4.400 đầu đạn ở chế độ trực chiến.

Ảnh minh họa/ Internet

 

SIPRI cũng xác nhận, Mỹ hiện duy trì 8.000 đầu đạn hạt nhân, trong đó 2.150 đầu đạn ở chế độ trực chiến. Trong khi đó, Nga có 11,000 đầu đạn và 1.800 trong số chúng đang trong trạng thái sẵn sàng, Anh duy trì 160 đầu đạn và Pháp là 290 đầu đạn ở chế độ chiến đấu. 4 quốc gia còn lại trong “Câu lạc bộ hạt nhân” không duy trì đầu đạn hạt nhân ở trạng thái chiến đấu. Cũng căn cứ vào nguồn tin SIPRI, Anh hiện có tổng cộng 225 đầu đạn, Pháp là 300 đầu đạn, Trung Quốc là 240 đầu đạn, Ấn Độ là 80-100 đầu đạn, Pakistan là 90-110 đầu đạn và Israel là 80 đầu đạn.

Kho vũ khí hạt nhân toàn cầu giảm chủ yếu là do Nga và Mỹ cắt giảm kho vũ khí chiến lược của mình theo quy định của Hiệp định cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START-3). Theo START mới, tới hai năm 2018, Nga và Mỹ sẽ duy trì khoảng 1.550 đầu đạn hạt nhân/mỗi bên.

Động thái cắt giảm kho vũ khí chiến lược của các quốc gia “Câu lạc bộ hạt nhân” không phải là vì mục đích loại bỏ hoàn toàn dòng vũ khí hủy diệt hàng loạt này, mà chỉ là tiền đề nâng cấp chúng. “Vũ khí hạt nhân vẫn được nhìn nhận là công cụ có ảnh hưởng lớn trên trường quốc tế”, SIPRI tóm tắt.

Tuấn Sơn (theo Lenta)