Trang tin quân sự Defense News đăng tải ngày 25-2, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã tạm "đóng băng" hợp đồng mua 145 tổ hợp lựu pháo trọng lượng nhẹ M777 cỡ 155mm của hãng BAE Systems (Anh)...
QĐND Online - Trang tin quân sự Defense News đăng tải ngày 25-2, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã tạm "đóng băng" hợp đồng mua 145 tổ hợp lựu pháo trọng lượng nhẹ M777 cỡ 155mm của hãng BAE Systems (Anh). Nguyên nhân chính là do BAE Systems muốn kéo dài thời gian tái đầu tư vào nền kinh tế Ấn Độ theo quy định của hợp đồng từ 4 lên 6 năm. Tuy nhiên, Ủy ban mua sắm vũ khí (DAC) thuộc Bộ Quốc phòng Ấn Độ chưa xác nhận thông tin trên.
Theo luật pháp Ấn Độ, nhà thầu nước ngoài thắng cuộc trong các hợp đồng cung cấp vũ khí và trang thiết bị quân sự mới phải có trách nhiệm tái đầu tư vào nền kinh tế Ấn Độ ít nhất 30% giá trị hợp đồng.
 |
Lựu pháo M777
|
Trong chương trình mua lựu pháo M777, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã đưa điều khoản tái đầu tư vào trong hợp đồng với BAE Systems. Nếu hợp đồng được ký, BAE Systems phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trên trong vòng 4 năm.
Năm 2010, Bộ Quốc phòng Ấn Độ quyết định mua tổ hợp lựu pháo M777. Hai bên đã có thỏa thuận sơ bộ, nhưng hợp đồng vẫn chưa được ký. Trong thời gian đàm phán, giá trị hợp đồng mua lựu pháo M777 đã tăng từ 493 lên 885 triệu USD do lạm phát. Ban đầu, Ấn Độ dự định mua lựu pháo của hãng Singapore Technologies, nhưng hủy bỏ vì hãng này sau đó dính bê bối đưa hối lộ.
Lựu pháo M777 dài 10,2m, nặng 4.218kg, giảm khoảng 2.500kg so với M198, nhờ đó M777 có thể cơ động dễ dàng hơn. Nó có thể vận chuyển theo đường không bằng máy bay V-22 hoặc trực thăng CH-47 Chinook. M777 cũng sử dụng loại đạn mà M198 đang sử dụng và có hệ thống chỉ huy hỏa lực số hóa DFCS kết nối với máy thu của hệ thống dẫn đường vô tuyến vũ trụ NAVSTAR.
M777 còn được trang bị hệ thống phản ánh thông tin mới, tạo cho nó có khả năng khai hỏa chỉ 3-4 phút sau khi nhận được lệnh thực hiện nhiệm vụ. M777 có thể tiến hành hỏa lực bằng đạn pháo có điều khiển 155mm và có tầm bắn tối đa 40km với độ chính xác tới 10m. Dòng lựu pháo này đặc biệt phù hợp với địa hình núi cao ở phía Bắc Ấn Độ.
PHAN PHƯỢNG (theo Lenta)