World Cup mang đến cuộc sống của họ những ngày vui. Đó là lúc họ quên đi cái nghèo khó, nhọc nhằn trong cuộc mưu sinh hằng ngày và thân phận lênh đênh trên sông nước.
Không để cái nghèo và hoàn cảnh lênh đênh sông nước cướp đi niềm vui 4 năm mới có một lần, dân xóm vạn chài ở phường Phúc Xá, quận Hoàn Kiếm – Hà Nội cũng khá chịu chơi vào mùa World Cup. Vậy nhưng ở xóm vạn chài này, cũng có những người mà cả cuộc đời chưa từng nghe đến hai từ World Cup. Ở những góc khuất khác, lại có những người yêu bóng đá đến thổn thức, mất ngủ nhưng cứ đến giờ diễn ra trận đấu, họ lại phải tắt tivi để đi làm.
Chiếc tivi 600.000 đồng
Ở xóm vạn chài nằm thu mình dưới chân cầu Long Biên này, chỉ có 5 hộ sắm nổi tivi. Màn đêm buông xuống, phía cầu Long Biên, cầu Chương Dương đèn điện rực sáng, người qua lại nhộn nhịp nhưng ở đây thì mọi thứ dường như đã chìm vào giấc ngủ và bóng đêm của sông nước.
 |
Gia đình anh Thắng - chị Mơ quây quần xem World Cup |
Gia đình đầu tiên mà chúng tôi ghé thăm không có tivi. Câu hỏi buột miệng của chúng tôi về việc tại sao không theo dõi World Cup làm một người tên Minh chạnh lòng. Ông rầu rĩ: “Nhà mình làm gì có tivi để xem đá bóng, mà có tivi chắc cũng không dám xem vì làm gì trả nổi tiền điện”.
Nhà anh Nguyễn Văn Thắng - chị Vũ Thị Mơ được coi là khá giả nhất ở xóm vạn chài nghèo khó dưới chân cầu Long Biên này. Khi chúng tôi đến, cả gia đình đang ngồi dán mắt vào tivi xem trận Bồ Đào Nha - Brazil. Với những người lấy mặt nước là chốn mưu sinh, bóng đá không thể quan trọng bằng cuộc mưu sinh, bằng bữa ăn đủ no hằng ngày nhưng World Cup dù ở Nam Phi xa xôi vẫn mang đến cho cuộc sống của họ những niềm vui hiếm hoi.
Trước World Cup, gia đình Thắng cũng không có tivi nhưng anh đã quyết định bỏ ra 600.000 đồng để tậu một chiếc đã cũ hiệu Sony. Anh thổ lộ: “Tôi chỉ có tiền mua cái 14 inch giá 400.000 đồng nhưng đã rủ thêm một cậu em trong xóm góp thêm 200.000 đồng nữa mua cái tivi 19 inch xem cho thích. Bốn năm mới có một lần, cũng chỉ mong cái tivi này thọ được hết đợt World Cup 2010 thôi. Cũng may là xem từ hôm khai mạc đến giờ, nó vẫn chưa trục trặc”.
Cậu bé Hải, con anh Thắng, mừng quýnh khi được chúng tôi tặng tấm lịch thi đấu World Cup. Hải đem treo tấm lịch ngay trước chỗ ngủ của mình và bảo rằng cậu thích nhất là đội Nhật Bản nhưng không giải thích tại sao. Với cậu nhóc này, tình yêu bóng đá thì không thể giải thích.
Nhớ lại những mùa World Cup trước, anh Thắng nhìn xa xăm ra mặt sông đen kịt, bồi hồi: “Thế mà nhà tôi đã ở đây được hơn 4 kỳ World Cup rồi đấy”. Hơn 4 World Cup, tức gần 20 năm lênh đênh sông nước. Bao nhiêu nước đã chảy qua cầu và với cuộc sống còn đầy khó khăn vây bủa nhưng anh Thắng vẫn nhớ rõ từng đội vô địch. Anh hào hứng: “Năm 1994 là Brazil, năm 1998 là Pháp, năm 2002 Brazil... Còn năm nay, tôi đoán Brazil lại lấy cúp lần nữa”.
Anh Thắng quê Thái Bình, còn chị Mơ quê ở Hà Nam. Anh chị cho biết từ năm 1998, họ đã có một chiếc radio nhỏ để nghe tường thuật bóng đá. Năm 2002 thì có tivi đen trắng nhưng đến năm 2006, vì cuộc sống khó khăn, họ lại không có phương tiện để xem World Cup... Cuộc sống của họ cứ nổi chìm lênh đênh như vậy. Anh Thắng không ước một ngày được lên bờ sống như nhiều người khác mà chỉ mong sao mỗi mùa World Cup đến, gia đình anh có tiền để mua một chiếc tivi dùng tạm.
 |
Cậu bé Nguyễn Văn Hải với tờ lịch thi đấu World Cup vừa được tặng |
World Cup là cái gì vậy ?
Một gia đình khác ở xóm vạn chài dưới chân cầu Long Biên cũng có tivi nhưng ngơ ngác khi nghe chúng tôi hỏi có xem đá bóng hay không. Anh Sơn chủ nhà - làm nghề nhặt ve chai và bốc vác thuê ở chợ trái cây Long Biên - ngớ người hỏi chúng tôi: “World Cup là cái gì vậy?”. Phải đến khi chúng tôi nhắc đến hai từ bóng đá thì cả nhà mới ồ lên. Với họ, khái niệm World Cup là một cái gì đó rất xa vời. Anh Sơn bộc bạch: “Thực ra, cả nhà cũng chẳng có điều kiện xem World Cup vì sau một ngày làm việc vất vả, cứ đến giờ có bóng đá là mọi người đều mệt lả và phải đi ngủ để lấy sức cho một ngày làm việc mới”.
 |
Những người lao động bốc vác ở chợ Long Biên luôn phải thức trắng đêm nhưng không bao giờ có cơ hội xem World Cup
|
Ông Quang, tổ trưởng ở xóm vạn chài, chia sẻ: “Đời sống của những hộ dân ở đây đã bớt khó khăn hơn nhiều so với những năm trước đây nhưng nhiều gia đình vẫn phải chạy ăn từng bữa, gạo đong từng cân. Với họ, World Cup không tồn tại”. Bản thân ông Quang cũng không nhớ nổi mình đã ở xóm vạn chài này bao nhiêu năm rồi. Ông chỉ nhớ 2 kỳ World Cup gần đây, xóm này có điện rồi. Còn trước đó, mọi nhà phải thắp nến, thắp đèn dầu.
Tuy nhiên, đừng tưởng dân vạn chài không yêu bóng đá. Đã có mấy nhà góp tiền mua ắc-quy tích điện để không bị gián đoạn việc xem bóng đá và đề phòng những lúc mất điện. World Cup mang đến cho cuộc sống của họ những ngày vui. Đó là lúc họ quên đi cái nghèo khó, nhọc nhằn trong cuộc mưu sinh hằng ngày và thân phận lênh đênh trên sông nước.
Mê nhưng đành chịu
Đêm trắng cùng World Cup gần như đã trở thành chuyện thường... đêm của dân mê bóng đá. Nhưng đây đó vẫn có những người thường xuyên phải thức trắng đêm nhưng lại không một lần được tận hưởng niềm vui hò hét, cổ vũ cho những đội tuyển, những cầu thủ mà mình hâm mộ. Anh Nguyễn Văn Ánh, làm nghề bốc vác đêm ở chợ Long Biên đã 5 năm nay, bộc bạch: “Mê bóng đá lắm nhưng tôi đâu thể bỏ công việc để xem. Lúc hàng xuống thường trùng vào giờ có trực tiếp bóng đá World Cup nên từ đầu mùa đến giờ, tôi vẫn chưa xem được trận nào”.
Ở chợ đầu mối Long Biên có khoảng 500 lao động phổ thông như vậy. Họ đa phần là dân ngoại tỉnh. Một ngày làm việc chỉ kiếm được từ 70.000 – 100.000 đồng. Và dù mê bóng đá nhưng cứ đến giờ diễn ra trận đấu thì họ lại phải tắt tivi để đi làm.
|
Theo Tintuc Online