Cùng với đấu tranh triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy, việc xóa các “điểm nóng” ma túy trên địa bàn biên giới, quản lý chặt chẽ các đối tượng nghiện, vận động nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm ma túy (TPMT) luôn được Bộ đội Biên phòng chú trọng thực hiện hiệu quả.

Tại các vùng núi cao biên giới của các huyện: Sốp Cộp, Mai Châu, Sông Mã (tỉnh Sơn La); Mường Ẳng, Mường Chà, Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên); các  xã  Tri Lễ, Hạnh Dịch, Nậm Giải, Mường Nọc, Châu Kim, Châu Thôn (huyện Quế Phong, Nghệ An)… không còn những lều tạm do các đối tượng buôn bán, vận chuyển ma túy dựng lên để trao đổi hàng, tổ chức hút, chích ma túy như trước đây. Theo Đại tá Hoàng Anh Thắng, Chính ủy Bộ chỉ huy BĐBP Nghệ An: Chỉ riêng huyện Quế Phong trước đây đã có 6 địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy, 11 tụ điểm và 78 điểm bán lẻ ma túy; chưa kể các địa bàn phức tạp về hình sự. Dọc các cánh rừng biên giới thuộc địa bàn nhiều xã của  huyện (Quế Phong), trước đây các đối tượng gần như lập “chợ” ma túy. Khu vực bản Mồng (giáp cao điểm Nhọt Hẹ), xã Châu Kim mỗi ngày có hàng chục đối tượng đến mua bán, hút chích... cùng  nhiều tệ nạn xã hội khác, khiến nhân dân địa phương hết sức lo lắng. Bằng các biện pháp nghiệp vụ của BĐBP và sự đồng lòng của các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương, các “chợ” ma túy đều đã bị triệt xóa.

Lực lượng đặc nhiệm phòng, chống ma túy BĐBP Quảng Bình tập huấn nghiệp vụ bắt giữ tội phạm.

Thiếu tá Trần Văn Sơn, Phó chỉ huy trưởng Đồn Biên phòng 517 (BĐBP Nghệ An) từng tham gia xóa nhiều "điểm nóng" ma túy trên địa bàn các xã Châu Thôn, Châu Kim cho biết: Để triệt phá thành công các “chợ” ma túy, đỏi hỏi sự góp sức, đồng lòng của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, nhất là nhân dân các khu vực trọng điểm về ma túy, bởi các đối tượng thường lập "chợ" ma túy ở những nơi hiểm yếu, trên vùng núi cao, đường sá đi lại rất khó khăn, hoặc trong các hang sâu, nơi vách đá hiểm trở và tổ chức canh phòng cẩn mật, lực lượng chức năng rất khó tiếp cận. Tuy nhiên, kinh nghiệm từ chuyên án 579-Q triệt xóa “chợ ma túy” tại hang Pà Đòn (xã Châu Thôn) cho thấy, khi đã làm tốt công tác quản lý địa bàn, vận động nhân dân cùng tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm ma túy, chắc chắn việc triệt phá các đường dây, tụ điểm ma túy trên địa bàn biên giới sẽ thu được kết quả tốt.

Tìm hiểu kinh nghiệm xóa các "điểm nóng" ma túy trên tuyến biên giới chúng tôi được biết: Khi quần chúng nhân dân tích cực tham gia đấu tranh, hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, kinh tế-xã hội phát triển, đời sống của nhân dân được cải thiện... thì kết quả sẽ giữ được bền vững. Khi Bộ chỉ huy BĐBP Nghệ An triển khai Kế hoạch 736 phát động quần chúng đấu tranh phòng chống tội phạm trên địa bàn các xã Tri Lễ, Nậm Giải, Hạnh Dịch, Châu Thôn, Châu Kim (huyện Quế Phong) thì hiệu quả phòng, chống TPMT được nâng lên rõ rệt. Hơn 1.000 hộ gia đình và 10 dòng họ đã ký thực hiện 9 điều quy định không tham gia, không tiếp tay cho các đối tượng TPMT; hàng chục đối tượng liên quan đến ma túy được đưa ra tự kiểm điểm trước dân và hứa không tái phạm; ý thức trách nhiệm của các già làng, trưởng các dòng họ, cấp ủy chính quyền được nâng lên; tích cực đấu tranh phòng, chống TPMT.

Đại tá Hồ Quang Thái, Trưởng phòng Nghiệp vụ Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Biên phòng) cho biết: Trên các địa bàn biên giới, nhiều người nghiện ma túy không có tiền mua hê-rô-in, thuốc phiện; các đối tượng TPMT triệt để lợi dụng điều này để lôi kéo người nghiện tham gia các đường dây vận chuyển ma túy qua biên giới. Do đó, việc làm cho người dân thấy rõ thủ đoạn của các đối tượng TPMT; hậu quả, tác hại của tệ nạn ma túy để họ không tiếp tay cho tội phạm là hết sức quan trọng, góp phần hạn chế gia tăng tội phạm ma túy trên khu vực biên giới.

Bộ tư lệnh BĐBP đã tham mưu triển khai đề án ngăn chặn tội phạm buôn bán vận chuyển ma túy qua biên giới và kiềm chế gia tăng của số đối tượng nghiện; tập trung triển khai lực lượng ở 22 tỉnh, thành phố trọng điểm về ma túy cùng các lực lượng chức năng tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy các cấp và chính quyền các địa phương phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, kiểm soát, ngăn chặn tệ nạn và tội phạm ma túy; giảm tỷ lệ gia tăng của người nghiện trên các địa bàn biên giới từ 25 đến 30%. Việc gắn công tác đấu tranh phòng, chống TPMT với vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, nhân rộng mô hình thôn, bản không có ma túy; vận động các hộ gia đình biên giới, khu vực trọng điểm về ma túy cam kết không trồng, không mua bán, tiếp tay, môi giới, dẫn đường, vận chuyển, sử dụng ma túy... góp phần giảm thấp nhất các xã, bản yếu kém, các "điểm nóng" về tội phạm, tệ nạn ma túy trên tuyến biên giới.

Bài và ảnh: Gia Minh- Đức Chính  

Bài 1: “Khắc tinh” của tội phạm ma túy

Bài 3: Phối hợp phá án "xuyên biên giới"