Trong 5 năm trở lại đây, đã có hàng nghìn bộ thiết bị huấn luyện bắn tập súng bộ binh và thiết bị kiểm tra đường ngắm MBT-03, SNK-54 và RDS-07 được sản xuất, cung cấp cho các học viện, nhà trường, đơn vị toàn quân, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ của quân đội ta. Những sản phẩm đó ra đời từ những trái tim nhiệt huyết, kiên trì tìm tòi để đi đến kết quả cuối cùng của nhóm các nhà khoa học do Thượng tá, Tiến sĩ Mai Quang Huy, Phó chủ nhiệm Khoa Vũ khí, Học viện Kỹ thuật quân sự chủ trì.

Làm việc ngoài giờ là chính

Tôi gọi điện thoại muốn được gặp Mai Quang Huy để tìm hiểu ở anh về những đề tài khoa học và các sản phẩm công nghệ phục vụ huấn luyện. Đã vào những ngày nghỉ cuối tuần nên tôi nghĩ khó có thể gặp anh. Nhưng khi nối máy được với nhau, anh bảo: “Tôi đang ở cơ quan cùng làm việc với anh em, đang có một số thử nghiệm để đánh giá sản phẩm, nếu nhà báo đến được sẽ chứng kiến nhiều điều thú vị”…

Tiến sĩ Mai Quang Huy (người đứng) theo dõi những thông số kỹ thuật do máy tính xử lý.

Tôi phóng xe một mạch đến nơi Mai Quang Huy làm việc. Đến nơi, tôi còn gặp Đại tá, Tiến sĩ Hà Nguyên Bình, Giảng viên khoa Vũ khí; Trung tá, Tiến sĩ Lê Hoàng Hải, Phó chủ nhiệm bộ môn Khí tài quang học và Đại úy, Thạc sĩ Nguyễn Thanh Điền đang ở đó. Điền là nghiên cứu viên, giảng viên Bộ môn Thuật phóng và Điều khiển hỏa lực - người cộng tác tích cực với Huy trong nghiên cứu triển khai thực hiện các đề tài, dự án ở bộ môn. Thấy tôi tìm hiểu về Mai Quang Huy, anh Điền như trút nỗi niềm kìm nén:

- Anh Huy sâu sát anh em chúng tôi lắm. Có việc cùng xắn tay vào làm, có khi còn “tranh phần” của chúng tôi. Đợt nhận hợp đồng nghiên cứu chế tạo thiết bị hiệu chỉnh súng bộ binh - một hợp đồng độc lập, sản phẩm chế tạo đơn chiếc. Sắp đến ngày nghiệm thu mà chưa đạt được kết quả yêu cầu, anh Huy “ốp” chúng tôi làm cả ngày đêm. Anh ấy cũng thức trắng cùng anh em. Sáng ra mặt mũi phờ phạc, không dám về với vợ, sợ bị vợ nghĩ oan. Cuối cùng, chúng tôi đã nghiên cứu chế tạo thành công sản phẩm, giao cho đơn vị đúng hẹn.

“Đấy, quên chưa kể hết với anh về chuyện trốn vợ để làm nghiên cứu khoa học của Tiến sĩ Mai Quang Huy. Năm 2003, khi chúng tôi đang triển khai nghiên cứu đề tài về chế tạo thiết bị bắn tập MBT-03. Chúng tôi nhiều đêm thức trắng để tính toán thiết kế, sửa bản vẽ. Khi hoàn chỉnh bản vẽ, thiết kế gia công chi tiết, chúng tôi lại hợp đồng với cơ sở sản xuất để chế tạo thử nghiệm. Đi đi, về về hằng tuần, có khi hằng tháng không về thăm vợ con, dù nhà ở ngay Hà Nội. Đang lúc tập trung cho thử nghiệm, đánh giá chất lượng thiết bị bắn tập MBT-03 để nghiệm thu, ứng dụng cho đơn vị thì chị Trần Hằng Nga, vợ anh Huy sinh cháu thứ hai. Ở ngay Hà Nội mà anh Huy phải nói dối đang đi công tác xa không về được. Mọi việc giao phó cho bà ngoại…

- Đâu chỉ có mình tôi! – Mai Quang Huy chống chế. Khoa Vũ khí vốn có “truyền thống” trốn vợ để tập trung nghiên cứu thử nghiệm. Đấy cũng là đặc thù vì công việc nghiên cứu, thử nghiệm, tiếp xúc với vũ khí, đạn, thuốc phóng, thuốc nổ, rất nguy hiểm. Nếu biết mình đang “làm bạn với tử thần” thì vợ con nóng ruột, lo lắng. Đã có nhiều trường hợp hy sinh khi làm nghiên cứu, như anh Phan Thanh, giáo viên của khoa. Học viện đang đề nghị Đảng, Nhà nước truy tặng anh Phan Thanh danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân…

Anh Điền tiếp lời: 

- Cũng may anh Huy có bố vợ là thầy giáo Trần Đăng Điện, nguyên là giảng viên của Khoa Vũ khí, lại từng là Chủ nhiệm bộ môn Thuật phóng trong nên hiểu được công việc của con rể. Thầy đã động viên con gái, tạo nhiều điều kiện cho chồng nghiên cứu...

Đi đến kết quả cuối cùng

Trung tá, Tiến sĩ Lê Hoàng Hải, Phó chủ nhiệm Bộ môn Khí tài quang học thuộc Khoa Vũ khí nói với tôi về Mai Quang Huy: “Tôi được làm việc với Mai Quang Huy nhiều năm, tôi phục nhất ở anh ấy là tinh thần dám nghĩ, dám làm, không sợ khó khăn gian khổ. Anh Huy dám đương đầu với thách thức, luôn kiên trì nghiên cứu, sáng tạo để đi đến kết quả cuối cùng với mục tiêu là tạo sản phẩm ứng dụng thực tế, phục vụ bộ đội”.

Tiến sĩ Hải liệt kê một loạt những chuyện “tày đình” của Mai Quang Huy. Nào là, anh đề xuất nghiên cứu hệ thống các thiết bị huấn luyện đối kháng, mô phỏng chiến trường nhằm huấn luyện nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật cho bộ đội. Anh Huy đề xuất nghiên cứu chế tạo các thiết bị huấn luyện và hỗ trợ huấn luyện ứng dụng công nghệ cao, như nguyên lý hồng ngoại, thiết bị ứng dụng nguyên lý quang - truyền hình. Nghiên cứu chế tạo các thiết bị phục vụ huấn luyện cho bộ đội cả ban đêm, ban ngày, trong những điều kiện thời tiết phức tạp, khắc nghiệt… Đây là những sản phẩm có độ phức tạp cao, đòi hỏi trình độ công nghệ tiên tiến mới triển khai thiết kế, chế tạo, lắp đặt và đưa vào khai thác được. Nhưng anh Huy suy nghĩ, quân đội ta cần phải hiện đại hóa công tác huấn luyện bộ đội, nhất là huấn luyện chiến thuật. Trong khi ta chưa có trang thiết bị công nghệ hiện đại, kinh phí hạn hẹp, thì cần phải nghiên cứu lựa chọn sản phẩm phù hợp, làm từng bước, bảo đảm cho công nghiệp quốc phòng nước ta làm chủ trong sản xuất được sản phẩm thì giá thành mới rẻ. Nghĩ là làm. Có đề tài anh Huy kiên trì thực hiện từ 3 đến 5 năm, thậm chí có đề tài phải theo đuổi hàng chục năm mới hoàn thành. Có sản phẩm đến khi đưa vào ứng dụng, anh Huy phải trải qua thất bại hàng chục lần. Nhiều người như thế đã nản, nhưng anh Huy vẫn quyết tâm, hết tiền chi phí cho đề tài, anh đem tiền của cá nhân, quyết tìm ra hướng đi, làm cho bằng được. Các sản phẩm thiết bị bắn tập súng bộ binh MBT-03, thiết bị bắn tập SN-K54, thiết bị theo dõi đường ngắm chỉ thị bằng điểm đỏ quang học RDS-07… ra đời trong hoàn cảnh như thế.   

Thiết bị bắn tập MBT-03 là một trong những sản phẩm công nghệ cao phục vụ huấn luyện bộ đội. Đến nay, có hơn 1.500 bộ thiết bị bắn tập MBT-03 được sản xuất, trang bị cho các nhà trường quân đội, các đơn vị bộ đội chủ lực, địa phương, dân quân, tự vệ và các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trung học phổ thông phục vụ huấn luyện và giáo dục quốc phòng. Thiết bị bắn tập MBT-03 ứng dụng công nghệ quang-ảnh kết nối với máy tính, dùng để huấn luyện bắn súng, giúp người chỉ huy các cấp kiểm tra, nắm chắc chất lượng huấn luyện, kỹ năng, yếu lĩnh của người tập, qua đó uốn nắn, chỉnh sửa động tác của người tập mà không dùng đạn thật, tiết kiệm thời gian, chi phí huấn luyện.

Tiến sĩ Mai Quang Huy kể: “Từ năm 2003, tôi cùng một số cán bộ trong Khoa Vũ khí và đồng nghiệp thành lập nhóm nghiên cứu với ý tưởng phát triển các sản phẩm kỹ thuật cao hỗ trợ huấn luyện nhằm góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện và trình độ chiến đấu của quân đội ta. Yêu cầu chung của các thiết bị hỗ trợ huấn luyện là phải chỉ ra được những sai sót trong các động tác, yếu lĩnh để kịp thời khắc phục, chỉnh sửa, nâng cao kỹ năng bắn súng của bộ đội. Trước tiên, chúng tôi lựa chọn nghiên cứu chế tạo thiết bị hỗ trợ huấn luyện kỹ thuật bắn súng tiểu liên AK bài 1, vì đây là bài bắn cơ bản mà các đơn vị quân đội, dân quân, tự vệ và giáo dục quốc phòng ở các nhà trường đều tiến hành. Chúng tôi chia nhau tỏa xuống các đơn vị, đi theo bộ đội để khảo sát chất lượng, nắm bắt tâm lý bộ đội và quan sát thật kỹ các động tác, yếu lĩnh bắn súng của bộ đội, sau đó về nghiên cứu viết phần mềm, mô phỏng từng động tác trên máy tính rồi tích hợp chúng để tạo nên bài bắn hoàn chỉnh. Hơn một năm tự tìm tòi, lựa chọn phương án, thiết kế chế thử, trải qua hàng chục lần thử nghiệm thất bại, cuối cùng chúng tôi đã thành công với mẫu thiết bị bắn tập MBT-03 đầu tiên ứng dụng công nghệ quang-ảnh.

Khi xây dựng đề tài, dự án chế tạo thiết bị hỗ trợ huấn luyện để báo cáo với Cục Khoa học-Công nghệ-Môi trường, Bộ Quốc phòng, chúng tôi hy vọng nhận được sự hỗ trợ kinh phí của trên. Nhưng cơ quan Cục đưa cho chúng tôi một bản danh sách 18 đề tài được Bộ Quốc phòng đầu tư ngân sách để nghiên cứu về trang thiết bị huấn luyện đang được các viện, trung tâm và đơn vị triển khai thực hiện. Thế là đề tài của chúng tôi... bị trượt! Không nản, chúng tôi gom góp tiền riêng và “ký chui” hợp đồng với các đơn vị để có chi phí chế tạo và ứng dụng. Khi đề tài thành công, sản phẩm chất lượng cao, ứng dụng hiệu quả trong huấn luyện, tự thân chúng có sức lan tỏa cao. Bộ Tổng tham mưu chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng, cho phép phổ biến trong toàn quân. Công trình nghiên cứu chế tạo thiết bị bắn tập MBT-03 đã được tặng Giải thưởng Sáng tạo khoa học-công nghệ Việt Nam năm 2008, giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo” trong quân đội, được công nhận là công trình sáng tạo trẻ tiêu biểu toàn quốc. Tiến sĩ Mai Quang Huy là chủ nhiệm đề tài được tặng bằng “Lao động sáng tạo” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; bằng khen của Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ; huy hiệu “Tuổi trẻ sáng tạo” của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh...

Truyền lửa nhiệt tình nghiên cứu khoa học

Không lùi bước trước khó khăn, kiên trì và say mê làm việc giúp Mai Quang Huy thực hiện thành công nhiều đề tài nghiên cứu khoa học. Ngoài sản phẩm thiết bị bắn tập MBT-03, anh còn chủ trì nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị bắn tập SNK-54 dùng cho bắn súng K54; là đồng tác giả thiết bị theo dõi đường ngắm chỉ thị bằng điểm đỏ quang học RDS-07. Riêng năm 2009, thiết bị RDS được sản xuất hơn 500 bộ để cung cấp cho các đơn vị. Để vững vàng đi trên con đường khoa học, Mai Quang Huy luôn tâm niệm phải dám nghĩ, dám làm, tìm tòi khám phá cái mới và tích cực ứng dụng, làm chủ tiến bộ khoa học-công nghệ. Tinh thần nghiên cứu khoa học của anh đã truyền lửa cho lớp cán bộ khoa học trẻ tuổi lớp sau, nhất là những học viên được anh hướng dẫn luận văn và đồ án tốt nghiệp. Tiến sĩ Lê Hoàng Hải nhận xét: “Mai Quang Huy có khả năng tập hợp được lực lượng nghiên cứu nhờ uy tín khoa học của bản thân, đồng thời là người luôn biết lắng nghe những ý kiến từ các cộng sự”. Thạc sĩ Nguyễn Thanh Điền bổ sung: “Anh Huy chịu khó nghe ý kiến của cán bộ nghiên cứu trẻ và học viên. Làm việc với anh tôi biết, anh khuyến khích các em nói lên những vấn đề khoa học, giải pháp kỹ thuật mình đang suy nghĩ. Sau đó anh phân tích, kết luận nên theo giải pháp nào. Anh quan tâm, giao việc cho anh em trẻ và mạnh dạn đưa cán bộ trẻ tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học. Phương pháp của anh tạo cho cán bộ trẻ tinh thần thoải mái, hăng say làm việc, nhờ đó hiệu quả công việc đạt cao”.

Khi trò chuyện với tôi, Mai Quang Huy chỉ nhỏ nhẹ tâm sự: Những thành công trong nghiên cứu của cá nhân tôi là tổng hợp công sức của tập thể, những người cộng tác. Tôi với trách nhiệm được giao ở vị trí “đứng mũi chịu sào”. Khi sản phẩm chế tạo, thử nghiệm không thành công, tôi cũng xót lắm. Tiền túi mình bỏ ra mà. Còn với cương vị giáo viên, tôi thực hiện theo mục tiêu, phương châm đào tạo của học viện, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học nhằm tăng cường bản lĩnh nghề nghiệp của học viên, làm hành trang khi ra trường về đơn vị công tác... 

Ghi chép của
Đình Xuân