Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan (thứ 3 từ trái sang) cùng cán bộ địa phương thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ tại hố bom, nơi các anh hy sinh dưới chân núi Chùa.

Kỳ 1: Đồng đội, ký ức không quên

Kỳ 2: Mãi mãi ghi ơn

Lần thứ ba nhóm phóng viên chúng tôi trở lại vùng núi Chanh Chè. Gặp cụ Trần Thị Đâu, nhà ở cách núi Chùa chừng 1km, vừa đặt bó rau cắt ở ngoài vườn về, cụ nắm chặt tay chúng tôi oà khóc. Sự kiện Chanh Chè-núi Chùa đã đau đáu trong lòng cụ mấy chục năm qua cụ chưa nói hết với ai được. Lưng còng, dáng mỏng, cụ như cái bóng nhỏ lưu dấu ấn thời gian.

Cụ Đâu, cụ Phượng (thường gọi là cụ Cháu) đã trực tiếp nấu cơm tiếp tế cho đơn vị bộ đội trong trận đánh tại núi Chùa. Sáng 21-5-1954, hai cô du kích vo gạo thổi cơm; thức ăn cho bộ đội chỉ có mắm tép và rau. Việc tiếp tế rất bí mật, hai cô phải giả như đi làm đồng; khi chuẩn bị mang cơm vào núi thì máy bay, xe cóc địch ập đến. Giọng cụ như nghẹn lại: Gần trưa 21-5, tạm ngớt tiếng bom đạn, tôi mang cơm vào khu vực núi Chùa. Một cảnh tượng bi thương bởi bom đạn, nhiều đồng chí bộ đội hy sinh...

Nhớ về trận chiến đấu năm xưa, cụ Phượng (hiện đang sống tại Nam Định) kể: Sáng sớm, nghe tiếng súng nổ, rồi máy bay địch quần đảo, lính Pháp nhảy dù xuống các mỏm đồi, xe cóc nhan nhản trên cánh đồng. Mấy du kích chúng tôi cùng các anh bộ đội cơ động sang mỏm núi nhỏ. Thấy các chiến sĩ bị thương, tôi xé chiếc khăn nâu đang đội trên đầu băng bó cho các anh…

Cụ Trương Thị Nụ, năm nay tròn 80 tuổi, cho biết: Du kích xã Thanh Tâm có một trung đội nữ với hơn 10 chị em, có tổ quân báo, hàng ngày nắm tình hình địch, báo cho cấp trên. Khoảng 3 giờ chiều ngày 20-5-1954, tôi được giao chuyển công văn báo cho chính quyền và du kích xã chuẩn bị đón, bố trí nơi ở cho bộ đội. Đến sáng hôm sau thì trận chiến ác liệt xảy ra; riêng thôn Sở có hơn 10 người dân bị chết. Nhiều đồng chí du kích của thôn bị quân Pháp lật nắp hầm bí mật, sát hại, trong đó có hai nữ du kích là cô The, cô Cân. Sau trận chiến đấu, nhân dân, du kích xã tổ chức chôn cất các liệt sĩ, nhưng không ai biết trong khe núi Chùa còn nhiều đồng chí bị bom, đạn pháo vùi lấp. Khi mưa lớn, nhiều thi thể chiến sĩ mới theo dòng nước trôi ra…

Đến giờ, cụ Phạm Đức Diễn (thôn Chà Trâu) vẫn không thể quên cảnh tượng những trái bom “rơi như dưa hấu” từ mấy chiếc máy bay Han-cát của giặc Pháp. Ông cùng bà con đào bới, cứu nhiều người dân bị sập hầm, bị thương. Trên núi Chanh Chè, ông nghe rõ tiếng bộ đội liên tục hô xung phong. Sau trận đánh, có du kích nhặt được khẩu súng ngắn đựng trong bao da. Đó chính là khẩu súng của đồng chí tiểu đoàn trưởng đã hy sinh. Bên chiến hào, ông tận mắt thấy có chiến sĩ hy sinh, dựa vào vách công sự, vẫn ôm chặt khẩu súng; có chiến sĩ thông tin tay vẫn giữ ống nghe…

Nhớ lại trận đánh bi hùng đó, ông bà Nguyễn Văn Tộ-Nguyễn Thị Tẹo, ở thôn Chà Châu không cầm được nước mắt: “Anh em bộ đội từ miền Trung ra, chiến đấu dũng cảm lắm. Ở xã nhà, tôi chưa thấy trận nào bộ đội đánh “hăng” như thế, cứ liên tục xung phong, nhưng quân địch từ trên núi bắn xối xả, bộ đội ta thương vong nhiều mới đánh bật được chúng…”.

Bà Tẹo khi đó đang bế con trai chưa đầy 2 tuổi trú trong căn hầm dưới chân núi. Đến giờ, bà vẫn nhớ như in lời các anh bộ đội động viên: “Các chị cứ yên tâm, nhất định chúng tôi sẽ đánh bật quân địch khỏi quả đồi này”. Cụ chứng kiến nhiều anh bộ đội bị thương, vẫn hô xung phong; có anh bị thương nặng, đuối sức, chỉ thều thào: “Khát nước!”. Mẹ của bà ở cùng hầm, liên tục xuống khe núi lấy nước cho bộ đội…

Kể đến đây, cụ Tẹo oà khóc, đôi vai gầy rung rung, nghẹn ngào: “Xin các chú đừng hỏi nữa, tôi biết nói gì hơn. Nắm cơm sáng đạm bạc, nhiều anh bộ đội chưa kịp ăn… Sau này, thằng con cả của tôi cũng vậy, nó hy sinh năm 1972, ở mặt trận Quảng Nam…”.

Trên ban thờ của gia đình có bảng vàng “Tổ quốc ghi công” và ảnh liệt sĩ Nguyễn Trung Thành, người con trai cả mà cụ Tẹo bế dưới hầm trong trận đánh tại núi Chùa. Ông Tộ cũng lấy khăn lau khóe mắt: “Năm 1970, chưa đầy 18 tuổi, nó viết đơn tình nguyện bằng máu, xin nhập ngũ. Hai năm sau, gia đình nhận được tin con đã hy sinh…”.

Chúng tôi chia tay hai cụ và người em trai của liệt sĩ Nguyễn Trung Thành, trong lòng trào dâng xúc động.

Trở về Hà Nội, chúng tôi nhận được điện thoại của ông Phạm Ngọc Sơn, quê xã Thanh Tâm, đang sống tại Quảng Ninh. Biết tin Báo Quân đội nhân dân đăng loạt bài viết về trận đánh Chanh Chè, ông hẹn sẽ lên tòa soạn cung cấp thêm thông tin. Đã ngoài 70 tuổi, ông đến tòa soạn, mang theo 4 tấm bằng “Tổ quốc ghi công” của 4 liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, đều chưa tìm thấy phần mộ. Trong trận đánh ở núi Chùa-Chanh Chè, người anh con bác ruột của ông là liệt sĩ Phạm Văn Chước, xã đội phó đã hy sinh. Hai người anh họ nữa là Phạm Văn Tạnh, hy sinh năm 1948; Phạm Văn Đồng, hy sinh năm 1949. Anh ruột ông Sơn là Phạm Minh Thi, hy sinh năm 1954 trong trận đánh ở Lạc Đạo, Hà Đông, Hà Tây (cũ). Vợ ông Thi là bà Bùi Thị The, du kích xã Thanh Tâm, hy sinh trong trận đánh ngày 21-5-1954. Chuyện tình của đôi vợ chồng trẻ thật bi thương. Hai người cưới nhau... vắng mặt, vì lúc ấy ông Thi đang đánh địch tại Hà Đông. Cho đến khi cả hai hy sinh, họ chưa một lần gặp nhau...

*

* *

55 năm đã qua, những cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 227, Trung đoàn 95 chúng tôi tìm gặp đều đã cao tuổi, không nhớ chính xác họ, quê quán của người Tiểu đoàn trưởng (tên là Kỷ) đã hy sinh trong trận đánh tại núi Chùa. Được sự giúp đỡ của Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị) và Cục Quân lực (Bộ tổng tham mưu) chúng tôi có điều kiện tra cứu, tìm kiếm trong hồ sơ lưu trữ danh sách liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Tìm trong một hồ sơ ghi danh sách liệt sĩ (xếp theo vần K), chúng tôi thấy dòng tên viết bằng mực bút máy đã phai màu: “Liệt sĩ Đoàn Công Kỷ, quê Đại Phong, Lệ Thủy, Quảng Bình; nhập ngũ tháng 6-1948; chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 227, Trung đoàn 95, Đại đoàn 325, hy sinh ngày 21-5-1954, tại khe núi xã Liêm Trực, Thanh Liêm, Hà Nam, trong khi chỉ huy giao chiến…”. Trong tập hồ sơ này, chúng tôi cũng tìm thấy tên của nhiều liệt sĩ thuộc Tiểu đoàn 227, cùng hy sinh trong trận Chanh Chè ngày 21-5-1954. Đó là các trung đội phó: Ngô Kỳ (quê Cam Lộ, Quảng Trị), Trần Công Kỳ (quê Hưng Nguyên, Nghệ An); các chiến sĩ Phan Kích (quê Nam Đàn, Nghệ An), Trương Kiếm (quê Hương Trà, Thừa Thiên-Huế). Trong tập danh sách xếp theo vần “H”, có tên của nhiều liệt sĩ Tiểu đoàn 227, hy sinh ngày 21-5-1954: Liệt sĩ Trần Hiền (không rõ quê); các liệt sĩ Trần Hiên, Nguyễn Văn Huỳnh (tiểu đội phó) đều quê huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh… Danh sách quân nhân Tiểu đoàn 227 hy sinh trong trận đánh ngày 21-5-1954 theo lưu trữ tại Cục Chính sách gồm hơn 120 đồng chí, trong đó có 9 cán bộ cấp đại đội, tiểu đoàn (Tiểu đoàn trưởng Đoàn Công Kỷ và Tiểu đoàn phó Võ Đắc Lợi). Trung đoàn 48 (Đại đoàn 320) cũng có hơn 10 đồng chí hy sinh, trong đó có Đại đội trưởng Nguyễn Trọng Lâm.

Núi Chùa-nơi diễn ra trận đánh bi hùng 55 năm trước, nay địa phương sẽ xây dựng Khu tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ.

Đồng chí Phạm Đức Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Tâm cho biết: Từ khi Báo Quân đội nhân dân đăng loạt bài về trận đánh Chanh Chè-núi Chùa, nhiều đoàn cán bộ của Trung ương, địa phương, quân đội… đã về chiến trường xưa, thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ. Cán bộ, nhân dân xã nhà rất quan tâm, bày tỏ niềm xúc động, tự hào bởi sau hơn nửa thế kỷ, trận đánh Chanh Chè bi hùng đã được dư luận rộng rãi trong và ngoài tỉnh biết đến cùng nhiều hoạt động, tấm lòng thiết thực tri ân.

Trung tuần tháng Tư, đoàn công tác do Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân và Thiếu tướng Phạm Văn Thạch, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam dẫn đầu đã về nơi chiến trường xưa thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ và có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Nam. Các đồng chí: Đinh Văn Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Trần Xuân Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Như Lâm, Phó chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Văn Thực, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy; Nguyễn Đức Hiển, Chủ tịch UBND huyện Thanh Liêm… đánh giá cao nội dung các bài viết trên Báo Quân đội nhân dân. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Loạt bài viết của Báo Quân đội nhân dân thực sự gây xúc động, tái hiện sinh động, chân thực sự kiện lịch sử hào hùng ở địa phương, có ý nghĩa giáo dục truyền thống, lịch sử sâu sắc. Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhất trí cao với chủ trương, đề xuất của Huyện ủy, UBND huyện Thanh Liêm và ước nguyện của nhân dân, LLVT, các cựu chiến binh, của thân nhân các gia đình liệt sĩ… xây dựng công trình tưởng niệm, tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại khu vực núi Chùa.

Ngày 15-4-2009, UBND tỉnh Hà Nam đã có Văn bản số 464, do Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Như Lâm ký với nội dung: Xét đề nghị của UBND huyện Thanh Liêm và Kết luận của Thường trực Tỉnh ủy; UBND tỉnh giao UBND huyện Thanh Liêm làm chủ đầu tư, phối hợp với các cơ quan liên quan tập hợp tư liệu lịch sử, làm cơ sở nghiên cứu, xây dựng ý tưởng và quy mô quy hoạch, xây dựng Khu tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ khu vực núi Chùa.

Ngày 28-4-2009, trong chuyến công tác tại tỉnh Hà Nam, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã về thăm chiến trường xưa, thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ. Đồng chí cũng ghi nhận các hoạt động thiết thực của địa phương trong tuyên truyền, giáo dục truyền thống, thực hiện tốt công tác “đền ơn đáp nghĩa”…

Chúng tôi được biết, ngày 21-5-2009, nhân kỷ niệm tròn 55 năm trận đánh Chanh Chè, cấp ủy, chính quyền, cơ quan quân sự huyện Thanh Liêm phối hợp với các cơ quan liên quan sẽ tổ chức “Gặp mặt nhân chứng tìm về lịch sử trận chiến đấu chống càn tại Chanh Chè”, cùng nhiều hoạt động trang trọng tưởng nhớ, tri ân các liệt sĩ, người dân… đã ngã xuống vì độc lập, tự do Tổ quốc. Qua đây, cũng giúp các gia đình liệt sĩ có thêm thông tin về người thân đã hy sinh trong trận Chanh Chè ngày 21-5-1954 và một số trận đánh khác trên địa bàn, bởi hiện nay vẫn còn hơn 200 mộ liệt sĩ chưa xác định được tên tại nghĩa trang xã Thanh Tâm.

Đó cũng chính là mong muốn lớn nhất của nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân trong suốt thời gian dài thu thập tư liệu, gặp gỡ nhân chứng, góp phần tái hiện chân thực trận đánh Chanh Chè-trong kháng chiến chống Pháp tại Hà Nam. Báo Quân đội nhân dân mong tiếp tục nhận được những thông tin, tư liệu, hiện vật về sự kiện bi hùng 55 năm trước tại xã Thanh Tâm.

Bài và ảnh: NGUYỄN TUẤN, ANH THU, PHẠM QUÂN
Kỳ 1: Đi tìm tên đơn vị
Kỳ 2: Trận đánh bi hùng
Kỳ 3: Ước nguyện tri ân