Kỳ 1: Đồng đội, ký ức không quên
LTS: Sau loạt bài “Núi Chùa-Ký ức, máu đào” của nhóm phóng viên Nguyễn Tuấn, Anh Thu, Phạm Quân, đăng trên Báo Quân đội nhân dân số ra các ngày 26, 27, 28-3-2009, tòa soạn tiếp tục nhận được nhiều thông tin của các nhân chứng từng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, mai táng các chiến sĩ hy sinh trong trận chiến bi hùng với quân viễn chinh Pháp cách đây 55 năm tại vùng núi Chanh Chè (xã Thanh Tâm, Thanh Liêm, Hà Nam). Lần theo từng địa chỉ, tìm gặp các nhân chứng ở nhiều địa phương, các phóng viên Báo Quân đội nhân dân thu thập thêm được nhiều “tư liệu sống”, tái hiện chân thực trận chiến đấu ác liệt và cả những mất mát, hy sinh của bộ đội chủ lực, du kích, nhân dân địa phương, góp phần vào thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Trận Chanh Chè ác liệt ngày 21-5-1954 và sự hy sinh của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ được các nhân chứng trực tiếp tham gia chiến đấu, làm công tác thương binh, tử sĩ, hiện đang sống tại nhiều địa phương kể lại với những diễn biến chân thực, sống động. Cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong trận Chanh Chè- núi Chùa phần lớn thuộc Trung đoàn 95, Đại đoàn 325 từ miền Trung ra, thay thế Trung đoàn 48 (Đại đoàn 320) đánh địch ở Hà Nam, Ninh Bình, nhằm phá vỡ phòng tuyến sông Đáy của quân Pháp.
Nhận được những dòng thông tin ngắn của ông Đặng Quốc Huy-cựu chiến binh Sư đoàn 325: “Ông Trương Công Vệ, hiện trú tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, từng là cán bộ đại đội thuộc Trung đoàn 95, biết rõ về trận chiến đấu tại Chanh Chè”, chúng tôi liền gọi điện đến Hội Cựu chiến binh tỉnh Thừa Thiên-Huế nhờ xác minh giúp. Các cán bộ Ban CHQS huyện Quảng Điền nhiệt tình giúp chúng tôi tìm địa chỉ gia đình ông Trương Công Vệ. Vượt hàng trăm cây số bằng xe đò, chúng tôi về quê ông: Thôn Vân Căn, thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền.
Trong căn nhà nhỏ ẩn mình dưới vòm cây xanh, câu chuyện ông Vệ kể đưa chúng tôi trở về những ngày tháng chiến tranh ác liệt. Năm 1954, ông Vệ là Chính trị viên Đại đội 117, Tiểu đoàn 227 (Trung đoàn 95). Ông kể: Trung đoàn 95 được lệnh khẩn trương hành quân ra Bắc; từ Quảng Điền ra Lệ Thủy, vượt núi U Bò (Quảng Bình), dốc Bồng Ngà (Hà Tĩnh) rồi dừng chân ở Nam Đàn (Nghệ An). Tiểu đoàn 227 đa phần là chiến sĩ trẻ, quê thuộc các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Hương Thủy, Quảng Điền (Thừa Thiên-Huế) và một số đồng chí quê ở Quảng Bình, Nghệ An… Khi đơn vị dừng chân tại quê hương Bác Hồ để học tập chính trị, chỉnh huấn chỉnh quân, tôi được cấp trên cử đi dự Hội nghị chiến sĩ thi đua Liên khu 4 tổ chức tại Thanh Hóa. Trung đoàn tiếp tục hành quân ra chiến trường đồng bằng Bắc Bộ (vùng Hà Nam Ninh) cùng các đơn vị của Đại đoàn 320 diệt đồn bốt địch...
Dừng một lát, ông Vệ đứng dậy thắp nén nhang lên bàn thờ, đôi vai gầy rung rung, giọng ông nghẹn ngào:
- Chặng đường hành quân từ Nghệ An ra vị trí tập kết và diễn biến trận chiến đấu tại vùng núi Chanh Chè tôi không được chứng kiến, vì khi ấy tôi đang dự lễ báo công. Nhưng việc mai táng, chôn cất đồng đội trong đêm thì tôi không thể nào quên được...
“…Chiều 21-5-1954, tôi được xe con của Liên khu 4 tức tốc chở từ Thanh Hoá ra ngay Hà Nam để thay thế đồng chí Chất, Chính trị viên Đại đội 120 vừa hy sinh-người cựu chiến binh già rơm rớm nước mắt. Khi tôi ra tới dãy núi Chanh Chè, trận địa đã im tiếng súng, nhưng khói lửa từ các hố bom, các đám cháy trên núi, trong làng vẫn bốc nghi ngút. Quân địch bị tổn thất nặng nề tháo chạy về hướng huyện Bình Lục, bỏ lại ngổn ngang xác chết và nhiều vũ khí quân dụng. Một chiến sĩ dẫn tôi lên núi, nơi Sở chỉ huy Tiểu đoàn 227 bị bom đánh trúng. Đồng chí Kỷ-tiểu đoàn trưởng; chính trị viên phó tiểu đoàn, tiểu đoàn phó (tôi không nhớ tên) và đồng chí liên lạc của tiểu đoàn tên là Trần Tròn (quê xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền) đều hi sinh; nhiều cán bộ, chiến sĩ bị thương. Đêm đó, tôi và một số anh em cùng lực lượng dân quân cố gắng cao nhất tìm kiếm, chôn cất hơn 100 đồng đội. Chúng tôi chia nhau thành từng nhóm, tỏa ra nhiều hướng: Trên đồi, trong làng, dưới khe núi, tìm kiếm đồng đội và du kích bị bom đạn sát hại. Mặc dù trong điều kiện gấp gáp, nhưng hầu như chúng tôi vẫn mai táng mỗi đồng chí một mộ, có khắc tên và phiên hiệu đơn vị vào tấm thẻ bằng gỗ, rồi ngụy trang bằng cây lá. Đêm đó, tôi đã tìm kiếm, chôn cất 12 thi thể đồng đội. Vậy mà hôm sau, khi chúng tôi đánh đồn tại Phủ Lý, máy bay địch vẫn quay lại ném bom...”.
- Bom đạn địch cày xới như rứa thì còn chi hả chú-ông Vệ khẽ thở dài. Năm 1972, tôi bị thương ở chiến trường miền Nam được đưa ra chữa trị tại Đoàn điều dưỡng 582 đóng tại xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm. Dù đã cố gắng, tôi vẫn không nhận ra nơi chôn cất đồng đội năm xưa, vì đạn bom, mưa lũ… làm thay đổi; hơn nữa, chúng tôi thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện đêm tối, rất khó xác định chính xác các vị trí.
Ông Vệ còn cho biết thêm: Ông Nguyễn Lý Hòa, nguyên Tiểu đội trưởng thuộc Trung đội 13, Đại đội 117, trực tiếp tham gia trận đánh Núi Chùa hiện còn khỏe mạnh. Các ông Nguyễn Xuân Oanh, Hồ Tấn Hà hồi đó là chiến sĩ thuộc Đại đội 117 cũng đang sống tại Quảng Điền.
Chúng tôi cảm ơn ông Vệ để đi tìm gặp ông Nguyễn Lý Hòa. Nắm chặt tay tôi, ông Vệ rơm rớm nước mắt, giọng nghẹn ngào: “Chẳng bao giờ tôi thanh thản được. Năm xưa, các anh ấy hy sinh đều còn rất trẻ. Trong lòng tôi mãi nhớ thương đồng đội...”.
Quá trưa, chúng tôi mới tới nhà ông Hòa. Khi chúng tôi đưa cho ông xem loạt bài đăng trên Báo Quân đội nhân dân về trận đánh Chanh Chè, ông bồi hồi, xúc động:
- Tình tiết, diễn biến trận đánh đúng như báo đã nêu. Ngày ấy, chiến trường khốc liệt quá, sau trận đánh chưa thể biết ai còn, ai mất. Đại đội tôi được bố trí theo thế “vòng cung” quanh quả đồi. Các lực lượng đang triển khai thuận lợi, thì Đại đội 120 của tiểu đoàn bị lộ, hỏa lực địch từ xe thiết giáp, từ các điểm cao bắn như vãi trấu; máy bay địch quần đảo, ném bom sở chỉ huy tiểu đoàn. Ta và địch ở thế giằng co, tranh chấp nhau từng mét hào. Quân Pháp cho máy bay thả bom, trên đỉnh núi Chà Châu; đại liên địch bắn xối xả vào đội hình bộ đội ta xung phong. Trong tình thế hết sức cam go, đồng chí Đặng Doãn (quê huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) lấy thân mình làm giá súng cho đồng chí Nguyễn Sỹ Ai dùng trung liên tiêu diệt ổ đại liên địch. Tôi cùng chiến sĩ Ngô Xuân Oanh xông lên thì bị hỏa lực địch bắn thẳng. Tôi bị thương cả hai chân, bất tỉnh và được anh em đưa về tuyến sau…
 |
Nhân dân xã Thanh Tâm tôn tạo, chỉnh trang nghĩa trang liệt sĩ, nơi có hơn 200 phần mộ của cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong trận đánh Chanh Chè |
Qua ông Nguyễn Lý Hòa và ông Nguyễn Xuy (nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 227) chúng tôi được biết, sau trận đánh Chanh Chè, Trung đội trưởng Nguyễn Sỹ Ai vào Nam chiến đấu và đã anh dũng hy sinh. Ông Đặng Doãn, nhà ở huyện Phú Vang, mới mất cách đây vài tháng. Các ông Nguyễn Xuân Oanh, Hồ Tấn Hà nay tuổi cao, không còn minh mẫn. Một chiến sĩ khác đang sống tại Quảng Bình là ông Lê Phả, từng là chiến sĩ tiêu biểu của Đại đoàn 325, bị thương trong trận đánh tại Chanh Chè, bị địch bắt, tra tấn dã man, nhưng không khai thác được gì. Chúng đành thả ông, rồi phao tin là ông đi theo bọn phản động. Một thời gian rất lâu sau, mới có người minh oan cho ông...
Các cựu chiến binh Trung đoàn 48 (Đại đoàn 320) nhất là các đồng chí tham gia mai táng liệt sĩ sau trận đánh Chanh Chè-núi Chùa rất nhiệt tình giúp đỡ nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân tìm gặp các nhân chứng, thu thập thông tin. Một chiều trung tuần tháng 4-2009, Đại tá Hàn Thụy Vũ, nguyên Trưởng Tiểu ban Tuyên huấn Trung đoàn 48 gọi điện thoại báo tin: “Tôi vừa tìm được địa chỉ gia đình Thiếu tướng Triệu Huy Hùng, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 95 và Thiếu tướng Ngô Huy Phát, nguyên Trưởng ban tác chiến Trung đoàn 48 thời kỳ 1954…”.
Chúng tôi mừng như mở cờ trong bụng, ngay hôm sau tìm đến gia đình các cựu chiến binh ở phố Cao Bá Quát và Khu tập thể 34A, Trần Phú, quận Ba Đình, Hà Nội.
Thiếu tướng Triệu Huy Hùng, nguyên Cục trưởng Cục Quân lực (Bộ Tổng tham mưu) quê huyện Nghi Lộc, Nghệ An, vào bộ đội năm 1945. Được hỏi về sự kiện Chanh Chè tháng 5-1954, ông vẫn nhớ rành rọt:
- Tôi đi họp ở Hà Nội về thì được cấp trên giao nhiệm vụ chỉ huy Trung đoàn 95 hành quân ra Bắc phối thuộc cho Liên khu 3 (do đồng chí Hà Kế Tấn làm tư lệnh). Trung đoàn được giao hoạt động chủ yếu ở khu vực “tam giác” Hà Nam-Nam Định-Ninh Bình. Khi Tiểu đoàn 227 đánh trận Chanh Chè, tôi đang cùng một số cán bộ đi nắm tình hình địch ở huyện Ý Yên (Nam Định), khi trở về thì trận đánh đã kết thúc. Các cán bộ cấp dưới báo cáo lại (sau này tôi cũng đã báo cáo cấp trên): Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 227 chiến đấu rất dũng cảm; vừa đào công sự, vừa chiến đấu, liên tiếp xung phong đánh bật địch, chiếm lại ba điểm cao; nhiều đồng chí bị thương được đưa xuống chân núi cứu chữa. Bị thua đau, địch điên cuồng điều máy bay, xe cóc bắn phá, càn quét thôn xóm, bắn giết rất dã man; bom địch đánh trúng sở chỉ huy tiểu đoàn. Trong trận đánh này, hơn 200 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh. Sau này, cán bộ của trung đoàn trở lại Chanh Chè để tìm kiếm, quy tập hài cốt, nhưng địa phương đã tổ chức di dời các anh vào nghĩa trang.
Trên chiếc bàn nhỏ ở phòng khách, Thiếu tướng Ngô Huy Phát, nguyên Trưởng ban Tác chiến Trung đoàn 48 mở tấm bản đồ quân sự. Dãy núi đất từ khe Non đến Chanh Chè (huyện Thanh Liêm) hiện ra rõ nét. Lướt nhẹ chiếc bút chì trên tấm bản đồ, ông nhớ lại: “Trung đoàn 48 từng hoạt động khá lâu, đánh nhiều trận, diệt nhiều đồn, bốt địch tại huyện Thanh Liêm. Đêm 20 rạng sáng 21-5-1954, Tiểu đoàn 884, Trung đoàn 48 đánh mạnh vào bốt Non, rồi rút về phía nam của huyện. Quân Pháp tức tối, mở trận càn lớn dọc dãy núi đất và “đụng phải” lực lượng của Trung đoàn 95. Trận Chanh Chè diễn ra trong bối cảnh đó…” .
Bài và ảnh: NGUYỄN TUẤN, ANH THU, PHẠM QUÂN
Kỳ sau: Mãi mãi ghi ơn
Kỳ 1: Đi tìm tên đơn vị
Kỳ 2: Trận đánh bi hùng Kỳ 3: Ước nguyện tri ân