QĐND - Ngày 6-11, Thủ trưởng Tổng cục Chính trị (TCCT) ký ban hành Hướng dẫn 1849/HD-CT thực hiện Thông báo 137-TB/TW ngày 14-6-2013 của Ban Bí thư, về việc tiếp tục phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Báo Quân đội nhân dân thông tin thêm về hướng dẫn trên để bạn đọc được rõ.

Kết thúc đề nghị vào năm 2014

Nhiều bạn đọc quan tâm thời hạn kết thúc việc xem xét, đề nghị phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Thông báo 137 của Ban Bí thư, Hướng dẫn 1607 của Ban Thi đua-Khen thưởng (TĐ-KT) Trung ương (ngày 9-9-2013) và Hướng dẫn 1894 của TCCT đều ghi rõ: Kết thúc việc đề nghị phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân trong năm 2014. Một số ý kiến băn khoăn, liệu thời gian “gấp” như trên có dẫn đến tình trạng bỏ sót, lọt đối tượng. Về vấn đề này, Đại tá Nghiêm Huân, cán bộ Phòng TĐ-KT (Cục Tuyên huấn, TCCT) khẳng định:

- Chủ trương phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân trong các cuộc kháng chiến được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quan tâm triển khai từ lâu, trải qua nhiều đợt khác nhau. Ngay trong các cuộc kháng chiến, công tác này đã được triển khai thực hiện có hiệu quả. Đến nay, qua gần 40 năm, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác này đã cơ bản được hoàn thành.

Tập thể Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Xe tăng 203, Quân đoàn 2 vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân (năm 2013).

 

Thông tin từ Cục Tuyên huấn (TCCT), tính đến tháng 6-2011, cả nước có 5.236 tập thể và 1.740 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, trong đó, tỷ lệ các địa phương đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân so với tổng đầu mối ở từng cấp là: Cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương 64/64 (100%); cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh 481/668 (72,01%); cấp xã, phường, thị trấn: 2.781/11.050 (25,17%). Trong năm 2012, Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng phối hợp với các bộ ngành, địa phương tiến hành rà soát, xem xét, lập hồ sơ đề nghị, được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho 28 tập thể và 44 cá nhân. Kết quả rà soát trong năm 2012 và những năm trước đó cho thấy, những tập thể, cá nhân đủ tiêu chuẩn cơ bản đã được xem xét, đề nghị và được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu anh hùng, do đó Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chủ trương kết thúc việc tiếp nhận hồ sơ, xem xét đề nghị tuyên dương anh hùng từ ngày 31-12-2012 (theo tinh thần Thông báo 179-TB/TW ngày 22-8-2008 của Ban Bí thư).

Theo Đại tá Nghiêm Huân, việc Ban Bí thư có Thông báo 137 tiếp tục phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân là thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, ghi nhận, tôn vinh công lao, thành tích của nhân dân và các LLVT trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Và công việc này kết thúc trong năm 2014 là phù hợp.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện Cục Chính sách (TCCT) cho rằng, công tác đề nghị phong tặng, truy tặng danh hiệu anh hùng đã thực hiện qua nhiều đợt, đến nay không thể kéo dài thêm nữa. Một phần vì đối tượng đã được khảo sát kỹ qua các đợt, phần khác sẽ tránh tốn kém về kinh phí, công sức cho cơ sở. Tuy nhiên, mốc thời điểm này cũng đặt ra yêu cầu cao để cơ quan chức năng “vào cuộc” đồng bộ, mạnh mẽ hơn; đòi hỏi cán bộ làm công tác TĐ-KT phải phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước với những tập thể, cá nhân đã cống hiến, lập thành tích xuất sắc trong các cuộc kháng chiến.

Quy trình, thủ tục đề nghị

Hồ sơ trình đề nghị gồm:

1. Tờ trình về việc phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

 2. Biên bản họp Hội đồng Thi đua-Khen thưởng.

 3. Ý kiến của cấp ủy Đảng cùng cấp.

 4. Báo cáo thành tích của tập thể, cá nhân, có xác nhận của cấp trình khen.

 5. Bản tóm tắt thành tích của cấp trình khen (kèm theo file).

 6. Các giấy tờ liên quan: Bản sao (công chứng) các hình thức khen thưởng (nếu có); ý kiến của chính quyền cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đứng chân (với tập thể), hoặc nơi cư trú (với cá nhân còn sống); biên bản hội thảo hoặc họp ban liên lạc truyền thống đơn vị…

 

Để đạt mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ này trong năm 2014, Hướng dẫn 1849 của TCCT quy định rõ đối tượng, tiêu chuẩn và cách thức tổ chức thực hiện. Đối tượng được xem xét phong tặng, truy tặng là những tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chưa được xét phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Đối tượng (tập thể, cá nhân) phải bảo đảm tiêu chuẩn: Có phẩm chất anh hùng, hành động anh hùng, thực sự tiêu biểu; thể hiện bằng những chiến công cụ thể trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.

Về quy trình triển khai thực hiện: Tập thể, cá nhân được xem xét, đề nghị phải có bản báo cáo thành tích. Trường hợp cá nhân đã hy sinh, từ trần thì đơn vị nào quản lý cá nhân đó trong thời kỳ kháng chiến chịu trách nhiệm báo cáo thành tích; trường hợp tập thể đã giải thể thì đơn vị quản lý tập thể đó trong thời kỳ kháng chiến chịu trách nhiệm báo cáo thành tích. Báo cáo phải có xác nhận của cấp có thẩm quyền và được thông qua tập thể đơn vị từ cấp trung đoàn và tương tương trở lên. Hội đồng TĐ-KT các cấp chịu trách nhiệm thẩm định hồ sơ, thành tích, báo cáo cấp ủy, chỉ huy cùng cấp. Cấp ủy họp xem xét, có ý kiến bằng văn bản. Căn cứ ý kiến cấp ủy, thủ trưởng đơn vị trình lên cấp trên trực tiếp. Thủ trưởng các đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng; thủ trưởng các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương trình Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng (qua Cục Tuyên huấn, TCCT). Sau đó, các cơ quan chức năng sẽ thẩm định hồ sơ và thực hiện các bước tiếp theo theo luật định.

Đại tá Nghiêm Huân giải thích thêm:

- Hồ sơ đề nghị gồm các loại văn bản cần thiết theo quy định, được gửi theo đúng quy trình. Với những trường hợp trước đây đã xem xét, đề nghị, nhưng chưa được khen thưởng do không đủ tiêu chuẩn thì không làm hồ sơ đề nghị lại. Quá trình xem xét, thẩm định, trường hợp cần thiết phải tổ chức các cuộc hội thảo, lấy ý kiến nhân chứng lịch sử, ý kiến các đồng chí lão thành cách mạng, các cựu chiến binh, những người cùng chiến đấu, công tác và được thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến nhân dân.

Để thực hiện đúng chủ trương của Ban Bí thư, TCCT đề nghị các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương và các cơ quan, đơn vị trong quân đội khẩn trương tổ chức khảo sát, tổng hợp danh sách tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong hai cuộc kháng chiến, báo cáo Bộ Quốc phòng (qua Cục Tuyên huấn) trước ngày 31-12-2013. Đồng thời tiến hành thủ tục xem xét, thẩm định ở các cấp và lập hồ sơ đề nghị khen thưởng, trình Bộ Quốc phòng trước ngày 30-4-2014 để Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30-9-2014. Quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các đơn vị báo cáo, trao đổi với Cục Tuyên huấn để phối hợp xem xét, giải quyết.

Bài, ảnh: SÔNG TRÀ-DUY THÀNH