QĐND Online - Thái Bình là vùng đất ven biển, nơi thể hiện khát vọng khai phá tương lai từ thưở cha ông “mang gươm đi mở cõi”. Thái Bình cũng từng là tỉnh mà mỗi luỹ tre làng, ruộng lúa đều in dấu ấn về sự cống hiến sức người sức của nhiều nhất cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Nhưng chuyện vượt khó, làm giàu thì vẫn như người “đứng trước biển”, đi đâu, làm gì cho thoát khỏi “ao nhà”? Câu chuyện giữa chúng tôi và Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Hạnh Phúc một ngày đầu xuân đã cho chúng tôi nhiều bất ngờ mới,  nhiều cảm nhận mới về một miền quê giàu khát vọng đang trên đường “ra biển lớn”…

Thái Bình từng là tỉnh đi đầu trong đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc, cống hiến nhiều nhất về sức người sức của trong hai cuộc kháng chiến với những “cái nhất” như: nơi có nữ anh hùng đầu tiên; nơi sản sinh ra vị Tổng tham mưu trưởng đầu tiên của quân đội; người chỉ huy bắt sống tướng Đờ-Cát ở Điện Biên Phủ; người cắm cờ trên dinh Độc Lập; người Việt Nam và châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ, đều là người quê lúa. Nhưng không chỉ giỏi “đánh giặc”, Thái Bình cũng có truyền thống giỏi làm kinh tế khi những năm chiến tranh đã trở thành “quê hương năm tấn”- vựa lúa nuôi quân đánh giặc; hiện nay, trong danh sách những người giàu nhất Việt Nam, có không ít người là con em quê hương Thái Bình. Trong hàng ngũ những cán bộ lãnh đạo, quản lý kinh tế của nước nhà, cũng có nhiều người Thái Bình với những đóng góp nổi bật. Tuy nhiên, sức bật, sức vươn của miền quê này nhiều năm qua vẫn trầm lắng; vẫn nằm trong số những địa phương bị liệt vào danh sách chậm phát triển.

Vậy mà năm 2009, trong bối cảnh nhiều khó khăn, lại là lúc Thái Bình tạo được nhiều dấu ấn, bứt phá…

Nông nghiệp tăng trưởng cao nhất nước và những “dự án tỷ đô”

Đầu năm 2009, kinh tế Thái Bình, như nhiều địa phương trong cả nước gặp phải hành trình đầy khó khăn không chỉ do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế mà ở còn nhiều thách thức khác. Công nghiệp gặp nhiều khó khăn do tình trạng khí đốt giảm mạnh ở khu công nghiệp Tiền Hải. Một số doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, một số phải tạm ngừng sản xuất… Nhưng nhờ cách làm năng động và quyết đoán, Thái Bình đã đạt được những dấu mốc thật bất ngờ: tốc độ tăng trưởng GDP đạt 12,3%, cao trong top 3 ở đồng bằng Bắc Bộ, tổng giá trị sản xuất ước đạt xấp xỉ 20.000 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 15%; xuất khẩu cũng đạt mức kỷ lục, 310 triệu USD... năm qua cũng là năm Thái Bình đã có những đột phá trong thu hút đầu tư với việc lần đầu tiên tỉnh đã thu hút được “Dự án tỷ đô”(Dự án xây dựng Trung tâm Điện lực có công suất 18.000MW tương đương thủy điện Sông Đà). Trong việc phát huy nội lực, Thái Bình cũng đã có những bứt phá. Nhiều năm về công tác ở quê lúa, có lúc chúng tôi từng mỏi mòn mong tỉnh có được số thu ngân sách lọt vào “Câu lạc bộ nghìn tỷ”. Vậy mà năm 2009, chúng tôi cũng lại bất ngờ khi biết Thái Bình đã nằm trong số những địa phương có số thu ngân sách trên nghìn tỷ đồng (thu ngân sách năm 2009 đạt 4.900 tỷ đồng; trong đó, thu nội địa 1.400 tỷ đồng). “ Đất lành chim đậu”, nhiều ngân hàng lớn cũng đã về đây mở chi nhánh để đón bắt cơ hội làm ăn với nguồn vốn tín dụng trên địa bàn đạt con số hàng ngàn tỷ đồng....

Mở đường ra Cồn Vành, một trong những dự án thể hiện quyết tâm “vươn ra biển” của Thái Bình hiện nay.

Nhưng dấu ấn nổi bật nhất năm 2009 với Thái Bình là mặt trận nông nghiệp. Mặc dù diện tích đất trồng lúa giảm, nhiều dịch bệnh lúa mới xuất hiện, nhưng năm qua lại là năm nông nghiệp Thái Bình lập được nhiều kỷ lục: là năm đầu tiên được mùa lớn nhất từ trước đến nay với năng suất lúa cả 2 vụ  đạt 132,35 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay và tốc độ tăng trưởng cũng đạt  6%, cao nhất cả nước, là lá cờ đầu về sản xuất nông nghiệp trong toàn quốc. Thái Bình đang phấn đấu xây dựng thương hiệu  từ “quê hương 5 tấn” trong thời đánh Mỹ thành “quê hương 15 tấn” trong thời kỳ hội nhập.

Tìm tòi phát triển công nghiệp

Từng đi và hiểu nội tình phát triển của nhiều miền quê, chúng tôi hiểu những con số phát triển mà Thái Bình có được. Phía sau nó không chỉ là mồ hôi của người nông dân trên cánh đồng, là công sức của người công nhân trong nhà máy, mà còn là trăn trở của những người lãnh đạo, những người chèo lái con tàu vốn nhổ neo từ xuất phát điểm thấp lại đi giữa hành trình “nhà nhà gặp khó”. Ở những địa phương chưa có nhiều lợi thế khách quan như Thái Bình, mỗi chỉ số phát triển đều thấm đẫm mồ hôi, nước mắt, trăn trở tìm hướng đi, lối đi, thậm chí phải “cố” gấp bội với so với các tỉnh bạn. Cách đây ít lâu, chúng tôi có dịp gặp các lãnh đạo tỉnh Thái Bình tại Hội nghị xúc tiến đầu tư của Thái Bình và Nam Định cũng như tại Đại sứ quán Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong khó khăn, họ đã nỗ lực có nhiều chuyến “ngoại giao con thoi” để thu hút đầu tư. Qua hội nghị, nhiều nhà đầu tư đã phấn khởi, xúc động khi biết được nhiều lợi thế rất mới ở quê lúa. Doanh nhân Nguyễn Viết Tạo ở TP Hồ Chí Minh tâm sự: “Tôi bất ngờ khi biết Thái Bình hiện là một trong những tỉnh có mạng lưới giao thông đường bộ, đường thuỷ phát triển sớm và nhanh nhất cả nước. Hệ thống điện, đường, trường, trạm, bưu chính viễn thông cũng được đầu tư đầy đủ và phát triển mạnh so với các tỉnh lân cận”. Thái Bình cũng đã hình thành nên một mạng lưới các khu công nghiệp hiện đại, với 7 KCN có tổng diện tích hơn 1.200 ha... Tỉnh tạo mọi điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư có nhu cầu về mặt bằng sản xuất được thuê đất; đầu tư kinh phí xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật đến tận chân hàng rào các khu công nghiệp. Các dự án thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư được tỉnh hỗ trợ kinh phí san lấp mặt bằng; hỗ trợ kinh phí đào tạo lao động. Chính sách thuế cũng được vận dụng sao cho có lợi nhất cho doanh nghiệp. Tỉnh cũng đã chỉ đạo quyết liệt để chuẩn bị khởi công một số dự án cơ sở hạ tầng giao thông để thu hút đầu tư như: đường và cầu nối Thái Bình - Hà Nam với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình, có vốn đầu tư trên 4.000 tỷ đồng; đường 39B từ thị trấn Thanh Nê đến thị trấn Diêm Điền, vốn đầu tư trên 2.200 tỷ đồng; đường vành đai phía Nam Thành phố Thái Bình, vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng…  Nhưng mừng nhất là Thái Bình đã có được một đội ngũ lãnh đạo năng động, cởi mở, trân trọng các nhà đầu tư... Đó cũng là lý do năm 2009 vừa qua, quê lúa đã có bứt phá lớn trong thu hút đầu tư với việc lần đầu tiên tỉnh đã có được những “Dự án tỷ đô”( như Dự án xây dựng Trung tâm Điện lực có công suất 18.000MW tương đương thủy sông Đà; Dự án nhà máy thép Shengly với sản lượng 1. 600.000 tấn phôi thép/ năm, tương đương với sản lượng của Trung tâm Gang thép Thái Nguyên …)

Không chỉ có thế, những tiềm năng lớn của Thái Bình cũng đang được đánh thức, hấp dẫn các nhà đầu tư. Đó là nguồn trữ lượng lớn cho năng lượng quốc gia với nguồn than nâu xấp xỉ 200 tỷ tấn, gấp 20 lần trữ lượng than Quảng Ninh. Tiềm năng khí đốt ngoài thềm lục địa của Thái Bình cũng rất lớn…

Nông thôn mới trên quê lúa

Việc xây dựng mô hình nông thôn mới, tạo ra một đời sống mới cho người nông dân cũng là trăn trở  lớn của lãnh đạo Thái Bình. Làm sao để  người trồng lúa bớt lam lũ; làm sao để con em nông dân phát triển ngay tại quê hương; làm sao để  người già được hưởng nhiều phúc lợi xã hội; để “điện, đường, trường, trạm” về  tận các ngõ ngách xóm thôn... Chủ tịch Nguyễn Hạnh Phúc chia sẻ: “ Thái Bình đang tập trung xây dựng nhằm tạo ra một bộ mặt  nông thôn mới và chúng tôi coi đó như là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ của mình...”

Chúng ta thường ví von sự phát triển trong thời kỳ hội nhập ngày nay giống như hành trình từ “ao nhà” ra “biển lớn”. Trong hành trình đó, quan trọng nhất ở đây chính là tư duy, thái độ, hướng đi, cách làm … Nhà bác học Lê Quý Đôn, cũng là người Thái Bình, nói từ thế kỷ 17 rằng: “Phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thư­ơng bất hoạt, phi trí bất hư­ng", chứ không phải “phi thương bất phú” như chúng ta thường nhầm lẫn. Có nghĩa là không có nông nghiệp thì xã hội không ổn định, không có công nghiệp thì không giàu, không có th­ương nghiệp buôn bán, giao lưu thì không thể mở mang, không có tri thức, trí tuệ thì không h­ưng thịnh đ­ược. Thái Bình là tỉnh nông nghiệp, muốn vươn lên làm giàu bên cạnh phát huy lợi thế tỉnh nông nghiệp, phải “công nghiệp hóa nông thôn”, phát triển công nghiệp và dịch vụ. Năm 2009 cũng là năm của “phi thương bất hoạt” khi có tới 372 doanh nghiệp nhỏ và vừa  được thành lập, bằng số doanh nghiệp của cả 5 năm trước đó cộng lại...

Thời gian tới, để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 14% như đã đề ra, Thái Bình tiếp tục triển khai có hiệu quả kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Thái Bình: tiếp tục cải cách hành chính mạnh mẽ, phát huy nội lực, tiến hành các thủ tục để triển khai thực hiện Đề án thăm dò, thử nghiệm công nghệ khai thác than nâu; đánh giá hiệu quả kinh tế việc đầu tư xây dựng kè chắn cát ổn định luồng vào cảng Diêm Điền phục vụ quy hoạch mở rộng cảng và tăng quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng  giao thông, tạo điều kiện để thu hút các nguồn lực từ  bên ngoài...

Không chỉ có những bứt phá trong phát triển kinh tế, trong lĩnh vực văn hóa xã hội, Thái Bình cũng đã tạo được những dấu ấn đặc biệt: lần đầu tiên tỉnh tổ chức thành công Lễ hội Văn hóa Đồng bằng sông Hồng, quy tụ về đây 13 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Với truyền thống mến khách, người dân quê lúa đã để lại những thiện cảm lớn đối với các tỉnh bạn. Song, điều quan trọng hơn là Lễ hội đã khơi dậy những tinh hoa văn hóa, truyền thống hào hùng của miền đồng bằng châu thổ sông Hồng... Về giáo dục, Thái Bình  cũng đã đạt được những kết quả vui như đứng thứ 3 toàn quốc về thi tốt nghiệp THPT.

Thái Bình còn là một điểm sáng về quốc phòng – an ninh với nhiều sáng kiến trong giáo dục quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ được nhân rộng trong địa bàn Quân khu 3. Đặc biệt, với sự đầu tư cho dự án Cồn Vành, Bộ CHQS tỉnh đã góp phần xây dựng một “Tuần Châu thứ hai trên quê lúa”, kết hợp kinh tế với quốc phòng – an ninh, mở ra nhiều tiềm năng mới. Thái Bình đã được Bộ Quốc phòng chọn là một trong 3 tỉnh, thành phố của cả nước làm điểm về “xây dựng cơ quan quân sự bộ đội địa phương vững mạnh”.  Những năm gần đây, Thái Bình luôn là đơn vị lá cờ đầu trong phong trào thi đua Quyết thắng của LLVT Quân khu 3. Thái Bình cũng là tỉnh có nhiều sáng tạo trong đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng – an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc theo tinh thần Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị và Nghị định 152 của Chính phủ…Lúc sinh thời, Bác Hồ từng căn dặn và mong muốn Thái Bình trở thành tỉnh “Gương mẫu về mọi mặt”. Lực lượng vũ trang Thái Bình đã và đang nỗ lực góp phần xây dựng tỉnh  Thái Bình “giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng an ninh, đẹp về văn hoá”.

Tạm biệt Thái Bình, chúng tôi thêm vui khi được biết một thông tin mới, năm 2010 tới, lần đầu tiên Lễ hội đền Trần sẽ được tổ chức tại cả hai tỉnh Thái Bình và Nam Định. Tại Thái Bình, Lễ hội sẽ được tổ chức ở xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, nơi phát tích của Vương triều Nhà Trần. Thái Bình là mảnh đất giàu truyền thống văn hoá, lại là một trong những cái nôi khởi phát của nhà Trần, một trong những triều đại rực rõ nhất trong lịch sử dân tộc ta. Hi vọng, Thái Bình sẽ phát huy hào khí Đông A của nhà Trần trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá hôm nay…

Bài và ảnh:  NGUYÊN MINH