QĐND - Khi chưa đến Trường Sa trong tôi đã mênh mang nỗi nhớ… Đến Trường Sa, lên các đảo chìm, đảo nổi, nhà giàn DK1… nơi đầu sóng ngọn gió nỗi nhớ lại nhân lên, bởi không gì đẹp, rung động và lan tỏa nhanh bằng tình yêu biển đảo. Với sự quan tâm, đầu tư xây dựng của Đảng, Nhà nước, quân đội, sự cố gắng vươn lên của quân và dân trên các xã đảo, huyện đảo Trường Sa đang phát triển từng ngày.
Bài 1: Làng mới giữa trùng khơi
Khi hoàng hôn tím vàng vương đọng lại trên những con sóng của biển cả, cũng là lúc tàu HQ 936 đưa chúng tôi đến đảo Song Tử Tây. Tôi là một trong những người may mắn được lên đảo đầu tiên, một cảm giác sung sướng đến khó tả. Anh em trên đảo đón chúng tôi như người thân lâu ngày gặp lại, tay nắm chặt tay, mắt nhìn nhau rưng rưng xúc động… Tôi nhảy vội lên mạn tàu, leo nhanh lên lan can của thành ta luy ngăn sóng nơi âu tàu, rồi chạy theo từng con sóng, men theo con đường vòng trên đảo mà háo hức đếm từng ngọn đèn cao áp, từng chiếc quạt gió quay tít như gọi mời, như chào đón. Dưới bóng những cây Phong Ba, Bàng quả vuông, Dương liễu…, từng đàn gà, vịt gọi nhau tìm về tổ ấm. Chú mèo con tinh nghịch đuổi vờn với những chú bướm trên giàn mướp đầy hoa vàng. Đàn bò lông mượt, béo núc ních, lười nhác nằm nhai cỏ. Đâu đó thoáng xa xa trong gió và sóng biển ngân vang, tôi lặng nghe tiếng trẻ đọc bài… Trường Sa xa cách ngàn trùng mà sao quá ấm áp, thân thuộc, chẳng khác gì những ngôi làng thân thuộc, yên bình mọc lên từ sóng...
 |
Đường về khu gia đình trong đảo Song Tử Tây. |
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Trần Trung Hưng, Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy xã Song Tử, kiêm Chủ tịch HĐND xã cho biết: “Đón tàu ra thăm đảo, quân và dân trên đảo vui lắm. Quà gì cũng không ý nghĩa bằng sự có mặt của các anh, các chị ở nơi xa xôi này. Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư xây dựng của Đảng, Nhà nước và quân đội, cùng với sự cố gắng vượt qua khó khăn của quân và dân trên đảo, xã đảo Song Tử ngày càng được xây dựng “đẹp về cảnh quan, mạnh về kinh tế, vững về quốc phòng - an ninh”, trở thành điểm sáng trong chiến lược phát triển kinh tế gắn với quốc phòng an ninh trên biển. Trong thời gian qua, ngoài huấn luyện SSCĐ theo phương châm “Cán bộ, chiến sĩ trên đảo giỏi một việc biết nhiều việc, sử dụng thành thạo các loại vũ khí trang bị”, tập trung xây dựng các tuyến phòng thủ vững mạnh, đảm bảo thắng lợi khi có tình huống xảy ra, chúng tôi còn quan tâm xây dựng, phát triển nghề cá, tạo điều kiện cho ngư dân đánh bắt hải sản. Đảm bảo cho bà con trên đảo có đời sống vật chất, tinh thần ngày càng tốt lên, ổn định cuộc sống”.
Cuộc sống của quân và dân trên đảo Song Tử Tây đem đến cho chúng tôi nhiều thú vị, ấn tượng và muốn khám phá. Một tán bàng quả vuông râm mát, một rặng cây tra xao xác gió lùa, một đoạn đường băng khá dài bên lề sân vận động, núp bóng dưới tán cây xanh trù phú, rồi rất nhiều “chú cẩu” nhao nhao chào đón khách quý...
Không bỏ qua cơ hội, cả đoàn khách vừa lên đảo đã đến chào, tham quan cột mốc chủ quyền, bởi ai cũng muốn có được hình ảnh của mình trên hòn đảo và đặc biệt là ở bên cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc giữa trùng khơi.
Cũng như các anh em trong đơn vị, sau thời gian huấn luyện SSCĐ, chiều nào Thiếu tá Nguyễn Đức Thịnh, Phó cụm trưởng cụm chiến đấu 2 cũng quần áo lót, cuốc đất trồng rau. Phút giải lao “đặc biệt” để tiếp các phóng viên, anh kể cho chúng tôi nghe khá nhiều chuyện thú vị chỉ có ở Trường Sa. Mỗi câu chuyện là một ký ức, một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời binh nghiệp gắn liền với Trường Sa, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Giống như các quân và dân trên xã đảo, anh Thịnh rất nhớ nhà, nhớ đất liền, bóng dáng người thân, nhất là vợ và hai con nhỏ. Đặc biệt là khi hoàng hôn buông xuống trên thềm biển cả, hay một chiều mưa, đêm trăng rằm tháng Tám… một mình đứng trước muôn trùng sóng vỗ, nhớ cồn cào tiếng con trẻ khóc và tiếng mẹ nói, tiếng vợ ru con à ơi. Những lúc đó anh chỉ biết “a lô” hỏi thăm sức khỏe gia đình và động viên vợ con: “Anh khỏe lắm, cố gắng nuôi con khỏe, dạy con ngoan, chăm lo sức khỏe ông bà cho tốt, ngày mai về anh sẽ bù đắp tất cả cho em…". Cũng theo anh Thịnh, chỉ phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ, ngày đêm vững chắc tay súng bảo vệ và giữ vững biển đảo, chủ quyền của Tổ quốc, mới trả hết nghĩa tình cho đồng đội và bà con, gia đình ở đất liền…
 |
Những mầm non trên đảo Song Tử Tây. |
Trung sĩ Nguyễn Đại Hải, chàng trai của làng quê Cam Lâm, Khánh Hòa ra đảo từ tháng 9 năm 2010 thì bộc bạch: "Ngày đầu tiên có mặt ở đảo, được ăn đồ hộp, em khoái lắm". Nói chuyện với mấy anh chỉ huy, Hải tuyên bố một câu: “Thịt hộp ngon thế này thì em ăn cả đời cũng được”. Biết anh lính trẻ, chưa biết cái ngon, cái ngọt, cái quý hiếm ở đây, anh em đơn vị nhìn Hải rồi cười. Sang tuần thứ hai, rồi thứ ba, bữa cơm dọn ra thấy có mùi thịt hộp là Hải thấy sợ. Thế là chiều chiều Hải hăng hái cùng anh em trong đơn vị trồng rau, trồng bí, bây giờ vườn rau của họ xanh tốt, không chỉ đủ rau ăn hằng ngày mà còn cung cấp thêm cho ngư dân ghé thăm đảo.
Sau khi vào chùa cùng Thượng tọa Thích Tâm Hiện thắp hương, tưởng nhớ, tri ân và cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ, chúng tôi đến thăm các gia đình trên xã đảo. Nhà của gia đình anh Ngô Cần và chị Nguyễn Thị Chí nằm ở ngay đầu dãy khu gia đình. Phía trên hè nhà, anh chị kéo một tấm lưới giăng, chia làm hai, một bên trồng rau xanh, còn một nửa nuôi gà. Mấy đứa trẻ hò reo và đuổi nhau ngoài hiên nắng… Một làng quê Việt rất thanh bình. Tiếp chúng tôi trong căn nhà thoáng rộng, đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt, không giấu được niềm vui, chị Chí hồ hởi nói như khoe: “Em vừa được bầu làm Chi hội trưởng phụ nữ. Mừng vì từ nay ngoài nấu cơm phục vụ cán bộ, chiến sĩ, em còn tham gia công tác xã hội của chính quyền địa phương. Các chị em ở đây rất đoàn kết, thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Tuy sống xa quê hương nhưng bọn em không cảm thấy cô đơn bởi tình người trên đảo này rất thắm thiết. Bộ đội với nhân dân sống rất hòa đồng, có miếng gì ngon, gì lạ cũng san sẻ cho nhau. Bọn trẻ ở đây thì quấn quýt các chú bộ đội hơn cả bố mẹ nữa đó...".
Chị Chí kể tiếp: "Lúc đầu ra đảo, em không nghĩ Trường Sa lại phát triển nhanh và hiện đại đến thế. Từ ngày có điện bằng năng lượng mặt trời, có những “cột sóng” cao chót vót nối đất liền với biển đảo, chúng em "a lô" về nhà thường xuyên và xem ti-vi thỏa thích. Tối đến thì cùng bọn nhỏ đi trên những con đường mới ngắm ánh điện lung linh...”.
Cùng tâm trạng với chị Chí, chị Nguyễn Thị Hạnh ở đảo Trường Sa Lớn tâm sự: “Cũng như nhiều chị em khác, lúc mình mới ra đảo cũng có tâm trạng lo lắng, nhưng khi đến rồi vợ chồng mình thấy rất yên tâm và muốn gắn bó mãi mãi với Trường Sa, bởi đảo bây giờ với mình đã như làng quê chôn nhau cắt rốn với nhiều kỷ niệm".
Ở đây, mỗi gia đình một mái nhà nhưng sống bên nhau gần gũi, thân tình. Hằng ngày, chị em trên đảo vào nấu cơm, dọn vệ sinh giúp cán bộ, chiến sĩ trên các đảo có cơm ngon, canh ngọt; tối về cùng chồng đan lưới, móc câu chuẩn bị cho những ngày ra khơi đánh bắt hải sản, hay dạy thêm cho các cháu con số, cái chữ để ngày mai lên lớp… Với các chị, có thêm một bữa cơm ngon, tô canh ngọt, bộ đội ăn nhiều hơn, khỏe hơn là niềm hạnh phúc, bởi vậy các chị rất tự giác trong công việc. Nhiều chị còn tranh thủ học thêm kiến thức nấu ăn, liên tục cải thiện các món ăn nên bộ đội lúc nào cũng cảm thấy lạ, ngon và hấp dẫn.
 |
Vững chắc tay súng bảo vệ vững chắc biển đảo của Tổ quốc. |
Lúc bịn rịn chia tay những người giữ đảo chuẩn bị ra tàu về với đất liền, tôi nhớ mãi lời của chị Trương Thị Liền, người mẹ của vùng đất Khánh Hòa đã sinh ra một công dân đầu tiên trên đảo: “Cuộc sống ổn định, làng quê biển đảo thanh bình và tình cảm quân dân bền chặt, các con được học hành chu đáo, chồng lại có thêm nghề đánh bắt hải sản… bây giờ không có hộ nào muốn rời xa biển đảo…”. Còn Thiếu úy QNCN Trần Nguyên Hồng nói: “Có các chị, anh em trên đảo vui hơn, ngoài “cơm ngon, canh ngọt”, nụ cười các chị luôn động viên bộ đội trong huấn luyện, học tập, công tác. Từ lâu, các chị đã trở thành những “cô Tấm” trên các đảo nhỏ thân yêu”.
Lần đầu tiên đến với Trường Sa, lần đầu tiên được tiếp xúc với những người con trung kiên của biển đảo, trong tôi trào dâng cảm xúc tin yêu, mến phục. Họ đã thắp sáng trong tôi một niềm tin mãnh liệt vào tình đất, tình người nơi đầu sóng ngọn gió giữa trùng khơi máu thịt của Tổ quốc.
---------
(còn nữa)
Bài và ảnh: Lê Quang Hồi