Bài 1: Ra Nghị quyết trong “bão” Covid-19
Khi tỉnh Bắc Giang bắt đầu xuất hiện làn sóng bùng phát mới của dịch Covid-19 (từ đầu tháng 5-2021), các tổ chức đảng, mỗi đảng viên đứng trước một cuộc thử lửa mới.
Chống dịch như chống giặc
Ngày 7-5 là thời điểm tỉnh Bắc Giang phát hiện ca bệnh đầu tiên lây nhiễm trong cộng đồng và khu công nghiệp, chỉ 3 ngày sau, ngày 10-5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang đã ra Chỉ thị về khẩn trương đẩy mạnh các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch. Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Giang Lê Thị Thu Hồng nhớ lại những ngày đầu trước thử thách sống còn ấy.
 |
Đồng chí Lê Thị Thu Hồng, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Giang trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về công tác phòng, chống dịch. Ảnh: TUẤN HUY
|
“Đúng là rất khó khăn và áp lực. Lúc đầu, khi dịch tấn công vào khu công nghiệp Vân Trung, chúng tôi chật vật “chạy theo dịch”, nhưng sau đó, nhờ sự sâu sát của những người đứng đầu, cấp ủy Đảng sớm đề ra chủ trương chủ động “đi trước chặn đầu”, không chạy theo sau dịch bệnh”, đồng chí Lê Thị Thu Hồng nhấn mạnh.
Có mặt tại Bắc Giang trong những ngày nóng nhất của dịch bệnh, tại những điểm nóng: Trung Đồng, Núi Hiểu (huyện Việt Yên) và một số địa phương tại huyện Lục Ngan, chúng tôi được theo chân các đoàn công tác của Thường trực, Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang. Các đồng chí Thường trực, Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang đã liên tục xuống cơ sở, kiểm tra thực tiễn tại các bệnh viện dã chiến truyền nhiễm, trung tâm cách ly, những nơi "nóng" nhất, những nơi nguy hiểm và có khả năng lây nhiễm cao nhất để xem xét thực tiễn. Thường trực, Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang còn tổ chức các cuộc họp xuyên đêm với các cấp, các ngành để ra các văn bản chỉ đạo kịp thời và sát với tình hình dịch bệnh ở địa phương, đặc biệt là các điểm nóng Việt Yên, Yên Dũng, Lục Ngạn… và các khu công nghiệp trên địa bản tỉnh.
 |
Thường trực Tỉnh ủy Bắc Giang tổ chức hội nghị thực hiện "mục tiêu kép" trong tháng 6-2021. Ảnh: Báo Bắc Giang. |
Thường trực Tỉnh ủy Bắc Giang duy trì giao ban hoạt động hằng ngày với UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch, giúp Bắc Giang có những biện pháp quyết liệt và hợp lý với tình hình thực tiễn để nhanh chóng kiểm soát và dập dịch.
 |
Cán bộ, đảng viên thôn Trung Đồng tham gia công tác vận chuyển, đảm bảo nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân, công dân trong khu vực phong tỏa. |
Nghị quyết từ "điểm nóng"
Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang là một trong những đơn vị có Nghị quyết chuyên đề về phòng, chống dịch ngay từ đầu tháng 5-2021. Nghị quyết đã có điểm nhấn rất đúng là xác định vai trò đi đầu, sẵn sàng xả thân vì dân của bộ đội và phải phát huy 4 tại chỗ. Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo cán bộ, đảng viên, chiến sĩ LLVT tỉnh xung kích, đi đầu trực tiếp tham gia quản lý tại các khu vực cách ly, bệnh viện dã chiến và hỗ trợ các địa phương phòng, chống dịch, tham gia chốt chặn và bảo đảm an ninh tại các điểm chốt, khu cách ly 24/24 giờ. Nhiều cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ tham gia bảo đảm tại các khu cách ly, hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng vẫn viết đơn tình nguyện tham gia “tuyến đầu” chống dịch.
Chúng tôi đã được chứng kiến những hành động thần tốc của các lực lượng trên tuyến đầu. Đó là những đêm theo chân cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS TP Bắc Giang triển khai các khu cách ly tập trung. Có những đêm, cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS TP Bắc Giang phối hợp với thanh niên tình nguyện, lực lượng chức năng địa phương khẩn trương chuyển đổi và thiết lập hàng chục điểm, khu cách ly mới để nhanh chóng đáp ứng tình huống cấp bách của dịch bệnh.
 |
Kiểm tra thân nhiệt công dân tại một trạm phòng, chống dịch tại Bắc Giang.
|
Trong những ngày này, phòng làm việc của cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Bắc Giang lúc nào cũng sáng đèn, những chuyến xe chở cán bộ đi kiểm tra, thực hiện nhiệm vụ tại các điểm nóng, như: Trung Đồng, Núi Hiểu, Vân Trung (Việt Yên, Bắc Giang)… chạy như con thoi suốt ngày đêm. Sự nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ đã được đền đáp xứng đáng khi các ổ dịch nhanh chóng được truy vết, khoanh vùng và từng bước khống chế. Công việc của các anh giống như liều “vaccine” đặc biệt diệt “giặc” Covid-19 ngay từ trong trứng nước.
Đại tá Vũ Đức Hiền, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang cho biết: “Đảng ủy Quân sự tỉnh ra Nghị quyết chuyên đề về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh các biện pháp cấp bách trong phòng, chống dịch; lựa chọn, phân công cán bộ đảng viên tham gia làm trưởng khung các khu cách ly, chỉ huy phụ trách các địa bàn, chốt trực”.
Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, huyện Yên Dũng là địa phương có nguy cơ cao lây lan rộng do trên địa bàn có khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng, rất gần với các khu công nghiệp lớn của tỉnh nơi bùng phát dịch Covid-19 là Vân Trung và Quang Châu. Bí thư Huyện ủy huyện Yên Dũng, Thạch Văn Chung cho biết, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, ngay trong giai đoạn đầu, Đảng bộ huyện đã ra Lời kêu gọi toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19, ban hành Chỉ thị về việc huy động toàn hệ thống chính trị và nhân dân. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Huyện ủy viên đã chủ động ở lại địa bàn được phân công để cùng cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo xử lý kịp thời mọi mặt công tác PCD, nhất là khi có trường hợp F0.
Các đảng bộ, chi bộ quân sự có những điều chỉnh, xây dựng nghị quyết phù hợp với điều kiện thực tế trên tuyến đầu dập dịch. Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử về vấn đề này, Trung tá Phạm Văn Sáu, Chính trị viên phó, Chủ nhiệm Chính trị, Bí thư chi bộ Ban chính trị, Ban CHQS huyện Yên Thế (Bắc Giang) cho biết, ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát, chi bộ bên cạnh việc quán triệt nghị quyết của Đảng bộ quân sự huyện, cũng ghi nhận ý kiến đảng viên để xây dựng nghị quyết.
Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua tại Bắc Giang, cán bộ quân sự địa phương nhận nhiệm vụ chủ trì, khung trưởng các điểm, khu cách ly trên địa bàn, chính vì thế công tác nắm tư tưởng cán bộ công tác dài ngày trong các khu cách ly có vai trò then chốt. Cùng với đó, dịch bệnh ảnh hưởng tới nhiều gia đình cán bộ, chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn, nên việc quan tâm, chia sẻ của chi bộ, đảng bộ cũng rất được quan tâm. Trong điều kiện, cán bộ, đảng viên làm việc phân tán tại các điểm, cách ly, công tác động viên tư tưởng, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ được thực hiện thường xuyên và nghiêm túc.
Việc thay đổi, việc xây dựng nội dung nghị quyết ở phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch tại địa phương của các chi bộ đảng cũng phát huy hiệu quả tại nhiều địa phương ở Bắc Giang. Thôn Trung Đồng, xã Vân Trung (Việt Yên, Bắc Giang), nơi được coi là một trong những "rốn dịch" với tỷ lệ F0 rất cao và thuộc diện bị phong tỏa trong đợt bùng phát dịch Covid-19, cùng với đó thôn cũng có số lượng công nhân làm việc trong các khu công nghiệp thuê trọ rất đông, lên tới hơn 10.000 người. Chính vì thế, bên cạnh công tác phòng, chống dịch, việc đảm bảo cung cấp thực phẩm, hàng hóa cho người dân, công nhân trong khu vực phong tỏa là việc là rất quan trọng.
Để giải quyết vấn đề này, Bí thư thôn Trung Đồng, đồng chí Hoàng Công Chương cho biết, ngay từ khi dịch bùng phát, bên cạnh việc thực hiện nghiêm hướng dẫn, chỉ thị của trên, chi bộ thôn đã nhanh chóng tổ chức sinh hoạt, quán triệt Nghị quyết và ghi nhận ý kiến của các các đảng viên cơ sở về tình hình thực tế trong khu vực phong tỏa. Những vấn đề còn vướng mắc và phương án giải quyết sau đó được thảo luận, bổ sung vào Nghị quyết của chi bộ và quán triệt tới từng đảng viên. Cụ thể, các đảng viên sẽ được bố trí phụ trách các tổ công tác: Covid cộng đồng, vận chuyển hàng hóa, phụ trách các điểm cấp phát nhu yếu phẩm…
 |
Một điểm cách ly cứng tại xã Vân Trung có lực lượng chức năng chốt giữ.
|
“Trong điều kiện cấp bách của dịch, chi bộ lại ít người, chúng tôi đã nhanh chóng tổ chức sinh hoạt để đưa ra các phương án phối hợp cùng lực lực lượng chức năng tham gia công tác phòng, chống dịch. Chính trong khó khăn, chúng tôi đã phát huy vai trò của đảng viên trẻ”, đồng chí Hoàng Công Chương cho biết.
Nhiều mô hình, cách làm hay đã được chi bộ thôn, xóm áp dụng và đạt hiệu quả thiết thực. Điển hình là tại phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang), dù dịch đã cơ bản được kiểm soát, nhưng các chốt kiểm soát dịch Covid-19 ở tổ dân phố Giáp Sau vẫn duy trì hoạt động nghiêm túc. Lúc nào cũng có 2-3 người ngồi trực tại chốt, có sổ ghi chép cụ thể với đầy đủ thông tin họ tên, địa chỉ, số điện thoại và lịch trình đi đâu, làm gì… Điều này sẽ giúp cho việc truy vết, khoanh vùng dập dịch hữu ích khi không may trên địa bàn có ca F0 hoặc có các trường hợp liên quan đến F0.
Phó bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố Giáp Sau (Dĩnh Kế, TP Bắc Giang), Phạm Ngọc Tuân cho biết, đặc thù của tổ dân phố có đông hộ sinh sống, nhiều đường ngang, ngõ tắt nên kiểm soát người ra vào rất khó khăn. Chi ủy chi bộ đã chỉ đạo tổ Covid cộng đồng lập chốt cứng ở giữa các ngõ nhằm mục đích người vào chốt nào thì ra ở chốt đó, dễ kiểm soát. Chi bộ có 37 đảng viên, thì ngoài các đảng viên cao tuổi, sức khỏe yếu, còn lại đều được Chi ủy chi bộ phân công phụ trách những phần việc cụ thể như: Tổ trưởng tổ Covid cộng đồng, chốt trưởng, nhóm trưởng nhóm Covid cộng đồng hay theo dõi, vận động những gia đình quần chúng ở ngõ phố nơi mình đang sinh sống cùng tham gia chống dịch.
Xây dựng nghị quyết qua mạng xã hội
Để nhanh chóng không chế dịch bệnh, việc ban hành nghị quyết gắn với thực tiễn phòng, chống dịch đóng vai trò rất quan trọng. Chính những ý kiến từ cơ sở, từ thực tiễn phòng, chống dịch tại địa phương đã giúp các đồng chí bí thư chi bộ, Đảng bộ sửa đổi và hoàn thiện Nghị quyết cho sát với tình hình thực tế.
 |
Các đơn vị quân đội luôn là lực lượng xung kích đi đầu trong trận tuyến dập dịch tại Bắc Giang.
|
Về vấn đề này, Thượng tá Đỗ Văn Tài, Phó bí thư Đảng ủy Quân sự huyện, Chính trị viên Ban CHQS huyện Việt Yên (Bắc Giang) cho biết, ý kiến từ các chi bộ và đảng viên tại cơ sở đóng vai trò quan trọng tại các phiên họp kiểm điểm để hoàn thiện và kiện toàn nghị quyết của đảng bộ. Cùng với đó, do điều kiện đặc biệt của dịch bệnh, đảng viên phân tán và không thể sinh hoạt tập trung do quy định giãn cách xã hội, việc xây dựng nội dung nghị quyết cũng được rút ngắn và thay đổi phù hợp với thông báo qua mạng xã hội Zalo để mỗi đảng viên có thể nhanh chóng nắm được nội dung nghị quyết và có phản hồi nhanh chóng theo quy định.
Đánh giá về cách làm mới, Thiếu tá QNCN Dương Văn Hùng, Trợ lý Quân khí, Phó bí thư Chi bộ Hậu cần-kỹ thuật, Ban CHQS huyện Việt Yên, Trưởng khung cách ly Trường mầm non Việt Lập cơ sở 1 nhấn mạnh: “Do điều kiện cán bộ quân sự tại địa phương nhận trách nhiệm chủ trì các khung cách ly, việc sinh hoạt đảng phân tán, không thể tập trung do điều kiện dịch bệnh, nên nội dung sinh hoạt và đóng góp ý kiến vào dự thảo nghị quyết đều được thực hiện qua mạng xã hội. Sự thay đổi nằm ở phương thức sinh hoạt đảng và nội dung quán triệt nghị quyết ngắn gọn, tập trung vào các vấn đề thực tế trong công tác phòng, chống dịch”.
Một mô hình khác cũng có sự thay đổi phù hợp với công tác PCD tại địa phương ở Bắc Giang là các tổ giám sát và tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 tại cộng đồng dân cư (gọi tắt là tổ Covid cộng đồng). Theo góp ý của người dân, chi bộ tổ dân phố Tiền Giang, phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang) đã có chủ trương chia tổ Covid cộng đồng thành 7 nhóm để dễ theo dõi, nắm bắt tình hình trên địa bàn. Tương tự, ở các huyện Việt Yên, Yên Dũng, nơi có nhiều khu nhà trọ cho công nhân thuê, cấp ủy Đảng có chủ trương thành lập những tổ Covid nhà trọ, tổ trưởng chính là chủ nhà trọ, thành viên là một số công nhân tiêu biểu, nhiệt tình đang trọ ở đây.
 |
Bác sĩ chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến Truyền nhiễm số 2, Bộ Quốc phòng tại Bắc Giang.
|
Các tổ Covid cộng đồng còn chủ động lập nhiều nhóm Zalo kết nối thông suốt giữa thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch từ cấp huyện đến xã, thôn, tổ dân phố và đại diện các gia đình ở địa phương.
(Còn nữa)
Bài, ảnh: TUẤN SƠN - PHÚ SƠN