Bài 1: Hành trình tìm về nguồn cội

Lễ hội truyền thống là sợi dây gắn liền quá khứ với hiện tại. Việc tổ chức lễ hội truyền thống là một trong những con đường ý nghĩa nhất để tìm hiểu, khám phá những “vỉa sâu” lóng lánh trong bản sắc văn hóa dân tộc. Mỗi lần về với lễ hội, chúng ta không chỉ được “tắm mình” trong tình thân ái đồng bào thân thương, mà còn được thấy diện mạo, hồn cốt của ông cha trong đó.

Hát chầu văn phục vụ du khách-một nét đẹp văn hóa truyền thống tại Lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ) năm 2010.

Những lời nhắn nhủ “thắm tình dân tộc”

Không giống bất cứ một hoạt động cộng đồng nào, lễ hội có một sức hút đặc biệt với người dân. Bởi vì, đi lễ hội, người dân không chỉ “biết đây, biết đó”, mà còn cảm thấy thoải mái về tinh thần và được đáp ứng những nỗi niềm sâu kín và khát vọng cao cả nhất của mình-đó là thỏa mãn nhu cầu tâm linh. Hòa vào lễ hội, nhìn thấy những gương mặt vui tươi, những nụ cười phấn khởi, những ánh mắt rạng ngời niềm mãn nguyện vì được cầu mong, khấn vái ở đền, đình, chùa, miếu-những nơi linh thiêng nhất trên trần gian, cũng đủ thấy dân ta yêu thích và say sưa đi lễ hội đến nhường nào. Những điều mong ước như “Có sức khỏe dồi dào”, “Ăn nên làm ra”, “Tai qua nạn khỏi”, “Gia đình êm ấm”, “Học hành giỏi giang”, “Mùa màng bội thu”, “Nhân khang vật thịnh”, “Quốc thái dân an”, “Nhà nhà no ấm, người người yên vui”, “Mưa thuận gió hòa”... vừa là một ý nguyện tốt đẹp, thành tâm, vừa là một biểu hiện hướng thiện từ sâu thẳm đáy lòng của mỗi người dân.

Trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, duy trì và tổ chức các lễ hội truyền thống là một trong những việc làm thiết thực nhất để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Mùa cao điểm lễ hội 2010 đã qua nhưng những dư âm vui - buồn, hay - dở trong mùa lễ hội này vẫn khiến dư luận băn khoăn, trăn trở. Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh xoay quanh vấn đề không mới nhưng rất thời sự: Tổ chức lễ hội tràn lan và những hệ lụy của nó.

Để nhận diện thêm toàn cảnh bức tranh lễ hội của nước ta trong mấy năm gần đây và nêu lên những kiến giải, đề xuất góp phần làm lành mạnh hóa môi trường văn hóa của lễ hội, Báo Quân đội nhân dân xin giới thiệu loạt bài: “Trả lại môi trường văn hóa cho lễ hội”.

Có lẽ vì thế, trong kho tàng ca dao của dân tộc ta, có khá nhiều câu nói về lễ hội như một lời nhắn nhủ, nhắc nhở mỗi con Hồng cháu Lạc chớ “đánh mất mình” mỗi khi có lễ hội truyền thống của quê hương, dân tộc. Ví như: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba” (Lễ hội Đền Hùng-Phú Thọ); “Dù ai buôn bán trăm nghề/ Tháng tư ngày tám thì về hội Dâu” (Lễ hội chùa Dâu-Bắc Ninh); “Ai ơi mồng chín tháng tư/ Không đi hội Gióng cũng hư mất người” (Hội Gióng Phù Đổng-Hà Nội); “Dù ai đi đâu, về đâu/ Mồng chín tháng tám chọi trâu thì về” (Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn-Hải Phòng)... GS.TS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho biết:

- Trong các cách để tìm lại “bản ngã”, “bản thể” của mỗi dân tộc, tìm về với lễ hội truyền thống là cách dễ nhận biết “mình là ai” trong quá trình toàn cầu hóa.

Vẻ đẹp hướng thiện tồn tại cùng thời gian

Suốt chiều dài lịch sử mấy ngàn năm, người dân Việt Nam luôn gắn bó với “cây đa, bến nước, sân đình” và làm bạn với “gốc lúa, bờ tre”. Bởi thế, những ngày đầu xuân nhàn rỗi, thật không có gì ý nghĩa hơn là đi chùa chiền cầu phúc và hòa mình vào những nghi lễ, phong tục, tập quán và trò chơi dân gian của cộng đồng. PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam từng nói: “Được tắm mình trong không gian văn hóa của lễ hội truyền thống, mỗi người dân Việt Nam như cảm thấy tình quê hương càng thêm nồng nàn, nghĩa đồng bào càng thêm thắm thiết”.

Tôi đã dự nhiều lễ hội, có lễ hội đông tới hàng chục nghìn người mà vẫn bảo đảm trật tự như ở Lễ hội Đền Hùng mồng 10 tháng 3 năm Canh Dần. Điều này cũng dễ lý giải bởi trong tiềm thức, tâm khảm của mỗi con Lạc cháu Hồng, trở về Đền Hùng là được trở về với tổ tiên, trở về mảnh đất cội nguồn thân thương của dân tộc.

Những ngày cuối tháng 5 vừa qua, tôi thực sự ngạc nhiên và hết sức xúc động bởi khoảng 2 vạn người dân bất chấp cái nắng như đổ lửa giữa trưa để nối chân nhau dài hàng cây số đến xem lễ hội trận Gióng Phù Đổng-một lễ hội đặc sắc, thể hiện tinh thần thượng võ, truyền thống đánh giặc giữ nước kiên cường của tổ tiên ta.

Đi dự lễ hội chùa Dâu (Bắc Ninh), tôi gặp một đôi bạn trẻ đứng bên nhau cùng vái Phật với khuôn mặt rất thành kính. Đó là Nguyễn Tuấn Anh, 24 tuổi và Nguyễn Thu Hà, 22 tuổi, ở thị trấn Cầu Diễn, huyện Từ Liêm (Hà Nội). Khi tôi hỏi: “Ở thành phố, khá nhiều bạn trẻ thường đến các cửa hàng thời trang, quán internet, quán bar, vũ trường để giải trí, sao các bạn lại đến chùa chiền vốn là nơi dành cho các bậc cao niên?”, thì nhận được câu trả lời của Tuấn: “Ngoài mục đích cầu nguyện cho mối lương duyên của chúng em mãi mãi tốt lành, trăm năm hạnh phúc, tìm về cửa Phật, chúng em còn muốn tâm hồn thanh thản và tâm trạng thoải mái sau những ngày học tập, công tác căng thẳng ở phố xá”.

Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn, huyện Duy Tiên (Hà Nam) tổ chức vào đầu năm Canh Dần-một lễ hội khơi dậy mỹ tục truyền thống khuyến nông của dân tộc mới được khôi phục đã để lại ấn tượng tốt trong lòng nhân dân.

GS.TS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, mục đích của người dân đi lễ hội, đền chùa vào dịp đầu năm là để thưởng ngoạn, chiêm ngưỡng, bái vọng và cầu nguyện những điều tốt lành, may mắn. Đây là một nét đẹp văn hóa thể hiện sự hướng thiện không chỉ riêng của người Việt Nam, mà còn thấy ở khá nhiều dân tộc khác của châu Á.

Không chỉ có vậy, một số lễ hội vừa bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo, vừa góp phần bảo vệ môi trường sống của con người. Đó là lễ hội Nào Sồng ở huyện Mộc Châu (Sơn La) và lễ cúng cây thiêng ở huyện Bảo Thắng (Lào Cai) của cộng đồng dân tộc Mông với nội dung cam kết không chặt phá, đốt rừng, bảo vệ cây rừng và giữ gìn nguồn nước suối trong lành. Một số địa phương còn tổ chức lễ hội cách mạng như: Lễ hội Làng Sen (Nghệ An), Lễ hội thống nhất non sông, Lễ hội thả hoa trên sông Thạch Hãn (Quảng Trị)... góp phần tôn vinh những giá trị lịch sử, những danh nhân văn hóa, anh hùng, liệt sĩ, qua đó giáo dục các thế hệ con cháu giữ vững đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”-một nét đẹp nhân văn của dân tộc ta.

Thông qua các lễ hội (nhất là lễ hội dân gian) đã huy động được nguồn kinh phí lớn từ nhân dân (có lễ hội thu được hàng tỷ đồng) để có nguồn vốn trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, bảo tồn các phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Về phương diện chính trị, lễ hội tạo ra một diện mạo và thể hiện môi trường ổn định, hòa bình của đất nước. Vì xã hội có yên lành, người ta mới vui vẻ đi hội hè. “Lễ hội còn góp phần rất quan trọng trong việc quảng bá văn hóa, con người, hình ảnh đất nước ta ra thế giới. Việc đất nước tưng bừng lễ hội là điều đáng mừng. Không nên than phiền về những lễ hội mà tổ tiên, ông bà ta đã xây dựng nên và truyền lại cho con cháu ngày hôm nay. Nhưng chúng ta cũng phải lên án, phê phán mạnh mẽ những nơi coi việc tổ chức lễ hội như là một công cụ làm ăn, trục lợi, vì làm thế chả khác nào nhạo báng vào tổ tiên ta”-TS. Lê Thị Minh Lý, Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) khẳng định như vậy.

Bài và ảnh: Thiện Văn

Bài 2: Những “vết cắt” làm đau bản sắc văn hóa dân tộc