Bác Hồ căn dặn các chiến sĩ đại đoàn 308 tại Đền Hùng.
Trở lại thăm chiến trường xưa, đoàn “hành hương” của chúng tôi gồm 15 người đã ở tuổi đời từ trên 70 đến gần 90, mà hầu hết là nhân chứng của những chiến công lịch sử bên dòng sông Thao ngày ấy. Quá khứ đã xa lắm rồi nhưng khi chúng tôi lên đường vẫn cảm thấy như sống lại những ngày “say chiến công mừng thọ kính dâng Người”.

Trong ký ức của các cựu chiến binh Trung đoàn Thủ Đô, chiến dịch sông Thao mùa hè năm 1949 in đậm những chiến công tiêu diệt các đồn quân Pháp ở Đại Bục, Đại Phác, Gióm… kính dâng lên mừng thọ Bác Hồ 59 tuổi. Gần 60 năm đã trôi qua, nay trở lại thăm chiến trường xưa, đoàn cựu chiến binh đơn vị mang truyền thống “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” rất vui mừng trước sự thay đổi đẹp như mơ của cái nơi đã từng là chiến địa ác liệt năm 1949 giờ đây thuộc địa bàn huyện Văn Yên tỉnh Yên Bái: Đồi chè, rừng quế, nương ngô/ Nhà cao điện sáng điểm tô bản làng/ Mái trường trống điểm ngân vang/ Gió reo, sóng vỗ lúa vàng trĩu bông… Và lớp người Văn Yên ngày nay luôn “uống nước nhớ nguồn”, trân trọng quá khứ hào hùng của cha ông, đang nỗ lực kế tục xứng đáng sự nghiệp dựng nước và giữ nước trong thời đại mới.

Chặng đường dài hơn 200 ki-lô-mét, xe lăn bánh vo vo trên thảm nhựa nhẵn bóng, phẳng lì, đi qua Láng-Hòa Lạc, Trung Hà ngược lên Tây Bắc. Thật khác hẳn khi xưa là những đêm hành quân đi chiến dịch “… Ánh lân tinh yếu ớt/ Soi rừng rậm âm u/ Đoàn quân chuyển lần mò từng bước/ Qua suối lạnh lên đồi gianh dựng ngược/ Xuống ruộng hoang cỏ sắc ngập lưng người”. Xe đi qua nhiều địa danh từng ghi dấu tích một thời. Đoạn qua Sơn Tây lên Trung Hà gợi cho chúng tôi bồi hồi nhớ lại sự kiện các cán bộ Đại đoàn 308 được gặp Bác Hồ tại đền Hùng trước khi vào tiếp quản Thủ đô hơn 50 năm trước. Tại đền Giếng hôm đó Bác giới thiệu rằng “Đây chính là đền thờ các vua Hùng, tổ tiên của chúng ta, người sáng lập nước ta”. Bác điểm qua tình hình nhiệm vụ cách mạng và dặn dò bộ đội vào tiếp quản Thủ đô phải giữ nghiêm kỷ luật, thể hiện phẩm chất cao đẹp của quân đội cách mạng; nhiệm vụ giải phóng dân tộc còn rất nặng nề, không vì có hòa bình mà lơi lỏng tay súng. Bác nói một cách rất cảm khái: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời nói tâm huyết ấy của Bác, vị anh hùng giải phóng dân tộc ở thế kỷ 20, đã chỉ rõ một quy luật phát triển muôn đời của đất nước Việt Nam “dựng nước phải đi đôi với giữ nước”, còn âm vang mãi trong các thế hệ người Việt Nam chúng ta.

Xe bon bon trên đường nhựa đưa chúng tôi lên vùng thượng du ven sông Thao. Những đồi cọ, vườn chè của đất Phú Thọ lùi dần về phía sau, xe chúng tôi tiến lên vùng núi trập trùng. Tây Bắc mà khi xưa có những đoàn Tây Tiến “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm”. Qua Yên Bái đến Mậu A-huyện lỵ huyện Văn Yên là địa bàn “chiến trường xưa” của đơn vị chúng tôi. Mậu A được đô thị hóa chưa lâu, nhưng đã hình thành những dãy phố với những ngôi nhà xây ba, bốn tầng còn tươi màu sơn vàng óng, những trụ sở của cơ quan huyện ủy, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân… tọa lạc trên sườn đồi có nhiều cây xanh bao bọc, bên cạnh đó là cái hồ rộng rãi lấp loáng mặt nước êm đềm với đường dạo quanh bờ lát gạch men và hàng lan can sắt sơn xanh ngăn cách với đường giao thông. Sự đổi thay ngoạn mục của cảnh quan càng làm cho chúng tôi da diết nhớ đến cảnh cũ, người xưa thời chiến dịch sông Thao hè năm 1949; những cánh rừng hoang sơ, những ngôi nhà tranh tre nứa lá, những ngòi A, ngòi Thia, những đồn giặc ở Đại Bục, Đại Phác, Gióm… và gương mặt các cố nhân là những cán bộ, dân quân du kích địa phương tham gia chiến dịch, những đồng chí, đồng đội thân thương đã bỏ mình trong lửa đạn, còn in sâu trong tâm trí chúng tôi bao năm qua. Vào khoảng 16 giờ, lúc nắng chiều đã xế phía tây, chúng tôi tới trụ sở cơ quan huyện ủy Văn Yên. Chưa kịp xuống xe đã thấy đồng chí Nguyễn Ngọc Hân-tỉnh ủy viên, bí thư huyện ủy-cùng các đồng chí lãnh đạo khác của huyện ra đón tiếp, tay bắt mặt mừng ngay ở tiền sảnh. Trong không khí đậm đà tình nghĩa thân thiết ấy, một CCB trong đoàn chúng tôi chợt lẩy một tứ thơ đầy cảm xúc: Hơn nửa thế kỷ lại gặp nhau đây/ rượu nồng chưa uống đã ngây ngất tình/ Say người, say bóng, say hình/ say hương rừng quế, sau tình Văn Yên.

*

* *

Ngày 18-5, thời tiết nắng nóng, có lúc oi nồng nhưng đoàn CCB chúng tôi vẫn tích cực triển khai một số công việc đã trao đổi trước với lãnh đạo huyện Văn Yên và đã có sự chuẩn bị sẵn. Việc đi thăm chiến trường xưa của chúng tôi không phải là cuộc pic-nic hay du lịch sinh thái mà là việc làm tâm huyết ôn lại quá khứ của chính mình, quá khứ đầy gian khổ hy sinh và rất oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng thời cũng là để góp phần thắp sáng ngọn lửa truyền thống anh hùng của dân tộc, chuyển giao cho các thế hệ hiện nay và mai sau. Bởi vậy chuyến đi lần này chúng tôi có nhiệm vụ giúp huyện Văn Yên xây dựng một phòng trưng bày và giáo dục truyền thống cách mạng và kháng chiến ở địa phương. Nội dung đóng góp đầu tiên của chúng tôi vào phòng truyền thống là phản ánh các chiến thắng chiến dịch Sông Thao mùa hè năm 1949, trong đó trung đoàn Thủ Đô (lúc ấy cô đúc thành tiểu đoàn 54) phối hợp với tiểu đoàn 79 và tiểu đoàn 11 (mang danh hiệu tiểu đoàn Phủ Thông) đã tấn công tiêu diệt các đồn Đại Bục, Đại Phác, Gióm, phố Giàng… Lập công dâng lên mừng thọ Bác Hồ 59 tuổi. Chúng tôi trao cho huyện 2 bộ hiện vật: Một là, bản chiến lệ chiến dịch Sông Thao và bản tường trình trận đánh đồn Đại Bục; hai là, bộ ảnh gồm 17 bức cỡ 40-60cm và 50-70cm lồng khung kính, được chụp tại trận, tại nơi chiến đấu ác liệt diễn ra ở Đại Bục, Gióm. Hai bộ hiện vật đó đã được sưu tầm, phục chế rất công phu bảo đảm tính xác thực của những sự kiện lịch sử. Để có bản chiến lệ chiến dịch Sông Thao và bản tường trình trận Đại Bục, đồng chí đại tá Nguyễn Trọng Hàm, trưởng ban liên lạc truyền thống quyết tử Liên khu I, Hà Nội-tiểu đoàn 54 trung đoàn Thủ Đô đã tìm cách liên lạc và tranh thủ được sự ủng hộ của Thượng tướng Phùng Quang Thanh lúc đó đang là Tổng tham mưu trưởng. Được sự giúp đỡ của Bộ Tổng tham mưu và Viện Lịch sử quân sự, bộ ảnh do đồng chí Nguyễn Tiến Lợi, chiến sĩ trung đoàn Thủ Đô đồng thời là nghệ sĩ nhiếp ảnh chụp trong lửa đạn, được đồng chí Đặng Tích, nguyên chiến sĩ quyết tử Liên khu I Hà Nội sưu tập, tu sửa, in phóng bằng kỹ thuật hiện đại nên rất rõ nét, rất chân thực, sống động.

Tiếp nhận 2 bộ hiện vật lịch sử, các đồng chí Nguyễn Ngọc Hân-bí thư huyện ủy, Phương Trọng Liễu-phó bí thư thường trực, chủ tịch HĐND huyện, Trần Thế Hùng-chủ tịch UBND huyện và lãnh đạo các ban ngành đều xuýt xoa nói “đây là những kỷ vật vô giá đối với huyện Văn Yên”. Thực tế cho thấy các cán bộ huyện Văn Yên hiện nay đều được sinh ra từ sau cuộc kháng chiến chống Pháp hoặc sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước đã thắng lợi, đất nước đã thanh bình, đa số không phải trải qua những thử thách của cách mạng và chiến tranh. Bởi thế, các đồng chí lãnh đạo huyện Văn Yên hết sức coi trọng những hiện vật lịch sử mà chúng tôi góp vào Phòng giáo dục truyền thống, đặc biệt đó là những kỷ vật nói lên chiến thắng Sông Thao năm 1949 trên địa bàn huyện nhà và do chính các nhân chứng còn sống là các cựu chiến binh trung đoàn Thủ Đô trao tặng. Các kỷ vật đó sẽ là những giáo cụ trực quan để những lớp người kế tiếp có thể cảm nhận được một cách cụ thể, chân thực và sâu sắc di sản truyền thống quí báu mà lớp người đi trước đã tạo dựng.

Các đồng chí lãnh đạo huyện còn cho chúng tôi biết rằng cùng với việc xây dựng phòng giáo dục truyền thống, huyện có chủ trương phục dựng, tôn tạo các di tích cách mạng và kháng chiến bao gồm cả ý tưởng phục dựng 3 đồn giặc Pháp ở Đại Bục, Đại Phác, Gióm, đã bị ta tiêu diệt trên địa bàn của huyện. Rồi ngay chiều hôm đó, chúng tôi được mời tham gia cuộc hội thảo do huyện tổ chức về chủ trương này. Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Trịnh Huỳnh Yên-thường vụ huyện ủy, phó chủ tịch UBND huyện, nói: “Các di tích cách mạng và kháng chiến ở huyện Văn Yên đã và đang bị thời gian xóa đi, nhiều sự kiện lịch sử hầu như chỉ còn tồn tại trong ký Sức mọi người. Vậy nên, chúng tôi nghĩ rằng việc phục dựng các di tích ấy là việc làm rất cần thiết nhằm giữ gìn, phát huy truyền thống quí báu của cha ông để lại. Cuộc hội thảo hôm nay có sự hiện diện của các nhân chứng lịch sử là các CCB trung đoàn Thủ Đô cùng các bức ảnh đã cho chúng ta thấy rõ tính xác thực của các di tích chiến thắng Sông Thao mùa hè năm 1949 trên địa bàn huyện ta, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để sau này chúng ta phục dựng, tôn tạo các di tích”.

Đồng chí Lâm Tấn Sinh, Phó chỉ huy trưởng BCH quân sự huyện, cũng nêu rõ: “Ý tưởng phục dựng các di tích chiến thắng Sông Thao là nguyện vọng, là ước mong của cán bộ và nhân dân huyện Văn Yên”.

(Còn nữa)

Hà Nội, mùa hè năm 2006

Đại tá DUY ĐỨC