QĐND Online - Mọi sinh hoạt hàng ngày của họ đều được thực hiện như những người lính đóng quân trên đảo Trường Sa Lớn, mặc dù công việc chuyên môn chính của họ là đo mưa, đo gió, nhiệt độ, khí áp, độ ẩm… trên khu vực quần đảo Trường Sa. Các anh là những quan trắc viên của Trạm khí tượng hải văn Trường Sa (thuộc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung bộ) mà tôi được gặp trong chuyến công tác tại Trường Sa vào trung tuần tháng 5 vừa qua.

Trần Văn Linh đang ghi số liệu thời tiết trong “vườn khí tượng”

Trạm khí tượng hải văn Trường Sa là một ngôi nhà nhỏ được xây dựng từ năm 1977 và nằm khiêm tốn phía bắc của đảo Trường Sa Lớn. Trong số 7 quan trắc viên của trạm thì người người trẻ nhất là Trần Văn Linh mới 21 tuổi và người “già” nhất cũng chỉ 33 tuổi. Tôi gặp Linh khi đi dạo quanh đảo và đúng lúc anh đang ghi ghi, chép chép trong “vườn khí tượng” của trạm. Trông Linh cao, da ngăm đen và có lẽ già hơn so với cái tuổi 21 của anh. Sinh năm 1987 tại Thiệu Hóa, Thanh Hóa, tháng 7-2007, tốt nghiệp Trường cán bộ khí tượng thủy văn TP. Hồ Chí Minh (nay là Trường Cao đẳng Tài nguyên và môi trường), Linh đã viết đơn tình nguyện ra đảo. Đến tháng 1-2008, theo đúng nguyện vọng Linh đã trở thành một quan trắc viên của Trạm khí tượng hải văn Trường Sa trên đảo Trường Sa Lớn. Tâm sự với tôi, Linh cho biết: “Ai chẳng cần một cái nghề, bọn mình còn trẻ, tình nguyện ra đảo làm việc thế này vừa là thử thách bản thân, vừa tích lũy kiến thức, kinh nghiệm. Trạm khí tượng hải văn Trường Sa này là một trong 26 trạm phát bão quốc tế, cách đất liền xa nhất và được xem là “con mắt” báo bão sớm nhất trong hệ thống khí tượng thuỷ văn của nước mình đấy”. Mặc dù miệng nói, nhưng mắt Linh vẫn luôn quan sát và tay vẫn ghi chép số liệu thời tiết trên cột hàn thử biểu. Linh bảo, 8 lần mỗi ngày, từ 1 giờ sáng, cứ cách nhau 3 tiếng đồng hồ các anh lại phải đi đo thời tiết như vậy. Không những thế, các anh còn phải ra cầu cảng đo về hải văn: đó là đo dao động sóng, đo độ mặn và nhiệt độ của nước biển... yêu cầu bảo đảm chính xác, đúng bản chất hiện tượng. Nhiều hôm biển động, trời mưa, ra đến cầu cảng, vừa đo vừa ghi chép, sóng biển thì đánh trùm lên cả người. "Việc báo phát số liệu đã cố định từng giờ, không thể không lấy số liệu để phát, cũng không thể lấy sớm hay báo muộn được. Tám lần mỗi ngày đều vào giờ đó là phải làm, bất kể trời mưa, nắng, gió, bão" - Linh nói. Có lẽ với các anh, sóng, gió, nắng chính là những người bạn thân thiết nhất, không khác gì vợ, người thân nơi đất liền.

Do đó, mỗi quan trắc viên của trạm phải nắm vững lý thuyết quan trắc, tuân thủ tuyệt đối quy trình Quy phạm chuyên môn, thảo mã điện nhanh, chính xác và phát báo đúng giờ. Các thông số sau khi tổng hợp, được các anh mã hóa rồi phát tin báo về đất liền. Chính nhờ những công việc âm thầm có vẻ đơn giản và buồn tẻ đó của các anh nhưng lại mang về những số liệu, những dự báo hết sức quan trọng cho đất liền và ngành khí tượng toàn cầu. Ngoài đảo, do thời tiết khác đất liền, hàng năm thường có 3 tháng sương muối nên việc bảo quản máy móc, thiết bị của trạm cũng luôn được anh em chú trọng, quan tâm, thực hiện theo đúng quy trình. Mặc dù luôn có máy dự phòng nhưng mỗi khi có máy hỏng là anh em lại phải tự sửa chữa, khắc phục, thay thế để đảm bảo công việc được liên tục, không đứt đoạn.

Trạm trưởng Trần Văn Long: “Đây là cái nghiệp đã trót yêu”

Công việc vất vả là vậy nhưng 7 anh em vẫn phải ở cùng nhau trong căn nhà xây cách đây hơn 30 năm. Hôm tôi đến, trạm đang được tiến hành sửa chữa. Gặp trạm trưởng Trần Văn Long, anh nói với tôi: “Anh thông cảm, mọi thứ vẫn còn bề bộn quá. Nguyên vật liệu để sửa sang lại nơi ở và làm việc cho anh em trong trạm đã tập kết đầy đủ, một số công việc cũng đã được tiến hành. Theo kế hoạch, tháng 7 này, anh em chúng tôi sẽ có nhà mới khang trang hơn”. Trò chuyện với Long, khi hỏi về quê anh, cả tôi và Long đều cảm thấy vui mừng hơn, bởi lẽ, tại hòn đảo giữa trùng khơi này, chúng tôi được gặp đồng hương (Lập Thạch, Vĩnh Phúc). Cũng có thể do gặp đồng hương nên tôi và Long nói chuyện thấy gần nhau hơn. Với Long, dường như “đây là cái nghiệp đã trót yêu”, bởi lẽ khi anh nhận nhiệm vụ ra đảo công tác (7-2006) thì lúc đó vợ mang thai đứa con đầu lòng gần bốn tháng. Giờ con trai gần tuổi rưỡi mà anh vẫn chưa một lần được bồng bế nó trên tay. Được cái là vợ Long làm cùng ngành ở Trạm khí tượng thủy văn Tuy Hòa (Phú Yên) nên phần nào cũng hiểu và thông cảm với anh. "Ở đây nhiều lúc cũng nhớ nhớ vợ con và nhớ gia đình lắm chứ. Mình là trạm trưởng nên càng phải cố gắng vì nếu thể hiện sự lo lắng thì sợ anh em thêm buồn. Đã chọn cái nghề này là phải chấp nhận…", Long tâm sự.

Là dân sự 100%, nhưng trong sinh hoạt, các quan trắc viên cũng luôn duy trì như cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Ở đảo, các anh phải trồng rau xanh, nuôi gà, lợn để cải thiện. Cái khó khăn lớn nhất của các anh có lẽ là hạn chế về nước do không có giếng như ở một số đơn vị bộ đội trên đảo. Nguồn nước ăn chủ yếu vẫn là từ nước mưa các anh hứng và tích trữ được. Mỗi khi tắm giặt thì các anh vẫn phải đi tắm nhờ. Cũng như bộ đội trên đảo, vườn tăng gia của các anh trồng đủ loại rau: bí xanh, bí đỏ, cải, mồng tơi, dền, muống (chủ yếu là loại rau lấy lá). Những ngày trời nắng đẹp, các quan trắc viên cũng đi thả lưới, kiếm thêm chút cá để cải thiện cho bữa ăn…

Cuộc sống của quan trắc viên trên đảo là như vậy. Hàng ngày, trên các phương tiện thông tin đại chúng, nếu khi nghe dự báo thời tiết, bạn thấy những cụm từ như: sức gió, tầm nhìn xa, biển động… thì đó là những số liệu và thành quả mà các chàng trai quan trắc ở Trường Sa Lớn thu thập được bất kể ngày đêm, mưa gió, giông bão.

Bài và ảnh: Phúc Thắng