Bất cứ nơi đâu ở Việt Nam sẽ đều có dịch vụ 4G của Viettel

Suốt con đường quanh co, hiểm trở từ thành phố Hà Giang đến cột cờ Lũng Cú chúng tôi theo dõi trên điện thoại di động của mình thấy sóng Viettel luôn bảo đảm thông suốt. Được biết, sắp tới, Viettel là nhà mạng đầu tiên tại Hà Giang cung cấp dịch vụ 4G.

Cột cờ Lũng Cú được xây dựng trên đỉnh núi Rồng – một ngọn núi đá vôi với độ cao 1.700m so với mực nước biển, cách Đồng Văn 24km, cách thành phố Hà Giang 154km. Nếu ai đó đã một lần đặt chân đến Hà Giang, đến với Cao nguyên đá Đồng Văn, thăm cột cờ Lũng Cú, đỉnh “chóp nón” núi Rồng đầy kiêu hãnh, chắc hẳn không thể quên vẻ đẹp thiên nhiên của núi đá trập trùng, mây trời hòa quyện làm say mê lòng người. Cao nguyên Đồng Văn là một trong bảy huyện biên giới  của tỉnh Hà Giang, nơi sinh sống lâu đời của đồng bào dân tộc Mông và Lô Lô, địa hình nhiều núi đá đan xen. Đến Hà Giang mà chưa đến Lũng Cú thì coi như chưa đến mảnh đất này.

leftcenterrightdel
Đo tốc độ Viettel 4G trên đỉnh cột cờ Lũng Cú, Hà Giang. 
leftcenterrightdel
Anh Lưu Văn Tuyên (người ngồi), Đội trưởng Đội Kỹ thuật thuộc Trung tâm Kỹ thuật Viettel Hà Giang (Công ty Cổ phần Công trình Viettel) cùng anh em kỹ thuật lắp đặt trạm BTS HGG 047.
leftcenterrightdel
Lắp đặt thiết bị để chuẩn bị vận hành trạm BTS.

Thử nghiệm việc cung cấp dịch vụ di động của nhà mạng  Viettel tại đây cho thấy, download từ 80 đến 105 Mbps, tốc độ upload lên đến 40-50 Mpbs. Đây là kết quả cao, bởi trên vùng biên giới, nơi địa đầu của Tổ quốc, đâu đâu cũng thấy núi đồi chập chùng, thế nhưng Tập đoàn Viettel đã phủ sóng 4G tại đây. Theo Thượng tá Lại Như Hòa, Giám đốc Viettel Hà Giang: “Tổng thuê bao di động của Viettel Hà Giang là hơn 400.000 thuê bao, chiếm thị phần 62%, trong đó khoảng 1/3 thuê bao sử dụng 3G. Theo kế hoạch, toàn tỉnh Hà Giang sẽ có 367 trạm BTS 4G, nhiều hơn số trạm 2G (350 trạm), 3G (355 trạm) trên diện tích 8.000km2. “Chúng tôi đặt mục tiêu từ nay đến cuối năm Viettel Hà Giang có khoảng 140.000 thuê bao sử dụng 4G, tức là tăng 12% so với thuê bao sử dụng 3G hiện nay.  Viettel sẽ phối hợp với chính quyền địa phương đưa các thiết bị hỗ trợ 4G với giá ưu đãi để kích thích sử dụng 4G, hỗ trợ chính quyền đưa công nghệ thông tin vào điều hành trong các hoạt động chính quyền”, Thượng tá Lại Như Hòa cho biết thêm.

Từ năm 2004 cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Cú đã được sử dụng điện thoại di động bằng sóng của Viettel. Trước đây, mỗi khi cần gọi điện thoại, mọi người phải chạy ra ngoài, đứng giữa đỉnh đèo, đón “sóng rớt” của nhà mạng khác.

Thiếu tá Hoàng Ngọc Tuấn, Phó đồn trưởng Đồn biên phòng Lũng Cú cho biết, hồi đó không có sóng điện thoại di động nên việc bảo đảm nhu cầu thông tin của cán bộ, chiến sĩ gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2004 đến nay, mạng Viettel đến và phủ sóng rộng khắp Hà Giang, giúp cho việc liên lạc của bộ đội và nhân dân được thuận tiện và thông suốt. Việc Viettel phủ sóng 4G tại Lũng Cú và những xã, huyện khác của Hà Giang sẽ giúp cho đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội và nhân dân được cải thiện. Thiếu tá Hoàng Ngọc Tuấn tâm sự với chúng tôi, trên đường đi tuần tra đường biên giới rộng và dài, kiểm tra các cột mốc, cửa khẩu có sóng điện thoại Viettel sẽ làm cho cán bộ, chiến sĩ biên phòng cảm thấy yên tâm hơn…

Theo Thượng tá Tào Đức Thắng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel: Khi khai trương, Viettel công bố có vùng phủ sóng 100% tới các quận, huyện trên cả nước với 36.000 trạm phát sóng 4G. Khi đó “bật máy lên bất cứ đâu ở Việt Nam sẽ có 4G của Viettel”.

Với việc đầu tư vùng phủ rộng khắp, với diện tích lớn ở nông thôn, miền núi, Viettel đặt mục tiêu giúp 90 triệu người dân Việt Nam có cơ hội tiếp cận Internet ngang nhau. “4G phủ sóng tới 100% quận, huyện, có nghĩa là các ca mổ, hội chẩn có thể hướng dẫn trực tiếp từ bệnh viện tuyến Trung ương, mở ra cơ hội sống cho hàng ngàn người dân. 4G phủ sóng tới 100% quận huyện mở ra cơ hội cho rất rất nhiều học sinh, sinh viên vùng sâu vùng xa được học hành như học sinh thành thị. 4G cũng sẽ giúp cải cách hành chính, chính quyền sẽ gần với dân hơn. Với doanh nghiệp, 4G sẽ là nền tảng tạo ra vô số các dịch vụ mới, sản phẩm mới mà trước đây công nghệ cũ chưa cho phép triển khai. Với Viettel 4G là mảnh ghép hoàn hảo cho hệ sinh thái các dịch vụ mà Viettel đang cung cấp như các ứng dụng trong y tế, giáo dục, thành phố thông minh, chính quyền điện tử…”, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết thêm.

 Dịch vụ 4G của Viettel về với bà con Sà Phìn

Với phương châm khi công nghệ tiến lên phía trước sẽ không ai bị bỏ lại phía sau “4G Viettel Siêu tốc độ - Khắp mọi nơi – Cho mọi người” điều đó chúng tôi đã được nhìn thấy ở chợ phiên Sà Phìn nơi có điểm đổi SIM 4G miễn phí của Viettel. Đây là một trong 4 phiên chợ độc đáo ở cao nguyên đá Đồng Văn, bởi thay vì 7 ngày mới có một phiên, chợ sẽ họp 6 ngày một lần, tuần sau lùi một ngày so với tuần trước. Chợ phiên Sà Phìn nằm ở huyện Sà Phìn, cách Hà Giang 140km, ngay dưới đường dẫn lên dinh thự vua Mèo, ngôi nhà quyền uy nhất vùng núi phía Bắc nước ta thuở trước. Không đơn thuần chỉ là mua sắm, trao đổi hàng hóa, đến với chợ Sà Phìn người ta còn được thưởng thức rượu và tâm tình cùng những người bạn cũ, bạn tình…

Vường Mí Chá cùng nhiều bạn bè người Mông khác đem hàng hóa xuống chợ, vừa bán buôn, vừa gặp gỡ giao lưu với nhau. Tay cầm chiếc SIM 4G mới đổi để lắp vào điện thoại, Chá cho biết: Tôi nghe trưởng thôn và được các cộng tác viên của Viettel tuyên truyền, giới thiệu về dịch vụ 4G siêu nhanh của Viettel. Hôm nay xuống chợ, tôi đã đổi SIM 4G để sử dụng.

Được biết, trước đây, Chá cũng chỉ đem con lợn, con gà đi chơi. Nhưng từ hồi có sóng 3G ở Đồng Văn (Hà Giang), Chá tò mò truy cập vào mạng internet xem có gì hay để học hỏi để mang được những sản phẩm mới, lạ về cho bà con nhân dân. Sau nhiều lần mầy mò tìm hiểu, Chá phát hiện ra, có cách để bán được những sản phẩm vùng cao về dưới xuôi và mua đồ dùng đẹp về bán cho bà con trong phiên chợ. “Trên mạng, nhiều người mua lợn của người Mông lắm. Tôi tìm thông tin của họ, liên lạc, gửi lợn cho họ theo xe khách, cũng mua những hàng người ta bán theo cách đó để đem về bán ở chợ phiên. Vừa tiện lợi vừa dễ dàng”, Chá chia sẻ.

Vường Mí Chá nói: “Tôi không biết nhiều về sự phát triển công nghệ, nhưng thấy, 3G trước đây, 4G bây giờ, thông qua một chiếc điện thoại, đang giúp cho tôi và bà con người Mông thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, giữa người giàu và người nghèo. Điện thoại không còn chỉ để gọi và nhắn tin nữa, nó là cả thế giới thông tin rộng lớn ở ngay nơi đây”.

leftcenterrightdel
Đông đảo người dân tộc Mông đến điểm đổi SIM 4G miễn phí của Viettel để giao dịch.  
leftcenterrightdel
Ngoài việc đổi SIM 4G, người dân còn được các cộng tác viên của Viettel hướng dẫn và tư vấn sử dụng điện thoại.  
leftcenterrightdel
Tại chợ lùi Sà Phìn đã có hơn 1.800 người dân đổi SIM 4G của Viettel.

Theo lời chỉ dẫn của anh Trần Ngọc Dũng, Giám đốc Viettel Đồng Văn, tôi đi vào giữa chợ, nhìn thấy nhiều người Mông như Chá đang xúm vào mua điện thoại, đổi SIM 4G mới. Ở huyện biên giới đồi núi trập trùng này, đến giờ đã có tới hơn 1.800 người đổi SIM 4G – một con số mơ ước của bất kỳ nhà mạng nào, thế nhưng vẫn chưa bằng huyện Mèo Vạc gần đó đã có tới hơn 3.000 SIM 4G được đổi. Toàn tỉnh Hà Giang, Viettel đã đổi được 31.000 SIM 4G, trong đó huyện Vị Xuyên có số lượng SIM 4G nhiều nhất 6.500 SIM, vượt xa đơn vị đứng thứ hai là TP Hà Giang có 5.000 SIM.

Trong chuyến công tác lần này, chúng tôi đã gặp anh Lưu Văn Tuyên, Đội trưởng Đội Kỹ thuật thuộc Trung tâm Kỹ thuật Viettel Hà Giang (Công ty Cổ phần Công trình Viettel) đang cùng các anh em trực tiếp lắp đặt trạm BTS HGG 047 - người trực tiếp quản lý 35 trạm BTS tại Đồng Văn cho biết: Nếu thời tiết ủng hộ, trung bình cứ 2 ngày đội hoàn thành lắp đặt 1 trạm, bao gồm cả quá trình vận chuyển và lắp đặt. Ở những nơi địa hình khó khăn, thời tiết xấu, bị ảnh hưởng thời gian, nhưng anh em không lãng phí giờ nào, chuyển ngay sang lắp trạm khác. Vì thế tiến độ lắp trạm bảo đảm kế hoạch đề ra, dự kiến ngày 18-4 tới lắp đủ 35 trạm. Cho dù chưa đặt ra lợi nhuận kinh tế cho doanh nghiệp khi phủ sóng di động ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nhưng những sản phẩm vật chất và tinh thần của Viettel đang ngày càng tỏa rộng và khẳng định vị trí, vai trò thiết yếu đối với cán bộ, nhân dân ở vùng cực Bắc của Tổ quốc

Chia tay Vường Mí Chá, cùng cán bộ, nhân viên Viettel Đồng Văn vào buổi trưa, giữa gió rét của núi rừng; nhìn những bạn trẻ người Mông vẫn đang say mê bên chiếc điện thoại sử dụng mạng Viettel 4G, trên nền tiếng khèn của người Mông, chợt thấy lòng dạt dào niềm vui đến lạ. Công nghệ thông tin – viễn thông đang góp phần làm thay đổi dần đời sống của người dân nơi đây. Có lẽ niềm hạnh phúc nhất của những người đang công tác tại Tập đoàn Viettel, không có gì khác là mang niềm vui, hạnh phúc và cơ hội phát triển cho người dân ở những bản làng xa xôi cách trở nhất của đất nước...

Ghi chép của VĂN PHONG