Thiên tai, bão, lũ xảy ra ngày càng nhiều, cường độ mạnh, diễn biến phức tạp trên phạm vi rộng; việc cơ động lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó gặp khó khăn; hiệu quả xử lý tình huống có lúc, có nơi chưa cao. Do vậy, công tác huấn luyện, diễn tập nâng cao trình độ hiểu biết, kỹ năng thực hành phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn (PCLB, TKCN) cho bộ đội, nhất là đối với lực lượng chuyên trách, tại các khu vực, địa bàn trọng điểm cần được chú trọng, đầu tư đúng mức.
Huấn luyện đồng bộ cả phổ thông và chuyên ngành
Các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn cả nước, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn, sự cố; được tổ chức chỉ huy chặt chẽ, ý thức tổ chức kỷ luật cao, có nhiều phương tiện, trang bị và hệ thống thông tin liên lạc phục vụ huấn luyện, SSCĐ, có thể huy động ứng phó kịp thời các tình huống. Tuy nhiên, để nâng cao năng lực, hiệu quả phòng, chống thiên tai, TKCN, tránh rủi ro đáng tiếc, cán bộ, chiến sĩ cần được huấn luyện thành thạo về chuyên môn nghiệp vụ.
Hằng năm, các đơn vị tổ chức huấn luyện phổ thông về PCLB,TKCN theo chương trình, nội dung như: Bơi cứu người và phương pháp cứu người bị nạn; cách làm phao, bè, mảng bằng vật liệu tại chỗ, cách chèo chống bè, mảng và thuyền để cứu và vận chuyển người, VKTBKT, vật chất ra khỏi vùng ngập lụt; phương pháp gia cố, hàn khẩu đê bằng vật liệu tại chỗ; huấn luyện sử dụng các dụng cụ, trang bị trong cứu hộ, cứu nạn (CH,CN). Công tác huấn luyện được thực hiện từ đơn giản, phổ thông đến huấn luyện kỹ, chiến thuật, cho các lực lượng sử dụng phương tiện kỹ thuật chuyên trách.
 |
Bộ CHQS tỉnh Nghệ An huấn luyện lái xuồng và TKCN trên sông.
|
Là lực lượng nòng cốt về bay thông báo bão, tìm kiếm, CH,CN đường không, trong kế hoạch huấn luyện hàng năm, Quân chủng PK-KQ chỉ đạo các đơn vị huấn luyện TKCN cho đội ngũ phi công (tổ bay). Trung tâm Quốc gia huấn luyện TKCN đường không hằng năm tổ chức huấn luyện các khóa TKCN đường không và huấn luyện dù TKCN, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ của quân chủng và sẵn sàng tham gia TKCN trong mùa bão, lũ.
Trung tâm Quốc gia huấn luyện TKCN đường biển và các Trường Cao đẳng nghề giao thông thủy nội địa, các đơn vị quân đội mở nhiều khóa, lớp huấn luyện TKCN đường biển, đường sông, nhất là kỹ năng điều khiển phương tiện (ca-nô, xuồng cao tốc, phương tiện cứu sinh...) trong hoạt động TKCN, sơ cứu, cấp cứu người bị nạn...
Từ năm 2005 đến nay, Ủy ban Quốc gia TKCN, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu... đã chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức hơn 10 cuộc diễn tập PCLB, phòng, chống cháy nổ, cháy rừng và TKCN; gần 60 cuộc diễn tập cấp quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng và hàng trăm cuộc diễn tập cấp tỉnh, huyện. Các đơn vị quân đội phối hợp chặt chẽ với lực lượng của các bộ, ngành, địa phương... trên địa bàn tổ chức huấn luyện, diễn tập sát thực tế.
Đại tá Phạm Quan Xuân, Tư lệnh Binh chủng Công binh nêu kinh nghiệm: Khi tình huống xảy ra, sự phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng là yêu cầu hàng đầu, do vậy các đơn vị phải bám sát phương án, nhiệm vụ để tổ chức, huấn luyện, sử dụng lực lượng, phương tiện hợp lý. Đối với các đơn vị công binh chiến lược, Bộ tư lệnh Binh chủng chỉ đạo tăng cường huấn luyện, nâng cao khả năng cơ động, bảo đảm giao thông; các đơn vị công binh cấp chiến dịch, chiến thuật phát huy cao nhất “4 tại chỗ”, sử dụng thành thạo trang bị, phương tiện xử lý tình huống và TKCN…
Chú trọng tính hiệu quả, sát thực tế
Thực tế công tác huấn luyện PCLB-TKCN những năm qua còn gặp nhiều khó khăn như: Tỷ lệ thời gian trong chương trình, kế hoạch huấn luyện hằng năm chưa tương xứng, tài liệu huấn luyện chưa tập trung, thống nhất; nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn sử dụng tài liệu huấn luyện chuyên ngành hoặc dựa vào kinh nghiệm ứng phó ở từng vùng, miền, thiếu tính cơ bản. Do kinh phí, xăng, dầu hạn chế, nên các trang thiết bị, phương tiện PCLB, TKCN ít được bảo quản, bảo dưỡng, kết hợp huấn luyện cho lực lượng sử dụng. Tài liệu, giáo trình, chương trình huấn luyện giữa các học viện, nhà trường, các trung tâm, đơn vị chuyên ngành... cần có sự thống nhất, bảo đảm tính hệ thống và kịp thời điều chỉnh, bổ sung, đáp ứng sự phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực này.
Trung tướng Nguyễn Sơn Hà, Cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn Bộ Quốc phòng cho rằng: Để công tác huấn luyện, hội thao, diễn tập PCLB-TKCN đạt kết quả cao, cần xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trên cơ sở công tác tham mưu tác chiến; ưu tiên huấn luyện ở các vùng trọng điểm, vùng thường xảy ra các sự cố thảm họa; tổ chức huấn luyện, diễn tập cho LLVT đến cấp huyện, xã...
Các cơ quan chức năng cần tham mưu cho thủ trưởng các cấp, chính quyền địa phương, thống nhất về tổ chức, xác định nhiệm vụ cho từng lực lượng (chuyên trách, bán chuyên trách và các lực lượng khác), xây dựng kế hoạch, nội dung huấn luyện phù hợp với tính chất, nhiệm vụ; đề xuất tăng kinh phí, nhiên liệu bảo đảm cho huấn luyện. Chú trọng tập huấn, huấn luyện cho các lực lượng những kiến thức cơ bản về cứu hộ, cứu nạn; huấn luyện cho cán bộ chỉ huy biết lập, triển khai kế hoạch, quản lý chỉ huy lực lượng, phương tiện CH,CN theo chức trách; hiệp đồng hiệu quả với các lực lượng khác.... Thực tế công tác huấn luyện, diễn tập ở một số đơn vị thời gian qua còn bộc lộ tính hình thức, chưa sát thực tế. Chúng tôi đồng tình với ý kiến của Đại tá Phạm Quan Xuân, Tư lệnh Binh chủng Công binh: Huấn luyện bài bản, diễn tập thành công, nhưng để đánh giá đúng khả năng, nâng cao trình độ tác chiến trong PCLB, TKCN thì cần tiếp tục huấn luyện, rà soát phương án, kế hoạch và kiểm nghiệm nghiêm túc qua thực tế xử lý tình huống thiên tai, bão lũ.
Bài và ảnh: Quang Thiện - Quân Thủy