QĐND Online - Kbang là huyện phía Đông của tỉnh Gia Lai,  có rừng Quốc gia Kon ka kinh xưa nay được mệnh danh là khu tĩnh dưỡng sinh thái kỳ thú với nhiều loài động, thực vật hoang dã và những cây rừng trên ngàn năm tuổi quí hiếm. Thế nhưng thời gian gần đây, Kbang nóng lên bởi các vụ săn lùng gỗ quý, đặc biệt là gỗ huỳnh đàn…

“Nóng” vì huỳnh đàn

Huỳnh đàn, một loại gỗ trông giống như cây gỗ hương nên đồng bào Ba Nar thường dùng để làm nhà, đóng giường và các vật dụng khác trong gia đình. Không biết sự thể thế nào, gỗ này được vận chuyễn về đâu và làm gì? Từ năm 2007, đã có người tìm mua và đặc biệt từ tháng 5 đến tháng 9-2010, cơn sốt săn tìm mua gỗ huỳnh đàn rộ lên khắp các vùng trong huyện Kbang. Họ mua tất cả, bao gồm: gỗ nguyên khúc, gỗ đã cắt, dài ngắn, to nhỏ, tươi khô bao nhiêu cũng mua. Thậm chí, người ta còn mua cả rễ, cả thứ gỗ dăm mục.

Công an Gia Lai phát hiện một vụ khai thác gỗ huỳnh đàn

 

Ông Đinh Văn Búp - Trưởng Công an xã Đăk Roong nói với chúng tôi: “Thời gian qua, đi đâu trong xã cũng nghe dân nói về gỗ huỳnh đàn. Xã tôi có 13 làng, thì làng nào cũng có người đi tìm gỗ huỳnh đàn để bán. Người già, trẻ nhỏ sức yếu không vào được rừng sâu để tìm, chặt thì đi gùi thuê, mỗi ngày cũng được gần cả trăm ngàn. Đặc biệt là lũ thanh niên các làng Kon Bông, Kon Lốc. Họ bỏ bê nương rẫy, thậm chí nghe nói có người tháo cả cột nhà ra bán…Xã đã họp dân tuyên truyền nhưng xem ra vẫn chưa hiệu quả. Cơn sốt tìm mua gỗ huỳnh đàn này vẫn cứ tiếp tục và những cánh rừng có gỗ huỳnh đàn vẫn cứ bị tàn phá”.

Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, mặc dù là “vùng nóng” nhưng Đăk Roong mới chỉ là hành lang vận chuyển huỳnh đàn của lâm tặc và những người “làm thuê”, còn tâm điểm thực sự phải là địa bàn lâm trường Krông Pa đứng chân trên địa phận xã Kroong.

Hiện tại, huyện Kbang (Gia Lai) rất khó quản lý, ngăn cản, truy bắt bọn lâm tặc săn gỗ huỳnh đàn. Lực lượng bảo vệ rừng còn ít nên, canh chỗ này thì chỗ kia chúng lén lút vận chuyển. Thậm chí bọn lâm tặc còn thuê cả trẻ em, học sinh vận chuyển và tất nhiên chúng cũng trả thù lao rất hậu. Tệ hại hơn, chúng còn sử dụng các em nhỏ để làm “hàng rào” ngăn cản mỗi khi bị lực lượng Kiểm lâm phát hiện đuổi bắt.

 Được coi là rốn gỗ huỳnh đàn, nên lâm tặc từ nhiều nơi tập trung trên địa bàn lâm trường Krông Pa. Có kẻ tận Hà Tĩnh vào, lại có kẻ từ Đăk Lăk, Kon Tum xuống, cùng với một số “đầu nậu” trú tại chỗ… làm cho tình hình an ninh trật tự trên địa bàn Kbang có lúc “nóng lên” cao độ.

Do nhu cầu mua gỗ huỳnh đàn không cần nguyên khúc như với các loại gỗ khác, nên lâm tặc có thể biến hóa việc mua bán, vận chuyển với nhiều phương cách. Có kẻ rạch yên, tháo cả bình xăng xe máy nhồi gỗ vào, có kẻ để gỗ vào những chiếc vali đẹp, ăn mặc bảnh bao như cán bộ đi công tác…

Không quy luật, không giờ giấc, bất chấp thời tiết, sử dụng bất cứ phương tiện nào, lợi dụng bất cứ ai là dân tại chỗ… đấy là phương châm hoạt động của “lâm tặc huỳnh đàn”.     

“Máu” huỳnh đàn bao giờ thôi chảy?                                     

Đến nay, ngay cả các cơ quan chức năng như công an, kiểm lâm, giám đốc các lâm trường cũng vẫn chưa biết giá đích thực một khối gỗ huỳnh đàn là bao nhiêu? Tuy nhiên, căn cứ vào lời khai của một số lâm tặc bị bắt thì chỉ 0,02m3 huỳnh đàn từ địa bàn Kroong chở ra thị trấn Kbang (40km), nếu trót lọt, người chở thuê sẽ được trả công 500.000 đồng. Từ đó có thể phỏng đoán: 1m3 gỗ huỳnh đàn ra khỏi huyện Kbang (Gia Lai) sẽ có giá không dưới ba trăm triệu đồng. Còn việc nước ngoài mua để phục chế cung điện hay làm hương liệu ướp xác thì chỉ là những lời đồn chưa có căn cứ. Tuy nhiên, chắc chắn gỗ huỳnh đàn phải có những giá trị sử dụng đích thực thì lâm tặc mới săn lùng và mua với giá như vậy. Với cái giá quá cao đó thì bị xử phạt bằng tiền hay thậm chí đi tù vẫn khó ngăn cản được lòng tham của lâm tặc.

Theo chúng tôi được biết, từ khi bùng phát cơn sốt mua bán gỗ huỳnh đàn, chính quyền và các cơ quan chức năng huyện Kbang đã vào cuộc khá quyết liệt. Ngoài lực lượng công an, du kích xã và các lâm trường, huyện còn thành lập “Đội kiểm tra, truy quét chống lâm tặc” chốt chặn các ngả đường, kiểm tra chặt chẽ mọi phương tiện giao thông. Từ đầu năm 2010 đến nay, Hạt Kiểm lâm Kbang đã phát hiện trên 50 vụ vận chuyển, chặt phá rừng, xử lý hơn 30 vụ...Tuy nhiên, những con số trên cũng chỉ có tính chất “răn đe” chứ chưa thể ngăn chặn triệt để được. Các đầu nậu chỉ mới bị đánh động đã thay đổi phương thức hoạt động như: xé lẻ lượng gỗ vận chuyển, tổ chức thành nhiều trạm trung chuyển để dễ tẩu tán tang vật, “điều khiển từ xa” không lộ mặt và tinh vi hơn.

Khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc xử lý là khối lượng gỗ bắt được quá ít, không đủ điều kiện để truy tố (theo Nghị định 139, lượng gỗ phải từ 5m3 trở lên). Thêm nữa, việc bỏ các trạm kiểm soát lâm sản cố định đã gây khó khăn rất lớn cho cơ quan chức năng… Trong điều kiện hiện nay, các cơ quan chức năng chỉ có biện pháp hiệu quả nhất là phối hợp với địa phương kiểm tra chặt chẽ địa bàn và các phương tiện xe cộ dưới dạng …an toàn giao thông!.
Công tác quản lý và bảo vệ rừng nói chung, bảo vệ cây huỳnh đàn nói riêng ở huyện Kbang là vấn đề nan giải, khó khăn. Nếu trong thời gian tới, các cơ quan, ban ngành chức năng của tỉnh Gia Lai và huyện Kbang vẫn loay hoay, bế tắc trong cách giải quyết, thì e một ngày không xa, trên những cánh rừng Gia Lai và Tây Nguyên sẽ không còn bóng dáng của những cây huỳnh đàn.

Bài và ảnh: Lê Quang Hồi