Ghi chép của phóng viên báo Quân đội nhân dân từ Hủa Phăn (Lào)

Thế hệ trẻ Sầm Nưa hôm nay.

Các cựu chiến binh Việt Nam, người cao tuổi nhất là 92 tuổi, người ít tuổi nhất cũng đã ngoài bảy mươi, vậy mà suốt chặng đường dài gần 600km từ Hà Nội tới Sầm Nưa (Lào) qua cửa khẩu Na Mèo đều háo hức như tâm trạng của người chiến sĩ trẻ được về thăm nhà. Bà con các bộ tộc Lào với những nụ cười, ánh mắt trìu mến, trên tay rực rỡ cờ hoa, đón đoàn Việt Nam như đón người thân thiết nhất của gia đình mình. Sầm Nưa, căn cứ địa cách mạng của Lào trong mấy ngày qua chứa chan tình hữu nghị Lào-Việt...

Tình cảm đặc biệt nồng ấm

Trên quãng đường dài khoảng 80km từ cửa khẩu Na Mèo (Thanh Hóa) tới Sầm Nưa, thủ phủ của tỉnh Huổi Phăn, đến đâu chúng tôi cũng được chứng kiến sự đón tiếp chân tình nồng hậu của bà con nhân dân các bộ tộc Lào.

Ngay từ cửa khẩu của bạn, hàng nghìn người, đầy đủ thành phần với cờ hoa tươi thắm và những nụ cười, ánh mắt trìu mến đã dành cho các cựu chiến binh Việt Nam và đoàn đại biểu Việt Nam. Tất cả các trường học của tỉnh Hủa Phăn nơi Đoàn đi qua đã cho học sinh nghỉ tiết học để đón "các ông, các bà" Việt Nam, những người đã dành trọn tuổi thanh xuân chiến đấu cho nền độc lập, tự do của đất nước Lào tươi đẹp. Những người nông dân, công nhân, người bán hàng, người nội trợ… cũng tạm nghỉ công việc đứng chào đón. Đồng chí Khăm Thiết, Hiệu trưởng Trường Chính trị-Hành chính Hủa Phăn nói với chúng tôi: Bà con các bộ tộc Lào ở Hủa Phăn đón các cựu chiến binh Việt Nam với tình cảm như đón người ông, người bà đi xa lâu ngày mới về.

Mấy ngày qua ở Sầm Nưa, nhiệt độ luôn dưới 10 độ C nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy không khí xung quanh thật nồng ấm qua những câu chuyện thân tình, những điệu múa Lăm-vông duyên dáng. Với các nhà báo đi theo đoàn cũng được sự giúp đỡ tận tình của người dân Sầm Nưa. Cả thị xã chỉ có duy nhất một quán Internet, nhưng anh chủ quán vẫn ưu tiên cho chúng tôi gửi tin, bài, ảnh về tòa soạn và không nhận cước phí. Nhân dân Sầm Nưa sẵn sàng cho chúng tôi mượn xe máy để hành nghề.

Biểu tượng của liên minh chiến đấu Việt-Lào

Đại tá Hà Minh Tân, nguyên cán bộ Cục Tuyên huấn, giúp bạn viết lịch sử Quân đội nhân dân cách mạng Lào kể rằng, Sầm Nưa có vị trí đặc biệt quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Lào và là biểu tượng của mối tình đoàn kết đặc biệt Việt-Lào. Đây cũng là nơi ra đời của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Quân đội cách mạng Lào, là Thủ đô kháng chiến của quân dân Lào trong suốt 30 năm (từ năm 1945 đến năm 1975). Trụ sở của đoàn chuyên gia Việt Nam giúp bạn cũng đóng tại đây.

Ông Nguyễn Trọng Vĩnh, 92 tuổi, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng đoàn chuyên gia quân dân chính Đảng Việt Nam tại căn cứ địa Sầm Nưa xúc động nhớ lại những tháng ngày còn chiến đấu, công tác ở Lào. Nay có người còn, người mất, nhưng tình đoàn kết Lào-Việt vẫn bền chặt, keo sơn. Cách đây gần nửa thế kỷ, khi ấy nhân dân Sầm Nưa còn rất nghèo khó, nhưng bà con vẫn chia ngọt sẻ bùi với bộ đội tình nguyện và chuyên gia Việt Nam. Đúng là “hạt muối phải cắn đôi, bát cơm chia nửa”…

Thiếu tướng Lê Thanh, nguyên chính trị viên đội vũ trang tuyên truyền xây dựng cơ sở khu Xiềng Khọ, căn cứ địa Sầm Nưa nhớ lại thời kỳ sống, chiến đấu cùng với các đồng chí lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, được sự che chở của nhân dân các bộ tộc Lào. Khi quân đội Ít-xa-la Lào được thành lập (đầu năm 1949), quân đội hai nước đã gắn kết chặt chẽ với nhau, cùng chiến đấu vì mục tiêu chung.

Khơi dậy tiềm năng Hủa Phăn

Đại tá Quách Bá Đạt, đã có gần 30 năm gắn bó với Hủa Phăn, ông nhớ từng địa danh, cảnh vật ở đây. Nhưng sau gần 10 năm, trở lại Sầm Nưa, ông vẫn không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay nhanh chóng của vùng đất cách mạng này. Đường phố Sầm Nưa được quy hoạch khá bài bản với nhiều ngôi nhà cao tầng. Buổi tối đường phố sáng trưng. Tuy nhiên, theo ý kiến của đồng chí Phan-khăm Vi-pa-van, Ủy viên Trung ương Đảng NDCM Lào, Tỉnh trưởng Hủa Phăn, thì tiềm năng của Hủa Phăn vẫn còn khá nhiều. Đặc biệt Hủa Phăn có tiềm năng lớn về đất đai, thủy điện, đang rất cần có nhà máy chế biến thức ăn gia súc, nhà máy chế biến quả.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Hủa Phăn và 4 tỉnh Bắc Lào, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã khẳng định quyết tâm của mình sẽ đầu tư vào Hủa Phăn để “Khơi dậy tiềm năng Hủa Phăn”.

Đồng chí Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết: BIDV đã đầu tư vào Lào từ khá lâu. Ngân hàng đã tài trợ cho nhiều dự án tại Lào. Ngay tại Hội nghị, BIDV đã trao tặng cho tỉnh Hủa Phăn một tỷ đồng Việt Nam và tài trợ Hội nghị xúc tiến đầu tư, Hội thảo khoa học “Căn cứ địa Sầm Nưa-Biểu tượng đoàn kết đặc biệt và liên minh chiến đấu Việt Nam-Lào”.

Thời gian ở Sầm Nưa với đoàn đại biểu Việt Nam không nhiều, nhưng những tình cảm chứa chan của nhân dân Hủa Phăn dành cho đoàn thì không kể xiết.

Chia tay Sầm Nưa, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, Trưởng ban liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào đã đọc lại câu kết bài thơ nổi tiếng “Tây tiến” của nhà thơ Quang Dũng “Hồn về Sầm Nưa, chẳng về xuôi”.

Bài và ảnh: ĐỖ PHÚ THỌ