Phóng viên Báo QĐND Online tác nghiệp tại Trường Sa. Ảnh Phúc Thắng
Theo đoàn công tác của Tổng cục Chính trị ra thăm, làm việc với quân và dân huyện đảo Trường Sa cuối tháng 4-2008, có gần 30 phóng viên của các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương, địa phương và quân đội. Chuyến đi thâm nhập thực tế biển, đảo như đợt tập huấn nghiệp vụ đầy ý nghĩa cho phóng viên báo chí chúng tôi.

Trường Sa-nguồn cảm hứng vô tận...

Tâm trạng của đa số phóng viên ra Trường Sa lần này đều lo lắng cho bài viết của mình, vì đó là nhiệm vụ chính. Ai cũng biết rằng: Mỗi năm, Trường Sa luôn đón hàng trăm lượt phóng viên của nhiều cơ quan thông tấn, báo chí trên khắp mọi miền Tổ quốc. Sau mỗi chuyến đi, họ cho “ra đời” hành nghìn “đứa con tinh thần” là những tác phẩm báo chí, văn học, âm nhạc... phản ánh cuộc sống, ý chí phấn đấu, chất lượng huấn luyện, SSCĐ của quân và dân trên huyện đảo Trường Sa.

“Liệu chuyến đi này có còn đề tài để mình viết? Nên đề cập đến vấn đề gì, khi đã có rất nhiều bài viết về Trường Sa?”-Trước khi chuẩn bị ra Trường Sa, trong suy nghĩ của tôi luôn có hàng loạt câu hỏi như vậy.

Sự lo lắng ấy được xua đi ngay lập tức khi tôi đặt chân lên tàu HQ-996. Tình cảm, công việc và những câu chuyện của cán bộ, chiến sĩ Hải quân, trước giờ tàu nhổ neo cũng đã cho tôi rất nhiều để tài, nhiều cảm xúc. Rồi khi tới các hòn đảo, trên quần đảo Trường Sa, nhìn thấy những hàng cây phong ba, sừng sững xung quanh đảo như chính những cán bộ, chiến sĩ đang kiên trung bám biển, bám đảo, không gục ngã trước những con sóng bạc đầu, những trận bão tố giữa biển Đông mà tôi chỉ cần chép lại cũng đã trở thành những bài báo hay... Đặc biệt, những việc làm, ý chí quyết tâm bảo vệ đảo, yên tâm gắn bó với quần đảo, vượt lên mọi thiếu thốn tình cảm, vật chất để hoàn thành tốt nhiệm vụ; chứng kiến tình cảm của cán bộ, chiến sĩ biển đảo đối với đất liền, với Tổ quốc, với gia đình, người thân; tình đồng chí, đồng đội; tình quân dân cá nước, nhường cơm sẻ áo, che chở đùm bọc lẫn nhau trên biển, đảo; những gương người tốt-việc tốt, điển hình tiên tiến, nét đẹp truyền thống của quân và dân trên huyện đảo Trường Sa; chứng kiến bộ đội hăng say huấn luyện SSCĐ, làm chủ biển đảo; tinh thần phục vụ “Vì nhân dân quên mình”, dũng cảm giữa sóng gió biển khơi của thủy thủ đoàn trên các con tàu HQ... Đó chính là những đề tài vô tận về lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm, hy sinh, vượt mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa; là nguồn tư liệu, nguồn cảm hứng không bao giờ cạn cho những người cầm bút, những nhà báo như chúng tôi. Tôi nghĩ, khó một nhà báo nào diễn tả hết được.

Ngay khi con tàu HQ-996 chưa nhổ neo đã có nhiều phóng viên viết tin, bài chuyển về tòa soạn của mình. Khi con tàu cập đảo Trường Sa Lớn, nơi diễn ra lễ mít tinh trọng thể kỷ niệm 33 năm ngày giải phóng quần đảo Trường Sa, nhiều phóng viên đã đọc tin, bài qua điện thoại truyền về tòa soạn, kịp thời đăng tải những sự kiện nóng hổi, những hoạt động thiết thực của cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa. Tàu HQ-996 vừa cập cảng Ba Son (TP Hồ Chí Minh), chúng tôi đã đọc được trên các tờ báo những bài phản ánh, phóng sự, ghi nhanh, tin, ảnh về Trường Sa, về những người con kiên trung của biển, đảo.

Say nghề, yêu đồng nghiệp

Đến bất kỳ một hòn đảo nào, chuyến xuồng đầu tiên cũng được Ban tổ chức dành cho phóng viên. Không ai bảo ai, nhưng cứ lên được đảo là cả mấy chục phóng viên mỗi người một hướng, theo ý định và cảm nhận của riêng mình. Cùng tác nghiệp trên một hòn đảo dù lớn hay nhỏ, nhưng chúng tôi ít khi gặp nhau tại một địa điểm và trùng đề tài với nhau. Bởi lẽ, “địa chỉ” của chúng tôi là nơi ăn, ở, nơi học tập, huấn luyện... của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo.

Chuyến ra Trường Sa công tác lần này của chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm. Ví dụ, trường hợp phóng viên Phùng Nguyên (báo Tiền Phong) bị đau bụng, sốt cao, nghi viêm ruột thừa... đã được cán bộ quân y trên tàu, trên đảo và đồng nghiệp thức trắng đêm chăm sóc. Trong số phóng viên chúng tôi có người lần đầu tiên ra Trường Sa, người đã ra Trường Sa nhiều lần, nhưng gặp nhau đều rất đoàn kết, thân thiết, chia sẻ, giúp đỡ rất nhiều về nghiệp vụ. Mỗi khi phát hiện được một chi tiết hay, hình ảnh đẹp, cần thiết cho nhiệm vụ tuyên truyền là lại được chúng tôi thông tin cho nhau biết... Riêng tôi, một kỷ niệm hẳn sẽ không bao giờ quên là khi tàu HQ-996 chuẩn bị ra khơi, nhóm phóng viên của đài Truyền hình Hà Nội, báo Tuổi Trẻ... vẫn kiên nhẫn tìm cách giúp tôi chuyển bài và ảnh về Tòa soạn báo Quân đội nhân dân.

Dẫu đã vài tháng trôi qua, nhưng những tình cảm giữa người đi, người ở trong giây phút trước khi tàu rời bến vẫn còn nguyên vẹn trong tôi. Khi tàu HQ-996 chuẩn bị rời đảo Trường Sa Lớn. Đứng sát mép đảo là cán bộ, chiến sĩ ra tiễn đoàn, còn trên tàu là thành viên đoàn công tác và đội ngũ phóng viên chúng tôi. Hai bên cùng giơ cao tay vẫy chào và hát vang các bài ca về biển, đảo, quê hương, đất nước... Tiếng loa trên tàu thông báo: “Các tổ kiểm tra quân số để tàu chuẩn bị nhổ neo”... nhóm phóng viên nháo nhác khi chưa thấy anh Hồng Hải, phóng viên đài Truyền hình Việt Nam... Mặc cho mọi người đôn đáo, anh Hải vẫn nhoài người trên mạn tàu, say sưa giơ tay vẫy và say sưa hát cùng bộ đội trên đảo. Dường như ai cũng cố gắng hát thật to để bài hát có chung điệu nhạc, như một dàn hợp xướng ngân vang mãi trên đại dương mênh mông...

MAI PHƯƠNG