QĐND - Đại đội trưởng Ba Đen (tức Ngô Thành Vân) bắt tay tôi. Anh người thấp bé, da ngăm đen, nói giọng miền Bắc:
- Đồng chí là phóng viên Báo Quân đội nhân dân?
- Dạ đúng.
- Đi có một mình à?
- Vâng ạ.
Ba Đen nói luôn. Tôi cũng dân Bắc, huyện Phú Xuyên, Hà Đông. Tôi vào Nam làm ăn từ lúc 15 tuổi.
Năm tôi 17 tuổi, tôi được nhập vào đơn vị đó. Chúng tôi có nhiệm vụ trừ gian diệt ác trên địa bản thành phố Sài Gòn-Chợ Lớn.
Một tên đại úy mật thám Pháp thường có hành động tàn ác và bỉ ổi đối với bà con Sài Gòn. Từ lâu mọi người chỉ mong diệt được hắn, nhưng không ai làm được. Nó vẫn hoành hành sai bọn tay chân bắt các cô gái đẹp trên đường phố về nơi ở để làm nhục họ.
Ba Đen cùng hai chiến sĩ được anh Thọ gọi đến giao nhiệm vụ. Anh nói ngắn gọn.
- Các cậu phải nhanh chóng khử được tên này và đồng bọn của chúng.
Mũi cảm tử do Ba Đen phụ trách. Sau ba ngày anh được đồng đội yểm trợ đã bắn tên đại úy mật thám chết ngay trên xe của hắn.
Sau khi diệt được tên đại úy Pháp, ba người đã tản ra các hướng khác nhau. Ba Đen đang đi bỗng thấy một tốp cảnh sát ngụy đuổi sau lưng. Phía trước lại có một tốp ngăn chặn. Ba Đen phải chạy vào một ngõ hẻm và vào một gia đình đang ăn cơm. Anh nói vội vàng:
- Thưa hai bác, cháu là đội viên cảm tử quân Sài Gòn-Chợ Lớn, cháu vừa diệt tên đại úy Pháp ngoài phố, nhưng bị cảnh sát bao vây chặn đường. Hai bác và em gái có thể giúp đỡ cháu lúc này.
- Cô sinh viên 18 tuổi không ngần ngại, đứng lên nắm lấy tay Ba Đen, đẩy anh vào phòng tắm và cô cùng vào theo. Ba Đen thấy bọn cảnh sát đập cửa ngoài đi vào trong nhà, anh liền rút dao găm và lựu đạn định liều mạng với chúng. Thấy vậy cô sinh viên gạt Ba Đen vào góc phòng tắm gần cánh cửa. Cô mở phanh quần áo, hai tay ôm ngực và kêu lên thất thanh:
- Ba má, bà con ơi cứu con. Con đang tắm mà bọn cảnh sát định vào làm nhục.
Bà má chạy đến lăn xả với bọn cảnh sát, còn ông đã kêu bà con lối phố đến rất đông giúp đỡ. Gia đình và cô gái đã cứu thoát được Ba Đen.
 |
Xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975. Ảnh: Tư liệu. |
Đơn vị biệt động 2 của Ba Đen đứng chân ở khu ngã ba Dầu Dây. Đêm 28-4 cả đơn vị xuất phát tiến vào Sài Gòn. Đêm đó đơn vị anh đã tiến đến gần cầu Rạch Chiếc. Tại cầu Rạch Chiếc gần hai ngày qua đã có Đại đội 1 chiến đấu giành giật lại cầu. Cán bộ, chiến sĩ Đại đội 1 đã thương vong gần hết. Đại đội của Ba Đen được lệnh tiếp ứng phối hợp cho Đại đội 1. Cuộc chiến đấu tại đây rất gay go; nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh, nhưng ta đã giành lại cây cầu.
Cầu Rạch Chiếc đã được bảo vệ an toàn. Ngày 30 tháng 4, mũi tiến quân phía Bắc của bộ đội ta gồm xe tăng, pháo binh, bộ binh rầm rập tiến qua cầu Rạch Chiếc; tiến thẳng về Dinh Độc lập.
Khoảng 11 giờ ngày 30 tháng 4 tôi gặp lại anh Ba Đen và đơn vị ở trước cửa Dinh Độc lập. Dinh Độc lập lúc này đông nghẹt bộ đội và cán bộ của ta. Tôi không tài nào len chân được vào bên trong, đành ra ngoài. Tôi đi đi lại lại xung quanh Dinh Độc lập. Gần 4 giờ chiều hôm đó, anh Ba Đen đã có chiếc xe Zep mới. Anh liền cho tôi đi theo cùng với 4 chiến sĩ khác đi tuần tra diệt ác khắp khu vực Sài Gòn-Gia Định.
Nửa đêm chúng tôi đã về đến khách sạn của một người Hoa ở quận 5. Đây là một cơ sở của Ba Đen, ở đó đã có 7-8 chiến sĩ biệt động trong đơn vị cùng với Ba Đen trước đây. Đêm đó chúng tôi vui mừng thắng lợi và thức cho đến sáng.
Sài Gòn giải phóng xong, tôi ở lại lần lượt gặp gỡ gần hết cán bộ chiến sĩ biệt động để tìm hiểu tài liệu. Tôi đến nghe Tư lệnh Trần Hải Phụng giới thiệu khái quát về những chiến công của các đơn vị, cá nhân biệt động Sài Gòn. Lần lượt làm việc với anh Tư Chu, Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Y4. Tiếp đến những ngày sau là những cán bộ, chiến sĩ thực thụ chỉ huy chiến đấu trên thành phố Sài Gòn trong cuộc chiến tranh.
Tôi đến gia đình gặp và làm việc với anh Bẩy Bê, tức Nguyễn Thanh Xuân… Người đã giết tên đồn trưởng cảnh sát cầu Thị Nghè. Anh cũng đã đánh các mục tiêu quan trọng như: Ca-ra-ven, Bringe Mê-trô-pôn, Vích-to-ri A, Trụ sở Cảnh sát ngụy và Tòa đại sứ Mỹ trên đường Hàm Nghi và nhiều mục tiêu khác. Người chỉ huy tài ba và đầy mưu mẹo và gan dạ này, cùng các chiến sĩ trong đơn vị anh đã diệt hàng trăm tên Mỹ, đặc biệt là lực lượng không quân Hoa Kỳ.
Các anh: Tư Tăng, Phi Long, Lâm Văn Náo đánh tàu Ca Đơ, Sáu Nhất Sứ, Triệu Tử Long, Trần Minh, Lí Cảnh Nè và cơ sở cất giấu vũ khí như anh Năm Lai, có hầm vũ khí đánh vào Dinh Độc lập Tết Mậu Thân. Các anh: Ba Mử, Ba Bảo, Năm Mộc, bà Bảy rau muống, ông già Chín Khổ. Rồi các chiến sĩ biệt động gái như Đoàn Thị Ánh Tuyết, Mười Tùng, Nguyễn Thị Thu Trang… Đặc biệt, tôi đã đến chùa Tam Bảo để làm việc với ni sư Huỳnh Liên, người đã giấu vũ khí, chỉ đạo đơn vị biệt động Nguyễn Thị Tám A đánh vào các cuộc họp của Hạ nghị viện và Thượng nghị viện Sài Gòn và diệt Mỹ ngay trên đường phố giữa ban ngày. Một mình tôi rong ruổi về "đất thánh" Củ Chi, gặp gỡ bà con ở đây. Gia đình anh em và bố con ông Chín Teng, Năm Đây, cùng con gái là chị Hai Phiêng đã tìm mọi cách chuyển hàng tấn vũ khí giao cho anh Ba Bảo, Năm Lai và các anh khác chuyên chở vũ khí vào Sài Gòn.
Sau khi đi Củ Chi, tôi về đất Long An với Đồng Tháp Mười, Đồng Dù, Tây Ninh… Đến đâu tôi cũng được giúp đỡ của bà con cô bác rất thịnh tình. Khi tới vùng Đồng Dù, đây là ổ sốt xuất huyết, để lấy tài liệu, lúc trở về Sài Gòn, tôi không thể tránh khỏi một trận sốt xuất huyết kinh hoàng. Cả thân hình, mặt mũi tôi đều đỏ lên như một vầng cơm cháy. Những ngày tôi ốm nặng nhất, tôi được vợ chồng anh Năm Lai, Ba Mử, bà Ba Chích cùng một số anh em biệt động đã lần lượt mang thức ăn, thuốc uống cho tôi. Sau 10 ngày, bệnh thuyên giảm, tôi lại tiếp tục đến gặp các chiến sĩ biệt động, gia đình cơ sở và hầu hết các cơ sở biệt động ở ngoài vùng ven Sài Gòn trước đây.
Thời gian tôi ở lại lấy tài liệu ở Sài Gòn và các tỉnh là từ đầu tháng 5 đến hết tháng 7. Tôi đã ghi chép tài liệu đến cuốn sổ công tác thứ 10. Kiểm tra lại tài liệu của mình thấy tương đối đầy đủ, tôi đã đi máy bay quân sự về sân bay Gia Lâm, rồi đi nhờ xe về Tòa soạn.
Tôi lên báo cáo công việc với Tổng biên tập Nguyễn Đình Ước và Phó tổng biên tập Trần Công Mân. Các thủ trưởng đều nói:
- Cậu nghỉ ngơi ít ngày cho lại sức. Có thể về thăm vợ con, bố mẹ mấy ngày rồi xuống viết bài ngay.
Sau 4 ngày về quê tôi trở lại Tòa soạn. Từ đó tôi cắm đầu cắm cổ để viết bài.
Trước khi đi Chiến dịch Hồ Chí Minh thì đồng chí Tổng biên tập có nói với tôi:
- Nguyễn Thanh cố gắng viết lấy 5-7 kỳ như viết “Biệt động thành Quy Nhơn”. Nếu kịp đăng vào ngày kỷ niệm Báo Quân đội nhân dân ra số đầu tiên 20-10 thì tốt.
Tôi viết một mạch trong thời gian tháng 8, tôi áng khoảng đã được gần 20 kỳ đăng tải. Tôi đem đến cho các anh Đào Toán trưởng phòng, Vũ Thụy phó trưởng phòng, và anh Hàn Thụy Vũ. Ba anh thay nhau đọc từ đầu tháng 9 đến đầu tháng 11 thì vẫn chưa thống nhất ý kiến. Phó tổng biên tập Trần Công Mân đã gọi tôi lên gặp, anh nói:
- Cậu viết bài đến đâu rồi?
- Báo cáo thủ trưởng, tôi đã nộp cho các anh phụ trách phòng từ đầu tháng 9, nhưng các anh chưa thống nhất ý kiến.
- Ngay bây giờ cậu lấy lại bản thảo đưa tôi xem.
Tôi nhanh chóng cầm tập bản thảo lên báo cáo với anh Mân.
- Cậu để đó tôi xem.
Chỉ gần một ngày anh Mân đã gọi tôi lên:
- Ký “Biệt động Sài Gòn” cậu viết được rồi đấy. Cậu có thể viết tiếp được nữa không?
- Dạ tôi viết được ạ.
Và ký sự “Biệt động Sài Gòn” của tôi được đăng tải từ đầu tháng 12 năm 1975 gồm 30 kỳ, trong đó có 20 kỳ viết trước và 10 kỳ viết đuổi.
Còn gì vui mừng khi được nhiều lời khen của bạn đọc trong cả nước. Cuộc giao ban cuối năm 1975, đồng chí Tổng biên tập Nguyễn Đình Ước đã nói trước cán bộ, biên tập viên, phóng viên của Tòa soạn: “Nguyễn Thanh đã làm rạng danh Tòa soạn Báo Quân đội nhân dân và quân đội ta”.
Tôi vô cùng vinh hạnh bởi những ký sự viết về “Biệt động Sài Gòn” đã được đồng bào chiến sĩ trong cả nước khen ngợi.
Sau năm 1981 tôi còn được Hãng Phim truyện Việt Nam cử người đến nhờ viết kịch bản Phim “Biệt động Sài Gòn”. Ký sự Biệt động Sài Gòn cũng như Kịch bản Phim truyện: “Biệt động Sài Gòn” của tôi đã đem đến cho hàng chục triệu người một niềm phấn khởi về tinh thần, đậm màu sắc chính trị, đã chuyển tải cho mọi người thấy một phần những sự thật của cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc Việt Nam. Đó là sự thật lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến đấu giành thống nhất Tổ quốc vinh quang.
Phóng viên chiến tranh (Kỳ 1)
Phóng viên chiến tranh (Kỳ 2)
Phóng viên chiến tranh (Kỳ 3)
Nguyễn Thanh