QĐND Online - Nằm ở lưng chừng núi nhưng, đường vào Pờ Ma Hồ (xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ – Lai Châu) hôm nay đã dễ đi hơn nhiều. Con đường đất đỏ dẫn vào bản hằn đầy vết bánh xe máy, người dân vùng núi cao này đã không còn xa lạ gì với tiếng động cơ xe máy bởi lâu nay đó là phương tiện đi lại chính của tất cảc các hộ dân nơi này.
Pờ Ma Hồ hôm nay
Nằm ở xã biên giới, có cửa khẩu biên giới Ma Lù Thàng đang chuyển mình đi lên, Pờ Ma Hồ đã biết tận dụng và phát triển lợi thế để phát triển kinh tế, hướng tới mục tiêu xoá đói giảm nghèo cho người dân. Một con số có thể khiến nhiều người ngạc nhiên về sự phát triển kinh tế của bản vùng cao biên giới này là gần 100% số hộ trong bản có xe máy, cá biệt có 4 hộ có tới 2 xe để làm phương tiện đi lại và vận chuyển hàng hoá. Theo ông trưởng bản Tẩn Chìn Ngan thì sớm muộn những hộ này cũng sẽ có xe để đi làm rẫy ở xa. Con số này cho ta thấy tình hình phát triển của một bản vùng cao biên giới, một con số đáng mừng và đáng tự hào.
 |
Chợ vùng cao (ảnh internet) |
Nhìn từ xa bản Pờ Ma Hồ nổi bật lên giữa màu xanh của núi rừng, ruộng nương, màu trắng từ những mái nhà lợp tấm phi-brô xi-măng trong chương trình xoá nhà tạm của Chính Phủ (nguồn vốn 134). Hầu hết các hộ trong bản đã thực hiện xoá nhà tạm, dựng nhà kiên cố với tấm lợp của nhà nước. Còn một số hộ chưa dựng được nhà, nhưng tấm lợp của đã được đưa về tận bản, do mới tách hộ nên các hộ này chưa dựng được nhà mới. Người dân rất phấn khởi bởi nhiều gia đình nhà đã dột nát mà chưa có điều kiện thay mới, nay được nhà nước hỗ trợ, nhiều nhà đã có nhà mới để ở, không còn phải ở nhà tạm bợ như trước đây.
Con đường dẫn lên vùng ruộng bậc thang của bản đất bị dầy nát nhừ bằng những vết chân trâu lực lưỡng trong vụ cấy. Ông Ngan cho biết, mặc dù vẫn còn nhiều hộ nghèo nhưng trong bản không còn hộ đói, hiện tượng đứt bữa với các hộ trước đây là nỗi lo kinh niên đến nay đã không còn. Hằng năm trung bình mỗi hộ cũng thu hoạch được 50 bao thóc (ước đạt 2,5 tấn) ngoài ra còn nhiều loại lương thực khác, tính bình quân quy thóc đầu người của bản đạt hơn 300kg/người/năm. Nhìn những bậc thang xanh của bản, có những ruộng mới cấy, có ruộng lúa đã xanh cây, bờ vùng bờ thửa được be đắp gọn gàng, cỏ dại được dọn sạch, nước lúc nào cũng ăm ắp hứa hẹn thêm một mùa vàng thắng lợi.
Cái bụng đã no, người dân phấn đấu để “no” thêm con mắt. Những ống bương, ống mai thật to được chọn dùng để dẫn nước chạy máy phát điện. Có điện, bà con sắm ti vi, mỗi máy phát điện mini như vậy cũng đủ để chạy một ti vi và hai bóng điện. Mới đến cửa nhà ông Ngan đã thấy tiếng phát thanh viên đài truyền hình Việt Nam đang đọc bản tin thời sự. Một tốp thanh thiếu niên bản đang xem nhờ ti vi vì hiện tại bản mới đủ điện cho 6 ti vi nên các nhà có ti vi cũng sắn lòng phục vụ “khán giả” cả ngày được.
Ngay đầu bản có một trường học xây kiên cố, khang trang từ nguồn vốn của nhà nước. Ngày trước, khi chưa có trường học này, trẻ em trong bản phải đi học cách nhà 3km. Nay có trường, có thầy giáo ở lại bản, trẻ em được đi học đầy đủ. Năm học trước toàn bộ trẻ em ở bản đã được đến trường. Tẩn Phủ Lùng một thanh niên trong bản mới học hết lớp 6 phải bỏ học vì điều kiện gia đình và vì trường quá xa, nhìn thấy ngôi trường mới mà nhớ lại những ngày phải trèo đèo lội suối: “trẻ con bây giờ sướng rồi”.
Bắt đầu từ nhận thức
Trước đây còn đói nghèo người dân ước mơ có một cuộc sống ổn định, ấm no. Nay ước mơ đó đã là hiện thực. Được như vậy Nhà nước giúp đỡ tạo điều kiện cũng nhiều nhưng động lực cơ bản để thoát nghèo chính từ bà con. Nói đúng hơn là nhận thức của bà con đã thay đổi, đã được nâng cao theo chiều tích cực.
Bản đã thực hiện thành công công tác dân số kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ). Từ năm 2000 bản đã không có người sinh con thứ 3. Sáu năm nay không có hộ gia đình nào tiếp tục sinh con “ngoài kế hoạch”. Gia đình ông Ngan chỉ có 3 người con, khi có cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch gia đình ông không sinh thêm nữa. Hiện con lớn của ông đã xây dựng gia đình riêng, khuân mặt rạng rỡ còn dính chút bùn cấy, trò chuyện với chúng tôi ngay trên lán lúa ông bộc bạch: “Mình đẻ “nhều”, mình không có “nhều” giờ mình đi làm lúa làm ngô”. Trong cái chất giọng còn đậm chất thô mộc, ta nhận ra được sự thay đổi lớn lao trong nhận thức của bà con không chỉ trong vấn đề dân số KHHGĐ mà còn trong nhiều vấn đề quan trọng khác
Sự thay đổi đó giúp cho bà con nhanh nhạy hơn trong việc phát triển kinh tế. Đường vào Pờ Ma Hồ là những triền núi, triền đồi trồng đầy ngô, sắn. Thậm chí có chỗ bà con thu hoạch sắn, phơi ở ven đường, gặp mưa thu không kịp bỏ mốc bên đường. Trước đây bà con không trồng nhiều sắn và ngô như hiện nay mà tập trung vào trồng chuối bán sang Trung Quốc. Nhưng nay, khi thị trường nước bạn không thu mua nữa, cần nhiều ngô, sắn, bà con đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ chuối sang ngô và sắn để xuất khẩu. Tư tưởng sản xuất tự túc, tự cấp đã nhường chỗ cho suy nghĩ làm giàu, thoát nghèo. Việc sản suất không chỉ phục vụ nhu cầu của chính mình mà còn là sản xuất hàng hoá, tư tưởng này đã thúc đẩy người dân tăng gia sản xuất mạnh mẽ hơn. Mỗi năm ước tính bản sản xuất và xuất bán được hơn 200 tấn ngô cho bên bạn. Đây là một con số không nhỏ so với cái quy mô khiêm tốn 39 bản này.
Từ nhu cầu thị trường cũng như để thoát khỏi cái dớp nghèo bao đời bản đã chuyển từ xen canh lúa ngô trong năm, tăng từ 1 vụ lúa 1 vụ ngô sang làm 1 lúa 2 ngô. Được Phòng kinh tế huyện Phong Thổ hỗ trợ giống tốt, người dân lại trồng hai vụ nên năng suất đã cao hơn hẳn. Nhìn những vạt ngô, sắn bạt ngàn xanh mướt ven đồi ta có thể tin tưởng ở một tương lai sán lạn cho chốn vùng cao bao năm mây phủ này.
Ngoài việc xác định “trồng cây gì”, bà con cũng khẳng định “nuôi con gì”. Đàn trâu của bản có hơn 120 con nhưng chủ yếu dùng làm sức kéo nông nghiêp. Đàn lợn trước đây cũng đến vài trăm con nhưng do dịch bệnh nên bà con phải thiêu huỷ, hiện chưa hết dịch nên chưa gây lại. Tận dụng nguồn nước đầu nguồn phong phú bà con cũng đào ao thả cá vừa cung cấp thực phẩm cho gia đình vừa phục vụ nhu cầu của người dân cửa khẩu.
Niềm tự hào của xã
Khi được hỏi về tình hình phát triển kinh tế của xã, ông tân chủ tịch xã Ma Ly Pho - Tẩn Phủ Sò luân miệng nhắc về Pờ Ma Hồ, đây là một điểm sáng về phát triển kinh tế của xã. Ngoài khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng đang dược đầu tư xây dựng phát triển, đây là bản kinh tế phát triển nhất xã. Tuy vậy ông trưởng bản vẫn coi đó chỉ là thành quả ban đầu không đáng nói.
Mặc dù bản vẫn là bản nghèo nhưng cách thức làm ăn, đi lên của bản là một tấm gương cho nhiều bản khác không chỉ trong xã mà trong huyện, tỉnh. Biết tận dụng và phát triển tiềm năng, biến những thuận lợi thành những hiệu quả kinh tế cụ thể là điều không phải nơi nào cũng làm được.
Vào bản chúng tôi gặp 3 chiếc xe máy mang biển biển số tỉnh khác lên đây bán nồi đúc. Không phải ngẫu nhiên mà những người lái buôn miền xuôi lại biết đường vào bản làng xa xôi này. Hẳn Pờ Ma Hồ phải có một tiếng tăm nên những người buôn nồi kia mới biết đường lặn lội vào đây chào hàng.
Nhìn từ xa Pờ Ma Hồ cũng giống như bao bản làng người dân tộc thiểu số khác sống trên núi cao. Những mái nhà lợp ngói phi-brô xi-măng trắng lấp loá trong làn sương nhẹ. Bản đang từng ngày phát triển, đã có điện, có nước sạch về bản, có ti vi để nắm bắt thông tin, trẻ em đã được đến trường… Những điều này tưởng như đơn giản nhưng để làm được như vậy không phải địa phương, bản làng nào cũng làm được. Pờ Ma Hồ là một tấm gương cho nhiều bản khác noi theo. Trước khi chia tay ông chủ tịch xã còn chỉ cho cho cho chúng tôi một vạt ngô xanh mướt, đẫy đà nằm ngay sát trục Quốc Lộ 100, đó là nương ngô của Pờ Ma Hồ…
Khánh Kiên