Người Khơ Mú là một trong 3 dân tộc thiểu số sinh sống tại xã Mai Sơn, một xã biên giới thuộc huyện Tương Dương (Nghệ An) cùng với người Thái, người Mông.
Người Khơ Mú tập trung chủ yếu ở hai bản Chà Lò 1 và Chà Lò 2. Đây là hai bản đặc biệt khó khăn của xã do chưa có ruộng nước để canh tác. Bản Chà Lò 1 có 46 hộ gia đình người Khơ Mú với 225 nhân khẩu sinh sống. Bản Chà Lò 2 có 56 hộ gia đình với 270 nhân khẩu.
 |
Máy múc san đất rừng để tạo ruộng nước ở bản Chà Lò (xã Mai Sơn, huyện Tương Dương, Nghệ An).
|
Theo bà Lô Thị Hương, Phó chủ tịch UBND xã Mai Sơn: Khó khăn lớn nhất của địa phương chính là không thể mở rộng diện tích ruộng nước để người dân có kế sinh nhai, trong khi các hình thức khác để đa dạng hóa sinh kế cũng gặp nhiều khó khăn và chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Diện tích rừng trung bình do người dân Khơ Mú quản lý ở đây khoảng 5ha/gia đình trong khi mức phí Nhà nước hỗ trợ theo quy định hiện nay là 286.000 đồng/ha/năm. Đây là con số thấp nên người dân phải tìm nhiều cách để sinh sống. Theo đó, từ giữa năm 2017, Ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan trao đổi tìm phương hướng giải quyết giúp đồng bào Khơ Mú phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Giải pháp đầu tiên được chính quyền địa phương tính đến là cải tạo đất rừng trở thành đất trồng lúa. Theo đó, Ban quản lý rừng, chính quyền địa phương và kiểm lâm đã khảo sát nhiều lần, tiến hành lựa chọn vùng rừng thấp, ít cây to và thưa để khai khẩn. Sau khi đánh dấu giới hạn cẩn thận mới bàn giao cho người dân. Đây là khu vực đất sỏi đá, thiếu nước nên muốn cải tạo thành ruộng nước là vấn đề không đơn giản. Chính quyền địa phương đã phải tiến hành nhiều cuộc họp với dân để tìm kế hoạch cải tạo. Theo đó, dưới sự hỗ trợ và giám sát của trạm bảo vệ rừng với chính quyền xã, người dân cùng đóng góp tiền để thuê xe máy đào, máy xúc san đất tạo thành những thửa ruộng bậc thang. Sau một năm khảo sát, lựa chọn và tiến hành cải tạo, giữa năm 2018, những thửa ruộng nước ở Chà Lò được đưa vào canh tác. Đến nay, lúa trên cánh đồng này đã đơm bông, dù chưa thể so với các cánh đồng màu mỡ lâu năm khác nhưng vụ lúa đầu tiên cũng mang theo nhiều hy vọng đối với người dân Khơ Mú ở Chà Lò.
Trên cơ sở bước đầu cải tạo một khoản rừng thưa ở vùng thấp và ít cây cối hơn thành ruộng nước cho người dân, Ban quản lý rừng đang tiếp tục xem xét để phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát và lựa chọn những khu vực có thể cải tạo thành ruộng nước. Vì chỉ có ruộng nước để canh tác mới làm cho người dân không tự tiện vào rừng chặt đốt cây làm rẫy. Nhưng việc cải tạo những khu vực khó khăn này thành ruộng nước không dễ và khá tốn kém. Bên cạnh đó, cũng phải xem xét nhiều vấn đề liên quan đến việc giám sát, bảo vệ rừng. Từ thực tế cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở huyện Tương Dương nói chung, xã Mai Sơn nói riêng cho thấy: Nghiên cứu, lựa chọn và cải tạo một phần nhỏ diện tích đất rừng thành ruộng nước là một cách để ổn định cuộc sống người dân và cũng là để bảo vệ rừng. Khi chính quyền và các bên liên quan chủ động làm như vậy sẽ dễ quản lý hơn so với việc người dân cứ lẩn trốn vào khai phá trái phép trong rừng để canh tác. Tuy nhiên, khi thực hiện phải thật sự nghiêm túc, nếu không sẽ tạo điều kiện để người dân khai phá tràn lan. Do vậy, các ngành chức năng cùng chính quyền địa phương phải khảo sát cụ thể và vẽ bản đồ cẩn thận khi làm hồ sơ, đánh dấu giới hạn được cải tạo. Khu vực xung quanh cũng phải khảo sát kỹ, đánh dấu từng cây cao và kiểm tra giám sát chặt chẽ từ lúc tiến hành cải tạo cũng như quá trình canh tác. Đồng thời, chính quyền các cấp cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về ý thức bảo vệ rừng, yêu cầu người dân làm cam kết gìn giữ khu vực rừng xung quanh ruộng mới. Chỉ cần thiếu trách nhiệm có thể sẽ tạo điều kiện cho người dân phá rừng. Vậy nên chính quyền địa phương và đặc biệt là cán bộ quản lý rừng phải sát sao và thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm.
BÙI HÀO