 |
Đoàn cán bộ cơ quan dân chính đảng tỉnh Hà tĩnh tới thăm các chiến sĩ đảo Trường Sa Lớn |
Trung tướng Trần Quang Khuê, Phó Tổng tham mưu trưởng, trả lời phỏng vấn báo Quân đội nhân dân nhân chuyến thăm và làm việc với quân, dân huyện đảo Trường Sa...
PV: Đồng chí đánh giá như thế nào về cuộc sống hiện tại ở nơi đầu sóng ngọn gió này?
Trung tướng Trần Quang Khuê: Mùa này thời tiết, khí hậu ở Trường Sa khá thuận. Sóng yên, biển lặng, nhiệt độ ngoài trời thường ở mức 26 đến 28 độ C, dù chưa phải mùa mưa nhưng thỉnh thoảng những cơn gió Tây Nam đem theo những đám mây mỏng, tạo ra nhưng hạt mưa bay làm mát lòng người. Đã nhiều năm gắn bó với huyện đảo, nên mỗi lần trở lại tôi thấy mình như đứa con đi xa trở về. Vì thế tôi dành nhiều thời gian tâm sự, tìm hiểu tâm tư, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ, quan sát nơi ăn, chỗ ở của anh em. Rất mừng là rau xanh mùa này tươi tốt. Chật hẹp như đảo Đá Đông A, Núi Le và ngay cả nhà giàn DK1, anh, em cũng thu hoạch bình quân 70kg rau/một người/năm (chỉ tiêu là 35kg/người/năm). Ở đảo Trường Sa Đông có thời điểm 6 tháng liền không có một hạt mưa, nhưng hằng ngày mỗi cán bộ, chiến sĩ vẫn có bình quân 40 lít nước ngọt. Hay như đảo Đá Tây A, ngoài việc chăn nuôi lợn, chó, gà, cán bộ, chiến sĩ còn nuôi được cả ngan, vịt. Thời điểm này, đất liền ra mang theo nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ cuộc sống trong điều kiện giá leo thang, nhưng nhờ tích cực chuẩn bị trước, lại chịu khó tăng gia nên cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ trên huyện đảo không mấy ảnh hưởng. Tất nhiên về phần mình, các cơ quan chức năng ở đất liền đã xây dựng xong chế độ, tiêu chuẩn mới phù hợp với thực tế đời sống hiện nay và sẽ được thực hiện ngay trong tháng 5. Có thể khẳng định sự chăm lo chu đáo của đất liền, sự nỗ lực vươn lên của quân và dân huyện đảo đã làm cho cuộc sống nơi đầu sóng, ngọn gió này ngày một khởi sắc.
PV: Thưa đồng chí! Công tác huấn luyện ở vùng biển, đảo có đặc thù và khó khăn riêng, liệu điều đó có ảnh hưởng đến chất lượng huấn luyện?
Trung tướng Trần Quang Khuê: Thực hiện sự chỉ đạo của trên, Đoàn 146 đã huấn luyện đúng phương châm cơ bản, thiết thực, vững chắc, đồng bộ và chuyên sâu. Cán bộ trước khi ra đảo đã nhận thức tốt vai trò, nhiệm vụ chiến lược biển, đảo của Đảng và Nhà nước. LLVT trên đảo được huấn luyện thuần thục, nắm chắc các phương án tác chiến. Đặc biệt, 100% cán bộ, chiến sĩ ra đảo đều bơi lội tốt. Qua thực tế kiểm tra, tôi thấy cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo đã xác định tốt nhiệm vụ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ. Các chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực chiến, quan sát, tuần tra được duy trì thành nền nếp, phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của từng đảo, điểm đảo. Các đảo kịp thời phát hiện, xử lý đúng đối sách với các trường hợp tàu, thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền. Các phương án tác chiến phòng thủ đảo, phòng, chống bão, cứu hộ cứu nạn được tổ chức chặt chẽ, chuẩn bị đầy đủ. Việc huấn luyện đêm, huấn luyện trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt đã góp phần rèn luyện trình độ chỉ huy của cán bộ và hành động của chiến sĩ. Qua kiểm tra bắn đạn thật trên một hướng ở một số đảo, anh em đều bắn giỏi, diệt mục tiêu ngay từ loạt đạn đầu. Điều đó chứng tỏ quân, dân huyện đảo đã bảo quản tốt vũ khí, trang bị kỹ thuật, phục vụ kịp thời yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ biển, đảo.
PV: Qua thực tế, nhất là kinh nghiệm của bản thân, đồng chí có những ý kiến chỉ đạo, đóng góp gì để quân và dân huyện đảo tiếp tục vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin cậy của đất liền?
Trung tướng Trần Quang Khuê: Chỉ huy đảo cần thường xuyên phổ biến, tuyên truyền kiến thức pháp luật quốc tế liên quan đến biển, đảo, cập nhật tình hình quan hệ đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta với các nước láng giềng. Việc huấn luyện chuyên biệt, tổ chức ăn, ở phải được tổ chức chặt chẽ hơn. Muốn làm tốt công tác này, trước hết huyện đảo cần hoàn chỉnh hệ thống giao thông hào và các chiến hào. Việc vệ sinh môi trường, xử lý chất thải phải khoa học hơn. Huấn luyện, đặc biệt huấn luyện bơi ngoài biển phải đặt công tác bảo đảm an toàn lên hàng đầu và nhất thiết phải có tàu trực cảnh giới. Vật chất, đồ dùng huấn luyện trên đảo khó bền nhất là trong điều kiện thời tiết mưa bão, neo giữ ngoài biển, vì thế các cấp cần quan tâm bảo đảm đầy đủ hơn. Việc huấn luyện sử dụng xuồng CQ cần sớm được triển khai để bộ đội nhanh chóng nắm vững tính năng, tác dụng vận hành thành thạo, thực hiện tốt chức năng tuần tra, xua đuổi tàu thuyền xâm phạm biển, đảo.
Trước đây, để bảo đảm an toàn, chỉ huy không cho phép cán bộ, chiến sĩ đánh bắt khai thác hải sản, nhưng điều kiện thực tế hiện nay, nhất là phương tiện đánh bắt hợp lý, có hệ số an toàn cao nên có thể cho phép các đơn vị kết hợp với ngư dân hiện đang sinh sống trên các đảo tổ chức đánh bắt hải sản, cải thiện cuộc sống. Đẩy mạnh việc nuôi gia cầm để hạn chế sử dụng thực phẩm đông lạnh. Tăng cường các biện pháp hỗ trợ về thông tin để tình cảm giữa đảo xa với đất liền nhanh nhạy, gần gũi hơn.
Thời gian ở đảo tuy không nhiều, nhưng tôi đã dành thời gian để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ trên các điểm đảo. Anh em, kể cả những người đã có thâm niên hơn 10 năm ở các đảo luôn tin tưởng và yên tâm thực hiện nhiệm vụ. Song có thực tế là không ít gia đình quân nhân ở hậu phương còn nhiều khó khăn, nhất là chỗ ở và việc làm của vợ, con. Hy vọng các cấp chính quyền ở các địa phương chung vai giúp các gia đình có chồng, con đang công tác ở biển, đảo còn nhiều khó khăn dần ổn định cuộc sống.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
ĐỖ NAM THẮNG
(thực hiện)