Những giá trị văn hóa, kinh tế, chính trị mà lễ hội mang lại là không thể phủ nhận. Nhưng không phải ngẫu nhiên mà dân gian đã đúc kết: “Vui xem hát, nhạt xem bơi, tả tơi xem hội”. Những năm gần đây, khá nhiều địa phương tổ chức lễ hội với “số lượng nhiều, mật độ dày” làm cho cái sự “tả tơi” của lễ hội thêm bùng nhùng, phức tạp và gây ra nhiều hệ lụy phiền toái cho cuộc sống hôm nay.
Những biến tướng làm méo mó lễ hội
Hội nghị sơ kết công tác quản lý lễ hội 6 tháng đầu năm 2010 tổ chức tại Hà Nội trung tuần tháng 6 mới đây đã “nóng bỏng” ngay từ đầu khi nhiều nhà văn hóa, nhà quản lý đã thẳng thắn đề cập đến đến khá nhiều bất cập nảy sinh trong lễ hội thời gian gần đây.
Qua theo dõi tình hình thực tế, ông Nguyễn Đạo Toàn, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cho biết, lễ hội đền Trần đã bị biến tướng khoảng chục năm trở lại đây. Theo sử sách, khai ấn là nghi thức mở đầu cho một năm làm việc của bộ máy chính quyền thời nhà Trần và sau này được người dân Nam Định duy trì thành một mĩ tục nhằm tưởng nhớ công đức các vua Trần. Ngày nay, người dân đến dự lễ hội này ngoài tâm thức hướng về nguồn cội, còn muốn xin được “ấn tín vua ban” với khát vọng được phát tài, thành danh. “Nhưng, lễ khai ấn đền Trần đầu xuân Canh Dần có khoảng 50.000 lượt người về dự, do ý thức kém đã dẫn đến cảnh chen lấn, xô đẩy hết sức hỗn loạn. Trong số đó, có không ít người là cán bộ, công chức ở các tỉnh, thành phố lớn. Thế nên, người ta có cảm giác, cán bộ, công chức đi dự lễ hội này chỉ nhằm mục đích mong được... thăng quan tiến chức nhiều hơn là đi cầu phúc”- ông Toàn bày tỏ.
Ở lễ hội Phủ Giầy và đền Bà Chúa Kho, rất nhiều người dân mua những con ngựa vàng mã to như ngựa thật và những “hình nhân” cũng giống như người thật rồi... đốt. Hành vi này không chỉ làm ô nhiễm môi trường, mà còn là biểu hiện mê tín dị doan thái quá và gây lãng phí lớn. Còn việc treo biển giả ở chùa và làm “sư giả”, “thánh giả” ở chùa Hương chẳng khác nào một sự “buôn thần bán thánh” hết sức thô thiển.
 |
Một cảnh bát nháo, náo loạn không đáng có đã xảy ra tại Lễ hội Gióng Phù Đổng 2010. |
Có mặt tại lễ hội Gióng Phù Đổng 2010, chúng tôi cũng không khỏi chạnh lòng khi được tận mắt chứng kiến một số thanh niên địa phương trong các vai quân của “Ông Gióng” đã tự ý gây xích mích nhau, gây ra cảnh bát nháo khiến các lực lượng chức năng như công an, bảo vệ, dân quân phải can thiệp rất vất vả. Hay như lễ hội Lim truyền thống Bắc Ninh, chúng tôi nhìn thấy một số liền anh, liền chị vừa hát Quan họ, vừa ngả nón quai thao xin tiền du khách rất vô duyên!
Lễ hội triền miên, hao tiền tốn sức
“Phú quý sinh lễ nghĩa”. Vào mùa lễ hội, từ Bắc vào Nam, ở đâu có đình, đền, chùa, miếu là ở đó có mặt người dân đi cầu nguyện. Hiện nay cả nước có gần 8.000 lễ hội lớn, nhỏ diễn ra quanh năm, nhưng tập trung nhiều nhất vào những tháng mùa xuân. Như vậy, tính bình quân mỗi ngày trên đất nước ta có gần 22 lễ hội. Thực tế, đua nhau tổ chức lễ hội đang trở thành “mốt thời thượng” của không ít địa phương, trong đó, đáng nói nhất là lễ hội chọi trâu.
Ở Việt Nam, hai lễ hội chọi trâu có truyền thống lâu năm nhất là Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng) tổ chức vào ngày 9 tháng 8 âm lịch và Lễ hội chọi trâu ở xã Hải Lựu, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) tổ chức vào 16 tháng Giêng hằng năm. Lễ hội chọi trâu là một lễ hội độc đáo, thu hút nhiều người dân hiếu kỳ tham gia. Nhưng dư luận cũng từng băn khoăn, phiền lòng vì kéo theo nó là nhiều hệ lụy như: Nạn cá cược “trâu thắng, trâu thua” mà thực chất là một hình thức cờ bạc trá hình; giá mỗi cân thịt của “ông trâu” giành giải vô địch có lúc bị đẩy lên cả triệu đồng đã vô hình chung cổ vũ cho lối sống ăn chơi thái quá.
Ấy thế mà đầu năm Canh Dần 2010, xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh (Phú Thọ) đã khôi phục lễ hội chọi trâu (ngày 16 tháng 2 âm lịch) mà người dân từng “nuối tiếc” đã bị mai một hơn 60 năm qua. Trước đó, ngày 10 và 11 tháng Giêng, ngược lên hơn trăm cây số, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) cũng tổ chức lễ hội chọi trâu.
Như vậy, chỉ trong vòng một tháng, có tới ba tỉnh liền kề nhau là Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang tổ chức lễ hội chọi trâu, liệu có nên chăng? Một lễ hội giống nhau về bản chất, nhất thiết có phải tổ chức thường niên trong phạm vi bán kính gần nhau như thế? Rồi tới đây nữa, có địa phương nào lại tiếp tục mở thêm lễ hội chọi trâu?
Nói về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho biết:
- Theo tôi, những lễ hội mà nội dung của nó nhàm chán, lặp lại hoặc na ná như nhau thì kiên quyết không cấp phép tổ chức. Nếu địa phương nào cố tình tổ chức những loại lễ hội như thế thì phải chịu trách nhiệm.
Kỷ lục lễ hội và con bài “đánh bóng thương hiệu”
Vì mục đích “thương mại hóa” đơn thuần, một số đơn vị, doanh nghiệp tài trợ cho các lễ hội ở một số địa phương đã nghĩ ra chiêu... xác lập kỷ lục trong lễ hội về một vật thể (lớn nhất, cao nhất, to nhất) hay nội dung hoạt động (hoành tráng nhất, số lượng người tham gia nhiều nhất) để “lôi kéo” công chúng tham gia càng đông, càng tốt.
Số liệu thống kê mới đây của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: Hiện nay cả nước ta có 7.966 lễ hội. Trong đó có 7.039 lễ hội dân gian (chiếm 88,4%); 332 lễ hội lịch sử cách mạng (4,2%); 544 lễ hội tôn giáo (6,8%); 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam và 40 lễ hội khác. Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2010, đã có 18 festival được tổ chức ở các địa phương.
|
Còn nhớ cách đây ba năm, một đơn vị ở Thành phố Hồ Chí Minh đã có lòng “hảo tâm” cung tiến các vua Hùng tại Lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ) một chiếc bánh chưng và một chiếc bánh giầy “khổng lồ”. Chỉ tiếc rằng, sau khi cắt ra thì bên trong bánh chưng đã thiu vữa, mốc xanh, còn nhân bánh giầy thì được làm bằng... mút xốp hóa học!
Cũng vào Lễ hội Đền Hùng năm nay, Công ty cổ phần AVINAA đã làm một chai rượu “khủng” với dung tích 4.000 lít để cung tiến các vua Hùng. Lợi ích chưa thấy đâu, nhưng ngay sau khi xuất hiện “chai rượu vĩ đại” kia, dư luận đã lên tiếng gay gắt về hành vi “chơi trội” thô thiển và thái quá của những người trong cuộc.
Còn khá nhiều kỷ lục khác nữa đã được xác lập tại các lễ hội, festival, nhưng phần lớn những kỷ lục đó không mang nhiều giá trị thiết thực phục vụ cuộc sống là mấy, mà nó chỉ có ý nghĩa “mua vui, đẹp mắt” du khách nhất thời rồi cho vào bảo tàng, thậm chí để vào kho... xếp xó!
Nói về sự thương mại hóa và những biến tướng trong lễ hội, tôi còn nhớ mãi cái nhíu mày đăm chiêu và lời giãi bày từ ruột gan của GS.TS Tô Ngọc Thanh:
Đó như một “vết cắt” làm đau bản sắc văn hóa dân tộc mà ông cha ta đã bền bỉ vun đắp, tạo dựng nên hàng nghìn năm qua. Nỗi đau này không rỉ máu, nhưng xót xa lắm!
Bài và ảnh: Thiện Văn
Bài 1: Hành trình tìm về nguồn cội
Bài 3: Phúc thần ai hưởng, lộc thánh ai... xơi?