QĐND Online - Hơn bốn mươi năm về trước, Dan Tucker - một cựu chiến binh Mĩ đã từng tham chiến tại Việt Nam. Với ông, cuộc chiến tranh mà Mĩ đem đếm cho Việt Nam không như ông mường tượng và ngay cả những giao giảng của chính quyền hồi đó là đem tự do đến cho Việt Nam. Vỡ lẽ trước những điều mắt thấy tai nghe, chứng kiến những cái chết thương tâm, những mất mát hy sinh quá lớn của nhân dân Việt Nam, sau nhiều năm tham chiến, ông được trở về nước. Ân hận về những năm tháng phục vụ quân đội Mĩ tại Việt Nam... 35 năm sau ngày Việt Nam hoàn toàn giải phóng, Dan Tucker đã quay trở lại mảnh đất từng chịu nhiều bom đạn cày xới, lần này ông không phải cầm súng nữa mà ông quay lại để giúp Việt Nam tìm những hài cốt quân giải phóng đã hy sinh do chính ông trực tiếp chỉ huy chôn cất.
Cuối năm 2009, sau gần 40 năm, quân đội Mĩ rút khỏi chiến trường Việt Nam, ông Dan Tucker đã được tiếp cận những tư liệu về cuộc chiến tranh Việt Nam do Đoàn cựu chiến Mĩ (VVA) thực hiện. Qua thước phim về những trận đánh ác liệt giữa quân cách mạng và quân đội Mĩ tại Thừa Thiên- Huế, ông Dan Tucker đã liên lạc và tìm đến với VVA, tình nguyện theo đoàn sang Việt Nam, cung cấp hồ sơ, các thông tin liên quan đến trận đánh tại đèo Phước Tượng (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên- Huế).
 |
Ông Dan Tucker cùng đoàn tìm kiếm băng rừng đến vị trí chôn cất tập thể chiến sĩ Quân Giải phóng nằm ở thung lũng Bowling.
|
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên- Huế vào ngày 18-3-2010, ông Dan Tucker, khẳng định: ông chính là nhân chứng duy nhất đang canh cánh trong lòng nhiệm vụ thiêng liêng mà 40 năm qua ông chưa có cơ hội thực hiện, đó là: Ngày 19-6-1969, sau trận chiến đấu tại căn cứ pháo binh Tomahawk đêm ngày 18 rạng sáng ngày 19-6-1969, ông Dan Tucker đã ra lệnh cho những người chôn cất thi thể những chiến sĩ quân giải phóng thành một hố chôn tập thể, và không được lấy bất cứ vật dụng nào của những người đã hy sinh...
Căn cứ pháo binh Tomahawk của quân đội Mĩ – nơi diễn ra trận đánh, nằm trên ngọn núi ngay giữa đèo Phước Tượng, thuộc địa phận 2 xã Lộc Trì và Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, cách Quốc lộ 1A khoảng 1km. Trong chiến tranh, khu vực này là đồi trọc (có thể là do quân đội Mỹ rải chất khai quang) chỉ có đất và đá, còn hiện nay do sự thay đổi của thiên nhiên và con người làm cho quá trình tìm kiếm mất nhiều thời gian.
Ngày 20-3-2010, Đoàn cựu binh Mĩ gồm 5 người do ông Dan Tucker dẫn đầu đã phối hợp cùng với Liên Hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội Cựu chiến binh, Bộ Chỉ huy Quân sự Thừa Thiên - Huế và lãnh đạo, nhân dân huyện Phú Lộc đi thực địa, tham gia tìm lại ngôi mộ tập thể các chiến sĩ quân giải phóng tại đèo Phước Tượng năm xưa.
 |
Ông Dan Tucker đang cùng trao đổi với các cán bộ Bộ chỉ huy quân sự Thừa Thiên - Huế và các Cựu chiến binh từng chiến đấu tại chiến trường Trị Thiên - Huế.
|
Sau gần 5 giờ đồng hồ tìm kiếm, dưới tiết trời nắng nóng, đường dốc, cựu chiến binh Mĩ - ông Dan Tucker năm nay đã gần 70 tuổi vẫn kiên trì lần theo trí nhớ và bằng các tài liệu ông đem theo đã xác định vị trí chôn cất các chiến sĩ quân giải phóng. Tại đây, ông đã trao toàn bộ tài liệu cho các ngành chức năng Việt Nam để tiến hành khai quật và nói với những người đi theo đoàn: "... Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ mà suốt 40 năm qua cứ canh cánh bên lòng. Giờ đây, dường như tôi đang nhìn thấy những người mà tôi đã từng chỉ huy cho quân lính chôn cất..."- Ông Dan Tucker, cảm động.
Trao đổi với chúng tôi, đại tá Nguyễn Việt Dũng, Chính uỷ BCH Quân sự tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết: Theo các cựu chiến binh Mĩ thì trong trận đánh căn cứ pháo binh Tomahawk, quân đội Việt Nam có 27 người hy sinh (Chủ yếu là các chiến sĩ đặc công. Hiện chưa xác định được danh tính và đơn vị). Bộ chỉ huy sẽ sớm khai quật vị trí ông Dan Tucker đã xác định trong thời gian sớm nhất.
Ông Ngô Hoà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế xúc động: Hành trình tìm kiếm hài cốt bội đội Việt Nam và binh sĩ Mĩ mất trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam, tôi tin rằng, sẽ còn rất nhiều cựu chiến binh Mĩ như ông Dan Tucker. Cùng với sự kiện ông Dan Tucker trở lại chiến trường, giúp Việt Nam tìm lại hài cốt liệt sĩ, mong rằng thời gian tới, VVA sẽ tiếp tục có những hoạt động phối hợp với Việt Nam nhằm tìm kiếm hài cốt bộ đội Việt Nam và những binh sĩ Mĩ mất tích trong những trận đánh. Đề nghị VVA tiếp tục quan tâm đến việc khắc phục hậu quả chiến tranh, chất độc dioxin, góp phần xây dựng mối quan hệ hoà bình, hợp tác phát triển giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ.
Bài, ảnh: Trần Đình Thăng - Thắng Cường