Kỳ III: Dang dở những ước mơ
QĐND - Nhà thơ Trần Hòa Bình khi viết về Hoàng Minh Chính có đoạn: “Nếu bom đạn quân thù không cướp mất anh lúc đang giữa tuổi thanh xuân, thì người thanh niên tài hoa và đa cảm ấy chỉ có thể chọn một trong hai nghề, hoặc trở thành nhà thơ, hoặc trở thành một nhà giáo dạy văn!”.
Đêm trinh sát cuối
 |
Chân dung nhà thơ, liệt sĩ Hoàng Minh Chính.
|
Tôi và anh Vinh quyết định đi tìm đồng đội của nhà thơ để hiểu thêm về quãng thời gian trước khi Hoàng Minh Chính hy sinh. Sau hơn một tháng đi dò hỏi, liên hệ, đầu tháng 8-2011, anh Vinh báo tin với tôi: “Đã tìm thấy một số đồng đội của anh Chính. Đặc biệt, có anh Lê Quốc Chính, người cùng đại đội và rất thân với anh tôi. Hiện anh Chính đang ở Thanh Hóa”. Thế là chúng tôi khăn gói vào Thanh Hóa tìm gặp anh Lê Quốc Chính. Trò chuyện với chúng tôi, anh Lê Quốc Chính cho biết: “Khi nhập ngũ, Hoàng Minh Chính thuộc quân số của Sư đoàn 312 vào chiến đấu ở Mặt trận Bắc Quảng Trị. Tháng 10-1968, Minh Chính được điều về làm Đại đội trưởng Đại đội 7, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 138 (Trung đoàn độc lập của Bộ, chiến đấu ở B5). Tôi là Trung đội trưởng Trung đội 1, thuộc đại đội của anh. Anh Chính là người sống tình cảm lại hay làm thơ, mà tôi cũng thích thơ nên hai anh em rất quý nhau”.
"Anh nhớ nhất bài thơ nào của Minh Chính?"- tôi hỏi. Dường như câu hỏi của tôi vô tình chạm vào vùng ký ức một thời khói lửa với biết bao kỷ niệm mà bấy lâu nay anh cất giữ. Bởi thế, giọng anh Quốc Chính bỗng trở nên nghẽn lại. Ngừng một lúc, anh Quốc Chính tâm sự với tôi: “Thơ của Minh Chính thì nhiều lắm! Nhưng trong đó, tôi thích nhất bài “Cô gái lái đò trên sông Cam Lộ” mà lần đầu gặp gỡ anh đã đọc cho tôi nghe. Đây là kỷ niệm về những lần đơn vị chúng tôi được các cô gái Quảng Trị lái đò đưa qua sông đánh giặc. Bài thơ ấy có đoạn: Lên bờ anh ra trận/Em đăm đăm nhìn theo/Biết bao nhiêu mơ ước/Gửi gắm trong tay chèo. Rồi những hôm chờ nhận nhiệm vụ mới, anh Chính thường hay xuống các trung đội trò chuyện, đàn hát cho chúng tôi nghe. Tuy nhiên, có điều mà chúng tôi vẫn thường thấy là anh Chính hay ngồi một mình trong đêm dưới trăng. Những lúc ấy, chúng tôi không dám lại bắt chuyện. Nhiều lần, anh em chúng tôi bày tỏ mơ ước của mình khi đất nước hòa bình, tôi quay sang hỏi anh Minh Chính: "Sau này hòa bình anh sẽ làm gì? Anh nói: Hòa bình mình muốn trở thành thầy giáo để vừa dạy học, vừa được làm thơ. Thế nhưng ước nguyện ấy của anh đã không thành”.
 |
Bài thơ "Đường về quê mẹ" của Hoàng Minh Chính.
|
Theo tư liệu mà anh Lê Quốc Chính cung cấp: Tháng 12-1969, tình hình chiến sự diễn biến ngày càng có lợi cho ta, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 138 được đổi phiên hiệu thành Đoàn 2169 nhận lệnh hành quân vào Nam Bộ. Tháng 5-1970 địch càn lớn dọc biên giới Đông Bắc Cam-pu-chia, Đoàn 2169 lại chuyển thành Tiểu đoàn 227 trực thuộc Bộ tư lệnh Miền đánh trận chống càn ngày 10-5. Trong trận này, địch dùng máy bay đổ bộ một tiểu đoàn lính Mỹ, kết hợp với một tiểu đoàn ngụy có biệt kích dẫn đường càn vào kho B, sông Măng, cách biên giới Việt Nam 8km. Lúc này Minh Chính chỉ huy đại đội phục kích chốt giữ kho. Trận chiến đấu diễn ra giằng co suốt từ 9 giờ đến 17 giờ. Cuối cùng, do tương quan lực lượng chênh lệch nên đơn vị được lệnh rút quân, củng cố lực lượng. Ở trận này ta hy sinh 9 đồng chí và bị thương 17 đồng chí. Minh Chính may mắn không việc gì và tiếp tục chỉ huy đơn vị hoàn thành nhiệm vụ.
Thế nhưng trong chiến tranh, giữa cái sống và cái chết ranh giới hết sức mong manh. Mới hôm qua, mâm cơm còn đủ cả tiểu đội mà ngày mai đã "vắng" đi một số đồng đội. Anh Lê Quốc Chính nhớ lại: “Ngày trước, anh Minh Chính thường hay nói với chúng tôi: Mỗi chúng ta, ai trải qua 10 trận đánh là xem như mình đã hoàn thành sứ mệnh với đất nước rồi. Vậy mà anh đã không đi hết được con đường ấy!”
Kể về trường hợp hy sinh của nhà thơ, anh Lê Quốc Chính cho biết: “Đầu tháng 11-1970, Tiểu đoàn 227 bổ sung vào Sư đoàn 5. Khi ấy anh Minh Chính ở Đại đội 13, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 3, Sư đoàn 5 và vẫn làm đại đội trưởng. Đầu năm 1971, địch lại mở trận càn lớn lên vùng Đông Bắc Cam-pu-chia. Đơn vị chúng tôi nằm trong đội hình của sư đoàn có nhiệm vụ: Bao vây cô lập chiến đoàn 9, sư đoàn 5 ngụy tại thị trấn Xnun, tỉnh Kra-ti-e, Cam-pu-chia. Để chuẩn bị cho trận đánh, đêm 7-3-1971 anh Chính dẫn 11 đồng chí đi trinh sát địch. Sau khi đã chọn được vị trí mở cửa; nắm chắc toàn bộ cách bố trí các lô cốt và các hỏa lực của địch thì tổ rút ra hành quân về đơn vị. Thế nhưng, khi rút quân đến khu vực bìa rừng cao su, bất ngờ địch phản pháo trúng vào giữa đội hình, hai đồng chí hy sinh tại chỗ. Anh Chính bị thương nặng vào mặt. Mặc dù đã được cấp cứu kịp thời, nhưng do vết thương quá nặng, anh Chính đã hy sinh tại Trạm quân y Tiểu đoàn. Anh cùng 3 đồng đội nữa được đơn vị tổ chức an táng tại quả đồi có nhiều cây Bằng Lăng và tre Lồ ô cách thị trấn Xnun khoảng 8km về phía Tây Bắc”.
Mong sớm đón anh về đất mẹ
Dù biết nơi anh Chính hy sinh thế nhưng sau chiến tranh với những bộn bề của cuộc sống nên anh Lê Quốc Chính chưa tìm đến gia đình mẹ Oanh để báo tin cho mẹ biết.
 |
Anh Hoàng Quốc Vinh cùng tập thơ của anh trai mình, liệt sĩ Hoàng Minh Chính.
|
Chính vì không biết rõ con mình hy sinh nơi đâu nên 40 năm qua, mẹ Oanh vẫn mòn mỏi đợi tin anh Chính trở về bằng việc hằng ngày mẹ ra ngồi dưới gốc cây vải mà anh Chính trồng trước lúc lên đường, dõi đôi mắt nhìn xa xăm về phương Nam. Rồi có những đêm mẹ nằm mơ thấy anh Chính đang nằm cô đơn một mình trong cánh rừng sâu thẳm nào đó. Thương con, mẹ lại giục anh Vinh, anh Thịnh nhanh đưa anh về với mẹ. Thế nhưng biết tìm anh ở đâu giữa mênh mông núi rừng? Anh Hoàng Quốc Vinh chia sẻ với tôi: “Nhiều lúc tôi và cậu em út Hoàng Vĩnh Thịnh tưởng chừng như bất lực, bởi thông tin về anh Chính quá ít. Thế nhưng đang lúc bế tắc ấy, gia đình tôi nhận được thông tin từ anh Lê Quốc Chính. Đọc xong thư của anh Lê Quốc Chính, anh em chúng tôi cứ ôm nhau mà khóc. Vậy là sau 40 năm, giờ đây gia đình tôi có thể đưa anh về với đất mẹ”.
Trao đổi về việc đưa hài cốt nhà thơ về nước, anh Vinh nói: “Anh em tôi đã thống nhất với anh Lê Quốc Chính cuối năm nay sẽ hoàn tất hồ sơ để đưa anh tôi về nước”. Tất cả đang chờ mong một ngày được đón nhà thơ, liệt sĩ Hoàng Minh Chính về với đất mẹ Việt Nam!
-----------
Kỳ 1: Gặp người con gái trong thơ Minh Chính
Kỳ 2: Nhà thơ trong ký ức của mẹ
Bài và ảnh: Duy Thành