QĐND - “Hôm qua em tới trường/ Mẹ dắt tay từng bước/ Hôm nay mẹ lên nương/ Một mình em tới lớp...” – những câu thơ trong bài thơ “Đi học” của nhà thơ Minh Chính (tên thật là Hoàng Minh Chính) từ hàng chục năm nay trở nên rất đỗi quen thuộc với nhiều thế hệ học sinh. Sau này, bài thơ được nhạc sĩ Bùi Đình Thảo phổ nhạc. Mới đây, anh Hoàng Quốc Vinh, em trai của liệt sĩ Hoàng Minh Chính cho chúng tôi xem những di vật của nhà thơ ở chiến trường gửi về. Mỗi di vật, một câu chuyện riêng tư của nhà thơ Minh Chính...

Kỳ I: Gặp người con gái trong thơ Minh Chính

Một lần gặp gỡ

Anh Hoàng Quốc Vinh cho tôi xem cuốn nhật ký của nhà thơ Minh Chính gửi về từ chiến trường. Cuốn nhật ký một nửa anh dùng ghi các bài học chính trị, nửa còn lại là thư anh viết gửi chị Cù Thị Kim Hợp. Minh Chính viết để trải lòng, còn thư thì không gửi.

"... 22 giờ, ngày 31-7-1966: Hợp ơi! Đêm nay là cái đêm nào! Cái đêm thứ nhất cậu xa Việt Bắc, thương Hợp quá, nói với nhau cái gì được nhỉ. Tại sao chúng mình lại gặp nhau, để có nhiều vấn vương thế cậu. Đừng trách mình Hợp nhé! Cậu đã hiểu mình chưa đấy. Hôm ấy chia tay vội vàng, bâng khuâng quá! Gặp Hợp rồi đêm về nhớ, ngày thì mong, sao mà khó tả vậy. Những đêm sáng trăng như đêm nay, đẹp lắm Hợp ạ! Tớ ôm cây đàn buồn nhớ Hợp. Đường vào Khu Bốn xa lắm Hợp nhỉ! Xa như nỗi nhớ của mình ấy Hợp ạ!...”.

Cù Thị Kim Hợp, người con gái trong thơ Hoàng Minh Chính. Ảnh: Duy Thành

Qua anh Hoàng Quốc Vinh tôi được biết, chị Kim Hợp năm xưa, nay là bà Kim Hợp hiện vẫn ở Việt Trì (Phú Thọ). Thế là tôi ngược Quốc lộ 2 lên Việt Trì tìm gặp bà Kim Hợp để hiểu thêm về Minh Chính và những tình cảm mà nhà thơ Minh Chính đã dành cho bà qua những trang thơ. Nguyên là Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ nên việc chúng tôi tìm đến gia đình bà không mấy khó khăn. Đặc biệt, nhà bà khá khang trang trong khuôn viên rộng 2.000m2.

“Nàng thơ Kim Hợp” năm xưa trong thơ Minh Chính nay đã ở tuổi 68. Thời gian làm khuôn mặt bà xuất hiện nhiều vết nhăn hằn sâu dấu ấn của tuổi tác. Bà bảo chúng tôi cứ xưng “chị - em” cho tự nhiên, nhưng chúng tôi không dám, vẫn giữ thói quen gọi bà xưng cháu. Ở bà vẫn toát lên cái vẻ rắn rỏi, can trường như những năm tháng ở rừng mà Minh Chính từng viết trong nhật ký.

Trong câu chuyện, bà Kim Hợp cho biết: Ngày đi học, bà không phải là “hoa khôi” của trường nhưng có một khuôn mặt ưa nhìn cùng với năng khiếu văn nghệ, giỏi bóng chuyền và múa rối nên được nhiều bạn trai “để ý”. Có người tìm cách thể hiện sự “để ý” đó nhưng với Hoàng Minh Chính thì bà không nhận thấy có biểu hiện gì khác lạ. Thế nên, bà rất bất ngờ khi biết được những tình cảm e ấp đầu đời mà nhà thơ dành cho mình qua những trang thơ, nhật ký.

Chân dung nhà thơ, liệt sĩ Hoàng Minh Chính.

Đọc nhật ký Hoàng Minh Chính, có thể thấy rõ tình cảm cứ nảy nở và lớn dần theo thời gian xa cách giữa nhà thơ với người bạn gái. Mặc dù không biết trong thời gian đó, Kim Hợp có phát đi tín hiệu “hồi âm tình cảm” nào đến nhà thơ không, nhưng với Minh Chính thì hình bóng ấy đã in đậm vào trái tim anh, vào từng vần thơ và trang nhật ký.

Minh Chính học hết lớp 9 thì đất nước bước vào thời khắc lịch sử mới. Cuối năm 1963, anh làm đơn tình nguyện nhập ngũ khi mới 17 tuổi. Còn Kim Hợp tiếp tục học xong cấp 3 ở Trường Cấp 3 Hùng Vương rồi học tiếp lên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Cũng như Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc hay nhiều chiến sĩ đang chiến đấu trên chiến trường miền Nam lúc đó, việc làm ưa thích của Hoàng Minh Chính là “trò chuyện” với người mình yêu qua trang nhật ký. Những trang nhật ký của nhà thơ ghi rõ những hành động dũng cảm, kiên cường của anh khi chiến đấu nhưng lại khá bi lụy khi trải lòng với những vần thơ và nhớ về người bạn gái nơi quê nhà. Duyên số như định trước đối với Minh Chính khi anh tình cờ gặp lại Kim Hợp ngay giữa chiến khu Việt Bắc. Chuyện là: Vào cuối năm 1964, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được lệnh sơ tán lên xã Vinh Quang, Đại Từ, Bắc Thái (nay là Thái Nguyên) để vừa học tập vừa giúp nhân dân sản xuất. Vì thế mà Kim Hợp có mặt ở đây. Còn nhà thơ Minh Chính khi đó đã trở thành sĩ quan quân đội, từ Khu Bốn ra làm cán bộ huấn luyện chiến sĩ mới để bổ sung lực lượng cho chiến trường miền Nam. Hôm ấy, đang ở doanh trại, Minh Chính bỗng nghe được giọng hát trong trẻo, quen quen vang lên từ trong lán trại của các sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Thế rồi, anh băng qua bóng đêm đi về hướng ánh đèn vang lên giọng hát ấy. Nhận ra người quen, mừng vui khôn tả, nhưng nhà thơ chẳng biết nói gì, chỉ hỏi thăm đôi lời về sức khỏe, công việc, rồi lại lẳng lặng ra về và trải lòng cùng những trang nhật ký.

Khi ấy, Kim Hợp vẫn chưa biết được tình cảm của Minh Chính dành cho mình. Kim Hợp chỉ thấy rất vui khi tình cờ gặp lại người bạn cũ học cùng trường. Một hôm, trước lúc lên đường cùng đơn vị vào Nam chiến đấu, Minh Chính nhờ người gửi những bài thơ và trang nhật ký mà anh viết riêng về Kim Hợp tặng người bạn gái cùng quê. Nhận được món quà đặc biệt này, Kim Hợp mới biết tình cảm mà Minh Chính dành cho mình hết sức sâu nặng...

Và sau này, khi đọc bài thơ “Đi học”, nhiều người thân của Minh Chính nói rằng, hình ảnh “Cô giáo em tre trẻ/ Dạy em hát rất hay”... chính là bóng hình của cô giáo trẻ Kim Hợp vốn chiếm vị trí rất sâu đậm trong trái tim nhà thơ.

Để mãi mãi xa nhau…

Bà Kim Hợp cho chúng tôi xem một tập thơ và ít lá thư đã úa màu thời gian. Đây là toàn bộ những kỷ vật của Minh Chính mà bà còn giữ lại, để nhớ về một thời tuổi trẻ. Nhiều bản thảo và một số lá thư do Minh Chính viết trên những cỡ giấy khác nhau, tất cả đều đã ố vàng, có nhiều gạch xóa, nhưng nhìn chung vẫn dễ đọc. Có một bản nhạc do Minh Chính sáng tác mang tựa đề “Nhớ” với lời đề “Tặng hai năm xa H”. Một bài thơ mang tên “Được tin – Tặng H khi trở về an toàn”, anh viết: “Được tin em trở về/ Anh mừng đêm không ngủ/ Có gì hơn thương nhớ/ Có gì bằng tình em… "

Nhưng trong đó, tôi lưu ý đến một truyện ngắn nước ngoài có tựa đề “Boa-ten” không rõ của tác giả nào mà Minh Chính đã cắt ra từ một cuốn sách, gửi tặng Kim Hợp. Đó là một câu chuyện buồn, đại ý nói về một đôi trai gái yêu nhau nhưng duyên của họ không thành. Minh Chính dùng bút mực gạch chân nhiều đoạn trong truyện. Dường như, anh muốn mượn lời nhân vật trong truyện để nói lên nỗi niềm của lòng mình.

Bài thơ "Được tin" của Hoàng Minh Chính đã úa màu thời gian.

Tâm trạng đó của nhà thơ, có lẽ bắt đầu từ đầu tháng 9-1969, khi Minh Chính ra Bắc lần thứ hai, huấn luyện bộ đội chuẩn bị cho chuyến đi “B dài”. Bao hồi hộp, háo hức được gặp lại Kim Hợp bỗng tan thành mây khói khi anh biết tin người bạn gái ấy đã đi lấy chồng. Anh không tìm gặp mà viết lá thư gửi Kim Hợp. Lá thư có đoạn: “Hôm nay 3-9-1969, sau ba năm chiến đấu được trở về quê hương... Hai nỗi đau ập đến. Được tin Bác Hồ mất, Hợp thì đi lấy chồng. Trong lòng tôi, ai biết vết thương nào đau xót hơn? Mình lại đi B dài, lần thứ hai. Viết mấy chữ gửi thăm Hợp và các cháu...”.

Là người chứng kiến câu chuyện ấy, anh Vinh cho biết: “Khi đó, anh tôi mới biết là lâu nay mình đã ôm ấp một mối tình đơn phương để ra trận. Rồi anh ấy làm bài thơ gửi lại tôi và dặn sau này có điều kiện hãy đưa cho chị Hợp. Bài thơ viết: “Biết em có tổ ấm/ Lòng anh như xót đau/ Anh cười trong đau khổ/ Tìm em! Em ở đâu?”...

Nói về sự kiện này, ông Lê Quốc Chính, ở số 4, ngõ 383, đường Lê Thánh Tông, phường Đông Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, người cùng đơn vị với nhà thơ Hoàng Minh Chính cho biết: “Từ năm 1969, tôi không thấy anh Chính nhắc tới Kim Hợp nữa, hỏi thì anh chỉ bảo: Người ta đi lấy chồng rồi!”.

------------

Kỳ II – Nhà thơ trong ký ức của mẹ

Bài và ảnh: Duy Thành