Chưa khánh thành đã… mất tác dụng
Đến Lạng Sơn những ngày này, chúng tôi được nghe nhiều người dân than phiền về chuyện tại ngã tư Than Muội, xã Quang Lang, huyện Chi Lăng "chình ình" một trạm liên hợp, tổng mức đầu tư hơn 64 tỷ đồng, mới xây xong đã… bỏ hoang.
Ký túc xá 10 tầng không một bóng sinh viên ở Trường Đại học Sao Đỏ.
Ông Vũ Hồng Thủy, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, cho biết, cuối năm 2014, do tình hình buôn lậu diễn biến phức tạp nên ngày 3-11-2014 UBND tỉnh Lạng Sơn có Báo cáo số 328/BC-UBND gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất: “Cho tỉnh Lạng Sơn thực hiện dự án di chuyển trạm Dốc Quýt về khu vực ngã tư Than Muội”. Dự án được triển khai nhanh chóng nhưng đến nay do dự án đường cao tốc Lạng Sơn - Bắc Giang ra đời khiến vị trí đặt trạm Than Muội không còn phù hợp. Để rồi, chính UBND tỉnh Lạng Sơn lại đề nghị giữ nguyên trạm kiểm soát liên hợp Dốc Quýt còn trạm Than Muội do đã trót đầu tư thì “chữa cháy” bằng cách chuyển thành trụ sở UBND xã Quang Lang. Nhưng lãnh đạo xã Quang Lang cũng không muốn nhận công trình này làm trụ sở vì nó quá… hoành tráng, có cả hầm ngầm chứa hàng lậu, không phù hợp với công sở cấp xã. “Chỉ riêng tiền điện chúng tôi đã không kham nổi”, một cán bộ xã cho biết.
Câu hỏi đặt ra là ai đề xuất, ai thẩm định, phê duyệt công trình, để gây lãng phí nghiêm trọng? Rõ ràng, UBND tỉnh Lạng Sơn đã không nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng tình hình buôn lậu, lưu lượng xe qua khu vực Than Muội, định hướng phát triển giao thông để tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về việc di chuyển trạm kiểm soát liên hợp… Chính vì vậy, vừa qua, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã có văn bản trình Chính phủ đề nghị làm rõ trách nhiệm cá nhân liên quan tới sự việc này. Tuy nhiên, đến nay hơn 2 tháng đã trôi qua, vẫn chưa thấy sự việc được làm rõ và vẫn chưa có ai phải chịu trách nhiệm.
Ngành than gặp khó, vẫn xin xây trụ sở hơn 270 tỷ đồng
Theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV), ngành than đang gặp khó khăn, nhiều công ty than tại Quảng Ninh đã phải cắt giảm nhân sự, sản lượng, cho công nhân nghỉ làm cả ngày thứ bảy và chủ nhật. Công ty Than Vàng Danh cũng gặp nhiều khó khăn song gần đây, công ty này vẫn trình Bộ Công Thương phương án xin xây dựng thêm nhà điều hành mới trên diện tích 1,7ha, tổng đầu tư hơn 270 tỷ đồng, nằm ngoài TP Uông Bí, dù trụ sở của công ty hiện còn rất mới và khang trang. Tại buổi họp báo công bố các quy hoạch chiến lược và xúc tiến đầu tư TP Uông Bí, việc xây nhà điều hành mới đã được công bố và ông Phan Xuân Thủy, Giám đốc Công ty Than Vàng Danh xác nhận việc này.
Làm việc với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Nguyễn Tiến Phượng, Phó giám đốc Công ty Than Vàng Danh thừa nhận công ty có gặp khó khăn, tình hình sản xuất giảm hơn so với năm ngoái song việc đầu tư xây dựng trụ sở mới cũng đang được “từng bước triển khai”. Dự án này đã được Tập đoàn TKV phê duyệt nhưng nguồn vốn 270 tỷ đồng phải dần sắp xếp, theo kế hoạch thì nguồn vốn tự có của công ty chỉ hơn 40 tỷ đồng, còn lại thì… xin tập đoàn!
Theo tài liệu mà chúng tôi ghi nhận được, Công ty Than Vàng Danh những tháng cuối năm 2016 sẽ giảm khoảng 800.000 tấn than nguyên khai so với kế hoạch đặt ra từ đầu năm. Quý I-2016 doanh thu thuần chỉ đạt hơn 537 tỷ đồng, giảm 83,7% so với Quý I-2015. Hiện nay, Công ty Than Vàng Danh còn rất nhiều dự án lớn cần triển khai như một nhà máy tuyển than đã xuống cấp nghiêm trọng, hết khấu hao, cần đầu tư mới; hàng nghìn công nhân còn thiếu nhà ở… Ngay dự án xây trụ sở mới, phương án vay tiền từ ngân hàng để xây dựng chiếm tỷ trọng rất lớn. Có lẽ, Công ty Than Vàng Danh cần phải "liệu cơm gắp mắm", không nên đầu tư dàn trải trong khi còn nhiều khó khăn và cũng rất cần tập trung nguồn lực chăm lo hơn nữa cho đời sống của người lao động chứ không phải lãng phí cho trụ sở mới trong khi trụ sở cũ còn khá… hoành tráng!
Xót xa cơ sở đại học hàng trăm tỷ đồng “bỏ hoang”
“Thực mục sở thị” cơ sở 2, Trường Đại học Sao Đỏ (thuộc Bộ Công Thương) trên địa bàn tỉnh Hải Dương, chúng tôi không khỏi xót xa khi thấy tòa nhà đồ sộ được đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước với tổng kinh phí lên tới hàng trăm tỷ đồng nằm hoang phế. Trung tâm thực hành, thực nghiệm với tòa nhà 3 tầng, diện tích 5.100m2; 2 tòa nhà học lý thuyết, mỗi tòa cao 5 tầng xây dựng từ năm 2010 chưa sử dụng đã bị rêu phong phủ kín. Còn ký túc xá sinh viên, một tòa nhà cao ngất ngưởng 9 tầng, diện tích 9.000m2 không một bóng sinh viên.
Nguyên nhân chính, theo một số giảng viên, mấy năm gần đây, nhà trường gặp nhiều khó khăn khi tuyển sinh. Năm học 2014-2015, nhà trường tuyển được 1.200 sinh viên, năm học 2015-2016 tuyển được 1.100 sinh viên, nhưng đến năm học 2016-2017, lượng sinh viên nhập học "tụt dốc" chỉ còn… 600 sinh viên cho cả hai hệ đại học và cao đẳng.
Trong khi đó, Cơ sở 1 của nhà trường ở địa chỉ số 24 Thái Học 2, phường Sao Đỏ, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương đã được đầu tư khá hiện đại trên diện tích 5ha có 121 phòng học lý thuyết, 18 phòng máy tính, 4 phòng học ngoại ngữ, 1 giảng đường đa năng với 900 chỗ ngồi, trung tâm thông tin-thư viện 600 chỗ đọc; các trung tâm thực hành, thực nghiệm gồm 71 phòng… Chỉ riêng cơ sở này đã đáp ứng được yêu cầu đào tạo với quy mô hơn 10.000 sinh viên nhưng mới có khoảng 5.000 sinh viên học tập. Thế nhưng, nhà trường vẫn liên tục xin dự án đầu tư cơ sở 2 hàng trăm tỷ đồng từ Bộ Công Thương, trong khi thu nhập cán bộ, giảng viên ngày càng thụt lùi, nhiều người chỉ còn 4 triệu đồng/tháng. Hiện nay, Dự án xây dựng cơ sở 2 tại Km78 Quốc lộ 37, phường Thái Học, thị xã Chí Linh có diện tích 22ha, gồm 2 nhà học lý thuyết 5 tầng, 72 phòng, 1 trung tâm thực hành, thực nghiệm 3 tầng, diện tích 5.100m2; thư viện 200 chỗ đọc; ký túc xá sinh viên 9 tầng, diện tích 9.000m2 vẫn được tiến hành dẫn tới tình trạng xây xong rồi bỏ hoang phế.
Trước sự bức xúc của dư luận, gần đây nhà trường đã “điều” gần 600 sinh viên đến học tạm thời và tiếp tục… xin đầu tư kinh phí!
Trả lời phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Trần Hải Quân, Trưởng phòng Kế hoạch-Đầu tư, Trưởng Ban quản lý dự án Cơ sở 2 của nhà trường thừa nhận có chuyện cơ sở 1 đã đầu tư, quy mô 10.000 sinh viên nay mới có 5.000 sinh viên song việc xin đầu tư cơ sở 2 không lãng phí vì phải… “đi tắt đón đầu”.
Ai chịu trách nhiệm?
Ba sự việc nêu trên đều cho thấy, dấu hiệu lãng phí và sự thiếu trách nhiệm của người đứng đầu trong quyết định dự án đầu tư. Phải chăng chính vì chưa có cơ chế, chế tài xử lý nghiêm minh đối với dự án đầu tư gây lãng phí nên đã dẫn đến tình trạng chạy theo tư duy nhiệm kỳ, cơ chế xin-cho, miễn là xin được dự án từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước mà không cần biết đến hiệu quả thực tế? Trong bối cảnh hiện nay, nền kinh tế nước ta đang gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi phải tăng cường quản lý, siết chặt đầu tư công thì những sự việc trên cần sớm được giải quyết dứt điểm, làm rõ trách nhiệm của những người liên quan, nhất là người đứng đầu để xử lý nghiêm minh. Đồng thời, giải pháp trước mắt là phải dừng ngay các dự án lãng phí, không tiếp tục rót tiền cho những dự án chưa cần thiết.
Bài và ảnh: NGUYÊN MINH - HOÀNG HƯNG