QĐND Online - Nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9, tôi được tháp tùng đoàn cựu chiến binh biệt động thành phố Đà Nẵng về thăm chiến trường xưa. Khi đoàn đến xã Điện Tiến (Điện Bàn, Quảng Nam), những người lính năm xưa đã không khỏi xúc động khi nhắc tới trận đánh cứ điểm Bồ Bồ của bộ đội đặc công Quảng Nam Đà Nẵng diễn ra cách đây hơn nửa thế kỷ.

Cựu chiến binh Hồ Phúc Ngôn kể về trận đánh cứ điểm Bồ Bồ năm 1954.

Theo kí ức của các cựu chiến binh, căn cứ Bồ Bồ là khu tam giác chiến, nằm giữa 3 huyện Điện Bàn, Đại Lộc (Quảng Nam) và Hòa Vang (Đà Nẵng). Về địa thế, Bồ Bồ là một ngọn đồi có độ cao khoảng 54 mét so với mặt nước biển thuộc địa phận xã Điện Tiến. Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp khi đổ quân xuống Quảng Nam-Đà Nẵng thường chọn đỉnh Bồ Bồ làm điểm tựa, đặt đài quan sát từ xa, bố trí binh hỏa lực khống chế 3 huyện đồng bằng nhằm bảo vệ hậu phương phía sau là thành phố Đà Nẵng và thị xã Hội An.

Đầu năm 1954, quân đội viễn chinh Pháp đóng tại các tỉnh Tây Nguyên bị thua trận trong chiến dịch Át Lăng phải tháo chạy về Đà Nẵng. Địch bố trí một trung đoàn cơ động, có xe tăng, thiết giáp, phi pháo yểm trợ thực hành càn quét 3 huyện Điện Bàn, Hòa Vang, Đại Lộc và thực hành đánh chiếm đỉnh Bồ Bồ. Chúng không ngờ ta đã phòng bị sẵn, nên khi vừa đặt chân đến đã bị quân và dân các huyện đánh thiệt hại nặng, buộc tháo chạy về Đà Nẵng. Địch bố trí một đại đội Âu Phi tinh nhuệ chiếm giữ Bồ Bồ, xây dựng đồn bốt. Xác định Bồ Bồ là điểm tựa vững chắc cho Đà Nẵng, Hội An nên chúng xây dựng rất kiên cố. Nhà ở, hầm ngầm đều được kết cấu bằng bê tông cốt thép; hệ thống lô-cốt,  boong- ke bố trí liên hoàn; hàng rào đan xen các bãi mìn, có hệ thống chiến hào bao quanh. Trung tá Hồ Phúc Ngôn, nguyên tổ trưởng đặc công nhấn mạnh: “Cứ điểm Bồ Bồ lúc ấy như một pháo đài vững chắc có gắn ĐKZ 57mm và đại liên Vít-ke 12ly7 hai nòng”. Ngoài ra, địch còn trang bị thêm 2 khẩu pháo 94 mm và 1 súng cối 81mm. Bọn lính ngày đêm dùng ĐKZ, cối 81 và đại liên bắn xuống xóm làng, gây không biết bao nhiêu tội ác với phụ nữ và trẻ em sống dưới chân núi Bồ Bồ. Nhằm phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ, Tỉnh ủy và Tỉnh đội Quảng Nam-Đà Nẵng giao nhiệm vụ cho Đội 11 đặc công của tỉnh đánh đồn Bồ Bồ để cứu dân Điện Tiến và mở rộng vùng giải phóng của ta.

Đội 11 đặc công lúc đó vừa đánh hai đồn Nam và Bắc cầu Câu Lâu về đứng chân ở Gò Nổi (Điện Bàn). Nhận nhiệm vụ, đồng chí Nguyên Văn Thành, Đội phó Đội 11, dẫn hai tổ trinh sát ra cứ điểm Bồ Bồ. Qua 7 ngày đêm điều tra, đột nhập 5 đêm vào 3 hướng mới đến được chiến hào bên trong và khu nhà lính, nhà chỉ huy, trận địa pháo cối. Với kết cấu vững chắc, địch tin rằng đối phương bất khả xâm phạm. Thậm chí, chúng còn tuyên bố:  nếu Việt Minh đánh được Bồ Bồ thì nước sông Yên chảy ngược.

Quá trình chuẩn bị đạt kết quả tốt, được cấp trên thông qua phương án chiến đấu, đơn vị tập trung sinh hoạt xác định nhiệm vụ chuẩn bị đánh cứ điểm Bồ Bồ. Nghe bộ phận đồng chí Hồng báo cáo hoàn tất công tác chuẩn bị lô cốt Giồng Lạc, phía Tây Nam cầu Cẩm Lý, cách Bồ Bồ 500 mét, án ngữ và ngăn chặn đối phương từ xa, Đội trưởng Trần Hữu Tạo xác định biên chế  53 đồng chí thành 4 mũi.         

Mũi một có 21 đồng chí, chia làm 3 tổ đột nhập hướng Đông, có nhiệm vụ đánh vào sở chỉ huy, đánh chiếm lô cốt cố thủ, phát triển đánh khu nhà lính và hai lô cốt tiền duyên, do Đội trưởng Tạo trực tiếp chỉ huy. Mũi hai có 12 đồng chí do đồng chí Thêm chỉ huy, đánh từ hướng Tây xuống tiêu diệt các lô cốt, đánh chiếm khu nhà để pháo cối, giữ hai khẩu đại bác và bắt liên lạc với mũi 1 và mũi 3. Mũi ba có 12 đồng chí do đồng chí Khai chỉ huy, đánh hướng Bắc vào khu nhà bê tông bán âm, chiếm nhà máy điện, giữ kho đạn cối và chặn địch không cho chạy sang hướng đông. Mũi bốn có 8 đồng chí do đồng chí Hồng chỉ huy, đánh lô cốt tiền tiêu ở đồi Giồng Lạc, chốt giữ hướng Tây, không cho địch chạy về cầu Cẩm Lý, đón đơn vị lui quân sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Đồng chí Thành, đội phó, trực tiếp chỉ huy 2 khẩu SKZ 90 của Đại đội 22 bộ đội địa phương huyện Điện Bàn phối hợp, chi viện hỏa lực. Quân số còn lại gồm 2 khẩu đội và 5 đội dự bị sẵn sàng thay thế cho mũi 1. Ngoài ra, lực lượng phối hợp chiến đấu còn có cán bộ, du kích và nhân dân Điện Bàn, Hòa Vang, Đại Lộc.

Ngày 9-5-1954, ta bắt đầu hành quân từ Gò Nổi ra trú quân tại xã Điện Tiến. 19 giờ ngày 10-5, đội hình tập kết tại sân đình Diệm Sơn để làm lễ xuất quân. Đồng chí Võ Thứ, Tỉnh đội trưởng Quảng Nam- Đà Nẵng, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy trao lá cờ Quyết thắng cho Đội 11 đặc công, xúc động: “Đêm nay nhân dân và Tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng đón chờ tin chiến thắng của các đồng chí”. Đội trưởng Trần Hữu Tạo thay mặt đơn vị hứa với cấp trên và nhân dân : “Cán bộ chiến sĩ Đội 11 đặc công quyết tâm tập kích tiêu diệt gọn cứ điểm Bồ Bồ, giành thắng lợi hoàn toàn để khỏi phụ lòng mong đợi của cấp trên và nhân dân các huyện Điện Bàn, Hòa Vang, Đại Lộc”.

Một bầu không khí trang nghiêm trước giờ xuất quân. Đội trưởng Tạo lần lượt quàng khăn đỏ cho tổ thọc sâu gồm 3 đồng chí Hồ Phúc Ngôn, Nguyễn Văn Mùi và Kiều Sơn Đen, do đồng chí Ngôn chỉ huy, thực hiện đánh lô cốt cố thủ và sở chỉ huy của địch nằm chính giữa cứ điểm. Ông Ngôn vẫn không quên cảm giác đêm thiêng liêng dưới ánh trăng chiếu xuống sân đình Diệm Sơn (Điện Tiến) ấy: “Chúng tôi lúc đó mới tuổi mười tám đôi mươi, cổ quàng khăn đỏ cảm tử quân như dũng sĩ Ngô Mây ngày trước hừng hực khí thế ra trận. Lòng tự nhủ thề quyết tử cho nhân dân 3 huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Hòa Vang được bình yên”.

21 giờ, khi ánh trăng gần khuất núi, các mũi các hướng vượt qua cánh đồng, bí mật cơ động vào chân núi. 23 giờ, ta cắt hàng rào thứ nhất xong. Một tình huống bất ngờ xẩy ra. Đồng chí Đăng vấp phải quả mìn lân tinh cháy xè xè. Đội trưởng Tạo nhanh chóng chụp lấy quả mìn cà xuống đất làm mất tác dụng. Một tên lính Âu Phi trên lô cốt bước xuống, ra ngay trước bờ rào hướng đột kích, cách ta khoảng 10 mét. Nó ngồi rình chừng 15 phút.

Lúc này, địch có vẻ nghi ngờ. Chúng đứng trên lô cốt xầm xì gọi sang lô cốt bên cạnh có mấy tên lính đứng lố nhố chỉ trỏ ra ngoài. Trần Hữu Tạo liền ra ám hiệu cho Hồ Phúc Ngôn đưa lực lượng của mình vào trước, bên trong bờ rào. Ngôn hướng dẫn anh em dàn hàng ngang bò vào cách chiến hào và 2 lô cốt hai bên khoảng 10 mét. Đội hình phía sau cũng tranh thủ vào hết rào. Kim đồng hồ chỉ đúng 24 giờ, tức đến giờ nổ súng. Hồ Phúc Ngôn chỉ huy tổ nhanh chóng vượt qua hai lô cốt vào bên trong. Nhưng khi họ mới rướn người lên thì nghe tiếng kéo cơ bẩm đại liên “rét, rét”. Địch bắn ngay ra đội hình mũi 1. Đồng chí Tạo phát lệnh nổ súng. Chớp thời cơ, Phúc Ngôn dẫn tổ chạy thẳng vào bên trong đánh lô cốt cố thủ, bất ngờ anh nhìn lại phía sau phát hiện thấy một đồng chí tổ viên đã bị thương nặng trên chiến hào. Đồng chí Thành ra lệnh cho 2 khẩu SKZ diệt lô cốt. 2 phát đầu ta bắn không trúng đích, địch bắn ra dữ dội. Các xạ thủ nhanh chóng xác định lại phần tử bắn, kịp thời tiêu diệt hai lô cốt tiền duyên. Mũi 2 và mũi 3 thực hành xung phong diệt địch. Một tên quan Pháp ôm bó đèn sáng ra đứng trên trụ cờ, giật pháo sáng. Phúc Ngôn đang đứng trên lô cốt cố thủ phát hiện thấy, lập tức dùng khẩu đại liên Vít-ke của địch bắn gục tại chỗ.

Sau đó, Ngôn và Mùi chui vào lô cốt tiếp tục chiến đấu với một số tên còn sống. Bởi lô cốt boong- ke xây hình lục giác nên đánh thủ pháo ngăn nào thì chết ngăn đó. Khi các anh vừa chui vào tấm cửa sắt lô cốt, một tên Âu Phi to khỏe mang khẩu súng tiểu liên ôm choàng 2 anh vào lòng. Một tay hắn bóp cổ Mùi, tay kia móc hông Ngôn. Phúc Ngôn bất ngờ xoay nòng súng chĩa thẳng vào ngực tên địch bóp cò. Hắn thét lên một tiếng rồi ngã lăn ra chết. Bị tên địch siết cổ quá lâu, Mùi ngất đi. Phúc Ngôn liền kéo anh ra ngoài lô cốt, làm hô hấp nhân tạo. Mùi tỉnh lại, hai anh tiếp tục chiến đấu.

Lúc này, địch điên cuồng chống trả dữ dội. Ta có nhiều đồng chí bị thương nặng ở bên ngoài chiến hào vẫn bò vào đánh hết giỏ thủ pháo rồi anh dũng hi sinh. Diễn biến trận đánh đang có lợi cho ta. Các hướng, các mũi vẫn hiệp đồng chi viện cho nhau chặt chẽ, thực hành bao vây tiêu diệt quân địch đúng phương án. Ở phía bên kia, bộ phận đánh lô cốt Giồng Lạc hiệp đồng nổ súng, đã tiêu diệt quân địch làm chủ trận địa. Sau 35 phút chiến đấu quyết liệt, ta giành thắng lợi hoàn toàn. Đội trưởng Trần Hữu Tạo bắn pháo hiệu thông báo ta đã làm chủ trận đánh. Một đồng chí chiến sĩ dùng bộc phá ống đánh tung cổng cứ điểm. Lực lượng dân công chạy vào giải quyết thương binh, liệt sĩ chuyển về phía sau và thu toàn bộ vũ khí. Trong đó, 2  khẩu pháo 94 ly được bà con xã Điện Tiến dùng 2 con trâu đực kéo sang sông an toàn. Kết quả trận đánh, ta thu được 2 pháo 94 ly, 1 ĐKZ 57, 1 đại liên Vít- ke 2 nòng, 1 cối 81 và trung liên súng trường cùng vô số đạn dược, làm chủ hoàn toàn cứ điểm Bồ Bồ, giải phóng một vùng rộng lớn của huyện Điện Bàn. Sau đó, nhân dân Quảng Nam- Đà Nẵng đã tổ chức ăn mừng chiến thắng và tiễn đưa Đội 11 đặc công tập kết ra Bắc.

Trận đánh cứ điểm Bồ Bồ đã đi vào lịch sử của bộ đội đặc công Quảng Nam-Đà Nẵng như một mốc son chói lọi. Đối với những người chiến sĩ trực tiếp tham gia chiến đấu, họ luôn nhớ mãi “đỉnh Bồ Bồ”. Nhắc lại chiến công, Trung tá Hồ Phúc Ngôn, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Thành đội Đà Nẵng, người tổ trưởng dũng cảm năm xưa, tâm sự: “Chiến thắng Bồ Bồ đối với tôi là một kỉ niệm, là niềm tự hào không chỉ trong chiến tranh mà cả hòa bình. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng tôi và đồng đội vẫn giữ vững tinh thần thép của người lính đặc công trong hòa bình, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, hoàn thành nghĩa vụ của người công dân; thực sự là tấm gương sáng cho con cháu noi theo”.

Bài, ảnh: Nguyễn Sỹ Long