Thật là bất ngờ và quá đột ngột. Đây là bất ngờ lần thứ hai trong cuộc đời làm báo của tôi. Lần thứ nhất là tháng 7-1964, khi tôi là chiến sĩ trinh sát bộ binh, nhưng đến địa điểm giao quân tại miền Tây Thừa Thiên-Huế, thì tôi được phân công về làm phóng viên Báo Quân Giải phóng Trị Thiên. Một công việc mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới.

Tuy tôi đã có thời gian 7 năm làm báo ở chiến trường, nhưng đó là tờ báo khổ nhỏ, xuất bản hằng tháng, với số lượng ít-là tờ báo của cấp Quân khu trong thời chiến, lại làm với các đàn anh tay ngang, dân tuyên huấn làm báo, chứ chẳng có học hành, kinh nghiệm gì về báo chí cả. Rồi hơn 10 năm làm biên tập viên chuyên viên công tác Đảng, công tác chính trị ở Tạp chí Quân đội nhân dân (QĐND) (nay là Tạp chí Quốc phòng toàn dân). Đây là tạp chí lý luận quân sự xuất bản hằng tháng. Mỗi bài viết của tạp chí đều nằm trong kế hoạch hằng năm, hằng quý của việc xuất bản tạp chí. Bài viết đều được cán bộ cấp phòng bàn bạc về nội dung, có khi cả dàn bài, rất kỹ, lại thông qua Ban Biên tập, rồi lúc đó mới đến gặp tác giả đặt bài, mà tác giả thường là cán bộ cơ quan cấp bộ, các tổng cục, các quân khu, quân đoàn, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, cán bộ dân-chính-Đảng cấp tỉnh... Tôi chỉ là người chấp bút, biên tập mà thôi.

Nay về nhận công tác tại Báo QĐND, một tờ báo xuất bản hằng ngày, phát hành trong cả nước và đối ngoại. Quả thật là một thách thức lớn, vượt tầm suy nghĩ và khả năng của tôi. Mặc dù tôi đã một thời kỳ làm ở chiến trường, ở Tạp chí QĐND, có chút ít kinh nghiệm, nhưng tôi chưa được qua một trường lớp báo chí nào, nên khó khăn lại càng gấp bội, không những thế, Báo QĐND là một tờ báo có bề dày về lịch sử trong làng báo chí cách mạng, có một đội ngũ cán bộ, phóng viên được rèn luyện qua chiến trường, giàu kinh nghiệm về cuộc sống, về báo chí, là một tờ báo có uy tín, được Đảng, Nhà nước, quân đội và bạn đọc trong cả nước tin cậy. Đây có thể nói là một thách thức lớn, liệu khả năng, trình độ nhỏ mọn, thấp kém của mình có vượt qua được không?

Đại tướng Đoàn Khuê, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị trao đổi với Thiếu tướng Phan Khắc Hải, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân trong ngày kỷ niệm 45 năm truyền thống Báo Quân đội nhân dân (20-10-1950/ 20-10-1995). Ảnh: VŨ ĐẠT.

Nhưng là một sĩ quan được rèn luyện và trưởng thành trong quân đội, là một Đảng viên, khi nhiệm vụ được giao tôi biết là hết sức khó khăn, vượt qua khả năng của mình, nhưng cấp trên đã tin, thì điều quan trọng nhất là phải bắt tay ngay tìm hiểu nhiệm vụ, công việc một cách thận trọng, mau lẹ, đầy đủ, từ đó mà xác định quyết tâm, lập kế hoạch một cách cụ thể, khoa học, đoàn kết, học hỏi tập thể để tìm cách khắc phục, quyết hoàn thành nhiệm vụ để xây dựng lòng tin với cấp trên, với tòa soạn.

Trong bước đầu bỡ ngỡ ấy, tôi được Thủ trưởng Tổng cục Chính trị gặp để giao nhiệm vụ, người trực tiếp gặp tôi là Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp. Tôi thật vui và may mắn, vì được gặp lại Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp-bởi những năm tôi công tác tại Tạp chí QĐND, tôi đã nhiều lần có dịp làm việc trực tiếp với ông. Ông là một người cán bộ chính trị đầy kinh nghiệm, có trí thức hiểu sâu và rộng về công tác tư tưởng, công tác văn hóa-văn nghệ, nhất là công tác Đảng, công tác chính trị. Tôi làm việc với ông, học được ở ông rất nhiều điều. Ông còn lấy bài viết của tôi, chỉ rõ những thiếu sót, rồi bày cho tôi cả việc lập luận, lý giải, cách đặt vấn đề một bài chuyên luận chính trị hay một bài kinh nghiệm về công tác tư tưởng hay công tác Đảng, công tác chính trị. Tôi càng kính trọng và quý mến cả về trí tuệ, phẩm chất đạo đức và cách đối xử rất văn hóa, có tình, có lý khi tôi có vấp váp, thiếu sót trong bài viết. Ông căn dặn tôi rất kỹ về việc làm Báo QĐND, tờ báo xuất bản hàng ngày, khác rất nhiều với làm báo ở Tạp chí QĐND. Xuất bản Báo QĐND đòi hỏi Tổng Biên tập phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhạy bén trước những vấn đề, sự việc nhạy cảm của đất nước và quốc tế. Nếu có sai sót, nhất là sai sót về chính trị, thì Tổng Biên tập phải chịu trách nhiệm trước Tổng cục Chính trị, trước Đảng ủy Quân sự Trung ương, trước Bộ Quốc phòng, trước pháp luật của nhà nước. Nặng nề lắm đấy. Vì thế phải thận trọng tìm hiểu rõ bản chất, thực chất sự việc trước khi đưa lên đăng báo. Ở Báo QĐND hiện còn một số cán bộ, phóng viên, kỳ cựu thời chống Pháp, có kinh nghiệm, uy tín, nhưng cũng đầy cá tính. Cần phải tìm hiểu để hiểu rõ từng người, từng đối tượng, phải khiêm tốn, đoàn kết, học hỏi anh em, phải dựa vào tập thể cấp ủy và Ban Biên tập mà làm việc. Tổng biên tập phải biết chủ động, quyết đoán, xử lý kịp thời vụ việc, phải dám chịu trách nhiệm, anh em tòa soạn mới tin mình, một lòng một dạ nâng cao chất lượng, phục vụ tờ báo. Có gì khó khăn thì xin ý kiến của cấp trên. Nhớ phải mở rộng quan hệ đối ngoại, cả trong quân đội lẫn cơ quan của Đảng, Nhà nước... để có thêm hiểu biết, có thêm thông tin và dần nâng cao vị thế của Báo QĐND trong thời kỳ đổi mới. Thủ trưởng Đặng Vũ Hiệp còn nói thêm một số công việc cần thiết khác nữa. Và cuối cùng ông dặn tôi nên tranh thủ thời gian đến gặp và xin ý kiến, kinh nghiệm của các cựu Tổng biên tập Nguyễn Đình Ước và Trần Công Mân. Đó là những cán bộ lão thành cách mạng, có nhiều kinh nghiệm về công tác tuyên huấn, kinh qua trận mạc, là những Tổng biên tập Báo QĐND có uy tín, có bản lĩnh, dày dạn kinh nghiệm trong công tác báo chí và quản lý Báo QĐND. Các ông ấy đã chuyển công tác hay nghỉ hưu nhưng vẫn rất tâm huyết với sự trưởng thành và phát triển Báo QĐND. Cần phải sắp xếp thời gian xin làm việc với các anh ấy.

Tôi đến gặp Trung tướng Nguyễn Đình Ước, cựu Tổng Biên tập Báo QĐND tại nhà riêng của ông. Ông nhìn tôi cười và nói: Mình làm Cục trưởng Cục Chính trị Quân khu 4, sau được về giữ chức Tổng biên tập Báo QĐND. Nay, đồng chí làm Cục phó Cục Chính trị Quân khu 4 cũng được Bộ điều về công tác tại Báo QĐND. Trước đó, tướng Lê Quang Hòa đã từng làm Tổng biên tập Báo QĐND, rồi lên giữ chức Phó chủ nhiệm Tổng Cục chính trị, rồi được điều động về làm Chính ủy Quân khu 4. Quả là Báo QĐND có duyên nợ với mảnh đất Quân khu 4-Khúc ruột miền Trung, nơi đào tạo nhiều tướng lĩnh tài ba của quân đội, trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Rồi ông nói tiếp: Nói về kinh nghiệm làm báo thì dài lắm. Vả lại tôi làm báo trong thời chống Mỹ, cứu nước. Bây giờ đồng chí làm báo trong thời bình, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thì khác lắm. Không thể lấy kinh nghiệm của làm báo thời chiến mà áp đặt cho làm báo thời bình; phải vận dụng phù hợp với tình hình thực tế, phải sáng tạo mới làm tốt được nhiệm vụ của Báo QĐND trong giai đoạn mới này. Nhưng tôi có một điều có thể là một bài học, một kinh nghiệm, mà hôm nay có thể nói lại với đồng chí, liệu có phù hợp hay không! Đó là Báo QĐND xuất bản hằng ngày, làm nhiệm vụ phản ánh cuộc sống hằng ngày của bộ đội và nhân dân trong cả nước, trên các lĩnh vực của cuộc sống và còn đưa tin quốc tế nữa. Mà cuộc sống thì muôn màu muôn vẻ, xảy ra rất nhiều sự kiện. Nhưng báo ta là Báo QĐND, Tổng biên tập phải biết cân nhắc, lựa chọn sự kiện nào là chính, có tác dụng đến xã hội, có liên quan đến quân đội, đến quốc phòng và an ninh để đưa lên mặt báo. Khi đã có sự kiện, lựa chọn được sự kiện thì phải đưa tin một cách khách quan, chính xác và kịp thời để đáp ứng nhu cầu thông tin của đông đảo bạn đọc. Thế vẫn chưa đủ, mà còn phải có chính kiến bình luận, hướng dẫn dư luận để tạo sự nhận tin đúng đắn, tạo được sự đồng thuận lành mạnh trong xã hội.

Thiếu tướng Phan Khắc Hải (hàng trên, ngoài cùng bên phải) dự Lễ khánh thành Bia di tích Quốc gia Báo Quân đội nhân dân tại thôn Khau Diều, xã Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên (tháng 1-2020). Ảnh: qdnd.vn.

Nếu ngày nào không có sự kiện nổi bật ở trong nước và quốc tế, thì báo phải tìm cách, lựa chọn sự kiện nào đó tuy không quan trọng mà đông đảo bạn đọc quan tâm, chờ đợi để mà tạo ra sự kiện trên mặt báo, thu hút được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Phải có cách trình bày nổi bật, cách viết, lời bình hấp dẫn, khách quan, trong sáng để thu hút bạn đọc, động viên cổ vũ bạn đọc. Có thể nói, đây là nghệ thuật làm báo, nghệ thuật tuyên truyền cổ vũ, động viên quần chúng của người làm báo phục vụ nhiệm vụ cách mạng. Ông nói, như truyền cảm hứng, truyền lửa cho tôi. Tôi chăm chú nghe mà không kịp ghi chép.

Tôi gặp Thiếu tướng Trần Công Mân tại Tòa soạn. Thiếu tướng Trần Công Mân gặp tôi với một thái độ nghiêm túc, ông nhìn tôi với con mắt như dò xét, không mấy niềm nở. Về sau, tôi mới biết đó là cá tính, cách tiếp xúc của ông, chứ bụng dạ của ông rất tốt, không có điều gì phải áy náy. Tôi đứng chào ông. Ông bắt tay tôi và mời ngồi. Ông nhìn tôi rồi chậm rãi nói: Làm báo hằng ngày rất vất vả, nhiều công việc, mà việc nào cũng quan trọng và cần thiết, đòi hỏi Tổng biên tập phải chủ động, nhạy bén, quyết đoán, nếu chậm sẽ bỏ lỡ thời cơ tin tức mà bạn đọc đang mong. Làm Báo QĐND trong thời kỳ đổi mới càng khó. Cái mới vừa được hình thành, cái cũ còn nằm ỳ ra đó. Rồi phải chống tham nhũng, tiêu cực một cách mạnh mẽ... Trong kinh tế, thì vận dụng cơ chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Còn phải tích cực chống “Diễn biến hòa bình” của các thế lực bên ngoài và những phần tử thoái hóa biến chất về chính trị, tư tưởng trong nội bộ ta... Những vấn đề mới và phức tạp mà đòi hỏi báo chí cần phải đề cập, lý giải một cách khoa học, có lý, thấu tình để động viên quần chúng, xã hội thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. Cấp trên đã chỉ thị Báo QĐND phải đi đầu và làm tốt nhất. Bây giờ đồng chí hãy tập trung thời gian xuống tìm hiểu công việc của các phòng biên tập, nhất là công việc của Phòng Thư ký tòa soạn, để bước đầu nắm được hiểu công việc của tòa soạn, của báo. Gặp gỡ đội ngũ cán bộ cấp phòng, phóng viên trao đổi cùng anh em để hiểu công việc, khó khăn, thuận lợi và tâm tư nguyện vọng của anh em trong khi thực hiện nhiệm vụ. Chính đội ngũ đó mà có nhiều kinh nghiệm, làm nên chất lượng và uy tín của tờ báo. Nên dành nhiều thời gian để làm việc đó, dần sẽ hiểu các quy trình làm báo. Sau đó còn điều gì chưa rõ, khó khăn, tôi sẽ trực tiếp trao đổi với đồng chí. Như vậy sẽ thuận tiện, cụ thể và thiết thực hơn.

Những lời căn dặn của Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, của hai cựu Tổng biên tập Báo QĐND Nguyễn Đình Ước và Trần Công Mân là hết sức tâm huyết, rất quý giá đối với tôi trong quá trình làm báo. Tôi coi đây là lớp học vỡ lòng, nhưng hết sức quan trọng về cách làm báo, về cách quản lý một cơ quan báo chí, về quy trình xuất bản báo... Tôi có thêm một ít kiến thức và kinh nghiệm làm báo. Tôi cảm thấy phấn chấn hơn, tin tưởng hơn khi bắt tay vào công việc, “ngồi vào ghế nóng”-Tổng biên tập Báo QĐND.

Buổi ra mắt Tòa soạn, cũng là buổi tôi phải trực tiếp quản lý Tòa soạn và tiếp nhận công việc điều hành việc xuất bản báo hàng ngày. Tôi giữ thái độ bình tĩnh, chân thành và cởi mở. Cùng với việc trên, tôi dành thời gian làm việc Đảng ủy, Ban biên tập, cán bộ cấp phòng và xuống làm việc lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cán bộ, phóng viên từng phòng.

Qua một thời gian làm việc, được sự giúp đỡ rất tận tình của Đảng ủy, của các đồng chí trong Ban biên tập, đặc biệt là của đội ngũ cán bộ cấp phòng và phóng viên, tôi xác định: Phải ổn định tư tưởng và tổ chức tổ Tòa soạn, tránh “Tân quan tân chính sách”, bằng mọi cách giữ vững và từng bước cải tiến, nâng cao chất lượng tờ báo, phải lắng nghe ý kiến của đội ngũ cán bộ, phóng viên chủ chốt, phải dám chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cấp trên... Đó là cách tốt nhất, nhanh nhất để xây dựng lòng tin của Tòa soạn đối với tôi.

Dần dần, công việc của Tòa soạn, từ Trị sự-hành chính, đến các phòng, ban chuyên môn, xuất bản báo đi vào ổn định. Không khí của Tòa soạn, của cán bộ, phóng viên đoàn kết, vui vẻ.

Tôi về nhận công tác tại Báo QĐND vào lúc Tòa soạn đang chuyển giao thế hệ. Hầu hết cán bộ Ban biên tập, cán bộ cấp phòng và một số phóng viên trưởng thành từ thời chống Pháp, giàu kinh nghiệm làm báo, tích luỹ nhiều tư liệu... nay tuổi đã cao lần lượt nghỉ chế độ hưu. Đây là một thiệt thòi đối với tôi. Bởi các đồng chí đó ở lại một thời gian nữa sẽ giúp tôi về kinh nghiệm làm báo, quản lý Tòa soạn. Nhưng quy định của Nhà nước, không thể đừng được. Một lớp cán bộ, phóng viên trưởng thành trong chống Mỹ, cứu nước có đồng chí được đào tạo báo chí, qua đơn vị, có đồng chí cán bộ chính trị, chỉ huy, hậu cần, kỹ thuật, trưởng thành từ đơn vị có năng lực viết báo được điều lên bổ sung cho Tòa soạn. Một số được đề bạt, bổ nhiệm vào Ban Biên tập, bổ nhiệm cán bộ cấp phòng... Một không khí mới, một tác phong làm việc mới bao trùm Tòa soạn. Đó là động lực mới để xây dựng, củng cố Tòa soạn, phát huy và nâng cao chất lượng tờ báo cả về nội dung và hình thức. Tuy nhiên, cũng có những vấn đề nảy sinh trong công tác nhân sự, xuất hiện tư tưởng đố kỵ, thiếu phục nhau.... nếu không kịp thời giải quyết, làm tốt công tác tư tưởng thì sẽ gây mất đoàn kết nội bộ, không tin nhau trong công tác. Lúc này, đòi hỏi Tổng biên tập phải hết sức tỉnh táo, tìm hiểu sự việc một cách thận trọng, cụ thể. Để từ đó cùng với cấp ủy, Ban biên tập và cấp phòng giải quyết một cách cụ thể thấu tình đạt lý, tạo được sự đoàn kết, đồng thuận trong phòng, trong Tòa soạn. Trên cơ sở đó, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, Ban biên tập từng bước củng cố, hoàn chỉnh tổ chức các phòng, bổ sung, đề bạt nhân sự, trước hết đối với cấp phòng. Qua tìm hiểu công việc và nguyện vọng của một số phóng viên được cấp ủy, cấp phòng chấp thuận, Tổng biên tập điều chuyển một số phóng viên từ phòng này sang phòng kia nhằm phát huy khả năng của phóng viên, góp phần nâng cao chất lượng trang báo, các chuyên mục. Một quyết định cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc trực xuất bản báo là cùng với các đồng chí trong Ban biên tập, bổ sung các đồng chí trưởng phòng Biên tập trực xuất bản báo hằng tuần. Việc này vừa nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ cấp phòng, vừa là cách tạo nguồn cho Ban biên tập tòa soạn, đồng thời, cũng tạo điều kiện cho các đồng chí trong Ban biên tập có thời gian để suy nghĩ về nội dung, kế hoạch làm báo, vừa có thời gian đi công tác ở đơn vị và viết bài.

Công việc quản lý Tòa soạn, điều hành xuất bản báo từng bước ổn định và có chiều hướng phát triển tốt, mối quan hệ của báo với các cơ quan Đảng, Nhà nước... được mở rộng, được Thủ trưởng TCCT, Bộ Quốc phòng và các cơ quan, đơn vị quân đội quan tâm giúp đỡ, tôi càng phấn khởi, tin tưởng vào công việc của tòa soạn, của mình. Tôi càng cảm ơn sự giúp đỡ của tòa soạn.

Với đường lối đổi mới của Đảng, đất nước ta có những bước chuyển mình, bứt phá, nhất là trên mặt trận nông nghiệp. “Những việc cần làm ngay” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã có tác dụng thúc đẩy phát triển xã hội, chống tệ nạn tiêu cực, tham nhũng. Tuy nhiên, lúc này cuộc đấu tranh về quan điểm, tư tưởng, nhận thức về đường lối đổi mới, về con đường cách mạng Việt Nam, về sự lãnh đạo của Đảng, về dân chủ, nhân quyền... được đặt ra một cách cấp bách.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của TCCT, hướng dẫn của Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương, Báo QĐND vào ngày thứ hai hàng tuần đều có bài chuyên luận chính trị, hoặc bài đấu tranh trực diện với những luận điệu vu khống, xuyên tạc đường lối, con đường cách mạng của Việt Nam của các thế lực thù địch... để làm rõ chính nghĩa, nâng cao nhận thức cho bạn đọc. Những bài chuyên luận này đều được Đài Tiếng nói Việt Nam đọc vào giờ điểm báo của Đài vào sáng thứ hai hằng tuần, nên càng nhanh, tỏa xả được bạn đọc chờ đón, tin cậy. 

Thực hiện nhiệm vụ này, Tổng biên tập phải tổ chức một nhóm công tác viên gồm các nhà lý luận chính trị ở các học viện, nhà trường và các viện nghiên cứu trong và ngoài quân đội. Tất nhiên phải xin phép cấp trên để có chế độ ưu đãi đối với các vị cộng tác viên “bấm nút” này. Mặt khác, đầu tư bồi dưỡng, trao đổi thông báo, động thái chính trị và những tư tưởng chỉ đạo của cấp trên cho một số phóng viên của tòa soạn có trình độ, năng lực viết chuyên luận, bình luận của Báo để chủ động nắm thông tin và viết bài theo yêu cầu của Tổng biên tập.

Nhớ lại những ngày đầu về nhận chức Tổng biên tập báo QĐND, tôi như ngồi vào “chiếc ghế nóng”. Cảm xúc của tôi thật hồi hộp, lo lắng, có lúc cảm thấy cô đơn, thiếu niềm tin và đặt câu hỏi: Liệu mình có đủ tư cách, khả năng để ngồi vào “chiếc ghế nóng” và sẽ ngồi được bao lâu. Nhưng rồi với bản lĩnh, ý chí, quyết tâm đã được rèn luyện trong thời gian ở quân ngũ, tôi lăn vào công việc, học hỏi, hòa nhập với cuộc sống của tòa soạn, lại được Đảng ủy, Ban biên tập, đội ngũ cán bộ, phóng viên giúp đỡ, từng bước hiểu tôi, tin tôi. Tôi quen dần với công việc. Không khí tòa soạn phấn khởi, công việc của tòa soạn, việc xuất bản báo được ổn định và có chiều hướng phát triển tốt. Tôi càng tin tập thể, càng quyết tâm hơn. Dần dần “chiếc ghế nóng” đã hạ nhiệt. Và trở thành một bộ đỡ mỗi khi tôi vấp ngã, tôi vịn vào đó để ngồi thẳng dậy, mong góp phần nhỏ bé của mình làm cho chiếc ghế ấy càng vững chắc và trân trọng.

Thiếu tướng PHAN KHẮC HẢI - Nguyên Tổng Biên tập Báo QĐND