QĐND - Những ngày đầu năm 2013, cánh rừng gỗ quý hiếm còn sót lại ở Kbang đang bị bọn lâm tặc triệt hạ. Dư luận ở Gia Lai nói chung, huyện Kbang nói riêng đang rất quan tâm chuyện “Bọn lâm tặc đã tự do triệt hạ 12 cây gỗ Hương cổ thụ quý hiếm ở xã Đak Roong” và đặt vấn đề có hay không cán bộ Kiểm lâm tiếp tay cho bọn lâm tặc lộng quyền ở vùng rừng núi phía đông tỉnh Gia Lai?
 |
Con đường lâm tặc vào để kéo gỗ ra.
|
Ngày 1-1 (Tết Dương lịch), lực lượng trinh sát Công an huyện Kbang (Gia Lai) phối hợp với Công ty Trách nhiệm Hữu hạn (TNHH) một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa đã phát hiện và bắt giữ 61 thớt gỗ hương (thuộc gỗ nhóm 1, quý hiếm) đã sơ chế để làm những bộ ngựa (phản nằm) mà người địa phương thường gọi “ngựa siêu đẳng cấp, tính tiền theo ký…” với khối lượng 26,289m3 (Báo Quân đội nhân dân đã đưa tin). Đây là một vụ phá rừng, triệt hạ gỗ quý hiếm lớn nhất từ trước tới nay và là một vụ vi phạm lâm luật nghiêm trọng ở Kbang. Chúng tôi từ thành phố Plei-cu về trung tâm huyện Kbang và từ đây phải đi xe máy hơn 30km nữa mới đến được địa bàn xã Đăk Roong. Số gỗ hương khai thác trái phép trên được bọn lâm tặc tập kết ở tiểu khu 30. Khi phát hiện, các lực lượng chức năng đã mở rộng địa bàn để điều tra thì phát hiện 12 gốc cây, đa số là gỗ Hương đã bị lâm tặc chặt trộm ở tiểu khu 83, có cây đường kính từ 60cm đến 1,1m. Đây là vùng giáp ranh, cả hai đều là lâm phần thuộc quyền quản lý của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa là rừng 3a2 (rừng sản xuất) thuộc địa phận xã Kroong (Kbang). Tại hiện trường, số lượng gỗ thu được là 26,289m3, sau khi lập biên bản, toàn bộ số gỗ này được vận chuyển về trụ sở Công an huyện Kbang.
Dưới sự chỉ đạo của UBND huyện, ngày 4-1, Đoàn công tác liên ngành gồm lực lượng Công an, Kiểm Lâm, Quản lý bảo vệ rừng… tiếp tục đến hiện trường để đo gốc cây cũng như xác định số lượng gỗ đã bị khai thác trái phép, đồng thời làm rõ việc có hay không việc lâm tặc đã tẩu tán gỗ trước khi bị cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ, đặc biệt là dư luận có hay không chuyện cán bộ Kiểm Lâm Kbang tiếp tay cho lâm tặc trong vụ án này.
 |
Những súc gỗ quý hiếm lâm tặc còn bỏ lại ven đường vào rừng Kroong.
|
Qua tìm hiểu của chúng tôi, năm 2012 huyện Kbang đã phát hiện 20 vụ khai thác gỗ trái phép, thu giữ hơn 108m3 gỗ các loại. Cùng với đó, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện 55 vụ mua bán, vận chuyển và cất giữ lâm sản trái phép với tổng khối lượng gỗ thu giữ là hơn 111m3. Số tiền xử phạt vi phạm hành chính và bán tịch thu lâm sản hơn 1,9 tỷ đồng. Đây là những con số đáng báo động, song điều đáng quan ngại hơn là số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng trên thực tế lớn hơn rất nhiều. Ở đây bọn lâm tặc thường xuyên hoạt động và rất liều lĩnh, chúng sẵn sàng chống lại Kiểm lâm và lực lượng quản lý bảo vệ rừng. Thủ đoạn của bọn chúng thường lợi dụng những ngày nghỉ, mưa gió... để triệt hạ và vận chuyển những cây gỗ quý hiếm.
Số gỗ hương vừa bị triệt hạ đã sống lâu năm trên đỉnh những ngọn núi cao, dựng đứng ở Kroong. Để chặt được một cây gỗ, bọn lâm tặc phải dùng cưa máy và tời sắt có hỗ trợ của máy nổ, loại lớn, khi hạ cây xong, chúng phân đoạn, cắt theo kích thước (ngựa-phản), sau đó cho đưa gỗ từ trên đỉnh núi xuống rồi xẻ miếng để tẩu tán, tiêu thụ. Theo nhận định, việc đưa 61 thớt gỗ Hương lớn từ địa điểm khai thác ở Tiểu khu 83 đến địa điểm tập kết tại tiểu khu 30, khoảng 4km đường rừng núi phải mất rất nhiều thời gian và quả là một chuyện không dễ nếu như không có sự tiếp tay, làm ngơ của “những người trong cơ quan kiểm lâm”?.
 |
Rừng cây ở Kbang bị tàn phá.
|
Theo thượng tá Nguyễn Văn Minh, Trưởng Công an huyện Kbang, đây là vụ khai thác gỗ trái phép với quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại huyện Kbang. Ngay sau khi phát hiện và bắt giữ số gỗ quý hiếm nói trên, lực lượng Công an huyện Kbang phối hợp với Hạt kiểm lâm trực tiếp đi kiểm tra, đo đạc lại số gỗ bị khai thác trái phép tại hiện trường. Sau khi có đầy đủ căn cứ, lực lượng chức năng sẽ khởi tố vụ án để điều tra và sẽ nhanh chóng tìm ra thủ phạm của vụ án này.
Ngày 6-1, làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Nhĩ, Chi cục trưởng - Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai cho biết: Kbang là huyện có diện tích rừng lớn nhất cả nước, rừng còn nhiều gỗ quý, cơ quan chức năng thường xuyên phối hợp tiến hành tuần tra, kiểm soát đẩy đuổi các đối tượng lâm tặc ra khỏi địa bàn, nhưng cũng không thể kiểm soát hết đã dẫn đến tình trạng phá rừng như trên. Lâm tặc ở đây chủ yếu là các đối tượng từ Quảng Bình vào cấu kết với một số người của địa phương, chúng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để qua mặt cơ quan chức năng. Trả lời câu hỏi của chúng tôi, có hay không việc lâm tặc đã tẩu tán gỗ trước khi bị cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ, đặc biệt là có hay không việc cán bộ Kiểm Lâm Kbang tiếp tay cho lâm tặc trong vụ án này, ông Nguyễn Nhĩ cho biết: “Theo báo cáo ban đầu thì lâm tặc đã triệt hạ 12 cây gỗ Hương và số gỗ thu được là 26,289m3, thì kết quả cũng tương đối chính xác. Vì cây Hương to, nhưng thấp, do phân tán cành nhiều, mà bọn lâm tặc chỉ lấy phần to, thẳng. Cán bộ kiểm lâm Kbang có tiếp tay và cố tình “làm ngơ” cho lâm tặc trong vụ án này hay không thì hiện các cơ quan chức năng đang điều tra, làm rõ. Quan điểm của chúng tôi là sai đâu sửa đó, cán bộ nào vi phạm sẽ xử lý dứt điểm, đúng người, đúng tội, cấp trên không bao che cho cấp dưới. Song một thực tế là anh em kiểm lâm ở đây làm việc rất tích cực, hiệu quả mới phát hiện ra vụ án này. Thời gian qua đã có rất nhiều anh em kiểm lâm ở đây đã bị bọn lâm tặc đánh trả làm bị thương phải vào viện cấp cứu, có đồng chí bị lâm tặc đánh gãy chân…”.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND huyện Kbang và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, hy vọng vụ án này sẽ nhanh chóng kết thúc và các thủ phạm sẽ đứng ra trước móng ngựa để nhận tội và quan trọng hơn nữa là để bảo vệ những cánh rừng gỗ quý hiếm còn sót lại, tấm phổi xanh ở vùng đất phía Đông của tỉnh Gia Lai.
Bài và ảnh: LÊ QUANG HỒI