Từ 0 giờ ngày 31-5, TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ; quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16. Ngay trong đêm, Trung tá, biên tập viên (BTV) Hồ Tấn Chí (Báo-Truyền hình Quân khu 7) cùng quay phim Phạm Ngọc Tuân có mặt ở các chốt kiểm soát trên những trục đường chính của quận 12 và quận Gò Vấp để làm phóng sự. Các anh liên tục di chuyển tác nghiệp ở những điểm phong tỏa, chốt kiểm dịch, kịp thời phản ánh đến bạn đọc và công chúng các hoạt động phòng, chống dịch. Trước đó, trong khi tác nghiệp tại Long An, BTV Hồ Tấn Chí đã chứng kiến câu chuyện cảm động của Trung sĩ Phùng Minh Phục (Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 738, Bộ CHQS tỉnh Long An). Khi Phục đang làm nhiệm vụ tại khu cách ly công dân nhập cảnh, thì nhận được tin mẹ đột ngột qua đời. Do nhiệm vụ và tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nên anh nén đau thương ở lại khu cách ly để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, dù gia đình cách đó không xa. Sự hy sinh cao đẹp, tận tâm, trách nhiệm vụ của người chiến sĩ nơi tuyến đầu ấy đã lay động trái tim hàng triệu người.
 |
Phóng viên Trung tâm PT-TH Quân đội tác nghiệp tại khu vực sàng lọc Covid-19 của Bệnh viện Qân y 175 |
 |
Phóng viên Báo-Truyền hình Quân khu 7 tác nghiệp tại "Gian hàng 0 đồng" hỗ trợ khu cách ly. |
Cũng với tinh thần tình nguyện nơi “điểm nóng”, Thượng úy, BTV Dương Ngọc Anh (Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội tại TP Hồ Chí Minh) đã nhiều lần tác nghiệp ở khu vực sàng lọc virus SARS-CoV-2 và các chốt kiểm dịch tuyến biên giới Tây Ninh, Bình Phước, Long An. Mặc dù là nhà báo nữ, nhưng Ngọc Anh luôn có mặt ở những nơi gian khó, sát cánh cùng bộ đội ngăn chặn, đẩy lùi dịch Covid-19. Chị tâm sự: “Suốt mấy ngày bám trụ trên biên giới, chúng tôi theo sát việc làm của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng, dân quân cắm chốt. Họ căng mình chống dịch, kiểm soát, ngăn chặn đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép liên tục ngày đêm trong điều kiện ăn nghỉ vội vàng, tạm bợ, giấc ngủ chập chờn, mưa nắng thất thường. Nhìn ai nấy đều phờ phạc, sạm đen vì nắng gió, tôi bỗng thấy những vất vả của mình thật nhỏ bé, chẳng thấm vào đâu so với công việc của các anh nơi tuyến đầu chống dịch”. Thiếu tá QNCN, quay phim Trần Duy Quảng (Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội tại TP Hồ Chí Minh) kể: “Được phân công tác nghiệp tại khu cách ly y tế Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, ngay lập tức, tôi chuẩn bị máy móc rồi cùng đồng nghiệp lên đường làm nhiệm vụ. Chúng tôi động viên nhau phải vào tận nơi để có những hình ảnh sống động, chân thực nhất tuyên truyền, nâng cao ý thức PCD cho toàn dân. Mặc xong bộ quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang và kính chắn giọt bắn, chúng tôi hăng hái tác nghiệp, quay từng shot hình qua 2 lớp kính bảo hộ. Mồ hôi ướt như tắm, mắt nhòe không nhìn rõ ảnh, tôi càng cảm phục sự hy sinh, vất vả của các y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch".
Kể từ khi dịch Covid-19 tái bùng phát, thực hiện chỉ đạo của Ban biên tập Báo Quân đội nhân dân, cán bộ, phóng viên, nhân viên Ban đại diện Báo Quân đội nhân dân tại TP Hồ Chí Minh xác định thực hiện nhiệm vụ với tinh thần "thời chiến", luôn sẵn sàng cơ động tác nghiệp trong mọi tình huống. Tại TP Hồ Chí Minh trong những ngày giãn cách xã hội, nhiều phóng viên cơ quan đã có mặt tại "tâm dịch" quận Gò Vấp, quận 12, phối hợp chuyển tải những thông tin, hình ảnh sinh động về hoạt động PCD của bộ đội, dân quân, công an, y tế... trên các ấn phẩm. Các nhóm phóng viên luân phiên đến địa bàn biên giới thuộc các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Long An... theo sát bước chân của Bộ đội Biên phòng để có được những thông tin, hình ảnh sinh động, sát thực nhất. Thiếu tá, nhà báo Lê Hùng Khoa (Ban đại diện Báo Quân đội nhân dân tại TP Hồ Chí Minh) kể: Trong một lần đến tác nghiệp ở khu cách ly Trường Quân sự Quân khu 7, anh rất cảm động khi chứng kiến tình cảm và sự ân cần, tận tâm của các chiến sĩ, giúp đỡ người cách ly mua sữa, cháo dinh dưỡng cho các cháu nhỏ lúc nửa đêm; giúp người nước ngoài thay đổi món ăn hợp khẩu vị; tặng quà động viên người cao tuổi trong khu cách ly... Ấn tượng nhất là hình ảnh nhóm công dân nước ngoài căng tấm băng rôn có dòng chữ “cảm ơn bộ đội Việt Nam” do chính tay họ cắt, dán, rồi cùng nhau hát vang bài "Ghen Cô Vy" bằng tiếng Anh. "Tôi thấy trào dâng niềm tự hào, xúc động, bởi hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ đã lan tỏa đến bạn bè quốc tế. Tôi giơ máy lên chụp liên tục để ghi lại khoảnh khắc tuyệt đẹp ấy như một kỷ niệm tình người xuyên biên giới trong đại dịch Covid-19 hoành hành khắp năm châu", nhà báo Lê Hùng Khoa chia sẻ.
Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH - CHÍ ANH