Có lẽ, so với các cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại trên thế giới không có bà mẹ nào có 9 con trai, một con rể, hai cháu ngoại hy sinh như mẹ Nguyễn Thị Thứ, 104 tuổi, Bà mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu nhất của Việt Nam. Chân dung mẹ được chọn làm nguyên mẫu tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng được xây dựng ở Núi Cấm (Tam Kỳ, Quảng Nam). Mẹ Thứ quê ở xóm Rừng, thôn Thanh Quýt, xã Điện Thắng Trung (Điện Bàn, Quảng Nam)-quê hương của Anh hùng-liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi. Qua gia phả tộc Nguyễn Hữu, mẹ Thứ là cháu gái đời thứ mười của ngài Tiền hiền tộc Nguyễn Hữu (Thanh Quýt) nguyên là Đặc tán Phụ quốc Thượng tướng quân Cấm y vệ, Đô chỉ huy sứ, Tư đô chỉ huy sứ Cai phủ phó tướng, tức Ngự Lộc Hầu Nguyễn Hữu Dũng.

Chân dung mẹ

Mẹ xương mai mình hạc, nhỏ nhắn vì thời gian tuổi tác, vì chiến tranh bom đạn, vì nỗi khắc khoải chờ đợi con, nỗi đau đứt từng đoạn ruột khi nhận hung tin: Con, cháu hy sinh dằng dặc trong hai cuộc chiến. Vầng trán như sóng dâng, gương mặt phúc hậu, bình thản, nhưng đôi mắt chứa đựng niềm u uẩn thẳm sâu bởi nén chịu nhiều đau thương mất mát. Khi nói chuyện miệng mẹ vẫn còn cái nét chúm chím duyên bởi hay dẫn dắt lời ăn tiếng nói đời sống hằng ngày, làn điệu dân ca, hò vè xứ Quảng.

          Người ta nói “giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”. Với mẹ, hai con mắt như giăng sương, dâng khói là một trời thương nhớ các con cháu đã hy sinh. Còn hai bàn tay mẹ đã từng dệt vải, làm thuốc lá, làm ruộng, đào hầm, bưng cơm nước, ra hiệu cảnh giác, cáng thương cho cán bộ cách mạng, bộ đội, du kích hoạt động trong làng mình, trong nhà mình, dưới hầm nhà mình. Hơn 100 tuổi rồi, mà bàn tay mẹ vẫn đẹp, vẫn ấm áp, mềm mại. “Mẹ tui, thời con gái, tóc dài, da trắng, bàn tay nõn nà chuyên nghề dệt vải. Mẹ hát hò khoan đối đáp hay, không ít trai tráng giỏi giang trong làng, trong xã mê mệt. Chừ bả già, nhưng cái nét vẫn cò ” - bà Lê Thị Trị cầm bàn tay mẹ Thứ lên vuốt vuốt, nói âu yếm như thế.

Trong quá trình thâm nhập, hỏi han, gợi ý, khai thác tư liệu về mẹ Thứ, người thân và bà con địa phương, bạn bè ở Điện Thắng cho biết, lâu lâu, nhất là lễ, Tết, có các đơn vị, cá nhân đến thắp nhang các liệt sĩ, thăm hỏi, tặng quà động viên mẹ sống lâu. Có nhiều bộ quần áo do lãnh đạo, chính quyền, ban ngành đoàn thể các cấp tặng, nhưng mẹ thích mặc chiếc áo mà Đại tá, tiến sĩ sử học Lâm Hà, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam biếu mẹ. Mẹ nói: “Con bé Hà ấy có cái tình. Hắn không phải đi thăm tui, mà về với tui như về với mẹ mình, với ngoại mình, ân cần hỏi han, săn sóc như con Cúc, xã đội trưởng, cháu ngoại tui đã hy sinh. Gặp con bé Hà ở Hà Nội, tui như gặp lại con cháu mình, gặp mấy đứa bộ đội đặc công ngoài Bắc về chiến đấu bảo vệ dân làng này”.

Tôi nhớ ngày tiến sĩ Lâm Hà về tỉ tê thuyết phục xin đưa chiếc nồi 10, gia đình mẹ từng nấu cơm cho cả tiểu đoàn bộ đội ăn, mẹ trầm ngâm hồi lâu, vì đây là vật kỷ niệm thiêng liêng sâu sắc của gia đình, nó là xương máu, tình cảm quân dân, là ruột rà gắn bó với mẹ trong suốt hai cuộc kháng chiến. Khi trao cho Bảo tàng Lịch sử quân sự, mẹ đưa hai bàn tay ra lần sờ, xoa nhẹ hai bên thành nồi, đít nồi và miệng nồi như sắp xa rời một cái gì thân thương máu thịt của gia đình mình. Tôi có cảm giác tình cảm của mẹ với chiếc nồi 10 như tình mẹ thương con. Mẹ nói: “Gia đình tui con cháu hy sinh hết trơn, hết trọi; nhà năm lần bảy lượt bị bom đạn làm sập, làm cháy, bị giặc đốt, giặc phá... tui còn không tiếc, tiếc gì cái nồi đồng khi cách mạng cần”. Nói thế, nhưng đôi mắt mẹ ứa ra vài giọt có chút ngậm ngùi.

Kỷ niệm với mẹ

Là nhà báo, nhà thơ có nhiều bạn bè, học trò ở Thanh Quýt, Điện Thắng, mỗi lần về quê mình trên Điện Hồng, tôi hay tạt lại Thanh Quýt thăm bạn, thăm học trò, thăm mẹ. Mỗi lần đến hai bàn thờ, tôi đều thắp đủ chín cây nhang, kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của các liệt sĩ là những người thân yêu nhất của mẹ. Đang nằm thiu thiu, nghe mùi hương thơm, mẹ ngồi dậy lắng nghe, thương tưởng. Bà Lê Thị Trị, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, con gái đầu của mẹ Thứ, nói to bên tai mẹ: “Anh Dũng, nhà báo bộ đội về thăm mẹ đó”.

Mẹ đưa hai tay ra sờ tìm tay tôi, lần lên mặt, nắn nắn vai như đang hình dung tìm về gương mặt các con, cháu mình. Tôi lặng đi, vì biết đây là cách tỏ bày tình cảm của mẹ dành cho cán bộ, bộ đội trước đây, cũng là tình cảm nhớ thương các con, cháu mình đã hy sinh. Nhớ ngày tướng Nguyễn Văn Thân, Tư lệnh Phòng không-Không quân “trúng” đại biểu Quốc hội ở Đà Nẵng, tôi liền gợi ý Tư lệnh giao nhiệm vụ cho Sư đoàn phòng không 375 tham gia hoạt động đền ơn đáp nghĩa, làm nhà, làm đường vô nhà mẹ Thứ. Ông sốt sắng nhận lời và vào thăm mẹ ngay. Ông quyết sắm giường mới, chăn mền mới, ti-vi mới cho mẹ và thời gian ngắn sau đó bộ đội hoàn thành ngôi nhà dưới, chất lượng cao cho mẹ ở, làm con đường tráng nhựa từ đường cái vào tới nhà mẹ cho bà con trong làng đi lại thuận tiện.

Ngày khánh thành, tôi nhớ mẹ ngồi trên chiếc xe lăn Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tặng để con cháu đẩy đi nhìn con đường tình nghĩa bộ đội làm. Sau này, khi Đại tá Lê Mã Lương, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự vào thăm, tặng quà cho mẹ, mẹ cũng “đòi” con cháu đưa lên xe lăn để đi một vòng quanh sân, quanh con đường.

Bất cứ bạn bè văn nghệ sĩ, báo chí nào ngưỡng mộ muốn đến thăm và tìm hiểu về mẹ Thứ, tôi đều nhận vinh dự làm kẻ liên lạc, dẫn đường. Hầu như bạn bè văn nghệ nào tôi đưa vào tiếp xúc để sáng tác về mẹ đều có tác phẩm có giá trị. Nhà điêu khắc Nguyễn Long Bửu, họa sĩ Dư Dư đoạt giải thưởng của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Đại tá, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng, phóng viên báo Quân đội nhân dân có chân dung mẹ Thứ trong triển lãm chân dung các Bà mẹ Việt Nam anh hùng rất ấn tượng. Mới đây, tấm ảnh của Trần Hồng đặc tả mẹ Thứ ngồi với 9 ngọn đèn cầy, 9 bát cơm, 9 đôi đũa trong ngôi nhà của mình làm nhói tim xót xa đau đớn sẻ chia cho bao người xem.

Riêng tôi, tôi viết trường ca đầu tay dâng mẹ với cái tên vừa kính trọng, thương yêu vừa rất trữ tình, thơ mộng “Thưa mẹ, phía trăng lên”. Trường ca có hay hay không còn chờ nhiều người thẩm định, nhưng tôi vui là được nhiều bà con quê Điện Thắng đánh giá là viết đúng về quê hương, gia đình và bản thân mẹ Thứ. Họ tìm đọc, hỏi thăm, xin thơ của tôi. Hồi trường ca này còn ở dạng bản thảo, tôi nhờ nhà thơ Thu Bồn biên tập, anh đọc xong, góp ý nhiều chỗ, cười nói thân tình: “Mày đã giúp tao trả nợ chính quê hương Điện Thắng của mình. Tao viết nhiều, nhưng chưa có cái nào về mẹ Thứ anh hùng cả...”.

Lê Anh Dũng (còn nữa)