 |
Đại đội phó Nguyễn Văn Hựu (ngoài cùng bên phải) cùng các đồng chí Vang, Thanh, Nghiêm và Cường của A69 trước đây, trở lại hang Hà, tháng 5-2000. Ảnh: HỒNG THẾ |
Lèn Hà bi tráng (Kỳ 1)Lèn Hà bi tráng (Kỳ 2)
Kỳ 3: Chuyện của “người may mắn”
Gọi là “người may mắn” bởi chị là một trong ba nữ chiến sĩ của tổng đài cơ vụ A69 ở Lèn Hà sống sót sau trận bom chiều 2-7-1972. Chị là Nguyễn Thị Thanh, sinh năm 1954 ở Gia Tiến, Gia Viễn (Ninh Bình). Nhà chị có năm chị em toàn là gái. Vì thế, năm 1971 mới học xong cấp hai chị xung phong đi bộ đội cho có “phần” với làng nước. Thời ấy, gia đình nào chưa có người được đi bộ đội thì bị coi là thiệt thòi. Năm đó chị vừa tròn mười bảy tuổi!
Chị tiếp tôi ngay tại phòng thường trực bảo vệ Trường bồi dưỡng cán bộ của Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam. Đây là nơi chị được bố trí làm việc từ năm 1977, sau khi xuất ngũ. Chồng chị cũng “làm bảo vệ” như anh chị vẫn tự trào với bạn bè, ấy là anh vừa may mắn kiếm được một chân trông xe đạp trong khu tập thể gia đình của Trường Bồi dưỡng cán bộ phụ nữ, sau nhiều năm ăn bám suất lương nhân viên bảo vệ của vợ. Anh cũng từng là lính Trường Sơn, được bổ sung về bộ phận đường dây của Trạm A69 sau sự kiện ngày 2-7-1972. Sau ngày đất nước thống nhất, anh được chuyển về Bộ tư lệnh Bộ đội Hóa học, đến năm 1988 thì được đơn vị cho đi xuất khẩu lao động ở Đông Âu mấy năm. Cứ theo như chính sách hiện hành của Nhà nước thì anh đã có trên hai mươi năm phục vụ trong quân đội, đủ tiêu chuẩn được hưởng lương hưu. Dăm năm nay, anh được ngành chức năng hướng dẫn làm các thủ tục giấy tờ để hưởng chế độ đãi ngộ mới. Giấy tờ thì đầy đủ, nhưng thủ tục thì quá nhiêu khê phức tạp nên vẫn chưa biết đến bao giờ mới xong…
Chị Thanh chủ động cắt ngang câu chuyện thủ tục:
- Thôi, chuyện đó nói sau! Dù sao tôi cũng thực sự là người may mắn hơn mười ba đồng chí trạm A69 đã hy sinh. Nhất là so với mười bạn nữ cùng tiểu đội đã ngã xuống hôm ấy, thì tôi thật may mắn và hạnh phúc ngàn lần vì có gia đình, chồng con đầm ấm, vợ chồng hôm sớm có nhau, hai con một trai một gái đều đã tốt nghiệp đại học và có việc làm. Bây giờ tôi kể tiếp chuyện A69 ở Lèn Hà nhé!
Và tôi hình dung sự việc qua câu chuyện của chị như sau:
Hôm ấy, sau bữa cơm trưa, ba chị em Nguyễn Thị Thanh, Phạm Thị Vang và Nguyễn Thị Nghiêm lên hang vào phiên trực. 13 giờ 20 phút, có tiếng máy bay gầm rú trên đầu. Đó là âm thanh quen thuộc thường ngày nên mọi người không để ý. Bỗng “bụp, bụp, bụp” liên tiếp mấy tiếng nổ phát ra phía dưới chân lèn, kèm theo là những cột khói đen ngòm đùn lên mỗi lúc một to bao trùm dãy nhà ăn, nhà ở, hội trường… của trạm. Hình như có tiếng của anh Trình trạm trưởng vừa hét to phía dưới: “Bom chỉ điểm, chúng sắp đánh đấy!”. Ngay lúc ấy một loạt bom đinh tai nhức óc ập xuống, sức ép từ ngoài quật vào xô nghiêng bộ tổng đài tải ba to cồng kềnh như một chiếc tủ đứng. Theo phản xạ tự nhiên, cả ba chị em đeo nguyên tổ hợp tai nghe cùng nhào lên đỡ khối máy. Đang loay hoay chống đỡ, lại một loạt bom nữa, lần này tiếng nổ nhỏ hơn nhưng ánh chớp sáng lòa. Sau này mọi người mới biết, loạt bom thứ nhất là bom phát quang, loạt tiếp theo là bom cháy. Khi phát hiện địch thả bom khói chỉ điểm, anh Đàm Văn Trình là trạm trưởng đang ở dãy nhà ban chỉ huy vội kéo thêm anh Trần Văn Xây là nhân viên kỹ thuật, cùng chạy lên tổng đài để bảo vệ máy và sẵn sàng khắc phục sự cố. Khi hai anh vừa chạy đến chân lèn thì địch thả loạt bom phát quang và hai người đã hy sinh ở đoạn dốc gần cây trơng cổ thụ.
Ba chị em đang căng sức với khối máy chao đảo thì anh Lương, nhân viên nguồn điện đang trực ở ngách hang phía trên vội chạy xuống hỗ trợ. Đúng lúc ấy loạt bom thứ hai vang lên, một mảnh bom văng lên vòm hang, rơi suýt trúng đầu cô Vang. Cô Thanh vừa cúi người nhặt hòn đá chèn chân máy thì một mảnh bom khác xoẹt ngang phía trên đầu, chém vào vách đá một tiếng “choang” rồi rơi xuống trước mặt mọi người, khói xanh từ mảnh bom bốc lên khét lẹt. Chưa ai kịp hoàn hồn thì một loạt bom bi vang lên, tiếp đó là đì đoàng những tiếng bom bi nổ chậm, lúc cấp tập, lúc thưa thớt. Vòm hang lách cách, leng keng, rào rào… bởi tiếng những viên bi bắn vào…
Lửa đã bùng lên ở khu lán dưới chân lèn! Từ hang xuống đó chỉ độ hai trăm mét nên mọi người như cảm được hơi nóng quạt lên từ những ngôi nhà đang rừng rực cháy. Nghe rõ cả tiếng người hô hoán, tiếng con gái kêu la. Lửa như đang cháy trong lòng mỗi người trên hang. Thanh định chạy xuống thì thấy một người đang chạy lên, không, đang bò lên. Trời ơi, chị Lung, toàn thân đang bốc khói, quần áo bị cháy, đầu tóc bị cháy nham nhở… Anh Lương nhào xuống bế xốc Lung chạy lên hang, nhưng loay hoay không bước qua được những tảng đá lưỡi mèo lởm chởm. Thanh chạy xuống hỗ trợ dìu lên, đặt Lung nằm xuống nền bê tông chân đế máy nổ. Anh Lương nói như quát:
- Đi chặt một cây chuối, mau!
Xung quanh hang có rất nhiều chuối rừng, thường ngày không ai dám chặt vì để ngụy trang và giữ nguồn nước suối. Nhưng bây giờ thì Thanh vác dao băng ra chặt ngay một cây, cũng không hiểu anh Lương bảo chặt để làm gì. Vác cây chuối lên vai, nhảy được ba bước thì cả người cả chuối lăn xuống hố. Anh Lương phải chạy đến kéo Thanh lên. “Chúng mày có dao kéo gì không?”. Thanh gật đầu, chạy lại hốc hang lôi ra cái hòm “đồ nghề” nữ công của mấy chị em, nhặt chiếc kéo mang lại. Hai người loay hoay cắt những miếng vải cháy nham nhở dán vào da thịt Lung, rồi thái những lát thân chuối thật mỏng, đặt vào vết bỏng. Thanh làm theo sự hướng dẫn của anh Lương như một cái máy, không hỏi, không thắc mắc. Sau này có người hỏi anh Lương tại sao lại làm như thế, anh nói cũng không biết. Chỉ nhớ hình như trước đây có người nói chữa vết bỏng bằng mủ cây chuối. Khi đỡ cây chuối trên vai Thanh, thấy mát lạnh bàn tay, liền nghĩ ngay cách thái mỏng thân chuối áp vào vết thương cho đỡ nóng, thế thôi!
Lửa vẫn cháy bừng bừng phía dưới! Đại đội phó quân sự Nguyễn Văn Hựu từ chân lèn chạy lên, áo quần tơi tả, mặt mũi nhem nhuốc, đứng sững trước mặt mọi người. Tất cả đồng thanh: “Anh em dưới đó làm sao không?”. Anh Hựu rắn rỏi:
- Nhà cháy nhưng không ai việc gì, đang cùng dân quân dập lửa, cứu hàng…
Sau này anh Hựu nói rằng lúc ấy anh đã biết hết tất cả, nhưng sợ mọi người không chịu nổi đau đớn. Vả lại, nhiệm vụ giữ vững thông tin lúc này là quan trọng cấp bách nhất, phải để chị em tập trung vào nhiệm vụ này. Nhưng ngay lúc ấy có mấy dân quân địa phương cũng chạy lên xem người và máy móc trên hang có bị gì không, do không nắm được ý anh Hựu nên đau đớn thông báo mười chị em dưới đó đã hy sinh. Thanh, Vang và Nghiêm oà lên khóc, toan chạy xuống với chị em. Anh Hựu chặn lại, giọng nghẹn ngào nhưng kiên quyết:
- Các em phải ở lại… Chỉ còn ba đứa chúng mày thôi… Mỗi phút đứt liên lạc là chiến trường biết bao hy sinh… Chúng mày hiểu không?
Thanh như bừng tỉnh, vội chạy về vị trí tổng đài, bật tất cả các lá báo máy nhưng tất cả đều tắt ngóm. Thanh soát lại một lần nữa, chỉ còn một đôi tuần hộ (âm tần) để đấu vào các tổ đường dây, nhưng tín hiệu chập chờn, rất yếu. Loay hoay mãi, cuối cùng đôi tuần hộ cũng liên lạc được với tổ 23 của trạm:
- A lô, đề nghị 23 liên lạc với trung đoàn, thông báo là A69 ở Lèn Hà bị trúng bom. Mười ba người chết. Tổng đài hỏng nặng…
Đó là phiên liên lạc suốt đời Nguyễn Thị Thanh không thể nào quên!
Anh Hựu yêu cầu Thanh, Vang và Nghiêm tiếp tục bám máy tìm cách liên lạc. Anh và Lương chạy xuống tổ chức các lực lượng khắc phục đường dây. Hơn một giờ sau, bằng hệ thống dây bọc thay thế tạm thời, A69 đã liên lạc thông suốt với Hà Nội. Những lá báo máy lại đổ rào rào, lách cách như reo. Gương mặt ba cô gái đã ánh lên niềm vui, dù trong lòng vẫn đang đau xót rối bời…
Đau thương, căng thẳng, bận rộn… cuốn hút mọi người. Mãi đến khi anh nuôi dò dẫm bưng lên một nồi cháo, tất cả mới sực nhớ đã gần mười giờ đêm, bên ngoài cửa hang tối đen như mực. Nào thì mời mọi người dừng tay ăn cháo. Cháo gà hẳn hoi nhé! Thanh mở nắp vung, eo ơi, cháo gà gì mà khét lẹt như cơm khê thế này? Thanh tìm chiếc ca “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” múc đầy một ca cho đại đội phó. Ô, cháo gà mà vàng vàng đo đỏ như chè mật mía thủ trưởng ạ. Đồng chí nuôi quân phân trần: “Tìm mãi mới thấy con gà này bị bom vứt lên đọt cây đùng đình. Hót mãi mới được nhúm gạo cháy còn sót trong kho lương thực đấy. Anh Hựu và các cô thông cảm nhé…”. Khách sáo quá, thông cảm cái nỗi gì? Có cháo mà ăn thế này là hoan hô anh nuôi lắm rồi. Thanh gắp vào bát anh Hựu miếng thịt gà nãy giờ mấy chị em ý tứ nhường nhau. Anh Hựu gắp trở lại, ân cần như một người anh trai:
- Các em phải giữ gìn sức khỏe mà làm việc. Bây giờ chúng mày là tài sản quý nhất của trạm đấy. Ít nhất cũng phải nửa tháng nữa mới có người bổ sung. Những ngày sắp tới sẽ vô cùng khó khăn: Người thiếu, nhà cháy, lương thực và thực phẩm chẳng còn gì… Nhưng anh em ta quyết tâm giữ vững thông tin liên lạc. Bây giờ thế này nhé: Kể từ nay anh sẽ là đại đội phó trực tiếp chỉ huy tổ tổng đài. Anh cũng sẽ trực máy như các em. Anh và Vang một ca. Thanh và Nghiêm một ca. Chúng mày đồng ý không?
(Còn nữa)
MAI NAM THẮNG
Kỳ sau: Chỉ xin cho người đã khuất....