Nằm ở phía Đông TP Đà Lạt (Lâm Đồng), hồ Than Thở được người Pháp xây dựng từ những năm đầu của thế kỷ 20 giữa rừng thông xanh mát. Cạnh hồ Than Thở là đồi thông Hai mộ, cũng là một thắng cảnh đẹp gắn với câu chuyện về tình yêu đôi lứa. Vẻ đẹp mộng mơ cùng huyền thoại hấp dẫn khiến khu vực này trở thành một trong những địa danh nổi tiếng nhất Đà Lạt gần một thế kỷ qua. Năm 1999, hồ Than Thở được công nhận “Di tích danh thắng cấp quốc gia”. Tuy nhiên, hiện nay, địa danh này đang bị xâm hại, xuống cấp trầm trọng. Diện tích mặt hồ liên tục bị thu hẹp bởi tình trạng bồi lắng. Hằng năm, vào mùa mưa, bùn đất cùng khối lượng lớn bao bì thuốc bảo vệ thực vật, phế phẩm nông nghiệp, rác thải sinh hoạt tràn xuống lòng hồ. Đồi thông Hai mộ bị các hộ dân sống xung quanh đào khoét, lấn chiếm làm vườn, xây nhà ở...
Thác Cam Ly thuộc địa bàn phường 5, TP Đà Lạt mang vẻ đẹp thơ mộng, từng đi vào nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật, được công nhận là "Di tích danh thắng cấp quốc gia" từ năm 1998. Thế nhưng, tất cả chỉ còn trong hoài niệm, bởi Cam Ly hiện đã thành dòng thác "chết". Mỗi ngày, nguồn nước thải chưa qua xử lý của TP Đà Lạt đổ dồn về đây. Dòng thác quanh năm đen ngòm, sủi bọt, bốc mùi hôi thối. Anh Nguyễn Văn Hùng, hướng dẫn viên du lịch tại Đà Lạt than thở: “Nhiều khách du lịch tới Đà Lạt đề nghị chúng tôi dẫn đi thăm thác Cam Ly vì địa danh này quá nổi tiếng. Tuy nhiên, chúng tôi đều phải tìm mọi cách từ chối, bởi không muốn du khách thất vọng”.
 |
Nguồn nước của thác Cam Ly bị ô nhiễm nặng nề. |
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Lâm Đồng, toàn tỉnh có 11 danh lam, thắng cảnh đã được công nhận "Di tích danh thắng cấp quốc gia"; nhiều danh lam, thắng cảnh khác được xếp hạng "Di tích danh thắng cấp tỉnh". Đây chính là nguồn lực quan trọng đối với ngành du lịch của địa phương và trên thực tế hầu hết các khu, diểm du lịch tại Lâm Đồng đều hình thành trên các danh thắng đó. Vậy nhưng, ngoài một số danh thắng được bảo vệ, đầu tư, khai thác hiệu quả thì không ít danh thắng khác đang xuống cấp, hoang phế, không đáp ứng được các tiêu chí theo Luật Di sản văn hóa.
Theo lãnh đạo Sở VHTT&DL tỉnh Lâm Đồng: Hầu hết danh thắng tại Lâm Đồng hiện đã giao cho các doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần du lịch trong và ngoài tỉnh quản lý, khai thác. Do tiềm lực tài chính hạn hẹp, năng lực quản lý yếu kém, thiếu trách nhiệm, chỉ chú trọng khai thác mà không quan tâm đầu tư, tôn tạo, thậm chí quá trình kinh doanh thua lỗ, phá sản nên nhiều doanh nghiệp đã để mặc cho danh thắng xuống cấp, hư hại. Điển hình như Khu du lịch thác Hang Cọp rộng gần 400ha tại xã Xuân Thọ (Đà Lạt) do Công ty Cổ phần Én Việt Lâm Đồng làm chủ đầu tư nhưng trong thời gian dài, nơi này bị bỏ hoang, trở thành khu đổ rác thải của người dân địa phương. Nhiều danh thắng, như: Thác Voi, thác Bobla, núi Langbiang... cũng trong tình cảnh tương tự.
Công tác quản lý, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa là trách nhiệm của hệ thống chính trị mà trực tiếp là chính quyền và ngành văn hóa địa phương. Tuy nhiên, thời gian qua, tại Lâm Đồng, việc phân cấp, phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa tốt, đội ngũ cán bộ chuyên trách thiếu năng lực và tinh thần trách nhiệm; kiểm tra, đánh giá chất lượng hệ thống danh lam, thắng cảnh chưa thường xuyên, hiệu quả; kinh phí đầu tư, tôn tạo hạn chế... thậm chí có tình trạng phó mặc cho nhà đầu tư dẫn tới chất lượng danh thắng ngày càng suy giảm. Bên cạnh đó, tình trạng phá rừng, tốc độ đô thị hóa ồ ạt cùng nhiều hoạt động khác của con người cũng là những tác nhân khiến hệ thống danh thắng tại Lâm Đồng đứng trước nguy cơ bị hủy hoại. Do không còn giữ được các giá trị cảnh quan nguyên gốc, thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã phải đề nghị Bộ VHTT&DL đưa 2 danh thắng, gồm: Thác Liên Khương và thác Gougah ra khỏi danh sách di tích danh thắng cấp quốc gia.
Trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo, tỉnh Lâm Đồng xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế động lực, xây dựng Đà Lạt thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp mang tầm khu vực và quốc tế. Để hiện thực hóa mục tiêu trên thì vấn đề quan trọng là phải bảo vệ, phát huy được hệ thống danh thắng của địa phương. Bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Sở VHTT&DL sẽ tiến hành rà soát, đánh giá, lập hồ sơ toàn bộ hệ thống danh thắng trên địa bàn; tăng cường công tác quản lý Nhà nước, đồng thời khẩn trương đầu tư, tôn tạo các danh thắng bị xuống cấp, tham mưu cho UBND tỉnh kiên quyết thu hồi những dự án kém hiệu quả; có giải pháp nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, của doanh nghiệp đối với công tác bảo vệ, phát huy giá trị của hệ thống danh thắng trên địa bàn”.
Bên cạnh các giải pháp mang tính tình thế, tỉnh Lâm Đồng cần có chiến lược tổng thể, lâu dài nhằm ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm trái phép đất đai, kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất nông nghiệp, xây dựng các công trình thủy điện, dân cư, khắc phục tình trạng ô nhiễm, bảo vệ sự bền vững của hệ sinh thái… qua đó giúp các danh thắng giữ được vẻ đẹp và sự hấp dẫn, góp phần bảo vệ thương hiệu du lịch Lâm Đồng.
VŨ ĐÌNH ĐÔNG