Đồng chí Võ Văn Kiệt tặng ông Dương Văn Đe, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến xã Úc Kỳ tháng 1-1952 trước khi trở về Nam chiến đấu. Ảnh tư liệu

11 năm trước Thủ tướng Võ Văn Kiệt (ngày 17-5-1997) lên khảo sát di tích lịch sử chiến khu Việt Bắc và cắt băng khai trương Nhà trưng bày An toàn khu (ATK) Định Hóa ở chân đèo De do Công ty Việt Bắc thi công vừa xong.

Là Giám đốc Bảo tàng tỉnh, tôi được báo cáo với Thủ tướng về 128 điểm di tích lịch sử ATK Định Hóa. Việc thực hiện dự án bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng và phát triển kinh tế-xã hội vùng ATK Định Hóa (1995-2000), được Thủ tướng quyết định phê duyệt 70/TTg ngày 27-1-2005. Sau khi hướng dẫn Thủ tướng thăm, dâng hương tại di tích Tỉn Keo, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa hội nghị Bộ Chính trị ngày 6-12-1953 quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, xem tổ hợp trưng bày về lịch sử ATK… trên nhà sàn trưng bày, tôi chúc sức khỏe Thủ tướng và cảm ơn ông lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất chiến khu xưa. Không ngờ Thủ tướng cười rất tươi và nói chuyện cho mọi người cùng nghe: Đây không phải là lần đầu tiên mà ông trở về quê hương thứ hai của mình, bởi vì đầu xuân 1951, ông đã cùng đoàn cán bộ miền Nam đi bộ ba, bốn tháng trời ra Chiêm Hóa, Tuyên Quang dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng. Sau đó ông vượt đèo De sang học tại trường Đảng Nguyễn Ái Quốc tại Làng Luông, Bình Thành, Định Hóa, rồi được Trung ương cử xuống thâm nhập thực tế về việc vận động đồng bào công giáo ở vùng tề, giáp ranh 2 xã Úc Kỳ và Nhã Lộng, huyện Phú Bình… Ông hứa về sẽ gửi Nhà trưng bày ATK Định Hóa bức ảnh Bác Hồ chụp cùng đại biểu miền Nam trong đó có ông. Thủ tướng nói: Tôi rất xúc động khi trở về thăm lại An toàn khu của Trung ương, nơi Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ được đồng bào chở che, đùm bọc đã lãnh đạo cuộc kháng chiến đi tới thắng lợi. Quần thể di tích chiến khu Việt Bắc với Pác Bó (Cao Bằng), Sơn Dương, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) và ATK Định Hóa… “là một trong những quần thể di tích quan trọng bậc nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX…”. Ngay sau đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có văn bản chỉ đạo Bộ Văn hóa-Thông tin (VH-TT) và các tỉnh Việt Bắc tạm ngừng tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng ATK, giao cho Bộ VH-TT chủ trì xây dựng dự án quy hoạch, phục hồi, bảo vệ tôn tạo giá trị di tích lịch sử Việt Bắc ở 6 tỉnh gắn với phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao dân trí vùng chiến khu xưa. PGS.TS Phạm Mai Hùng, Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam đảm nhận trách nhiệm thường trực của Bộ VH-TT phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh và UBND 6 tỉnh và Đề án quy hoạch tổng thể đầu tư phục hồi, bảo tồn, tôn tạo và phát huy khu di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến “Chiến khu Việt Bắc” được Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt tại Quyết định số 984/QĐ-TTg ngày 25-10-1999. Đó chẳng là “cái tâm”, “cái tầm” của một nguyên thủ quốc gia “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đó sao?

Ông Trương Văn Đe (tức Nguyễn Tâm) nguyên Chủ tịch xã Úc Kỳ những năm 1951, 1952 nhớ lại: “Hồi ấy trên cử về 3 anh Nam Bộ là anh Võ Văn Kiệt, anh Mậu, anh Tín ở đây hoạt động vào khoảng 6 tháng. Lúc bấy giờ xã Úc Kỳ, xã Nhã Lộng là vùng tề, giáp ranh với vùng địch tạm chiếm. Nhã Lộng là nơi tập trung đông bà con công giáo sinh sống, tình hình rất nguy hiểm và khó khăn ác liệt trong cuộc đấu tranh giữa ta và địch. Tôi cùng trao đổi lại kinh nghiệm đi lại, công việc đoàn thể, xây dựng Đảng, kể cả việc đào hầm bí mật dưới bờ tre trổ đường vào từ bờ ao, vận động bà con công giáo tham gia hoạt động cách mạng, chống các hoạt động phá hoại chính quyền của thổ phỉ từ trong ra… 6 tháng chia ngọt sẻ bùi, ăn cùng mâm, ngủ cùng hầm, lán ở nhà cơ sở, các anh lại quay trở vào Nam. Anh Kiệt có tặng tôi bức ảnh. Đã 56 năm còn rất rõ gương mặt cương nghị, đầy bản lĩnh, bảnh trai của lớp thanh niên cách mạng trong những ngày kháng chiến hào hùng của dân tộc.

Phía sau ảnh có bút tích “Tặng Đe để nhớ mãi…

Ngày 3-1-52

Kiệt Nam Bộ”

Sau tôi được các anh cho biết gia đình các anh đều bị địch sát hại. Đã 4 lần anh Võ Văn Kiệt lên Thái Nguyên, đợt đầu năm 1983, đều đến thăm tôi hoặc mời tôi lên huyện ủy, Tỉnh ủy để gặp rất ân tình. Anh còn tặng tôi bức ảnh cắt băng khai trương Nhà trưng bày ATK Định Hóa và thăm di tích Bác Hồ ở Tỉn Keo. Chúng tôi hẹn nhau vào mùa xuân năm nay cả tôi và tổ 3 anh Nam Bộ ở Phú Bình, Thái Nguyên gặp nhau làm một bữa cơm ở nhà anh Kiệt tại Thành phố Hồ Chí Minh nhưng không thực hiện được nữa rồi. Anh đã đột ngột ra đi để trong lòng chúng tôi bao thương tiếc.

Đồng chí Vũ Ngọc Linh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Thái đã ở độ tuổi gần 90 cho biết: “Anh Võ Văn Kiệt có tình cảm rất sâu nặng với đồng bào các dân tộc Thái Nguyên… Có lần lên công tác ở Thái Nguyên, anh Kiệt nhắc lại với chúng tôi hồi ấy đi công tác qua thị xã Thái Nguyên đổ nát vẫn vào ăn phở cái quán phía dưới cầu Gia Bẩy nhưng rất yên tâm vì đã có người đánh kẻng báo động máy bay của giặc Pháp, không biết ông đánh kẻng bây giờ còn không? Chúng tôi có phỏng vấn nhà văn Kim Lân (năm 2002), tác giả của truyện Cha con ông lão đánh kẻng ở Thái Nguyên, thì nhà văn cho biết chưa một lần gặp họ, nhưng được nghe rất nhiều người kể về cha, con ông đánh kẻng báo động máy bay giặc Pháp cho mọi người xuống hầm, rất tận tụy ngày đêm nổi tiếng ở vùng chiến khu Việt Bắc mà viết nên truyện.

Chúng tôi đứng lặng trước bức ảnh nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt trẻ trung với chiếc áo cổ màu sáng bên Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng trưng bày tại Bảo tàng ATK Định Hóa mà rưng rưng nghĩ tới ông-“Kiệt Nam Bộ), về tâm đức đầy ân nghĩa với đồng bào các dân tộc Việt Bắc. Ông cũng là một người vừa có tâm, có tầm và có công trong sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị di tích chiến khu Việt Bắc.

ĐỒNG KHẮC THỌ