QĐND - Thiếu tướng Nguyễn Văn Khiêm (Nguyễn Duy Hoàng, bí danh Sáu Trí - nguyên Trưởng phòng Quân báo Đặc khu trước năm 1954, nguyên Thủ trưởng cơ quan Tình báo Miền, nguyên cán bộ Cục Nghiên cứu (Bộ Tổng Tham mưu), là người được đồng chí Phan Kiệm chỉ đạo, đưa vào hoạt động tình báo trong lòng địch. Ông kể: “Tháng 3-1953, tôi đang làm công tác quân báo thì được Đặc khu ủy Sài Gòn – Chợ Lớn (viết tắt là S/C) phái vào hoạt động nội tuyến trong hàng ngũ địch, làm việc trong các cơ quan an ninh của địch cho đến tháng 8-1962. Thời gian này, tôi được đọc nhiều tài liệu báo cáo của Công an Sài Gòn, trong đó có nhiều tài liệu điều tra, hỏi cung đồng chí Phan Kiệm sau khi đồng chí bị bắt. Tôi rất khâm phục ý chí kiên trung, tài năng, bản lĩnh của đồng chí Phan Kiệm. Chính nhờ sự kiên trung của đồng chí Phan Kiệm đã giúp tôi và các đồng chí khác hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ khi hoạt động trong lòng địch”.
Từ hồi ức của Thiếu tướng Nguyễn Văn Khiêm kết hợp với các tư liệu trong di cảo đồng chí Phan Kiệm để lại, chúng tôi được biết trong thời gian bị giam cầm, đồng chí Phan Kiệm đã trải qua những cuộc đấu trí căng thẳng, sát cánh cùng đồng chí, đồng đội của mình chống lại những âm mưu thâm độc của kẻ thù.
 |
Tấm ảnh vợ và hai con gái được đồng chí Phan Kiệm bí mật mang theo vào tù. Ảnh do bà Dương Kim Bằng cung cấp.
|
Sau gần 2 tháng hỏi cung, tra tấn, không khuất phục được Phan Kiệm, Công an Ngô Quyền và lực lượng Đặc cảnh bị Ngô Đình Nhu khiển trách. Việc tra khảo Phan Kiệm được bàn giao lại cho Tỉnh trưởng Nguyễn Trân và Trưởng ty Công an Kim Anh. Tháng 12-1957, Phan Kiệm bị giải từ Sài Gòn về Định Tường (nay là TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Phan Kiệm đã được đích thân Tỉnh trưởng Nguyễn Trân, và trưởng Ty Công an Kim Anh đến bắt tay ra vẻ thân mật rồi đón vào một căn phòng rộng rãi, sang trọng, các bàn tiệc đã bày sẵn, trong đó đã có khoảng 50 người ngồi đợi. Như một kịch bản đã chuẩn bị chu đáo, vừa thấy Phan Kiệm bước vào, tất cả ùa tới chào, bắt tay Phan Kiệm rất thân mật. “Tra tấn mình không xong, đến lượt chúng nó giở trò tâm lý chiến mua chuộc đây”. Phan Kiệm nghĩ nhanh và tìm cách đối phó. Ông vừa ngồi xuống, lập tức một giọng nói quen quen cất lên. Phan Kiệm nhận ra, đó chính là tên Y., một tên chiêu hồi đang làm tay sai cho địch. Giọng hắn giả lả:
- Anh em chúng tôi ở đây ai cũng biết anh Năm (tức Phan Kiệm). Hôm nay rất vui mừng được gặp lại anh, được đón anh về bằng bữa tiệc này. Rất mong anh Năm hiểu cho tình cảm của anh em. Anh em ta đều biết cả rồi đấy, tình thế bây giờ đã khác trước, chúng tôi đã trở về với Chính phủ quốc gia...
Phan Kiệm biết ngay, đây là “bài” của Nguyễn Trân. Hắn đã cho lập cái gọi là “Ban Xây dựng” để vận động, lôi kéo ông. Tên Y. vừa dứt lời, Phan Kiệm cũng đứng dậy, nói lớn:
- Tôi cũng rất vui mừng được gặp lại anh em năm xưa. Tuy nhiên trong buổi gặp mặt này, tôi chỉ xin uống ly nước trà, không ăn uống thứ gì khác, vì chúng ta ở đây quá khác xa nhau, khác đến mức đối nghịch nhau. Cách mạng tuy tạm thời còn nhiều khó khăn nhưng nhất định thắng lợi vì đó là chính nghĩa, tôi không thể nào làm một tên phản bội. Điều này tôi đã từng nói và làm ở Sài Gòn. Nay bị dẫn giải về đây, ngày mai có thể bị đày đọa, giam cầm ở đâu đó nữa thì tôi vẫn kiên quyết không phản bội Tổ quốc. Còn anh em, mỗi người hãy tự suy nghĩ và hành động cho lẽ phải. Sự hối cải không bao giờ muộn. Cách mạng luôn vị tha đón những người biết quay đầu trở lại, đừng mắc tiếp sai lầm để sau này chuốc lấy tai họa.
Nguyễn Trân quá bất ngờ trước sự “phản pháo” quyết liệt của Phan Kiệm. Hắn ra lệnh bắt nhốt Phan Kiệm ngay lập tức, mặc cho bữa tiệc chưa ai kịp cầm đũa. Ngay sau đó, Nguyễn Trân và Kim Anh lệnh cho tên Sáu Nhiều, Trưởng phòng Điều tra sử dụng đám cảnh sát thẳng tay tra tấn ông bằng đủ loại cực hình. Phan Kiệm chết đi sống lại nhiều lần nhưng vẫn không hé răng khai báo gì.
Trong lúc đó, tình hình cách mạng ở Định Tường đang hết sức khó khăn vì Định Tường là tỉnh bị địch chọn làm điểm để đánh phá. Ở nhà lao, địch sử dụng chiêu bài “Tố cộng”, đấu tranh với anh chị em tù nhân với những thủ đoạn hết sức dã man. Vừa giữ vững khí tiết cách mạng, Phan Kiệm và các đồng chí cán bộ, đảng viên cốt cán trong nhà lao vừa tổ chức cho tù nhân đấu tranh chống lại chính sách "Tố cộng" của địch. Anh chị em “tương kế tựu kế” khai báo mâu thuẫn làm cho Nguyễn Trân và Kim Anh nghi ngờ lẫn nhau gây mất đoàn kết. Đặc biệt, Phan Kiệm và đội ngũ cán bộ đảng viên cốt cán trong tù đã cảm hóa được nhiều anh chị em trong cái gọi là “Ban Xây dựng” do Nguyễn Trân lập nên. Sáu Nhiều, tay Trưởng phòng Điều tra vốn khét tiếng ác ôn cũng bất mãn với Nguyễn Trân, dần dần có thiện cảm với ta.
Kinh nghiệm lãnh đạo đấu tranh chống học tập “Tố cộng” ở Sài Gòn giúp Phan Kiệm và các đồng chí cốt cán ở xà lim nghĩ ra cách đối phó với giọng điệu xuyên tạc của địch. Biến nguy cơ thành thời cơ, anh chị em tù học “Tố cộng” theo lối “phản huấn”, tức là vừa học vừa tranh thủ hỏi, thảo luận, phát biểu ý kiến của mình, qua đó đưa những lập luận chính trị của ta để phản bác những luận điệu xuyên tạc của địch nhằm ổn định chính trị tư tưởng cho tù nhân. Thời điểm đó, có anh Xuân Lê, một cán bộ có trình độ lý luận giỏi bị đẩy vào xà lim giam chung với Phan Kiệm. Hai đồng chí bàn bạc phương án hành động. Một hôm tên Liên, Trưởng ban Cải huấn vào xà lim, Phan Kiệm khéo léo nói với hắn:
- Sao các ông cứ nhốt tụi tôi hoài không cho ra ngoài học tập. Ngồi trong này nghe chữ được, chữ mất, chả hiểu gì cả.
Gì chứ tù nhân mà có tinh thần học tập là hắn chịu liền. Vậy là Phan Kiệm và Xuân Lê được đưa ra ngoài học “Tố cộng” chung với các tù nhân khác. Chờ cho chúng giảng bài xong, hai ông liền giơ tay phát biểu thảo luận. Bằng những lập luận sắc bén, giàu tính thuyết phục, hai ông đã khéo léo phản bác lại các luận điệu bỉ ổi của chúng. Sự việc ấy như một cơn gió thổi bùng phong trào “phản huấn”. Để dập tắt ngọn lửa “phản huấn”, chúng đưa những anh chị em hăng hái nhốt vào một phòng nhỏ cạnh xà lim rồi dồn Xuân Lê và Phan Kiệm qua đó.
Một hôm, bọn cải huấn dẫn vào một nhân vật có tên là Châu, trước từng ở Khu 9 tập kết ra Bắc, sau đó vượt tuyến vào đầu hàng địch. Hắn được đưa đến nhà lao để tuyên truyền xuyên tạc về miền Bắc. Ý đồ của bọn cải huấn muốn thông qua miệng lưỡi kẻ phản bội để tuyên truyền, nói xấu Đảng, làm lung lạc ý chí của anh chị em. Xuân Lê và Phan Kiệm đã lên án, vạch mặt, nguyền rủa kẻ phản bội. Để đối phó lại phong trào “phản huấn”, chúng tách Phan Kiệm và Xuân Lê đưa trở lại Ty Công an sau đó lại tống trở lại xà lim. Tháng 2-1959, qua thầy Năm, Phan Kiệm biết tin Nguyễn Trân sắp tổ chức một cuộc tranh luận công khai giữa người của "quốc gia" và các ký giả tại thị xã Mỹ Tho trước đông đảo viên chức và nhân dân, có nhiều nhà báo, nhiếp ảnh gia từ Sài Gòn về tham dự. Trân nói rằng, cuộc tranh luận được tổ chức bình đẳng, dân chủ, quần chúng làm trọng tài. Nếu Cộng sản thắng thì Trân theo Cộng sản, nếu "quốc gia" thắng thì những người đang theo Cộng sản phải ly khai theo "quốc gia".
Phan Kiệm viết thư gửi Trân tỏ ý hoan nghênh sáng kiến của hắn về cuộc tranh luận “bình đẳng, dân chủ, công khai” và đề nghị cho Phan Kiệm, Xuân Lê và một số anh chị em ở nhà lao ra tham gia. Nguyễn Trân từ chối lời đề nghị ấy với lý do, sợ ra chỗ đông người Phan Kiệm sẽ trốn thoát. Bị từ chối, bên ta đưa ra yêu cầu được phép gặp anh chị em ký giả trước khi tranh luận. Trân buộc phải chịu, nhưng chỉ cho gặp khoảng 45 phút ngay ở xà lim. Tối đó, bọn cải huấn đưa 13 anh chị em ký giả đến gặp Phan Kiệm. Anh Xuân Lê nói chuyện với bọn cải huấn, còn Phan Kiệm bàn riêng với ký giả. Phan Kiệm phán đoán những nội dung Nguyễn Trân sẽ đem ra tranh luận và cùng anh chị em ký giả bàn bạc, thống nhất những nội dung phản biện để đánh bại Trân.
Sáng hôm sau cuộc tranh luận được bắt đầu trước hàng ngàn người, mấy chục ký giả, quay phim, nhiếp ảnh và rất nhiều người từ Sài Gòn về dự. Loa phóng thanh phát oang oang. Nguyễn Trân hí hửng mở màn bài diễn thuyết của mình. Cứ sau mỗi phát biểu xuyên tạc của Trân lại có một ký giả phát biểu phản bác lại lập luận của hắn. Dần dần đuối lý, Trân nổi giận không còn đếm xỉa gì đến cái “bình đẳng, dân chủ” mà trước đó hắn đã nói, hắn chiếm luôn mi-crô rồi tuyên bố chấm dứt tranh luận. Hôm sau, một tờ báo ở Sài Gòn đăng bài với cái tít to tướng: “Tỉnh trưởng Nguyễn Trân bị thất bại thảm hại”. Trân bị một phen bẽ mặt.
Sau vụ đó, Nguyễn Trân bị Diệm, Nhu khiển trách rồi cách chức Tỉnh trưởng. Hết sức cay cú, đầu tháng 5-1959, Trân tống 30 anh chị em tù từ Định Tường lên địa ngục trần gian Phú Lợi và cử bọn mật vụ theo sát "nhất cử nhất động". Để nhổ cái gai nhức nhối đang đâm vào mắt địch, chúng lại tống Phan Kiệm và một số anh chị em cốt cán về nhà lao Gia Định và bị phân tán nhỏ đi nhiều nơi: Đặc cảnh miền Đông, bót Hàng Keo, bót Bà Hòa… để tiếp tục tra khảo, hỏi cung. Không moi thêm được gì, chúng lại đưa anh chị em về giam ở xà lim Gia Định chờ ngày đày đi Côn Đảo.
Ghi chép của PHAN TÙNG SƠN
Kỳ 1: Chim bằng tung cánh
Kỳ 3: Cuộc tẩu thoát ngoạn mục