QĐND Online - Cái tên Khun Há đã đủ cho người nghe nghĩ đến một nơi xa xôi cách trở của huyện Tam Đường (Lai Châu) với nhiều khó khăn chồng chất. Phải chịu trăm nỗi thiệt thòi -điện, đường, trường, trạm còn đang thiếu thốn đủ bề. Trong bối cảnh ấy, những người làm công tác "trồng người" ở đây rất vất vả. Cơ sở vật chất, trình độ dân trí, tình hình kinh tế địa phương như đang đối đầu với nỗ lực của những "kỹ sư tâm hồn" nơi ấy...
Vượt khó!
Cách trung tâm huyện chỉ 47km, nhưng đoạn đường trải cấp phối xuống cấp nặng sau những tháng mùa mưa khiến cho giao thông đi lại của Khun Há trở nên khó khăn. Phải vất vả lắm, chúng tôi mới đến được trung tâm xã. Qua trao đổi với đồng chí Cứ A Sử - Phó Chủ tịch UBND xã - chúng tôi được biết: Khun Há có ba bậc học (mầm non, tiểu học và trung học cơ sở) nhưng chỉ có cơ sở vật chất, trường lớp cho bậc học mầm non và tiểu học là được đầu tư xây dựng, còn bậc trung học cơ sở vẫn chưa có, phải dùng chung với trường tiểu học. Trong khó khăn chung đó, cuộc sống của các thầy cô giáo nơi này cũng vất vả không kém.
 |
Tập hát bài: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” |
Trường tiểu học là ngôi nhà hai tầng có 8 phòng và hai dãy nhà kiên cố dành cho học sinh. Giáo viên trong trường phải tự túc nơi ở bởi chính quyền xã và nhà trường chỉ có thể dựng được một căn nhà tạm 5 gian làm nơi ở của 15 thầy cô giáo. Kinh phí ít, nhà đã dựng từ năm 2006 nên những gian phòng này xuống cấp nhanh. Trong phòng, các thầy cô giáo phải mua bạt về căng dưới mái nhà vì trời mưa vẫn dột lỗ chỗ. Mùa đông ở trong những căn phòng này rất rét bởi gió, sương lạnh có thể lùa vào nhà từ mọi góc, qua bức vách đất đã mục, thủng khắp nơi.
Chỗ ở đã vậy, điều kiện sinh hoạt của những người gieo chữ ở đây cũng khó khăn không kém. Đầu tiên là nước sinh hoạt; hiện tại, để có nước dùng giáo viên phải đi lấy nước cách đó cả trăm mét vì đường nước sạch đưa về trường từ lâu đã không còn chảy!
Điện sinh hoạt là vấn đề nan giải. Đã có cột điện cao thế đưa về đến sân trường nhưng dòng ánh sáng diệu kỳ ấy vẫn chưa về.
Xã không có chợ, mọi vật dụng thiết yếu cho công việc và sinh hoạt đều ra tận trung tâm huyện nên thức ăn ở đây phải mua dự trữ cả tuần bởi con đường xa vời quá. Ông Cứ A Sử - Trưởng ban chỉ đạo phổ cập của xã cho biết: "Các thầy cô giáo ở xã này khổ lắm! Chỗ ở đã khó, điều kiện sinh hoạt còn khó hơn. Muốn đi chợ chúng tôi phải ra tận trung tâm huyện vì quanh vùng không có chợ...".
Hoàn thành nhiệm vụ
Khó khăn là vậy nhưng những năm qua công tác giáo dục ở nơi nằm trong tốp khó khăn nhất của huyện đã thu được những thành quả đáng kể. Tuy gần 100% dân số trong xã là đồng bào dân tộc thiểu số, mặt bằng dân trí thấp, phong trào đi học chưa được đẩy mạnh, song với lòng nhiệt tình vận động, cắm bản, đến tận nhà khuyên giải của giáo viên… tỷ lệ trẻ em đến lớp trong độ tuổi đã tăng đáng kể. Năm học 2007 – 2008 này toàn xã có 101 em học sinh 5 tuổi, huy động ra lớp đạt 100%. Tỷ lệ học sinh bỏ học cả ba cấp học ở đây những năm qua đang dần được hạn chế.
 |
Học sinh vừa nấu cơm chung vừa học bài |
Con số phản ánh những nỗ lực của giáo dục Khun Há là năm qua 100% học sinh của cả hai hệ phổ thông và phổ cập đỗ tốt nghiệp THCS. Thầy giáo Nguyễn Xuân Thảo – Hiệu trưởng trường THCS xã cho biết: "
Vẫn biết là rất khó khăn nhưng chúng tôi đang nỗ lực hết mình để đảm bảo chất lượng dạy và học, phấn đấu đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở đúng thời gian đã định". Theo kế hoạch, đến tháng 12-2007, xã phấn đấu được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Năm học này số học sinh 6 tuổi vào lớp một đạt 99%, tổng số trẻ từ 11 đến 14 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học là 78%. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học chống mù chữ cũng đã thu được những kết quả đáng mừng: tổng số người trong độ tuổi từ 15 đến 25 biết chữ đã là 96%, tỷ lệ trẻ 14 tuổi hoàn thành tiểu học đạt 74%... Những kết quả đó phần nào thể hiện được những thành quả của thầy và trò nơi đây.
Niềm vui giản dị cho một tương lai
Cô giáo Nguyễn Thị Thoa tâm sự: "Lúc mới lên nhìn căn nhà mà thấy tủi thân, muốn bỏ về nhưng các em học sinh lại là niềm động viên mình ở lại. Ở mãi rồi cũng quen. Nhưng ở trong nhà tạm thế này thì lúc nào cũng nơm nớp. Những lúc mưa to gió lớn ở trong phòng mà sợ nó sập khi nào không hay...". Khó khăn là vậy nhưng những kỹ sư tâm hồn nơi đây luôn biết tự tạo niềm vui trong cuộc sống để có thêm nghị lực bám trụ với sự nghiệp trồng người nơi đất khó này.
Trong những gian phòng tuềnh toàng của giáo viên vẫn có đàn ghi ta, chuông gió, ảnh chân dung nghệ sĩ. Các thầy giáo nuôi cả một đôi chim hoạ my, còn các cô giáo thì trồng hoa trong vườn trường. Những niềm vui nho nhỏ ấy sẽ là động lực giúp giáo viên nơi này tiếp tục bám trụ với sự nghiệp để gieo lên những mầm xanh cho nơi "cuối đất" của huyện.
Khi tôi đến, khu trọ của các em học sinh vang tiếng đàn ghi ta. Năm, sáu em học sinh xúm quanh cây đàn tập chơi bài "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng". Tuy tay đàn chưa ngọt, âm chưa chuẩn, bấm phím, chạy gam chưa nhanh nhưng các em say sưa lắm. Cuộc sống xa gia đình, xa sự che trở bảo bọc của người thân, các em cần một niềm vui để quên đi những khó khăn sẽ phải đương đầu, để đi theo những ước mơ từ khi còn là học sinh bán trú.
Hình ảnh theo tôi suốt quãng đường rời Khun Há là cảnh các em học sinh trong những bộ quần áo mỏng manh vẫn đến trường mặc cho trời giá rét, dãy nhà tập thể giáo viên lụp xụp khi sương chiều xuống. Nhưng cũng thật đáng mừng khi tại nơi này vẫn có những giáo viên hàng ngày đương đầu với gian khó để đưa Khun Há đạt được các chỉ tiêu của tỉnh đề ra. Không còn xa, nữa Khun Há sẽ đi lên từ những bước đi bền vững của ngày hôm nay.
Bài và ảnh: Khánh Kiên